Keywords: Virtual currency, legal framework, completing the law.
1. Đặt vấn đề
Tại Việt Nam hiện nay, cùng với sự phát triển của CMCN 4.0, thị trường tài chính trong nước đã xuất hiện nhiều sản phẩm, dịch vụ công nghệ số, phương tiện thanh toán trực tuyến, điện tử mới như tiền ảo, tiền điện tử, mô hình cho vay ngang hàng… như một xu thế tất yếu trong kỷ nguyên công nghệ. Gần đây, hàng loạt các loại tiền ảo đã du nhập vào Việt Nam như Bitcoin, Onecoin, ILCOIN, Gemcoin, Octa… Cùng với đó là mô hình kinh doanh tiền ảo cũng xuất hiện. Tại Việt Nam, mặc dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã khẳng định rõ việc sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Tuy nhiên, ở nước ta, việc giao dịch bằng tiền ảo vẫn đang diễn ra phổ biến với tính chất phức tạp, khó kiểm soát, dễ bị biến tướng, ẩn chứa nguy cơ trở thành mảnh đất màu mỡ để tội phạm hoành hành. Thực tế, việc sử dụng giao dịch tiền ảo đã để lại những hậu quả khó lường, tuy nhiên, ở Việt Nam, khung pháp lý điều chỉnh về tiền ảo vẫn chưa đảm bảo đầy đủ, hoàn thiện. Chính điều này đã tạo ra lỗ hổng pháp lý gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước đối với tiền ảo cũng như tạo cơ hội cho các đối tượng lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, lừa đảo, trục lợi, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người sử dụng và nhà đầu tư tiền ảo. Do đó, việc đẩy mạnh nghiên cứu hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo một cách hoàn chỉnh nhằm hạn chế, ngăn chặn, kiểm soát có hiệu quả các rủi ro, lạm dụng liên quan, cũng như phòng ngừa hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực này là vô cùng quan trọng và cấp thiết. Điều này không chỉ phù hợp với xu hướng chung của các quốc gia mà còn là giải pháp hữu hiệu để Việt Nam chủ động hội nhập cũng như ứng phó với các tác động của CMCN 4.0 trong bối cảnh hiện nay.
2. Khái quát về tiền ảo
Tiền ảo là một dạng tiền kỹ thuật số, được mã hóa, lưu trữ và vận hành trong hệ thống máy tính kết nối mạng Internet ngang hàng, không được phát hành bởi Chính phủ hay một tổ chức tài chính. Hiện nay, chưa có một khái niệm chung thống nhất về tiền ảo mà tùy vào từng quốc gia, từng chủ thể và góc độ nghiên cứu mà tiền ảo được định nghĩa với nhiều cách khác nhau. Cụ thể:
Theo cách định nghĩa của Ngân hàng Trung ương châu Âu (European Central Bank - ECB): “Tiền ảo là một loại tiền kỹ thuật số không được điều chỉnh bởi ngân hàng trung ương; được ban hành và kiểm soát bởi nhà phát triển, được sử dụng và chấp nhận giữa các thành viên của cộng đồng ảo nhất định”. Tiền ảo có thể được chia làm 02 loại chính bao gồm: (i) Tiền ảo không thể quy đổi và (ii) Tiền ảo có thể quy đổi. Tiền ảo không thể quy đổi là loại tiền được phát hành và sử dụng trong môi trường thế giới ảo như trong một số Games online tuân theo các nguyên tắc sử dụng riêng và không thể quy đổi ra tiền pháp định (như USD, Euro…), còn tiền ảo có thể quy đổi là loại tiền ảo có giá trị tương đương với tiền thật và có thể chuyển đổi ra tiền pháp định và ngược lại (như Bitcoin, Altcoins, Litecoin, Perfect Money, Webmoney...). Đến năm 2015, ECB đã có sự điều chỉnh đáng kể định nghĩa về tiền ảo. Theo đó, tiền ảo là sự hiển thị số của giá trị, không được phát hành bởi tổ chức tài chính hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ tiền điện tử, trong vài trường hợp tiền ảo có thể được sử dụng thay thế cho tiền1.
Theo Văn phòng trách nhiệm chính phủ Mỹ (United States Gorverment Accountabiliy Office - GAO) trong một nghiên cứu của mình đã đưa ra định nghĩa: “Tiền ảo là một đơn vị trao đổi số hóa, không được bảo đảm bởi một đồng tiền chính thức do Chính phủ phát hành. Tiền ảo có thể được sử dụng rộng rãi trong một nền kinh tế ảo (là nền kinh tế được định nghĩa bao gồm các hoạt động kinh tế giữa các nhóm cộng đồng, tương tác với nhau thông qua các thiết lập ảo) hoặc có thể được sử dụng thay cho đồng tiền chính phủ để mua bán hàng hóa dịch vụ trong một nền kinh tế thực”2.
Theo Lực lượng đặc nhiệm về hoạt động tài chính (FATF), tiền ảo được hiểu là một biểu hiện của giá trị dưới dạng số có thể có trong giao dịch kỹ thuật số với các chức năng như:
(i) Một phương tiện trao đổi; và/hoặc (ii) Một đơn vị kế toán; và/hoặc (iii) Một hình thức lưu trữ giá trị nhưng không phải là tiền pháp định trong một quốc gia, vùng lãnh thổ nào; không được bất cứ một quốc gia, vùng lãnh thổ nào phát hành hoặc bảo đảm; các chức năng trên chỉ được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận trong cộng đồng người sử dụng của loại tiền ảo đó.
Theo Chỉ thị số 2108/843 ngày 30/5/2018 của Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố đã chỉ ra, tiền ảo có nghĩa là một đại diện kỹ thuật số của giá trị không được phát hành hoặc bảo đảm bởi một ngân hàng trung ương hoặc cơ quan nhà nước, không gắn với tiền pháp định hay mang giá trị pháp lý như tiền pháp định nhưng được cá nhân hoặc pháp nhân chấp nhận như một phương tiện trao đổi và có thể được chuyển giao, lưu trữ và giao dịch điện tử.
Theo Tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hóa (ISO), tiền ảo là loại tài sản ảo có tính chất tiền tệ, tức là có thể được sử dụng làm phương tiện trao đổi hay một tài sản có giá trị trong một môi trường cụ thể như trò chơi điện tử hay trong một trò chơi mô phỏng giao dịch tài chính.
Ở Việt Nam, mặc dù đã xuất hiện rất nhiều loại tiền ảo khác nhau, tính đến tháng 4/2021, Việt Nam có hơn 20 loại tiền ảo phổ biến như: Bitcoin (BTC), Ethereum (ETH), Binance Coin (BNB), RIPPLE (XRP), Tether (USDT), Cardano (ADA), Polkadot (DOT), Dogecoin (DOGE), Uniswap (UNI), Litecoin (LTC)... trong đó, đồng Bitcoin (BTC) là loại tiền ảo được sử dụng phổ biến nhất, tuy nhiên tại Việt Nam vẫn chưa có khái niệm chính thức về đồng tiền này. Theo PGS., TS. Phùng Trung Lập thì tiền ảo là “biểu hiện kỹ thuật số của giá trị có thể có trong giao dịch kỹ thuật số và có các chức năng là phương tiện trao đổi; là một đơn vị kế toán, lưu trữ giá trị, nhưng không phải là tiền pháp định tại một quốc gia nào. Tiền ảo không được phát hành, không được bảo đảm của pháp luật của quốc gia nào. Các chức năng của tiền ảo được xác định trên đây chỉ được thực hiện theo ý chí thỏa thuận của các chủ thể trong cộng đồng, những người sử dụng tiền ảo trong giao dịch”3.
Như vậy, từ các định nghĩa trên, có thể thấy rằng, tiền ảo là loại tiền không có hình dạng vật lý cụ thể, nó không thể cầm nắm, không có giá trị thực và được tạo ra trong môi trường điện tử; hay nói cách khác, tiền ảo là một sản phẩm có giá trị tồn tại dưới hình thức kỹ thuật số được phát hành bởi một cá nhân hoặc tổ chức, không phải là đồng tiền pháp định do Chính phủ của một quốc gia nào đó phát hành, có giá trị sử dụng trong cộng đồng mạng hoặc có thể được sử dụng để thực hiện việc trao đổi, thanh toán với các loại hàng hóa, dịch vụ khác4.
3. Thực trạng chính sách, pháp luật Việt Nam về tiền ảo
Theo nhiều nguồn thông tin thì tiền ảo ra đời vào năm 2008 do một người có tên là Satoshi Nakamoto đã sáng tạo ra và người này cũng là cha đẻ đồng Bitcoin, những năm sau đó, các đồng tiền ảo khác như Ethereum (ETH), Binance Coin (BNB), Tether (USDT)... cũng lần lượt ra đời5. Vào những năm 2013 - 2014, đồng tiền ảo Bitcoin cũng đã bắt đầu len lỏi vào Việt Nam, kéo theo sự góp mặt của hàng loạt đồng tiền ảo khác như: Onecoin, ILCOIN, Pi, Gemcoin, Octa, Win, CBR, GEM, Silling, ETM, ESR, BKC, VNDC6... Khi du nhập vào Việt Nam, tiền ảo đã thu hút một lượng người quan tâm và tham gia đầu tư bởi sự hấp dẫn từ những quảng cáo về lợi nhuận thu được từ việc tăng giá của các loại tiền này khi đầu tư. Mặc dù NHNN đã nghiên cứu và khẳng định rõ việc sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ, tuy nhiên, các hoạt động giao dịch ngầm, đầu tư, mua bán tiền ảo, huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO) vẫn diễn ra khá sôi động, đặc biệt là hoạt động sử dụng tiền ảo để huy động vốn theo phương thức đa cấp ngày càng diễn biến phức tạp, điều này làm gia tăng các loại hình thức lừa đảo, đặc biệt trên môi trường điện tử. Trước thực trạng đó, Nhà nước ta cũng đã có những chính sách điều chỉnh về loại tiền này để góp phần hạn chế rủi ro, hệ lụy tiêu cực cho xã hội cũng như góp phần phát hiện kịp thời, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tiền ảo. Cụ thể:
Về phía NHNN, ngày 27/02/2014, lần đầu tiên ra thông cáo báo chí về Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác. Theo nội dung của thông cáo, NHNN đã khẳng định: Các quy định của pháp luật hiện hành về tiền tệ và ngân hàng, Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do vậy, việc sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Việc sở hữu, mua bán, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ. Do vậy, NHNN khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.
Đồng thời, tại Công văn số 5747/NHNN-PC ngày 21/7/2017 của NHNN gửi Văn phòng Chính phủ về việc trả lời kiến nghị của ông Vũ Thái Hà về việc thiết kế trung tâm máy tính Bitcoin, Litecoin và các loại tiền ảo, đã thông báo rõ về việc không công nhận đồng Bitcoin cũng như đồng tiền ảo khác là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Đồng thời, cơ quan này cũng có văn bản cấm các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán; các tổ chức tín dụng không được sử dụng Bitcoin và các loại tiền tương tự khác như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng.
Bên cạnh đó, ngày 28/10/2017, trong văn bản gửi các cơ quan báo chí, NHNN cũng đã khẳng định, Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam7.
Ngoài ra, đến ngày 13/4/2018, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo. Chỉ thị đưa ra yêu cầu các đơn vị có liên quan (các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; các đơn vị tại trụ sở chính NHNN; NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) nghiêm túc thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường kiểm soát, xử lý các giao dịch liên quan tới tiền ảo trên cơ sở thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 11/04/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.
Về phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, kể từ ngày 29/01/2018 đã có thông báo trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan này nhằm khuyến cáo các nhà đầu tư phải hết sức cẩn trọng khi “chơi tiền ảo”, đầu tư vào các tài sản ảo để tránh nguy cơ rủi ro, mất mát. Đồng thời, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã ban hành Công văn số 4486 ngày 20/7/2018 đề nghị các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán, không được thực hiện hoạt động phát hành, giao dịch và môi giới tiền ảo trái pháp luật.
Trước những diễn biến khó lường và những ảnh hưởng tiêu cực của các hoạt động liên quan đến tiền ảo tại Việt Nam, ngày 21/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Theo Quyết định này, việc hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo phải hướng tới ba mục tiêu: (i) Nghiên cứu, nhận diện đầy đủ, chính xác bản chất của tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo theo kinh nghiệm nước ngoài và thực tiễn Việt Nam; mối quan hệ với tài sản thực, tiền thực; vai trò của tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo và tác động của tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo tới pháp luật; (ii) Rà soát, đánh giá thực trạng khung pháp lý về tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo của Việt Nam; kinh nghiệm điều chỉnh của nước ngoài và tác động tới hệ thống pháp luật liên quan của Việt Nam nhằm nhận diện và xác định thái độ của cơ quan nhà nước đối với các vấn đề pháp lý liên quan; đề xuất các nhiệm vụ, công việc cụ thể và những định hướng để xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo nhằm đảm bảo tương ứng với các rủi ro liên quan để kiểm soát, giảm thiểu các rủi ro này nhưng không được ảnh hưởng đến sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo, đảm bảo tính linh hoạt để phù hợp với sự thay đổi trong sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, thương mại điện tử; (iii) Phân công trách nhiệm, lộ trình thực hiện cho các bộ, ngành liên quan để xử lý các vấn đề đặt ra. Quyết định này đã đặt nền móng cho việc nghiên cứu và ban hành các quy định pháp luật liên quan đến tiền ảo trong tương lai tại Việt Nam. Ở tầm chính sách, điều đó thể hiện sự cần thiết, cấp bách của việc xây dựng khung pháp lý để điều chỉnh các vấn đề liên quan đến tiền ảo tại Việt Nam8.
Bên cạnh đó, để mạnh tay hơn trong việc hạn chế những rủi ro, hệ lụy cho xã hội do tiền ảo gây ra và kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, ngày 11/04/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác. Chỉ thị đã đề cập đến những rủi ro và hệ lụy của các hoạt động liên quan đến tiền ảo như: Người chơi tiền ảo dễ gặp rủi ro; nguy cơ sử dụng tiền ảo cho hoạt động tội phạm (rửa tiền, tài trợ khủng bố, chuyển tiền bất hợp pháp, trốn thuế, lừa đảo...); hoạt động đầu tư, mua bán tiền ảo, huy động vốn qua phát hành tiền ảo; đặc biệt là hoạt động sử dụng tiền ảo để huy động vốn theo phương thức đa cấp ngày càng diễn biến phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính, trật tự an toàn xã hội và có thể gây rủi ro rất lớn đối với tổ chức, cá nhân tham gia. Trên cơ sở những cảnh báo nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực của hoạt động liên quan đến tiền ảo, Chỉ thị đã yêu cầu các bộ, ngành có liên quan thực hiện việc quản lý các hoạt động liên quan đến tiền ảo nhằm hạn chế những rủi ro, hệ lụy cho xã hội; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, tại Nghị định số 80/2016/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11//2012 về thanh toán không sử dụng tiền mặt, đã quy định tiền ảo là phương tiện thanh toán không hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, sử dụng tiền ảo là tiền tệ, phương tiện thanh toán sẽ bị xử lý theo Nghị định số 88/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/11/2019 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Ngoài ra, theo quy định tại điểm h, khoản 1, Điều 206 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017, từ ngày 01/01/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo các quy định trên, có thể thấy rằng, việc sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán tại Việt Nam là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật9.
Vào tháng 5/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã quyết định thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo, nhằm triển khai công tác nghiên cứu, đề xuất các nội dung chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ, có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo. Tại nhiều địa phương cũng đã vào cuộc tăng cường kiểm tra để phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới hoạt động tiền ảo.
Như vậy, từ các chính sách, pháp luật nêu trên, có thể thấy rằng, hiện nay việc điều chỉnh về tiền ảo dưới khía cạnh pháp lý chưa được đảm bảo toàn diện mà mới dừng lại ở việc ban hành các thông cáo báo chí, công văn, chỉ thị mang tính chất khuyến cáo mà chưa có một khung pháp lý hoàn thiện, đầy đủ để điều chỉnh hiệu quả về tiền ảo. Điều này sẽ không chỉ tạo ra nhiều lỗ hổng trong quy định pháp luật mà còn gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý, kiểm soát tiền ảo và xử lý các vi phạm pháp luật liên quan đến tiền ảo. Thực tế hiện nay, do thiếu khung pháp lý điều chỉnh nên việc hiểu và xác định các vấn đề pháp lý liên quan đến tiền ảo còn nhiều bất cập và chưa tạo được sự thống nhất trong công tác quản lý. Mặc dù dưới khía cạnh thanh toán, NHNN đã xác định rõ “Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam và các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng”. Tuy nhiên, dưới góc độ hàng hóa, theo Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/05/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử thì Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không nằm trong danh mục hàng hóa kinh doanh bị cấm theo hình thức thương mại điện tử. Trong khi đó, Cục Thương mại điện tử Bộ Công Thương lại cho rằng, “Bitcoin không đáp ứng các đặc tính cơ bản của hàng hóa hay dịch vụ do đó Bitcoin không phải là hàng hóa, hay dịch vụ”11. Hay dưới góc độ của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao thì “hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh về hành vi khai thác Bitcoin và các loại tiền ảo, do vậy, chưa có căn cứ pháp lý để xử lý loại hành vi này”11. Hoặc dưới góc độ Tổng cục Thuế thì cho rằng, tiền ảo là tài sản (động sản) theo Bộ luật Dân sự, là hàng hóa theo Luật Thương mại; hoạt động mua bán tiền ảo là hoạt động mua bán hàng hóa12. Như vậy, có thể thấy rằng, chính sự chưa có khung pháp lý điều chỉnh rõ ràng về tiền ảo đã dẫn đến việc tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau về tiền ảo, điều này tạo ra nhiều khó khăn, mâu thuẫn trong công tác kiểm soát và quản lý tiền ảo. Hơn nữa, đây cũng là cơ hội để các đối tượng lợi dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo, trục lợi thông qua các hoạt động đầu tư, kinh doanh tiền ảo trong khi việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm này là việc không hề dễ dàng.
4. Một số đề xuất, kiến nghị
Từ các vấn đề phân tích nêu trên có thể thấy rằng, hiện nay, khung pháp lý điều chỉnh về tiền ảo tại Việt Nam còn rất hạn chế, điều này đặt ra rất nhiều thách thức và hệ lụy tiêu cực trong cách tiếp cận, kiểm soát và quản lý tiền ảo tại Việt Nam. Vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu đưa ra các giải pháp để góp phần hoàn thiện pháp luật về tiền ảo trong bối cảnh hiện nay là điều rất quan trọng và cấp thiết. Theo đó, một số giải pháp cần phải nghiên cứu áp dụng có thể kể đến như:
Thứ nhất, về quy định pháp luật, tiếp tục tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về tiền ảo trên cơ sở lưu ý một số vấn đề sau:
Một là, cần đưa ra định nghĩa rõ ràng, thống nhất về tiền ảo. Thời gian qua mặc dù thuật ngữ tiền ảo được sử dụng một cách thông dụng, tuy nhiên, việc định nghĩa một cách thống nhất về tiền ảo là gì thì chưa có một văn bản pháp luật nào quy định rõ. Điều này dẫn đến xuất hiện nhiều cách hiểu không thống nhất và thậm chí là có sự nhầm lẫn trong việc xác định giữa tiền ảo với tiền điện tử. Việc chưa có được một khái niệm chính thức về tiền ảo trong các văn bản pháp luật Việt Nam đã tạo ra rào cản và khó khăn khi xác định các vấn đề pháp lý liên quan đến tiền ảo cũng như giải quyết các tranh chấp hoặc các hoạt động liên quan đến tiền ảo trong thực tiễn13. Chính vì vậy, việc đưa ra một khái niệm rõ ràng, cụ thể, thống nhất về tiền ảo trong các văn bản pháp luật Việt Nam là điều cần thiết. Điều này không chỉ là căn cứ giúp cho việc tiếp cận, xác định được tiền ảo một cách chính xác mà còn là cơ sở quan trọng phục vụ cho việc xây dựng các quy định pháp luật khác có liên quan đến tiền ảo.
Hai là, cần ghi nhận tiền ảo là một loại tài sản, được phép lưu thông có điều kiện. Hiện nay, tiền ảo có được xem là một loại tài sản dưới góc độ pháp luật dân sự hay không thì vẫn còn là một vấn đề đang tranh cãi và chưa có sự thống nhất. Có quan điểm cho rằng, tiền ảo là một loại quyền tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự 201514; có quan điểm khác thì lại cho rằng, tiền ảo hiện nay không phải là một loại tài sản được công nhận trong Bộ luật Dân sự 201515. Sự không thống nhất trong cách hiểu nêu trên là do quy định pháp luật, đặc biệt là các quy định pháp luật dân sự chưa có quy định nào khẳng định tiền ảo là một loại tài sản. Hơn nữa, chính việc chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể tiền ảo có phải là một loại tài sản hay không đã dẫn đến việc không thể thống nhất được trong việc xác định các nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến tiền ảo cũng như việc điều chỉnh các quan hệ dân sự như sở hữu, thừa kế, hợp đồng hay bồi thường thiệt hại liên quan đến tiền ảo cũng gần như rơi vào khoảng trống, không có một cơ chế để giải quyết một cách phù hợp16. Chính vì vậy, để khắc phục vấn đề này, Bộ luật Dân sự 2015 cần có sự điều chỉnh theo hướng ghi nhận tiền ảo là một loại tài sản mới trong Bộ luật Dân sự. Việc thừa nhận tiền ảo là một loại tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự là điều cần thiết bởi điều này vừa phù hợp với xu thế chung của quốc tế vừa tạo được cơ sở pháp lý vững chắc cho việc xây dựng và ban hành các quy định liên quan đến tiền ảo tại Việt Nam. Bên cạnh đó, do tiền ảo có tính ẩn danh rất cao nên việc kiểm soát danh tính của chủ sở hữu tiền ảo rất khó, vì vậy, việc lưu thông tiền ảo với tư cách là một loại tài sản sẽ cần phải đáp ứng những điều kiện nhất định để hạn chế tình trạng các chủ thể sử dụng tiền ảo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật rất khó kiểm soát như rửa tiền, tài trợ khủng bố... Theo đó, cần phải có quy định riêng biệt đối với các công ty cung cấp các dịch vụ liên quan đến tiền ảo hoặc xếp nó thuộc loại ngành nghề kinh doanh có điều kiện để ràng buộc trách nhiệm của các công ty này đối với khách hàng17. NHNN sẽ là cơ quan chủ quản quản lý đối với các công ty này. Đồng thời, việc giao dịch, trao đổi tiền ảo cần phải được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi thực hiện. Đặc biệt, để hạn chế tối đa những rủi ro cho các bên tham gia và dễ dàng kiểm soát các hoạt động liên quan đến tiền ảo, Việt Nam chỉ nên công nhận các giao dịch liên quan đến tiền ảo đối với các ví giao dịch được đăng ký và có danh tính, đồng thời cấm tuyệt đối các hoạt động liên quan đến tiền ảo ẩn danh và xa hơn có thể áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự đối với các chủ thể thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo không đăng ký18.
Ba là, tiếp tục không công nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán. Hiện nay, NHNN đã khẳng định, Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam19. Việc tiếp tục cụ thể hóa quan điểm này của NHNN vào hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh về tiền ảo là cần thiết bởi nếu cho phép sử dụng tiền ảo để làm phương tiện thanh toán sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro ở cả góc độ quản lý nhà nước, hoạt động tài chính - ngân hàng và người sử dụng. Thực tế, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu chấp nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán sẽ đặt ra rất nhiều thách thức cho hệ thống tài chính - ngân hàng cũng như việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương nhất là các vấn đề liên quan đến kiểm soát các mục tiêu, lạm phát, nguồn cung tiền, lãi suất, tỷ giá...20 Bên cạnh đó, do hiện nay điều kiện về cơ sở hạ tầng công nghệ, kỹ thuật cũng như trình độ nhận thức của người dân về tiền ảo chưa cao, vì vậy, nếu cho phép sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán vừa chưa đảm bảo đủ điều kiện để vận hành, vừa tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người sử dụng. Chính vì vậy, việc cụ thể hóa vào các quy định pháp luật về việc tiếp tục không công nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán trong bối cảnh giai đoạn hiện nay và trong tương lai gần tại Việt Nam là điều cần thiết.
Bốn là, tiếp tục nghiên cứu đưa ra các quy định xử phạt cụ thể, đầy đủ, rõ ràng để phục vụ kịp thời cho việc áp dụng xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến tiền ảo, đặc biệt là các chế tài xử phạt đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ tiền ảo không được cấp phép hoặc đăng ký, không tuân thủ các biện pháp phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố... Các chế tài xử phạt này không chỉ dừng lại ở việc áp dụng cho các tổ chức cung ứng dịch vụ tiền ảo mà còn quy định áp dụng cho cả các chủ thể có liên quan đến giao dịch tiền ảo. Việc quy định cụ thể, đầy đủ, rõ ràng chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm liên quan đến tiền ảo trong hệ thống pháp luật Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là vô cùng cần thiết bởi điều này sẽ tạo ra cơ sở pháp lý cần thiết để phục vụ cho việc tuân thủ và thực thi pháp luật liên quan đến tiền ảo cho cả chủ thể quản lý và sử dụng. Bên cạnh đó, cũng cần phải tập trung nghiên cứu, ban hành các quy định về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý, cấp phép, giám sát, thanh tra đối với các nhà cung ứng dịch vụ tiền ảo để góp phần đảm bảo tính hiệu quả của việc quản lý.
Thứ hai, về thực thi pháp luật, bên cạnh việc xây dựng, ban hành các quy định pháp luật điều chỉnh về tiền ảo thì việc thực thi có hiệu quả các quy định pháp luật điều chỉnh về tiền ảo cũng đóng vai trò rất quan trọng và cần thiết. Theo đó, dưới khía cạnh thực thi pháp luật, cần phải lưu ý đến một số vấn đề sau:
Một là, phải xây dựng được lộ trình, kế hoạch cụ thể trong việc xây dựng pháp luật điều chỉnh về tiền ảo. Phải xác định được vai trò, vị trí, trách nhiệm của cơ quan đầu mối quản lý nhà nước trong việc chủ trì xây dựng hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật về tiền ảo. Khi xác định được lộ trình, kế hoạch cũng như vị trí, vai trò, trách nhiệm cụ thể sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện hiệu quả và có trách nhiệm trong việc hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh về tiền ảo trên cơ sở đáp ứng được các mục tiêu, tiến độ đặt ra.
Hai là, rà soát, đánh giá toàn diện, đầy đủ thực trạng pháp luật, thực tiễn về tiền ảo ở Việt Nam, đặc biệt là rà soát các văn bản pháp luật có liên quan đến tiền ảo như Luật Giao dịch điện tử 2005, Luật Các tổ chức tín dụng 2010, Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005... để có hướng hoàn thiện hợp lý, khả thi, phù hợp trên cơ sở tích hợp thêm các quy định về tiền ảo.
Ba là, thực hiện việc thu thuế đối với các hoạt động liên quan đến tiền ảo. Trên thế giới có nhiều quốc gia đã thực hiện việc đánh thuế đối với tiền ảo như Anh, Đức, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Liên minh châu Âu21... Do đó, Việt Nam cũng có thể học hỏi kinh nghiệm này để tiến hành đánh thuế đối với các hoạt động liên quan đến tiền ảo nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Đặc biệt, trong bối cảnh chúng ta đang đi đến xem xét công nhận tiền ảo là một loại tài sản, hàng hóa lưu thông trên thị trường thì việc đưa ra các quy định, cơ chế, chính sách tiến hành đánh thuế đối với tiền ảo là điều phù hợp và cần thiết.
Bốn là, tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tiền ảo, cũng như thường xuyên cảnh báo người sử dụng về các thủ đoạn hoạt động tội phạm liên quan đến tiền ảo. Hiện nay, có rất nhiều tổ chức tạo ra tiền ảo; trong khi đó, người sử dụng lại thiếu kiến thức thông tin về loại tiền này nên rất dễ bị thu hút và bị lừa đảo. Chính vì vậy, Nhà nước cần phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về tiền ảo, cũng như cảnh báo các mối nguy hại tiềm ẩn của tiền ảo để giúp người dân nâng cao hiểu biết và sự cảnh giác; từ đó, có thể tự bảo vệ mình trước các rủi ro, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi của các đối tượng.
Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế; đặc biệt là với các quốc gia đi trước có nhiều kinh nghiệm trong việc kiểm soát, quản lý tiền ảo để học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia này về các vấn đề liên quan đến việc quản lý, kiểm soát, xử lý tiền ảo cũng như các vấn đề pháp lý về tiền ảo. Việc tăng cường hợp tác và học hỏi kinh nghiệm quốc tế về kiểm soát, quản lý tiền ảo là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh Việt Nam chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này. Điều này sẽ giúp Việt Nam có thể chủ động hơn trong việc hoàn thiện các chính sách và quy định pháp luật điều chỉnh về tiền ảo trong nước trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước.
5. Kết luận
Từ những phân tích nêu trên có thể thấy rằng, hiện nay, tại Việt Nam chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh và đầy đủ về tiền ảo. Điều này đã không chỉ gây ra nhiều khó khăn trong cách hiểu, cách tiếp cập về loại tiền này mà còn đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm về tiền ảo, đặc biệt với sự tồn tại những khoảng trống pháp luật về tiền ảo đã tạo cơ hội cho các chủ thể lợi dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo, trục lợi gây thiệt hại nghiêm trọng cho người sử dụng. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh nghiên cứu hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo một cách đầy đủ tại Việt Nam là điều rất quan trọng và cấp thiết trước yêu cầu thực tiễn hiện nay. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung của các quốc gia và cũng là giải pháp mà Việt Nam chủ động hội nhập cũng như ứng phó với tác động của CMCN 4.0. Hơn nữa, khi khung pháp lý liên quan đến tiền ảo khi được hoàn thiện sẽ giúp hạn chế, ngăn chặn và kiểm soát hiệu quả các rủi ro, lạm dụng liên quan cũng như phòng ngừa được các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực này.
1,2 Đoàn Thị Ngọc Hải (2019), Hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo trong thời đại công nghệ 4.0, Bộ Tư pháp, truy cập ngày 31/8/2022, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2507
3 Phùng Trung Lập (2018), Tiền ảo và những khía cạnh của tiền ảo, Tạp chí Kiểm sát, số 15, tr.18.
4 Đoàn Thị Ngọc Hải (2019), Hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo trong thời đại công nghệ 4.0, Bộ Tư pháp, truy cập ngày 31/8/2022, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2507
5 Đăng Văn Vương - Xuân Thoại (2021), Tiền ảo và những vấn đề pháp lý, Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam, Tạp chí Luật sư, truy cập ngày 31/8/2022, https://lsvn.vn/tien-ao-va-nhung-van-de-phap-ly1632244829.html
6 Nguyễn Chung Thủy (2021), Việt Nam siết chặt quản lý tiền ảo, Tạp chí Con số và Sự kiện, kỳ II số 3/2021, tr.14.
7 L. Thanh (2017), NHNN tuyên bố cấm sử dụng tiền Bitcoin, Báo Tuổi trẻ, truy cập ngày 31/8/2022, https://tuoitre.vn/ngan-hang-nha-nuoc-tuyen-bo-cam-su-dung-bitcoin-20171028102135916.htm
8 Trần Văn Biên - Nguyễn Minh Oanh (2020), Tiền ảo và một số vấn đề pháp lý đặt ra hiện nay, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 4, tr.32.
9 Trần Thị Thu Hằng, Hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo tại Việt Nam, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số 6(351)/2021, tr.30.
10 Công văn số 334/TMĐT-PC ngày 12/8/2014 của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương.
11 Công văn số 2313/VKSTC0V3 ngày 19/6/2016 của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.
12 Công văn số 5612/TCT-CC ngày 28/12/2015 của Tổng cục Thuế.
13 Trần Văn Biên - Nguyễn Minh Oanh (2020), Tiền ảo và một số vấn đề pháp lý đặt ra hiện nay, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 4, tr.33.
14 Phan Chí Hiếu - Nguyễn Thanh Tú (2019), Một số vấn đề pháp lý về tài sản mã hóa, tiền mã hóa, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.175.
15 Trần Văn Biên - Nguyễn Minh Oanh (2020), Tiền ảo và một số vấn đề pháp lý đặt ra hiện nay, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 4, tr.34.
16 Trần Văn Biên - Nguyễn Minh Oanh (2020), Tiền ảo và một số vấn đề pháp lý đặt ra hiện nay, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 4, tr.35.
17 Nguyễn Minh Oanh - Hà Công Anh Bảo (2018), Chính sách, pháp luật về tiền ảo của Thái Lan và kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 03, tr.77.
18 Trần Văn Biên - Nguyễn Minh Oanh (2020), Tiền ảo và một số vấn đề pháp lý đặt ra hiện nay, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 4, tr.39.
19 L. Thanh (2017), NHNN tuyên bố cấm sử dụng tiền Bitcoin, Báo Tuổi trẻ, truy cập ngày 31/8/2022, https://tuoitre.vn/ngan-hang-nha-nuoc-tuyen-bo-cam-su-dung-bitcoin-20171028102135916.htm
20 Lê Thị Tuấn Nghĩa - Nguyễn Thanh Tùng (2018), Tiền ảo và thách thức đối với chính sách tiền tệ, Tạp chí Tài chính Online, truy cập ngày 31/8/2022, https://tapchitaichinh.vn/kinh-te-vi-mo/tien-ao-va-thach-thuc-doi-voi-chinh-sach-tien-te-139856.html
21 Ngô Minh (2017), Thế giới đánh thuế giao dịch Bitcoin như thế nào?, Báo Zing News, https://zingnews.vn/the-gioi-danh-thue-giao-dich-bitcoin-nhu-the-nao-post790489.html
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11//2012 về thanh toán không sử dụng tiền mặt.
2. Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
3. Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử.
4. Công văn số 334/TMĐT-PC ngày 12/8/2014 của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương.
5. Công văn số 2313/VKSTC0V3 ngày 19/6/2016 của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.
6. Công văn số 5612/TCT-CC ngày 28/12/2015 của Tổng cục Thuế.
7. Nguyễn Minh Oanh - Hà Công Anh Bảo (2018), Chính sách, pháp luật về tiền ảo của Thái Lan và kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 03, tr.77.
8. Đoàn Thị Ngọc Hải (2019), Hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo trong thời đại công nghệ 4.0, Bộ Tư pháp, truy cập ngày 31/8/2022, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2507
9. Trần Thị Thu Hằng, Hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo tại Việt Nam, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số 6 (351)/2021, tr.30.
10. Phan Chí Hiếu - Nguyễn Thanh Tú (2019), Một số vấn đề pháp lý về tài sản mã hóa, tiền mã hóa, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.175.
11. Phùng Trung Lập (2018), Tiền ảo và những khía cạnh của tiền ảo, Tạp chí Kiểm sát, số 15, tr.18.
12. Ngô Minh (2017), Thế giới đánh thuế giao dịch Bitcoin như thế nào?, Báo Zing News, https://zingnews.vn/the-gioi-danh-thue-giao-dich-bitcoin-nhu-the-nao-post790489.html
13. Trần Văn Biên - Nguyễn Minh Oanh (2020), Tiền ảo và một số vấn đề pháp lý đặt ra hiện nay, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 4, tr.32.
14. Lê Thị Tuấn Nghĩa - Nguyễn Thanh Tùng (2018), Tiền ảo và thách thức đối với chính sách tiền tệ, Tạp chính Tài chính Online, truy cập ngày 31/8/2022, https://tapchitaichinh.vn/kinh-te-vi-mo/tien-ao-va-thach-thuc-doi-voi-chinh-sach-tien-te-139856.html
15. L. Thanh (2017), NHNN tuyên bố cấm sử dụng tiền Bitcoin, Báo Tuổi trẻ, truy cập ngày 31/8/2022, https://tuoitre.vn/ngan-hang-nha-nuoc-tuyen-bo-cam-su-dung-bitcoin-20171028102135916.htm
16. Nguyễn Chung Thủy (2021), Việt Nam siết chặt quản lý tiền ảo, Tạp chí Con số và Sự kiện, kỳ II số 3/2021, tr.14.
17. Đăng Văn Vương - Xuân Thoại (2021), Tiền ảo và những vấn đề pháp lý, Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam, Tạp chí Luật sư, truy cập ngày 31/8/2022, https://lsvn.vn/tien-ao-va-nhung-van-de-phap-ly1632244829.html