TS. Trần Thế Sao
Trong 3 năm gần đây, cả nước nói chung và Ngân hàng chính sách xã hội (NHCS XH) Việt Nam nói riêng tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ, trong đó có lĩnh vực phát triển nông nghiệp - nông thôn (NO-NT). Giải pháp rất quan trọng để phát triển lĩnh vực này đó là chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn ban hành theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, cùng các chính sách khác có liên quan của Chính phủ về tín dụng ưu đãi. Các chính sách này đang được ngành ngân hàng triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, với sự tham gia của đông đảo các loại hình ngân hàng, chủ lực là Agribank và Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi của nhà nước. Bài viết tập trung làm rõ nội dung thực hiện tín dụng chính sách đối với phát triển NO-NT tại NHCSXH Việt Nam.
1. Kết quả cho vay theo lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn
Tính đến hết tháng 7/2018, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách tại NHCS XH Việt Nam đạt 188.368 tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn toàn quốc đạt 182.420 tỷ đồng, với hơn 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ của trên 20 chương trình tín dụng đang được triển khai. Tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực hoạt động chủ yếu của NHCSXH, chiếm 94% tổng dư nợ tín dụng tại ngân hàng này. Đến hết tháng 7/2018, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 171.374 tỷ đồng. Phân tích cơ cấu dư nợ NO-NT tại NHCSXH Việt Nam đến hết tháng 7/2018 được phân loại theo từng nhóm đối tượng của từng khu vực như sau:
Đối tượng là hộ gia đình, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, dư nợ đạt 169.257 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất (98,7%) đối với cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại NHCSXH; trong đó, dư nợ cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh là 120.434 tỷ đồng, cho vay tiêu dùng là 45.226 tỷ đồng. Dư nợ đối tượng là hộ gia đình, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được phân chia theo các khu vực: miền núi phía Bắc 38.595 tỷ đồng; Đồng bằng sông Hồng 28.502 tỷ đồng; Bắc Trung Bộ 46.550 tỷ đồng; Tây Nguyên 15.434 tỷ đồng; Đông Nam Bộ 10.938 tỷ đồng; Đồng bằng sông Cửu Long 29.238 tỷ đồng.
Đối tượng là doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, dư nợ đạt 90 tỷ đồng, chiếm 0,05% trong dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn tại NHCSXH; trong đó cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh là 27 tỷ đồng, cho vay tiêu dùng là 23 tỷ đồng... Dư nợ đối tượng là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được phân chia theo các khu vực: miền núi phía Bắc 11 tỷ đồng; Đồng bằng sông Hồng 46 tỷ đồng; Bắc Trung Bộ 8 tỷ đồng; Tây Nguyên 01 tỷ đồng; Đông Nam Bộ 13 tỷ đồng; Đồng bằng sông Cửu Long 11 tỷ đồng.
Đối tượng là hợp tác xã, chủ trang trại đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, dư nợ đạt 5 tỷ đồng ; trong đó chủ yếu là cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Dư nợ đối tượng là hợp tác xã, chủ trang trại hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được phân chia theo các khu vực: miền núi phía Bắc 1,52 tỷ đồng; Đồng bằng sông Hồng 0,96 tỷ đồng; Bắc Trung Bộ 1,12 tỷ đồng; Tây Nguyên 0,53 tỷ đồng; Đồng bằng sông Cửu Long 0,65 tỷ đồng.
Các đối tượng khác, dư nợ đạt 2.022 tỷ đồng, chiếm 1,17% trong dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn tại NHCSXH; trong đó cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh là là 1.738 tỷ đồng, cho vay tiêu dùng là 91 tỷ đồng...
2. Đánh giá thực trạng triển khai tín dụng chính sách phát triển nông nghiệp - nông thôn tại Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam
Về phương thức quản lý tín dụng
Để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đúng đối tượng thụ hưởng trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo trong điều kiện tiết giảm chi phí quản lý, chi phí xã hội..., NHCSXH Việt Nam đã và đang thực hiện phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù thông qua hình thức: (i) Phân công, phân cấp trách nhiệm trong việc xác định hộ nghèo và các đối tượng chính sách đủ điều kiện vay vốn; (ii) Thực hiện dân chủ, công khai trong cộng đồng dân cư; (iii) Kết hợp sự tham gia của 4 tổ chức chính trị - xã hội: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến bình và Đoàn Thanh niên CS HCM nhận ủy thác, thông qua các Tổ tiết kiệm & vay vốn (TK&VV), với vai trò giám sát xã hội và làm uỷ thác một số nội dung công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng chính sách. Đây là hướng đi đúng đắn, giúp cho việc chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng là thành viên, hội viên của 4 tổ chức đó một cách kịp thời, hiệu quả; đồng thời huy động được sức mạnh của cộng đồng và toàn xã hội cùng chung tay giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt là, thông qua hoạt động ủy thác và giám sát của các tổ chức đó, đã thực sự góp phần đổi mới nội dung hoạt động, phát huy vai trò và nâng cao vị thế của các đoàn thể tham gia.
Để phục vụ tốt nhất vốn tín dụng chính sách phát triển NO-NT đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đặc biệt tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, hiện nay, NHCSXH Việt Nam thực hiện tổ chức giao dịch định kỳ mỗi tháng 1 lần tại 10.962 Điểm giao dịch đặt tại trụ sở Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp xã, phường, thị trấn; phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội thành lập được 183.674 Tổ Tiết kiệm và vay vốn, hoạt động tại thôn, ấp, bản, làng. Hoạt động giao dịch với hộ vay vốn của NHCSXH Việt Nam chủ yếu diễn ra tại các xã, phường, thị trấn. Các chính sách tín dụng của nhà nước, trong đó có mục tiêu phục vụ phát triển NO-NT, danh sách hộ vay vốn và các quy trình, thủ tục vay vốn... được niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn; người vay giao dịch trực tiếp với NHCSXH vào ngày cố định hàng tháng để nhận tiền vay, gửi tiết kiệm, trả nợ, trả lãi... trước sự chứng kiến của hội đoàn thể, Tổ TK&VV và chính quyền địa phương. Quy trình, thủ tục cho vay được thiết kế đơn giản, phù hợp với trình độ của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác
Hoạt động tín dụng chính sách nói chung và phục vụ phát triển NO-NT nói riêng của NHCS XH Việt Nam được Đảng, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm, đánh giá rất cao. Tại Báo cáo số 660/BC-UBTVQH13, ngày 19/5/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, đã đánh giá: „Chính sách tín dụng cho hộ nghèo là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn của hộ nghèo, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực, là một trong những điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo. Đây cũng là chính sách xây dựng được mối liên kết tốt giữa Nhà nước thông qua NHCSXH với các tổ chức đoàn thể và người nghèo, phát huy được tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của người nghèo với chính quyền cơ sở thông qua việc giữ mối liên hệ, hướng dẫn làm ăn, đôn đốc giải ngân, thu nợ của ngân hàng”. Các đánh giá khác của Đảng, của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã được công bố công khai, đã ghi nhận những đóng góp tích cực của NHCS XH Việt Nam trong thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách theo các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, của Nhà nước.
Về quản lý rủi ro đối với cho vay theo lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn
Từ thực tiễn hoạt động của NHCS XH Việt Nam trong 16 năm qua có thể khẳng định, công tác thu hồi nợ vốn tín dụng chính sách nói chung, lĩnh vực phát triển nông nghiệp - nông thôn nói riêng từ người nghèo và các đối tượng chính sách khác luôn đạt kết quả tốt.
Bên cạnh việc kịp thời đáp ứng cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn, đầu tư cho phát triển NO-NT, NHCSXH Việt Nam còn tập trung phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn trong việc hướng dẫn người dân cách thức tổ chức sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh, chế biến, phát triển thủy sản, làm dịch vụ ở nông thôn, sản xuất mặt hàng thủ công truyền thống... Từ đó nguồn vốn tín dụng ưu đãi ngày càng phát huy được hiệu quả, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác ở khu vực nông thôn có vốn sản xuất kinh doanh, sản xuất nông nghiệp hàng hóa, góp phần xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo, làm thay đổi tích cực bộ mặt nông thôn Việt Nam trong những năm qua, ở cả miền núi và các vùng đồng bằng.
Vốn tín dụng chính sách đã từng bước làm thay đổi nhận thức của những người ở vùng nghèo, đa dạng nền sản xuất nông nghiệp theo hướng đẩy mạnh thâm canh, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất cây trồng và vật nuôi, thay đổi cách thức làm ăn từ tự cấp, tự túc sang sản xuất mang tính hàng hóa và tiếp cận nền kinh tế thị trường, góp phần tạo việc làm cho nông dân, đặc biệt là nông dân ở khu vực bị thu hồi đất để chuyển đổi mục đích sử dụng, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, cải thiện đời sống cho người lao động… Những kết quả này đã tác động tích cực đến khả năng trả nợ của người vay, điều này được thể hiện rõ khi chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được nâng cao trong thời gian qua, nợ quá hạn giảm dần, từ 13,75% khi nhận bàn giao, xuống còn 0,44% tại thời điểm 31/7/2018. Riêng đối với tín dụng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tỷ lệ nợ quá hạn là 0,4%. Đây là tỷ lệ thấp nhất trong tất cả các tổ chức tín dụng tham gia cho vay vốn trong lĩnh vực NO-NT.
Đối tượng cho vay của NCHSXH là hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được nhận diện là những đối tượng khách hàng dễ bị tổn thương, sinh sống chủ yếu ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn,… đầu tư vốn chủ yếu cho sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, quy mô hộ gia đình, trong điều kiện khí hậu thời tiết biến đổi phức tạp, sự biến động của nền kinh tế, giá nông sản, đầu ra của sản phẩm không ổn định, HSSV khi ra trường chưa có việc làm ngay… đã tác động rất lớn đến đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người vay, đây chính là những rủi ro tiềm ẩn đối với hoạt động tín dụng chính sách.
Hiện nay, việc xử lý nợ bị rủi ro tín dụng chính sách nói chung, đối với phát triển nông nghiệp - nông thôn nói riêng của NHCSXH Việt Nam đang thực hiện theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg, ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư hướng dẫn số 161/2010/TT-BTC, ngày 20/10/2010 của Bộ Tài chính. Từ khi triển khai thực hiện cơ chế này đã giúp NHCSXH Việt Nam có cơ sở pháp lý để xử lý các khoản nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan. Công tác xử lý nợ rủi ro được thực hiện đúng đối tượng, đúng chính sách, tuân thủ nguyên tắc kịp thời, công khai, dân chủ, công bằng với mọi đối tượng thụ hưởng. Sau khi có thông báo của cấp thẩm quyền, các đơn vị, tổ chức có liên quan đã thực hiện kiểm tra, rà soát chính xác để hạch toán kịp thời và thông báo công khai kết quả xử lý nợ bị rủi ro tại điểm giao dịch xã theo đúng quy định.
Để hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh, NHCSXH Việt Nam thực hiện phân tích số liệu nợ quá hạn và nợ khoanh của các chi nhánh theo định kỳ 5 ngày/lần và đưa ra đánh giá tổng quan về chất lượng tín dụng thông qua chỉ tiêu nợ quá hạn, nợ khoanh, từ đó kịp thời áp dụng các giải pháp đôn đốc, thu hồi nợ đến hạn, giảm tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, nâng cao ý thức trả nợ của người nghèo và các đối tượng chính sách khi được vay vốn ưu đãi của Chính phủ.
Bên cạnh đó, NHCSXH Việt Nam thường xuyên bám sát tình hình diễn biến thiên tai, lũ lụt xảy ra tại địa phương để kịp thời chỉ đạo các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt có phương án để bảo vệ an toàn tài sản, phối hợp với các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể nắm bắt tình hình thiệt hại, chủ động giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác kịp thời khắc phục hậu quả do thiên tai. Căn cứ tình hình thiệt hại, NHCSXH Việt Nam nơi cho vay kịp thời hướng dẫn khách hàng lập thủ tục đề nghị xử lý nợ bị rủi ro theo đúng quy định, đảm bảo việc xử lý nợ đúng đối tượng, công bằng, dân chủ, tạo điều kiện cho khách hàng nhanh chóng khắc phục hậu quả do thiên tai, sớm ổn định đời sống.
3. Khuyến nghị chính sách
Đối với Quốc hội
Đề nghị các Ủy ban, Ban của Quốc hội tiếp tục quan tâm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo chức năng, thẩm quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách do NHCS XH Việt Nam triển khai, có ý kiến xem xét đảm bảo nguồn vốn, đảm bảo cho vay đến đúng đối tượng thụ hưởng và phát huy được hiệu quả.
Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành
Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành có liên quan nghiên cứu, xem xét, chỉ đạo các cấp, các đơn vị, các tổ chức trực thuộc, cần thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư và Quyết định 401/QĐ-TTg, ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ, chủ động cân đối, bố trí đủ nguồn lực cho NHCS XH Việt Nam để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách. Bố trí nguồn vốn kịp thời đối với các chương trình tín dụng chính sách mới được ban hành, để đảm bảo tính hiệu lực và hiệu quả của chương trình. Bố trí vốn từ ngân sách nhà nước theo kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã phê duyệt cho NHCSXH. Bố trí tăng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP, để hỗ trợ phát triển sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của từng địa phương.
Các Bộ, ngành khi xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách có liên quan đến tín dụng chính sách xã hội cần đồng thời tính toán bố trí đủ nguồn lực, để NHCS XH Việt Nam kịp thời triển khai thực hiện.
Đối với cấp ủy, chính quyền địa phương
Đề nghị cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách, thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư và Quyết định 401/QĐ-TTg, ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Tiếp tục, quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH. Tiếp tục quan tâm chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội địa phương phối hợp với NHCSXH trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV và hoạt động của Điểm giao dịch xã. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư, tiêu thụ sản phẩm; định hướng sản xuất cây trồng, vật nuôi để hỗ trợ tín dụng chính sách xã hội đạt hiệu quả cao; thường xuyên điều tra, rà soát, thống kê xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác để tạo điều kiện cho các đối tượng này được vay vốn kịp thời, đúng đối tượng.
Đối với các tổ chức chính trị - xã hội
Đề nghị cần tiếp tục quan tâm, xem xét, đẩy mạnh hơn nữa công tác phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội, đối với phát triển NO-NT. Tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo tổ chức hội các cấp thực hiện tốt các nội dung công việc ủy thác; phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc hoạt động của cấp dưới, đặc biệt trong nhiệm vụ quản lý các Tổ TK&VV. Chú trọng công tác đào tạo tập huấn cho cán bộ tổ chức chính trị - xã hội trong việc củng cố nâng cao chất lượng tín dụng, kỹ năng kiểm tra, giám sát, theo dõi quản lý vốn vay.
Tài liệu tham khảo:
- Báo cáo của NHCS XH Việt Nam, tháng 9/2018.
-
www.sbv.gov.vn.
(Tạp chí Ngân hàng số 20, tháng 10/2018)