Sáng 07/4/2023, tại Hà Nội, Học viện Ngân hàng đã tổ chức Hội thảo Khoa học quốc gia với chủ đề “Thực thi Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) năm 2010 và những vấn đề đặt ra trong giai đoạn hiện nay”. Hội thảo là diễn đàn khoa học để các nhà nghiên cứu, nhà quản lí, chuyên gia trình bày kết quả nghiên cứu và các kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật NHNN năm 2010 phù hợp với thực tiễn cũng như định hướng chiến lược phát triển ngành Ngân hàng.
TS. Bùi Hữu Toàn - Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng phát biểu khai mạc Hội thảo
Tham dự Hội thảo, có Ban Lãnh đạo Học viện Ngân hàng; các đại biểu đến từ các vụ, cục, viện thuộc NHNN; đại diện các ngân hàng thương mại; các cơ quan thông tấn báo chí cùng nhiều đại biểu là các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực luật pháp, tài chính - ngân hàng.
Luật NHNN được Quốc hội ban hành năm 2010, có hiệu lực từ ngày 01/01/2011 đã xác lập vị trí pháp lí của NHNN là ngân hàng trung ương của Việt Nam, hoạt động theo mô hình ngân hàng trung ương trực thuộc Chính phủ. Việc điều hành NHNN được thực hiện bởi Thống đốc NHNN. Thống đốc NHNN là thành viên của Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, trước Quốc hội về quản lí nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Luật NHNN hiện hành đã thể hiện rõ hơn tính tự chủ, độc lập của NHNN trong việc thực hiện chức năng quản lí nhà nước về tiền tệ và ngân hàng, khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa hai chức năng quan trọng của ngân hàng trung ương là: Thực thi chính sách tiền tệ quốc gia và giám sát an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng.
Luật NHNN năm 2010 được triển khai trong bối cảnh dịch vụ tài chính, ngân hàng đã mở cửa theo các cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đòi hỏi hoạt động quản lí, điều tiết hoạt động ngân hàng cũng như sử dụng các công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia có liên quan trực tiếp tới việc gia nhập thị trường, cung ứng dịch vụ ngân hàng của nhà đầu tư nước ngoài. Không những thế, trong giai đoạn hiện nay, việc Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cùng với yêu cầu triển khai Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã hướng NHNN trở thành một cơ quan quản lí có đầy đủ vị thế để thực hiện chức năng của ngân hàng trung ương và chức năng quản lí nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo đã thu hút sự quan tâm và tham gia viết bài của các nhà khoa học đến từ các cơ quan ban, ngành, trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và ngân hàng thương mại với hơn 30 bài viết gửi về Ban Tổ chức. Trải qua các vòng phản biện kín, 26 bài viết đã chính thức được duyệt đăng toàn văn kỉ yếu. Trong số đó, nhiều bài viết đã cho thấy được năng lực nghiên cứu rất tốt của các nhà khoa học với việc ứng dụng linh hoạt các phương pháp nghiên cứu hiện đại, bố cục nội dung logic, lập luận chặt chẽ và có luận cứ vững vàng. Nội dung các bài viết duyệt đăng xoay quanh bốn chủ đề chính: (1) Những vấn đề lí luận về Luật Ngân hàng Trung ương; (2) Kinh nghiệm quốc tế về thực thi Luật Ngân hàng Trung ương và bài học kinh nghiệm; (3) Phân tích, đánh giá thực tiễn thực thi Luật NHNN năm 2010; (4) Đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện Luật NHNN năm 2010.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Bùi Hữu Toàn - Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng nhấn mạnh, trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế và thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sau hơn 10 năm thi hành Luật NHNN, việc tổng kết, đánh giá những kết quả đạt được và những tồn tại trong tổ chức thực thi Luật này là rất cần thiết, từ đó tạo lập cơ sở khoa học cho việc sửa đổi, bổ sung Luật NHNN phù hợp với giai đoạn hiện nay.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã được lắng nghe ba tham luận, bao gồm: Tham luận “Thực hiện chức năng xây dựng pháp luật của NHNN hiện nay” của PGS., TS. Trần Đình Hảo, Nguyên Phó Giám đốc Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; tham luận “Vị trí pháp lí và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của NHNN” của TS. Nguyễn Văn Phương, Trưởng Phòng Pháp chế, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam; và “Báo cáo tổng quan về kết quả nghiên cứu chính của đề tài Luật NHNN: 10 năm thi hành và định hướng sửa đổi, bổ sung” của TS. Viên Thế Giang, Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng thời, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về các chủ đề tham luận trên và những vấn đề khác liên quan đến Luật NHNN. Các đại biểu tham gia trao đổi, thảo luận đều đồng ý với các ý kiến tại các bài tham luận là cần thiết phải sửa Luật NHNN năm 2010 để phù hợp với bối cảnh thực tế hiện nay.
TS. Nguyễn Thị Hòa, Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN cho rằng, Luật NHNN năm 2010 được ban hành đã góp phần quan trọng trong việc hình thành cơ sở pháp lí để đổi mới tổ chức và hoạt động của NHNN, đặc biệt trong việc thực hiện các chức năng cơ bản của NHNN là xây dựng và thực thi chính sách tiền tệ quốc gia; tổ chức, quản lí, vận hành hệ thống thanh toán quốc gia và thanh tra, giám sát có hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, một số quy định của Luật NHNN năm 2010 chưa thực sự đáp ứng được việc xây dựng NHNN phù hợp với các yêu cầu đặt ra trong quá trình hội nhập quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19 và có nhiều biến động về tình hình chính trị thế giới. Trước thực tế đó, Luật NHNN năm 2010 cần sửa đổi dựa trên ba trụ cột chính của hoạt động NHNN, cụ thể: (i) Đối với hoạt động điều hành chính sách tiền tệ: Tăng cường tính độc lập của NHNN trong điều hành các công cụ chính sách tiền tệ và thống nhất cách hiểu về mục tiêu của chính sách tiền tệ là ổn định giá cả (kiểm soát lạm phát); (ii) Đối với hoạt động thanh toán: Tách biệt được dịch vụ trung gian thanh toán và dịch vụ thanh toán, bổ sung quy định pháp lí về các tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ thanh toán; (iii) Đối với hoạt động thanh tra, giám sát: Rà soát, sửa đổi làm rõ hơn quy định về đối tượng giám sát ngân hàng, thẩm quyền của NHNN về áp dụng hình thức can thiệp sớm đối với tổ chức tín dụng có nguy cơ rủi ro và bổ sung quy định về trách nhiệm của NHNN trong xử lí khủng hoảng hệ thống, trách nhiệm của NHNN trong việc thanh tra, giám sát các tập đoàn tài chính.
Theo TS. Đỗ Mạnh Phương, Phó Trưởng Khoa Luật, Học viện Ngân hàng, Luật NHNN năm 2010 đã có những tác động tính cực đến tổ chức và hoạt động của NHNN, giúp cho NHNN thực hiện tốt việc xây dựng và thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, đóng góp chung vào việc thực hiện thành công các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực thi Luật NHNN năm 2010 cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập nhất định cần phải nghiên cứu, hoàn thiện. TS. Đỗ Mạnh Phương cho rằng, có ba vấn đề bất cập, hạn chể trong Luật NHNN năm 2010 cần sửa đổi, bổ sung là: (1) Tính độc lập, tự chủ của NHNN trong mối quan hệ với Chính phủ; (2) Lãi suất cơ bản; (3) Vốn của NHNN.
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Tham gia thảo luận, PGS.,TS. Phạm Thị Hoàng Anh, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng cho rằng: Thứ nhất, Luật NHNN năm 2010 cần bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ của NHNN, trong đó có chức năng về ổn định hệ thống tiền tệ, tài chính, bởi vì sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009, đã có một số thay đổi trong các quy định về chức năng của NHNN. Chức năng này đã được đưa vào các quy định, thông tư của NHNN; bên cạnh đó, NHNN cũng đã có Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính. Thứ hai, cần sửa đổi, bổ sung các vấn đề liên quan đến mô hình của NHNN. Tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhiệm vụ số 2. a) Cơ cấu lại tổ chức NHNN theo hướng tinh gọn, chuyên môn hóa cao, hiệu lực và hiệu quả trong quản lí và điều hành. Vì thế, thời gian tới, cần có những đề xuất thay đổi mô hình hoạt động của NHNN…
Phát biểu tổng kết Hội thảo, TS. Bùi Hữu Toàn - Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng tin tưởng rằng, những chia sẻ, trao đổi tại Hội thảo sẽ mang lại những đóng góp thiết thực cho công tác điều hành của NHNN cũng như cho hoạt động của ngành Ngân hàng tại Việt Nam.
Trần Kim