Thúc đẩy thị trường thẻ hướng đến xã hội không tiền mặt và tài chính toàn diện
24/10/2023 8.908 lượt xem
Hành lang pháp lí không ngừng được hoàn thiện, cơ sở hạ tầng công nghệ phục vụ thanh toán thẻ được đầu tư, nâng cấp, các tổ chức phát hành thẻ đã chủ động, sáng tạo nghiên cứu, phát hành, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thẻ đa tiện ích, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng. Thị trường thẻ Việt Nam được đánh giá có tốc độ phát triển nhanh chóng. Thẻ ngân hàng đã ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng cùng với các phương thức thanh toán hiện đại khác, số lượng và giá trị giao dịch tăng trưởng mạnh. Nỗ lực này của ngành Ngân hàng nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam.

Vào năm 1993, chiếc thẻ ngân hàng đầu tiên do Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (nay là Ngân hàng Thương mại (NHTM) cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank) phát hành, đặt viên gạch đầu tiên xây dựng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) nói chung, sử dụng thẻ thanh toán nói riêng tại Việt Nam. Đến năm 2002, chiếc thẻ ghi nợ nội địa mới được Vietcombank chính thức ra mắt. Những năm qua, thị trường thẻ Việt Nam được đánh giá có tốc độ phát triển nhanh chóng, góp phần quan trọng thúc đẩy nhanh xu hướng TTKDTM.

Theo Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tính đến tháng 7/2023, số lượng thẻ đang lưu hành đạt hơn 140 triệu thẻ (tăng 8,27% so với cuối năm 2021), với hơn 103 triệu thẻ nội địa, 36,7 triệu thẻ quốc tế; trong đó có gần 10,8 triệu thẻ mở bằng phương thức định danh khách hàng điện tử (eKYC) đang lưu hành (27 ngân hàng đang triển khai). Về mặt giá trị, giao dịch qua thẻ cũng tăng mạnh, cụ thể: Đến ngày 31/12/2021, giao dịch toàn hệ thống thẻ đạt gần 1,6 tỉ món, tương đương 4,44 triệu tỉ đồng; đến ngày 31/12/2022, giao dịch toàn hệ thống đạt gần 2,2 tỉ món, tương đương 4,86 triệu tỉ đồng (tăng lần lượt 39,12% về số lượng và 9,49% về giá trị so với cùng kì năm 2021) và đến tháng 7/2023, giao dịch toàn hệ thống đạt gần 1,3 tỉ món, tương đương 2,63 triệu tỉ đồng (tăng 3,21% về mặt số lượng so với cùng kì năm 2022).

Hoàn thiện về pháp lí và hạ tầng công nghệ thúc đẩy hoạt động thẻ

Trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, đến nay, hành lang pháp lí về hoạt động thẻ đã dần được hoàn thiện và sự phát triển của hoạt động thẻ có nhiều đột phá lớn từ việc phát hành, đa dạng hóa hình thức (thẻ ghi nợ/thẻ tín dụng; thẻ trả trước; thẻ phi vật lí; thẻ nội địa/thẻ quốc tế...) đến các phương thức sử dụng thẻ khác nhau.

Hiện nay, hoạt động thẻ đã và đang được điều chỉnh bởi các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2010 (đã sửa đổi, bổ sung); Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về TTKDTM (đã sửa đổi, bổ sung); Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng (đã được sửa đổi, bổ sung); Thông tư số 47/2014/TT-NHNN ngày 31/12/2014 của Thống đốc NHNN quy định các yêu cầu kỹ thuật về an toàn bảo mật đối với trang thiết bị phục vụ thanh toán thẻ ngân hàng (đã sửa đổi, bổ sung)...; các quy định như: Đề án phát triển TTKDTM qua các giai đoạn cụ thể; Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Tiêu chuẩn thẻ chíp nội địa...
 
             Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
 
Chủ trương phát triển hoạt động thẻ được Thủ tướng Chính phủ nêu rõ tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (ban hành kèm theo Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018) đã đề ra giải pháp phát triển nhiều dịch vụ gia tăng trên kênh cung ứng dịch vụ ngân hàng từ thẻ; xây dựng chuẩn thẻ chíp nội địa và triển khai kế hoạch chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chíp tại Việt Nam với lộ trình thích hợp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn trong thanh toán thẻ, tạo thuận lợi kết nối với các hệ thống thanh toán khác.

Đồng thời, tại Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 (ban hành kèm theo Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021) cũng đưa ra các giải pháp: (i) Đẩy mạnh ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động (trong đó có mã hóa thông tin thẻ - Tokenization); (ii) Tiếp tục phát triển dịch vụ thẻ, cung ứng các dịch vụ gia tăng khác; tập trung triển khai hoàn thành chuyển đổi thẻ từ thẻ từ sang thẻ chíp, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán thẻ, gia tăng dịch vụ, tạo thuận lợi kết nối với các hệ thống thanh toán khác; (iii) Khuyến khích đầu tư phát triển, sắp xếp hợp lí và gia tăng chức năng, tiện ích trên các thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ (ATM, POS) với các hình thức phù hợp, hiệu quả. Bên cạnh đó, Thông tư số 19/2016/TT-NHNN (đã sửa đổi, bổ sung) cũng đã quy định chi tiết về hoạt động thẻ bao gồm: Hoạt động phát hành, sử dụng, thanh toán, chuyển mạch, bù trừ điện tử và quyết toán giao dịch thẻ và các văn bản hướng dẫn về lộ trình chuyển đổi thẻ chíp nội địa, an toàn bảo mật của thiết bị phục vụ thanh toán thẻ, hướng dẫn mở thẻ cho cá nhân bằng phương thức eKYC, tiêu chuẩn về thẻ chíp nội địa... Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện các quy định về hoạt động thẻ, trong đó tập trung xây dựng Thông tư thay thế Thông tư số 19/2016/TT-NHNN nhằm phù hợp với thực tiễn triển khai hoạt động thẻ và xu hướng phát triển trong tương lai.

Đến nay, cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM nói chung, thanh toán thẻ nói riêng luôn được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả. Các ngân hàng đã tích hợp thêm nhiều tính năng vào thẻ để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ; đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ, độ an toàn thanh toán thẻ. Thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng.

Theo NHNN, trong 8 tháng đầu năm 2023 so với cùng kì năm 2022, giao dịch TTKDTM tăng 51,19% về số lượng; qua kênh Internet tăng 76% về số lượng và 1,79% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 65% về số lượng và 77% về giá trị; qua phương thức QR Code tăng 152% về số lượng và 301% về giá trị). Hệ thống ATM, POS cũng được các ngân hàng quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ, tính đến cuối tháng 7/2023, toàn thị trường hiện có hơn 21.369 ATM, hơn 477.909 POS (tăng tương ứng 3,31% và 28,86% so với cùng kì năm 2022).

Dịch vụ thẻ phát triển đã giúp các NHTM có thêm kênh huy động vốn và phát triển thêm các dịch vụ giá trị gia tăng với nhiều tiện ích khác nhau cung cấp cho khách hàng. Để gia tăng lượng giao dịch không dùng tiền mặt, các ngân hàng đã đẩy mạnh thanh toán hàng hóa dịch vụ sử dụng thẻ, các tiện ích dịch vụ… Ngoài rút tiền mặt, chủ thẻ có thể dễ dàng sử dụng thẻ trong các thanh toán giao dịch hóa đơn điện thoại, Internet, trả phí bảo hiểm, chuyển khoản thanh toán… Tiện ích của thẻ ATM không chỉ giúp chủ thẻ quản lí được tiền, không đem theo một lượng tiền lớn để thanh toán hàng hóa, dịch vụ, tiết kiệm được tiền mà còn giúp họ tiết kiệm chi tiêu khi các ngân hàng phát hành thẻ phối hợp với những đơn vị bán hàng giảm giá hàng hóa cho khách hàng sử dụng thẻ.

Quy mô dân số trẻ không ngừng mở rộng cùng với sự phát triển của công nghệ và xu hướng thương mại điện tử ngày càng thịnh hành là những yếu tố cơ bản khiến thị trường thẻ thanh toán ở Việt Nam, cả thẻ tín dụng (credit card) và thẻ ghi nợ (debit card) ngày càng được sử dụng rộng rãi. Bên cạnh sự phát triển đó, các ngân hàng Việt Nam cũng không ngừng quan tâm đến việc đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật cho khách hàng sử dụng thẻ. Đến nay, 100% thẻ phát hành mới tại Việt Nam đã được theo chuẩn chíp EMV nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động thẻ.

Bên cạnh sự tham gia của các tổ chức thẻ quốc tế vào thị trường Việt Nam, thời gian qua, các tổ chức phát hành thẻ tại Việt Nam cũng đã nghiên cứu phát triển, cung ứng các sản phẩm thẻ nội địa gắn với thương hiệu thẻ của Việt Nam. Đến tháng 8/2023, có 15 tổ chức phát hành thẻ phát hành thẻ tín dụng nội địa (cụ thể như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) phát hành thẻ Lộc Việt; NHTM cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) phát hành thẻ VietinBank 2Card; NHTM cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) phát hành thẻ Easy Card, NHTM cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) phát hành thẻ Flex…).

Trước sự phát triển và ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động ngân hàng, trong thời gian tới, các ngân hàng sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển hình thức thanh toán mới, hiện đại, gia tăng các dịch vụ trên thẻ như thanh toán bằng thẻ chíp phi tiếp xúc (contactless), thanh toán NFC, thanh toán qua QR Code, thương mại điện tử qua ứng dụng Mobile Banking, Internet Banking… kết hợp với các giải pháp xác thực khách hàng qua sinh trắc học, bảo mật, mã hóa thông tin thẻ (tokenization), eKYC.

Tuy nhiên, với sự cạnh tranh trên thị trường gia tăng, hoạt động kinh doanh thẻ của các ngân hàng đối mặt với các rủi ro phát sinh tương ứng với xu hướng thị trường, có thể kể đến như: Vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh toán thẻ; tấn công, khai thác lỗ hổng bảo mật; sử dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản; cho vay nặng lãi qua các ứng dụng; sử dụng thiết bị giả trạm BTS; khách hàng cố tình trục lợi hoặc lợi dụng các chính sách của ngân hàng; tình trạng thanh toán khống… đang gia tăng.

Các thủ đoạn lừa đảo phổ biến của các đối tượng tội phạm gần đây như: Giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, thuế, bảo hiểm xã hội yêu cầu người bị hại cài đặt các ứng dụng (App) giả mạo trên điện thoại, âm thầm kiểm soát điện thoại, thực hiện giao dịch chuyển tiền chiếm đoạt; tuyển cộng tác viên bán hàng online, người mẫu nhí, làm nhiệm vụ đơn hàng, kêu gọi đầu tư chứng khoán... Sau khi người bị hại chuyển tiền các đối tượng chiếm đoạt, thông qua tiền ảo chuyển ra nước ngoài; lập website, giả mạo nhân viên các ngân hàng, công ty tài chính đăng bài quảng cáo cho vay thủ tục nhanh, gọn, yêu cầu nộp các loại phí để chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, một số thủ đoạn mới được các đối tượng tội phạm sử dụng gần đây có thể kể đến như: Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo Deepfake giả mạo khuôn mặt, giọng nói để liên hệ người người thân, bạn bè chuyển tiền; giả mạo dịch vụ lấy lại tiền đã bị lừa đảo; lập doanh nghiệp “ma”, mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền đầu tư chứng khoán, thị trường ngoại hối (Forex)...

Đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường thẻ, hướng tới xã hội không tiền mặt

Việc đẩy mạnh phát triển thị trường thẻ trong tương lai là một trong các mục tiêu, giải pháp nhằm góp phần phát triển TTKDTM tại Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu, giải pháp này cần có sự quan tâm đầu tư của tổ chức phát hành thẻ và sự chung tay hợp tác của các đơn vị liên quan, góp phần hoàn thành mục tiêu tiến tới một xã hội không tiền mặt. NHNN đã xác định một số định hướng, giải pháp chính phát triển TTKDTM nói chung, đẩy mạnh thị trường thẻ nói riêng trong thời gian tới.

Theo đó, NHNN tiếp tục tập trung hoàn thiện hành lang pháp lí, cơ chế, chính sách cho hoạt động TTKDTM nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lí đầy đủ, đồng bộ nhằm khuyến khích phát triển các dịch vụ thanh toán mới, hiện đại, hạn chế sử dụng tiền mặt và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, nâng cao năng lực quản lí nhà nước trong lĩnh vực thanh toán.

Bên cạnh đó, NHNN chỉ đạo nâng cấp, phát triển hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, hệ thống thanh toán của các ngân hàng đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác, mở rộng hệ sinh thái thanh toán số để phục vụ thanh toán trực tuyến.

Để tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn trong thanh toán, thời gian tới, NHNN tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lí, trong đó có một số quy định như: Xây dựng bộ tiêu chí nhận diện các chủ thẻ có dấu hiệu nghi ngờ gian lận, lừa đảo; áp dụng giải pháp công nghệ nhận diện, phát hiện hành vi bất thường, rủi ro cao trong sử dụng thẻ; có biện pháp xác minh, thẩm định, quản lí, giám sát đơn vị chấp nhận thanh toán...

Đồng thời, NHNN phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công, nhất là trong công tác phối hợp thu ngân sách nhà nước, trong lĩnh vực y tế, giáo dục.

Ngoài ra, NHNN tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, nhất là thanh toán điện tử, trung gian thanh toán, thanh toán xuyên biên giới.

Đặc biệt, ngành Ngân hàng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn nâng cao nhận thức về hoạt động TTKDTM nói chung, thanh toán thẻ nói riêng, trong đó có bảo vệ, quyền lợi ích hợp pháp của người dử dụng phương tiện, dịch vụ TTKDTM; giúp người dân nhận biết được những hành vi bị cấm trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, khuyến cáo người dân không tham gia, tiếp tay cho các đối tượng tội phạm lợi dụng hoạt động TTKDTM vào các hoạt động bất hợp pháp.

Trong công tác truyền thông giáo dục tài chính, ngành Ngân hàng cần đa dạng hình thức thể hiện, đảm bảo dễ hiểu, dễ thực hiện, nhằm nâng cao kiến thức, kĩ năng cho khách hàng trong sử dụng thẻ. Trong hướng dẫn sử dụng thẻ, ngân hàng khuyến cáo khách hàng bảo quản thông tin thẻ, không để lộ các thông tin thẻ của mình cho người khác biết, cẩn thận trong việc mua sắm trên mạng, không nên mua sắm hàng hóa và không cung cấp thông tin thẻ để thực hiện thanh toán trên các trang web hay cho các đơn vị chấp nhận thẻ không tin cậy.

Khi phát hành thẻ, ngân hàng cần hướng dẫn khách hàng thanh toán thẻ an toàn, hạn chế tình trạng bị đánh cắp thông tin thẻ (skimming), sửa đổi thông tin giao dịch cũng như những hành động cần thiết chủ thẻ cần thực hiện khi nhận thấy có dấu hiệu gian lận trong quá trình thanh toán thẻ. Hướng dẫn và thường xuyên kiểm tra công tác thanh toán thẻ tại các đơn vị chấp nhận thẻ. Khách hàng nên khóa tính năng thanh toản trực tuyến tuyến nếu không sử dụng, cài đặt hạn mức chi tiêu thẻ trên ứng dụng ngân hàng điện tử để hạn chế rủi ro mất tiền trong tài khoản thẻ…

Bên cạnh các biện pháp giáo dục, hướng dẫn khách hàng sử dụng và chấp nhận thẻ ngân hàng, hằng ngày nhóm quản lí rủi ro của ngân hàng cần tiến hành theo dõi các báo cáo về tình hình hoạt động thẻ trong hệ thống để phát hiện kịp thời các giao dịch giả mạo trong hệ thống thẻ của ngân hàng. Trên cơ sở phân loại, cán bộ quản lí rủi ro tiến hành xác minh để phát hiện các giao dịch giả mạo, từ đó có các biện pháp xử lí kịp thời.

Cùng với việc theo dõi báo cáo sử dụng và thanh toán thẻ của ngân hàng, cán bộ quản lí rủi ro cần xem các báo cáo về giả mạo thẻ của các tổ chức thẻ quốc tế để nắm được tình hình, diễn biến, xu hướng giả mạo trong hoạt động thẻ trên thế giới, trong khu vực cũng như của ngân hàng mình. Qua các thông tin thu được, căn cứ vào thực tế hoạt động thẻ của ngân hàng mà đề xuất các giải pháp ngăn chặn giao dịch giả mạo có thể xảy ra đối với hoạt động thẻ của ngân hàng.

Để bảo đảm an toàn thanh toán thẻ nói riêng, TTKTDM nói chung, trong kỉ nguyên số, các TCTD nên tăng cường sử dụng các giải pháp như: Tokenization, sử dụng công nghệ cao như: 3D-Secure, AI, trang bị kiến thức cho người tiêu dùng…

Hiện nay, ngành Ngân hàng đang phối hợp Bộ Công an trong triển khai Đề án 06 (Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030), tiến tới giải pháp xác thực, định danh khách hàng sử dụng Căn cước công dân gắn chíp, với các tính năng có thể kể đến như: Xác thực, định danh khách hàng trên nền tảng thẻ căn cước công dân gắn chíp, xác minh thẻ thật giả qua việc kiểm tra chữ kí số của Bộ Công an; xác minh vân tay/khuôn mặt sống và đối sánh trực tiếp trên chíp của thẻ với công nghệ Match-on-Card (MoC); hỗ trợ đa dạng kênh xác thực (tại quầy, ATM/Kiosk/AutoBank và qua ứng dụng di động)… Với giải pháp này có thể hỗ trợ tốt cho ngành Ngân hàng trước những rủi ro đang phải đối mặt.

Để phát triển thẻ tín dụng nội địa, các TCTD cần nghiên cứu phát triển các sản phẩm thẻ tín dụng nội địa hiện đại, an toàn, đa năng đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách hàng. Ngoài ra, cần có chính sách ưu đãi khuyến mại đối với khách hàng sử dụng thẻ tín dụng nội địa và các đơn vị chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng nội địa. Ngoài ra, các tổ chức phát hành thẻ cũng cần tích cực hợp tác với các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có liên kết với các sàn thương mại điện tử lớn, tạo điều kiện cho khách hàng sử dụng thẻ tín dụng nội địa có thể thanh toán tại các sàn thương mại điện tử cũng như tại các điểm mua bán hàng hóa, dịch vụ tại các khu vực vùng sâu, vùng xa.

Đơn vị chấp nhận thẻ là nhân tố vô cùng quan trọng không thể thiếu trong quá trình thanh toán thẻ, có vai trò quan trọng đến sự phát triển của dịch vụ thẻ, nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro gây tổn thất cho ngân hàng. Ngân hàng cần thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng cho nhân viên chấp nhận thẻ các kiến thức về cách nhận biết thẻ giả mạo, các thao tác cần thiết để thực hiện thanh toán thẻ và cách quản lí nhân viên.

Bên cạnh việc đào tạo trực tiếp nhân viên chấp nhận thẻ tại các đơn vị chấp nhận thẻ, ngân hàng in các ấn phẩm hướng dẫn cách nhận biết và thanh toán thẻ dưới dạng đề can, stick, sách, tài liệu hướng dẫn, các thiết bị giúp phát hiện thẻ giả như kính lúp. Cán bộ ngân hàng cũng cần kiểm tra thiết bị thanh toán tại đơn vị chấp nhận thẻ để đảm bảo đơn vị chấp nhận thẻ không sử dụng các thiết bị có khả năng lưu trữ thông tin giao dịch, ngăn chặn việc cung cấp thông tin thẻ cho bên thứ ba và bảo mật thông tin trong quá trình truyền thông tin về ngân hàng.

Ngoài ra, về phía Hiệp hội thẻ: Trong thời gian tới, Hiệp hội thẻ cần tiếp tục phát huy vai trò “diễn đàn hợp tác trao đổi” của mình trong hoạt động phòng chống rủi ro trong lĩnh vực kinh doanh thẻ tại thị trường Việt Nam. Hiệp hội thẻ cần đưa ra các quy định đối với các thành viên trong việc cung cấp thông tin và là đầu mối phối hợp hành động phòng chống các hành vi gian lận trong lĩnh vực kinh doanh thẻ ngân hàng trên thị trường. Hiệp hội thẻ cũng là đầu mối tổ chức, nghiên cứu đưa ra các đề xuất hạn chế rủi ro trong kinh doanh thẻ, đầu mối liên lạc với các tổ chức thẻ quốc tế trong hoạt động phòng, chống giả mạo thẻ và tổ chức các khóa học bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho các ngân hàng thành viên trong hoạt động phòng, chống rủi ro kinh doanh thẻ.

Ở tầm vĩ mô, Chính phủ cần sớm ban hành quy định tội danh và khung hình phạt nghiêm khắc trong Bộ luật Hình sự cho loại tội phạm sử dụng thẻ giả và cấu kết lừa đảo giả mạo giao dịch thẻ. Các hoạt động giả mạo thẻ thường có liên quan đến yếu tố nước ngoài nên Chính phủ có thể tham khảo luật và quy định của các tổ chức thẻ quốc tế cũng như các quy định của luật pháp quốc tế để ban hành các điều khoản có tính thực thi cao, phù hợp với thông lệ quốc tế, tránh những tranh chấp quốc tế có thể xảy ra mà không mâu thuẫn với hệ thống pháp luật Việt Nam.         

Tài liệu tham khảo

1. Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025.
2. Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
3. Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng (đã được sửa đổi, bổ sung).

Hải Anh
NHNN

Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Ngân hàng mở: Cơ hội mới nhưng đầy thách thức với ngành Ngân hàng
Ngân hàng mở: Cơ hội mới nhưng đầy thách thức với ngành Ngân hàng
26/04/2024 328 lượt xem
Bài viết trình bày về những lợi ích, cơ hội khi áp dụng hệ sinh thái ngân hàng mở; đồng thời, chỉ ra các rào cản trong quá trình triển khai; từ đó, đề xuất một số khuyến nghị nhằm thực hiện tốt mô hình ngân hàng mở trong những năm tiếp theo.
Đảm bảo an ninh mạng tại Neobank với sự kết hợp của trí tuệ  nhân tạo, Blockchain và học máy
Đảm bảo an ninh mạng tại Neobank với sự kết hợp của trí tuệ nhân tạo, Blockchain và học máy
25/04/2024 418 lượt xem
Neobank (ngân hàng thế hệ mới) là mô hình ngân hàng hiện đang được rất nhiều người ưa chuộng, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm ngân hàng số hóa đầu tiên. Tuy nhiên, cùng với sự đổi mới nhanh chóng về công nghệ, rủi ro an ninh mạng cũng ngày càng tăng cao. Việc quản lí rủi ro kém hiệu quả có thể gây tổn hại không chỉ cho ngân hàng mà còn cho khách hàng.
Đảm bảo an ninh, an toàn trong cung ứng và sử dụng dịch vụ ví điện tử
Đảm bảo an ninh, an toàn trong cung ứng và sử dụng dịch vụ ví điện tử
19/04/2024 1.012 lượt xem
Nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động thanh toán, trong đó có dịch vụ ví điện tử, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan mở và sử dụng tài khoản thanh toán (TKTT), thẻ ngân hàng, ví điện tử...
Phát triển ngân hàng xanh nhằm tạo động lực cho phát triển bền vững ở Việt Nam
Phát triển ngân hàng xanh nhằm tạo động lực cho phát triển bền vững ở Việt Nam
15/04/2024 1.637 lượt xem
Ngân hàng xanh đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững. Mục tiêu của bài viết này nhằm nhận diện những khó khăn và thách thức mà ngân hàng xanh ở Việt Nam đang gặp phải thông qua phỏng vấn sâu với 30 lãnh đạo và nhân viên giàu kinh nghiệm tại các ngân hàng thương mại (NHTM).
Xác thực sinh trắc học giúp tăng khả năng bảo mật  và an toàn cao hơn trong giao dịch ngân hàng
Xác thực sinh trắc học giúp tăng khả năng bảo mật và an toàn cao hơn trong giao dịch ngân hàng
03/04/2024 3.186 lượt xem
Từ ngày 01/7/2024, khách hàng phải xác thực sinh trắc học khi giao dịch ngân hàng lần đầu bằng Mobile Banking; mọi giao dịch chuyển tiền có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên đều phải thông qua bước xác thực bằng sinh trắc học đối với người chuyển tiền; tổng số tiền các giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực bằng sinh trắc học.
Agri-Fintech: Giải pháp cho việc nâng cao hiệu quả tài trợ tài chính trong lĩnh vực nông nghiệp của kỉ nguyên số
Agri-Fintech: Giải pháp cho việc nâng cao hiệu quả tài trợ tài chính trong lĩnh vực nông nghiệp của kỉ nguyên số
27/03/2024 2.862 lượt xem
Việc tài trợ tài chính cho lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam trong thời gian qua luôn gặp nhiều khó khăn cho dù đã có sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và các bên liên quan.
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số
25/03/2024 3.623 lượt xem
Quá trình số hóa ở Việt Nam đang ngày càng phát triển nhanh chóng, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng. Với sự tiến bộ không ngừng của công nghệ, ngành Ngân hàng đang có những cải cách trong nền tảng kĩ thuật số nhằm cung ứng dịch vụ và giải quyết yêu cầu của khách hàng tốt hơn.
Nâng cao kĩ năng cho người tiêu dùng trong sử dụng thẻ tín dụng
Nâng cao kĩ năng cho người tiêu dùng trong sử dụng thẻ tín dụng
22/03/2024 4.287 lượt xem
Ngày nay, với nhiều tiện ích, thẻ tín dụng đã trở nên phổ biến trong chi tiêu, mua sắm của người dân. Tuy nhiên, thực tế không ít người do chưa hiểu rõ về tính năng của thẻ, số ngày miễn lãi, nguyên tắc trả nợ và cách tính lãi suất nếu thanh toán không đủ hoặc không đúng hạn mà có thể trở thành những “con nợ” lớn của ngân hàng.
Tăng cường các giải pháp ngăn chặn lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản
Tăng cường các giải pháp ngăn chặn lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản
20/03/2024 4.336 lượt xem
Thời gian gần đây, ngày càng xuất hiện nhiều hơn tình trạng tội phạm sử dụng các loại mã độc đánh cắp thông tin, mã hóa dữ liệu của người dùng để chiếm đoạt tài sản. Các chuyên gia bảo mật cảnh báo, sau khi xâm nhập, các mã độc này có thể "nằm vùng" như một gián điệp, thu thập thông tin, điều khiển các ứng dụng ngân hàng, đánh cắp tài khoản, mật khẩu và mã OTP của nạn nhân để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và số hóa ngân hàng
Giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và số hóa ngân hàng
15/03/2024 4.560 lượt xem
Thời gian qua, với mục tiêu lấy khách hàng là trung tâm, ngành Ngân hàng đã không ngừng hoàn thiện pháp lý và hạ tầng công nghệ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), thúc đẩy hoạt động ngân hàng số và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.
Nghĩa vụ bảo mật thông tin người sử dụng Internet Banking của nhà cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán
Nghĩa vụ bảo mật thông tin người sử dụng Internet Banking của nhà cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán
13/03/2024 4.251 lượt xem
Trong bối cảnh chuyển đổi số, Việt Nam luôn nỗ lực thay đổi, cải tiến và cập nhật những công nghệ hiện đại để áp dụng phát triển trong hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế. Internet Banking hay dịch vụ thanh toán trên các thiết bị điện tử trở thành một bước tiến trong giao dịch thương mại.
Hoạt động tài chính vi mô trong xu hướng phát triển của công nghệ tài chính
Hoạt động tài chính vi mô trong xu hướng phát triển của công nghệ tài chính
04/03/2024 5.052 lượt xem
Tổ chức tài chính vi mô (TCVM) là loại hình tổ chức tín dụng thực hiện một số hoạt động nghiệp vụ như ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp nhỏ.
Xây dựng nguồn lực con người nhằm phát triển văn hóa doanh nghiệp trong chuyển đổi số hoạt động ngân hàng
Xây dựng nguồn lực con người nhằm phát triển văn hóa doanh nghiệp trong chuyển đổi số hoạt động ngân hàng
01/03/2024 5.098 lượt xem
Kết quả nghiên cứu về phát triển văn hóa doanh nghiệp trong chuyển đổi số của các tổ chức nói chung và lĩnh vực ngân hàng nói riêng đều khẳng định, văn hóa doanh nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng, như là “quyền lực mềm” của tổ chức, giúp tổ chức phát triển bền vững.
Pháp luật về định danh khách hàng điện tử trong hoạt động ngân hàng tại Việt Nam
Pháp luật về định danh khách hàng điện tử trong hoạt động ngân hàng tại Việt Nam
14/02/2024 7.019 lượt xem
Trong quá trình hoạt động chuyển đổi số ngành Ngân hàng tại Việt Nam, định danh khách hàng điện tử hay còn gọi là eKYC (Electronic Know Your Customer) đang trở thành một xu hướng phát triển tất yếu. Công nghệ này cho phép các ngân hàng tại Việt Nam cung ứng dịch vụ số hóa, nâng cao trải nghiệm của khách hàng và tối ưu hóa hoạt động, đặc biệt trong hoạt động liên quan đến tài khoản thanh toán.
Chuyển đổi số ngành Ngân hàng - Tăng tốc và phát triển bền vững
Chuyển đổi số ngành Ngân hàng - Tăng tốc và phát triển bền vững
08/02/2024 7.019 lượt xem
Chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng không chỉ là một xu hướng mà còn là một bước tiến quan trọng hướng tới tương lai tài chính hiện đại và linh hoạt.
Giá vàngXem chi tiết

GIÁ VÀNG - XEM THEO NGÀY

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

81.000

83.500

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

81.000

83.500

Vàng SJC 5c

81.000

83.520

Vàng nhẫn 9999

74.200

76.100

Vàng nữ trang 9999

74.000

75.300


Ngoại tệXem chi tiết
TỶ GIÁ - XEM THEO NGÀY 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 25,145 25,485 26,411 27,860 30,670 31,974 159.56 168.87
BIDV 25,185 25,485 26,528 27,748 30,697 31,977 159.6 168
VietinBank 25,160 25,485 26,651 27,946 31,096 32,106 161.07 169.02
Agribank 25,180 25,485 26,599 27,900 30,846 32,001 160.64 168.67
Eximbank 25,160 25,485 26,632 27,531 30,915 31,959 161.35 166.79
ACB 25,190 25,485 26,768 27,476 31,178 31,876 161.53 166.97
Sacombank 25,250 25,485 26,880 27,440 31,315 31,817 162.5 167.51
Techcombank 25,228 25,485 26,523 27,869 30,720 32,037 157.83 170.27
LPBank 24,943 25,485 26,344 27,844 31,044 31,948 159.37 170.59
DongA Bank 25,250 25,485 26,760 27,440 31,070 31,920 159.80 166.90
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,60
1,60
1,90
2,90
2,90
4,60
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,40
2,60
3,50
3,70
4,50
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,10
2,30
2,50
3,50
3,60
4,50
4,80
Techcombank
0,10
-
-
-
2,20
2,20
2,30
3,40
3,45
4,40
4,40
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
1,80
1,80
2,10
3,20
3,20
5,00
5,30
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,30
3,30
3,30
4,30
4,50
4,80
5,00
Agribank
0,20
-
-
-
1,60
1,60
1,90
3,00
3,00
4,70
4,70
Eximbank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,00
3,20
3,30
3,80
3,80
4,80
5,10

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?