Sáng 09/8/2022, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp Ủy ban mở rộng thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Đồng chí Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội dự và phát biểu chỉ đạo phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo tại phiên họp
Tham dự phiên họp, về phía Ủy ban Kinh tế có các đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế: Nguyễn Đình Việt, Nguyễn Ngọc Bảo, Nguyễn Minh Sơn; đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp; đồng chí Trần Hồng Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật; đồng chí Lâm Văn Đoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội; các đồng chí Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách của Ủy ban Kinh tế; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc; Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Thường trực Ủy ban Đối ngoại, các thành viên Ủy ban Kinh tế.
Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo có Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Phạm Tiến Dũng. Về phía các bộ, ngành có đồng chí Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo cơ quan có liên quan.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Luật Phòng, chống rửa tiền được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2012, qua gần 10 năm triển khai thực hiện, công tác phòng, chống rửa tiền của Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện xuất hiện một số vướng mắc, bất cập, chưa đáp ứng được những nội dung mới theo khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF). Báo cáo đa phương về công tác phòng, chống rửa tiền của Việt Nam được thông qua tại Hội nghị toàn thể của FATF vào tháng 3/2022 nhận định khuôn khổ pháp lý, quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam vẫn còn những thiếu hụt, chưa đáp ứng hoặc mới đáp ứng được một phần tại 27/40 khuyến nghị của FATF và về hiệu quả thực thi phần lớn được đánh giá ở mức trung và thấp.
Với kết quả đánh giá đa phương này, Việt Nam đã được đưa vào quy trình rà soát tăng cường sau đánh giá đa phương của Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về phòng, chống rửa tiền (APG) và quy trình rà soát các nước có thiếu hụt của FATF. Trong một năm, nếu không khắc phục những thiếu hụt, không thể hiện được sự tiến bộ, không đáp ứng các yêu cầu về cải thiện khuôn khổ pháp lý, Việt Nam sẽ bị đưa vào danh sách các nước có thiếu hụt nghiêm trọng về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diện hàng loạt (gọi tắt là Danh sách Xám).
Khi một nước bị đưa vào Danh sách Xám thì nền kinh tế của quốc gia đó sẽ phải chịu nhiều tác động tiêu cực, giảm sút đáng kể luồng vốn đầu tư của nước ngoài, bên cạnh đó, các giao dịch tài chính ra nước ngoài của các tổ chức tài chính (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán...) sẽ bị các nước tính phí cao hơn và giao dịch sẽ phải chịu sự rà soát tăng cường.
Việc xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) là cần thiết, nhằm phù hợp với các nghĩa vụ thực hiện điều ước quốc tế, cam kết quốc tế của Việt Nam. Đồng thời, việc này cũng phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế của các quy định của pháp luật, qua đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền trong thời gian tới.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)
Trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng làm rõ sự cần thiết ban hành luật. Theo đó, một trong các giải pháp được đưa ra tại Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng là nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng sát với thực tiễn của đất nước và phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Nhóm tội phạm về tham nhũng là nhóm tội phạm nguồn của tội rửa tiền được đánh giá có nguy cơ rửa tiền từ mức “trung bình cao” đến mức “cao”. Do vậy, hiệu quả công tác điều tra, truy tố và xét xử tội phạm về rửa tiền sẽ góp phần đáng kể tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Việc hoàn thiện quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền là một trong những yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả điều tra, truy tố và xét xử tội phạm về rửa tiền.
Đồng thời, tại Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2015 - 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 2112/QĐ-TTg ngày 25/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ (điểm 1 Phần IV Kế hoạch) và Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố” ban hành kèm theo Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 07/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã giao NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất chỉnh sửa Luật Phòng, chống rửa tiền phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) được xây dựng theo đúng quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hồ sơ dự án Luật được đăng tải lên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và NHNN để lấy ý kiến rộng rãi; gửi hồ sơ dự án Luật đề nghị tham gia ý kiến bằng văn bản đối với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức; tổ chức hội thảo để lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức có liên quan. NHNN đã thực hiện nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến góp ý của các bộ, ngành, cơ quan, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam, các tổ chức, hiệp hội, đối tượng chịu sự tác động của dự án Luật. Dự thảo Luật bảo đảm tính thống nhất với các Luật và Điều ước quốc tế có liên quan.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) được bố cục gồm 04 Chương, 54 Điều (trong đó, bổ sung mới 09 Điều, sửa đổi 43 Điều và hủy bỏ 07 Điều; giữ nguyên quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền 2012 (02 Điều).
Các nội dung cơ bản của dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) tập trung vào những vấn đề như: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng báo cáo về phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền; quy định về đánh giá mức độ rủi ro quốc gia, ngành, đối tượng báo cáo về rửa tiền; quy định về nhận biết khách hàng và cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng; trách nhiệm xây dựng quy định nội bộ và báo cáo, cung cấp, lưu trữ hồ sơ, thông tin về phòng, chống rửa tiền; thực hiện thu thập, xử lý, phân tích, chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền và áp dụng các biện pháp tạm thời; quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong phòng, chống rửa tiền được sửa đổi trên cơ sở vừa kế thừa vừa khắc phục các vướng mắc, bất cập các quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đều nhất trí cao về sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền nhằm phù hợp với các nghĩa vụ thực hiện điều ước quốc tế, cam kết quốc tế của Việt Nam, thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong công tác phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố của khu vực cũng như trên toàn thế giới. Đồng thời, việc này cũng phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm khắc phục những hạn chế trong các quy định của pháp luật, qua đó nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác phòng, chống rửa tiền, góp phần thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.
Toàn cảnh phiên họp
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật vẫn còn lỗi kỹ thuật văn bản, các thuật ngữ chuyên ngành được sử dụng nhưng chưa được định nghĩa cụ thể dẫn đến có thể có cách hiểu khác nhau hoặc khó triển khai thực hiện.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền nhằm đáp ứng đòi hỏi thực tiễn góp phần bảo đảm chủ quyền quốc gia về tài chính, tiền tệ, bảo đảm an ninh tiền tệ trong nước, phòng, chống tội phạm và tham nhũng, tiêu cực là những yêu cầu hàng đầu. Bên cạnh đó là nhằm bảo đảm phù hợp với các yêu cầu quốc tế, khắc phục một số tồn tại hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý.
Đối với các ý kiến của các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp tích cực với cơ quan chủ trì thẩm tra để tiếp tục rà soát, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật đáp ứng yêu cầu chất lượng cao nhất để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và trình Quốc hội xem xét thông qua trong một kỳ họp tại Kỳ họp thứ 4. Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị có báo cáo đánh giá những kết quả đạt được trong công tác quản lý kinh tế vĩ mô thời gian qua như trong quản lý thị trường vàng, thị trường ngoại tệ... góp phần lành mạnh hóa thị trường. Đây là những nội dung quan trọng để các đại biểu Quốc hội hình dung bức tranh tình hình tài chính, tiền tệ quốc gia và những nhiệm vụ trong phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tham nhũng.
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ phối hợp với cơ quan soạn thảo tiếp thu nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội; tiếp thu, chắt lọc các ý kiến của các đại biểu tham dự phiên họp nhằm hoàn thiện dự thảo Luật đảm bảo chất lượng ở mức cao nhất. Thường trực Ủy ban Kinh tế và NHNN sẽ lập bộ phận thường trực làm việc với Thường trực Ủy ban Pháp luật để rà soát, chỉnh sửa các điều khoản, đảm bảo kỹ thuật lập pháp nhằm hoàn thiện dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 14 (tháng 8/2022) và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).
Mai Mai