Năm 2019, nền kinh tế cả nước được duy trì ổn định, cùng với đó, Lạng Sơn cũng đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2010 - 2018 đạt 6,85%. GRDP bình quân đầu người năm 2018 đạt 38,4 triệu đồng, gấp 2,23 lần so với năm 2010 và gấp 1,5 lần so với năm 2015. Qua đó thấy được một Lạng Sơn với bộ mặt phát triển hoàn toàn mới, không những về kinh tế - xã hội mà đời sống nhân dân, quốc phòng, an ninh cũng được nâng cao và đảm bảo an toàn.
Để có được những kết quả rất đáng ghi nhận như trên, một đóng góp vô cùng quan trọng đó là từ các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh nhà. Với việc tạo việc làm cho trên 48 nghìn lao động, chiếm tỷ lệ 12% lực lượng lao động của xã hội, doanh thu trung bình hằng năm đạt trên 250 tỷ đồng, trong đó doanh thu năm 2017 đạt trên 290 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 7.604 triệu đồng, nộp ngân sách nhà nước 28,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn Lạng Sơn chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ, quy mô sản xuất còn nhỏ bé, manh mún, năng lực cạnh tranh còn thấp.
Để khắc phục những khó khăn này, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng nỗ lực thực hiện các giải pháp khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp. Triển khai thực hiện Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp gắn với chương trình Bình ổn thị trường, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhất là DNNVV trong quan hệ tín dụng với ngân hàng; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có triển vọng phát triển, có sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhưng đang gặp khó khăn về tài chính vay được vốn ngân hàng để phục vụ sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, NHNN tỉnh còn thực hiện ký Quy chế phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Từ chỉ đạo của NHNN tỉnh, các TCTD đã chủ động triển khai các giải pháp hỗ trợ phù hợp cho khách hàng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận được nguồn vốn vay. Qua đó, tính đến 31/8/2019, có 946 doanh nghiệp có quan hệ vay vốn với các ngân hàng trên địa bàn, với tổng dư nợ là 9.592 tỷ đồng (chiếm 33,2% dư nợ), có 39 khách hàng DNNVV được áp dụng mức lãi ưu đãi với số dư nợ là 126 tỷ đồng, chiếm 0,43% tổng dư nợ trên địa bàn.
Mặc dù, cấp ủy, chính quyền tỉnh Lạng Sơn đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, tuy nhiên trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp vẫn gặp phải những khó khăn, tồn tại như: Nguồn vốn kinh doanh còn hạn chế, một số doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu vay vốn ngân hàng để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng. Nguyên nhân là do các thông tin tài chính của một số doanh nghiệp còn thiếu sự minh bạch, chưa phản ánh đầy đủ tình hình sản xuất kinh doanh gây khó khăn trong quá trình thẩm định cho vay; tài sản bảo đảm không đảm bảo đủ cho khoản vay, trình độ quản lý và năng lực điều hành thấp, hoạt động sản xuất kinh doanh còn manh mún, không có sự đầu tư theo chiều sâu…
Với những kết quả đã đạt được, có thể thấy trong thời gian qua, các doanh nghiệp tại tỉnh Lạng Sơn đã phát triển nhanh chóng, số lượng doanh nghiệp năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển về số lượng, các doanh nghiệp của Tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh, phát triển. Thực tế này đòi hỏi các sở, ngành chính quyền địa phương cùng ngành Ngân hàng phải có những bước đi mạnh mẽ hơn để hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn phát triển, cụ thể:
Tiếp tục tạo cơ chế thông thoáng, môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động; Thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh, đặc biệt tập trung vào các chương trình xúc tiến thương mại để hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp sản xuất sản phẩm xuất khẩu và du lịch; Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Hội chợ, triển lãm có uy tín trong và ngoài nước nhằm giúp các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn sản xuất, kinh doanh. Tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn của Trung ương, tỉnh, nguồn vốn tín dụng của các tổ chức tín dụng.
Phát triển nguồn nhân lực. Xây dựng các chương trình hợp tác, liên kết đào tạo nguồn nhân lực giữa tỉnh Lạng Sơn và các tổ chức cung cấp dịch vụ đào tạo để thực hiện đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho doanh nghiệp. Tăng cường công tác tuyên truyền, huấn luyện, hướng dẫn nâng cao năng lực, nhận thức về pháp luật lao động, tác phong công nghiệp cho người lao động đáp ứng nhu cầu thị trường trong tình hình mới.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lạng Sơn thường xuyên chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn tăng cường huy động vốn, mở rộng đầu tư tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện cho Doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay ngân hàng, tăng cường chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, triển khai thực hiện tốt Quy chế phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn, qua đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn, thúc đẩy hoạt động tín dụng giữa Ngân hàng với doanh nghiệp, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phát huy vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, làm tốt vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ DNNVV rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để các doanh nghiệp biết và phát huy quyền lợi của mình; Định kỳ tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo địa phương, các sở, ban, ngành với đại diện các doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp, xử lý kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình kinh doanh của doanh nghiệp. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia góp ý vào việc xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách của địa phương.
CTV
Nguồn: TCNH số 19/2019