Keywords: QR Code, digital transformation, banking.
1. Khái quát về thanh toán QR Code
Ngân hàng là một trong những ngành chuyển đổi số nhanh và toàn diện nhất trong cuộc đua chuyển đổi số. Trong đó, lĩnh vực có thể cảm nhận sự chuyển đổi rõ ràng nhất là thanh toán. Từ việc hầu hết người tiêu dùng sử dụng tiền mặt hoặc thanh toán qua thẻ, đến nay có rất nhiều khách hàng, đặc biệt là khách hàng trẻ lựa chọn phương thức thanh toán di động. Theo Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), các dịch vụ trên nền tảng số phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là thanh toán điện tử. Số lượng và giá trị giao dịch qua điện thoại di động nói chung và QR Code nói riêng đều tăng trưởng so với cùng kì năm trước. Tại bất kì các khu chợ, siêu thị hay cửa hàng bán lẻ lớn, nhỏ nào cũng đều trang bị QR Code tại nơi thu ngân. Với QR Code này, khách hàng chỉ cần thao tác quét mã để thanh toán mà không phải mất thời gian nhập thông tin số tài khoản, chủ tài khoản, tên ngân hàng, số tiền… Có thể thấy, phương thức thanh toán QR Code đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện với độ chính xác cao và tương thích với nhiều ứng dụng ngân hàng nên đang được phủ sóng rộng rãi.
QR Code, viết tắt của quick response code tạm dịch là “mã phản hồi nhanh” hay “mã vạch ma trận”, là mã vạch dạng hai chiều (2D) có thể được đọc bởi một máy đọc mã vạch hay điện thoại thông minh (smartphone) có chức năng chụp ảnh (camera) với ứng dụng chuyên biệt để quét mã vạch. Nó có hình dạng bao gồm các điểm đen và ô vuông nằm trong ô vuông mẫu trên nền trắng. QR Code có thể được đọc nhanh hơn, tiết kiệm thời gian và không gian so với các loại mã vạch truyền thống. Một QR Code có thể chứa đựng thông tin một địa chỉ web (URL), thông tin liên hệ, địa chỉ thư điện tử, tin nhắn SMS, nội dung kí tự văn bản hay thậm chí là thông tin định vị vị trí địa lí. Như vậy, ta có thể hiểu mã QR Code trong thanh toán ngân hàng là mã vạch hai chiều chứa đựng thông tin liên quan đến tài khoản thanh toán của người thụ hưởng. Khi người dùng sử dụng điện thoại thông minh truy cập vào ứng dụng ngân hàng để quét mã sẽ tự động hiển thị các thông tin của cá nhân hoặc tổ chức mong muốn chuyển tiền mà không cần thao tác nhập thủ công trên màn hình điện thoại.
2. Thực trạng thanh toán QR Code trong thanh toán ngân hàng
2.1. Những kết quả đạt được
Chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu, bắt buộc của các ngành, lĩnh vực, trong đó ngành tài chính - ngân hàng đóng vai trò tiên phong. Hiện nay có 96 ngân hàng và tổ chức tín dụng Việt Nam đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số, có 92% ngân hàng đã phát triển các dịch vụ ứng dụng trên Internet và Mobile. Trong thời gian tới ngân hàng sẽ triển khai áp dụng công nghệ mới, gia tăng ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML), công nghệ chuỗi khối (Blockchain), làm chủ dữ liệu và tận dụng sức mạnh dữ liệu lớn ngày càng nhiều hơn.
Nhiều năm nay, cùng với quá trình chuyển đổi số, các ngân hàng đẩy mạnh dịch vụ thanh toán qua QR Code, từ trên nền tảng ứng dụng đến việc phát triển liên kết với các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh... Để hỗ trợ cho các cửa hàng cũng như khuyến khích khách hàng thanh toán qua QR Code, các ngân hàng đã triển khai nhiều chương trình với những ưu đãi đặc biệt. Chẳng hạn, Ngân hàng Thương mại cổ phần (NHTMCP) Quân đội (MB) triển khai tính năng chia sẻ biến động số dư VietQR miễn phí, giúp chủ cửa hàng kinh doanh quản lí doanh thu thuận tiện hơn, tránh sai sót, rủi ro trong giao dịch. NHTMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) với chương trình “Lucky Star - Càng dùng nhiều, càng lợi nhiều”, mỗi lẫn khách hàng thanh toán hóa đơn bằng QR Code tối thiểu 50.000 đồng qua ứng dụng MyVIB 2.0 sẽ nhận một lượt quay may mắn để có cơ hội nhận được những giải thưởng giá trị. NHTMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) tặng khách hàng các mã giảm giá cho đơn hàng khi thanh toán bằng cách quét mã VNPAY-QR qua tính năng QR Pay trên ứng dụng VietinBank iPay Mobile.
Phương thức chuyển tiền/thanh toán bằng quét QR Code đang được nhiều khách hàng ưa chuộng và dần trở thành thói quen trong chi tiêu, thanh toán hằng ngày. Với việc QR Code được phủ sóng rộng rãi không chỉ trong siêu thị lớn mà cả những chợ dân sinh, giờ đây người dân đi chợ nhiều khi chỉ cần mang theo chiếc điện thoại để thanh toán mà không cần tiền mặt. Mô hình chợ 4.0 đã phát huy hiệu quả tích cực tại nhiều địa phương từ Bắc đến Nam. Nhiều cây xăng trên địa bàn Hà Nội đã bắt đầu nhận trả tiền xăng thông qua quét mã chuyển khoản. Rất nhiều người tiêu dùng thừa nhận họ dần lãng quên chiếc thẻ ngân hàng, thay vào đó sự gắn kết với điện thoại di động ngày một nhiều. Thói quen này xuất hiện từ giai đoạn bùng phát và phòng, chống dịch Covid-19 khi mọi người quen với việc mua hàng online. Các khoản như tiền nhà, tiền dịch vụ, ăn uống, khách hàng đều chuyển khoản thanh toán. Ngày nay đi đâu ta cũng thấy số tài khoản, QR Code được dán sẵn. Không chỉ những người trẻ mà các khách hàng trung niên cũng đã quen thuộc với việc sử dụng ví điện tử hoặc Smart Banking để mua, bán hàng. Xu hướng này sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới, tác động vào thói quen buôn bán của nhiều hộ kinh doanh. Thống kê cho thấy, thanh toán qua QR Code đang chiếm tỉ lệ cao nhất với 55% các giao dịch thanh toán số hiện nay. Việc thanh toán này tăng rất nhanh cả về số lượng và giá trị. (Bảng 1)
Bảng 1: Mức độ tăng trưởng giao dịch qua điện thoại di động và QR Code
Đơn vị: %
Nguồn: Vụ thanh toán - NHNN
Theo Bảng 1, ta có thể thấy số lượng và giá trị giao dịch qua điện thoại di động và QR Code đều có mức tăng trưởng khi so sánh năm sau so với năm trước trong giai đoạn 2021 - 2023. Cụ thể trong năm 2022, số lượng và giá trị giao dịch qua điện thoại di động tăng lần lượt 116% và 92%, riêng giao dịch QR Code tăng 183% và 211% so với năm 2021. Nguyên nhân bởi thời điểm năm 2021 và đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên các phương thức TTKDTM như chuyển khoản, quét QR Code phát triển. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này thậm chí còn lớn hơn vào năm tiếp theo. Năm 2023, TTKDTM qua kênh điện thoại di động tăng 61% về số lượng và 77% về giá trị, qua phương thức QR Code tăng tương ứng 172% và 74% so với năm 2022. Nguyên nhân do đại dịch Covid-19 đã thay đổi hành vi của người tiêu dùng trên toàn thế giới và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Với phương thức đơn giản, nhanh chóng và tiết kiệm chi phí, phương thức thanh toán qua QR Code đang ngày càng được nhiều khách hàng lựa chọn cũng như các ngân hàng hay công ty tài chính tập trung nghiên cứu, đầu tư và phát triển. Thời điểm Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) ra mắt dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng bằng QR Code - thương hiệu VietQR ngày 15/6/2021, tính năng này mới được áp dụng tại 14 ngân hàng: NHTMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), VietinBank, MB, NHTMCP Tiên Phong (TPBank), NHTMCP Bản Việt (Viet Capital Bank), NHTMCP Đông Nam Á (SeABank), VIB, NHTMCP Á Châu (ACB), NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), NHTMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank), NHTMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank). Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại Napas đã nâng tổng số lên 42 thành viên cung cấp dịch vụ chuyển tiền nhanh 24/7 bằng mã VietQR, chiếm hơn 99% thị phần cung cấp dịch vụ Chuyển tiền nhanh Napas247 (thực hiện theo thời gian thực, 24 giờ/ngày và 7 ngày/tuần). Dịch vụ này cho phép khách hàng của 42 ngân hàng có thể thực hiện chuyển tiền thông qua việc quét QR Code ngay trên ứng dụng Mobile Banking của các ngân hàng. Đồng thời khách hàng mở tài khoản tại bất kì ngân hàng nào trong hệ thống Napas đều có thể tạo mã VietQR cá nhân tại website vietqr.net để nhận tiền bằng phương thức này. Điều này cho thấy các ngân hàng đang ngày càng quan tâm đến việc mã hóa các thông tin thanh toán bằng QR Code, giúp giảm thiểu rủi ro chuyển tiền nhầm so với việc thao tác bằng tay.
Không chỉ phát triển trong nước, gần đây, NHNN đã kí thỏa thuận cơ chế thanh toán xuyên biên giới với năm quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Theo đó, Việt Nam sẽ cùng với Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Singapore kết nối hệ thống thanh toán bằng cách sử dụng QR Code cho các giao dịch bán lẻ. Cách thanh toán này giúp du khách Việt Nam có thể không cần mang nhiều tiền mặt hoặc không cần đổi tiền mà vẫn có thể thanh toán hàng hóa, dịch vụ khi đi du lịch qua các quốc gia trên. Dự kiến trong thời gian tới, sáng kiến sẽ tiếp tục xem xét mở rộng mạng lưới thành viên để tạo thuận lợi thúc đẩy kết nối thanh toán xuyên biên giới không chỉ trong khu vực ASEAN mà cả với các quốc gia khác.
2.2. Một số tồn tại
Phương thức thanh toán QR Code ngày càng phổ biến nên các hình thức lừa đảo cũng gia tăng. Một số kẻ gian lợi dụng sơ hở dán các QR Code giả mạo chủ cửa hàng tại các điểm thanh toán để tiền chuyển về tài khoản của mình. Thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng QR Code độc hại bị phát tán thông qua các ứng dụng, diễn đàn, hội nhóm trên mạng xã hội. QR Code này dẫn tới các trang web giả mạo ngân hàng, trong đó yêu cầu người dùng nhập thông tin như họ và tên, số căn cước công dân, tài khoản, mã bí mật hoặc mật khẩu dùng một lần (OTP). Từ đó, đối tượng lừa đảo sẽ chiếm đoạt tài khoản của nạn nhân. So với đường link độc hại truyền thống, QR Code có thể chèn trực tiếp vào thư điện tử, tin nhắn mà không bị các bộ lọc chặn lại nên rất dễ dàng tiếp cận người dùng. Do đó, người dùng cần thận trọng trước khi quét QR Code, đặc biệt cảnh giác với các QR Code được dán hoặc chia sẻ ở nơi công cộng, gửi qua mạng xã hội, email. Người dùng cũng cần xác định và kiểm tra kĩ càng thông tin sau khi quét QR Code để đảm bảo đúng tên người thụ hưởng.
Bên cạnh vấn đề rủi ro trong thanh toán, một trong những câu hỏi đặt ra đối với các ngân hàng đó là làm sao khai thác hết tiềm năng phát triển của thanh toán QR Code. Các nghiên cứu cho thấy, 90% người tiêu dùng Việt Nam quan tâm đến hình thức ngân hàng số trong khi chỉ có 30% người trưởng thành sử dụng dịch vụ này.
Số lượng người trưởng thành có tài khoản thanh toán là rất nhiều, tuy nhiên việc thanh toán qua QR Code mới diễn ra mạnh mẽ ở thành thị. Trong khi đó, ở những vùng nông thôn hay vùng cao, hình thức này chưa thật phổ biến. Nguyên nhân bởi ở những địa bàn này, các chi nhánh/phòng giao dịch của ngân hàng còn thưa thớt, người dân chưa có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu dịch vụ ngân hàng điện tử nói chung và thanh toán qua QR Code nói riêng. Để khắc phục vấn đề này, các ngân hàng cần tăng cường hoạt động tổ chức sự kiện ngay tại chỗ (Roadshow) để quảng bá các sản phẩm, dịch vụ. Chẳng hạn như, từ ngày 15/5/2023, VietinBank triển khai chiến dịch “Đến từng ngõ - Gõ từng Shop” để đưa tài khoản VietinBank xuất hiện trên mọi miền đất nước. Chỉ sau hơn ba tháng thực hiện, số khách hàng sử dụng QR Code VietinBank để giao dịch đã lên đến hơn 550.000 khách hàng. Trong thời gian sắp tới, hệ thống ngân hàng cần nỗ lực triển khai thêm nhiều giải pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán qua mã QR Code.
3. Các khuyến nghị nhằm đẩy mạnh dịch vụ thanh toán QR Code
Thứ nhất, để gia tăng mức độ chấp nhận sử dụng hình thức thanh toán QR Code, các công ty phải cải thiện thái độ người dùng bằng việc tích cực truyền thông đến khách hàng. Thông qua truyền thông, khách hàng có thêm nhiều thông tin để tìm hiểu về tính năng sử dụng, tiện ích của thanh toán công nghệ. Đồng thời, tác động đến các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán bằng QR Code (ngân hàng, các điểm bán hàng) xây dựng các chiến lược sản phẩm, dịch vụ phù hợp và hướng đến giới trẻ. Ngoài ra các công ty cũng phải kiểm soát môi trường xã hội trong hành vi mua, bán của người dùng thông qua hoạt động quảng cáo phù hợp trên các trang mạng xã hội, là nơi tiếp cận người tiêu dùng nhanh nhất và có thể đạt được kết quả kế hoạch đặt ra.
Thứ hai, tại ngân hàng và các điểm giao dịch cần có nhân viên hướng dẫn và giải thích cụ thể các bước cài đặt ứng dụng thanh toán bằng QR Code trên điện thoại thông minh để tạo sự thích thú và gần gũi với khách hàng, đồng thời giúp khách hàng hiểu thêm về dịch vụ công nghệ mới, từ đó tăng ý định sử dụng hình thức thanh toán bằng QR Code. Bên cạnh đó, một số khách hàng đôi lúc cảm thấy e ngại khi sử dụng dịch vụ thanh toán qua QR Code. Vì vậy, để gia tăng sự cảm nhận an toàn của khách hàng, ngân hàng cần thực hiện chính xác, thuận tiện và nhanh chóng giao dịch để đáp ứng nhu cầu của khách hàng; khuyến cáo khách hàng cảnh giác với yêu cầu quét QR Code hoặc truy cập đường link lạ; tuyệt đối không cung cấp mã xác thực một lần cho bất kì ai. Ngân hàng cũng phải tăng cường các điểm chấp nhận hình thức thanh toán QR Code, tạo mạng lưới phân phối rộng rãi tại các tỉnh thành nhằm tạo điều kiện cho khách hàng khi cài đặt ứng dụng thanh toán di động.
Thứ ba, ngân hàng và các nhà cung ứng dịch vụ thanh toán điện tử cần xây dựng các quy chuẩn về phòng ngừa rủi ro trong các giao dịch thanh toán bằng quét QR Code, đảm bảo an toàn tuyệt đối thông tin khách hàng khi sử dụng; tăng cường chia sẻ, liên kết, hợp tác nhằm đa dạng hóa các hình thức thanh toán mới trên thị trường hiện nay.
4. Kết luận
Trong xu thế chung của quá trình số hóa, các phương thức thanh toán di động, đặc biệt là phương thức thanh toán thế hệ mới như QR Code là vô cùng cần thiết đối với bối cảnh chung hiện nay. Để có thể tận dụng những cơ hội và vượt lên những thách thức trong kỉ nguyên số đòi hỏi sự nỗ lực của toàn ngành Ngân hàng, công ty công nghệ tài chính (Fintech), sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, NHNN và quan trọng là sự ủng hộ từ phía khách hàng.