Để tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, đồng thời thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), ngành Ngân hàng đã liên tiếp có các chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã không ngừng hoàn thiện hành lang pháp lý tạo điều kiện cho thanh toán điện tử, đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM), tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đẩy mạnh cung ứng dịch vụ TTKDTM, tăng cường kết nối hệ thống thanh toán điện tử với các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, tạo sự đồng bộ và phát triển hệ sinh thái số đa dạng, gia tăng tiện ích cho người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ.
Miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán: Chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp
Thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, NHNN đã ban hành Thông tư số 13/2021/TT-NHNN ngày 23/8/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2013/TT-NHNN ngày 05/12/2013 của NHNN ban hành Biểu phí dịch vụ thanh toán qua NHNN. Theo đó, giảm 50% mức phí giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) của NHNN từ ngày 01/9/2021 đến hết ngày 30/6/2022. Theo NHNN, đây là một trong những giải pháp nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Như vậy, từ năm 2020 đến nay, NHNN đã ba lần thực hiện giảm 50% mức phí giao dịch qua Hệ thống TTĐTLNH.
Trước đó, NHNN đã hai lần thực hiện giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống TTĐTLNH cho các tổ chức tín dụng (TCTD): Lần 1: Áp dụng từ ngày 01/4/2020 đến hết ngày 31/12/2020 (theo Thông tư số 04/2020/TT-NHNN ngày 31/3/2020 của NHNN); Lần 2: Áp dụng từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 30/6/2021 (theo Thông tư số 19/2020/TT-NHNN ngày 30/12/2020 của NHNN).
Đồng thời, NHNN đã thực hiện hoàn phí giao dịch cho Ngân hàng Chính sách xã hội khi thực hiện giải ngân cho vay theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Liên quan đến chính sách về phí cung ứng dịch vụ ngân hàng, theo quy định của pháp luật hiện hành, trong hoạt động kinh doanh của TCTD, TCTD được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của TCTD (Điều 91 Luật Các TCTD 2010). Tuy nhiên, để thúc đẩy người dân sử dụng các phương thức TTKDTM, đặc biệt là thanh toán điện tử, thời gian qua, NHNN đã ban hành nhiều cơ chế chính sách, trong đó có đề nghị các NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nghiên cứu, áp dụng chính sách ưu đãi, miễn/giảm phí dịch vụ thanh toán trong giai đoạn đầu để khuyến khích và tạo lập thói quen TTKDTM đối với tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử.
Đặc biệt, trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19, NHNN đã chủ động, tích cực, khẩn trương ban hành các chính sách; chỉ đạo các TCTD, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) thực hiện miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, qua đó thúc đẩy TTKDTM.
Theo đó, từ năm 2020 đến nay, Napas và các TCTD đã ba lần thực hiện giảm phí giao dịch thanh toán điện tử cho khách hàng: Lần 1: Giảm phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng có giá trị nhỏ (từ 500.000 VND trở xuống), áp dụng từ ngày 25/02/2020; Lần 2: Điều chỉnh giảm phí dịch vụ đối với phí dịch vụ thanh toán cho các món thanh toán có giá trị từ 500.001 VND - 2.000.000 VND cho khách hàng và giảm giá sử dụng sản phẩm thông tin tín dụng với khách hàng, thời gian thực hiện từ ngày 25/3/2020 đến hết ngày 31/12/2020, ước tính tổng số phí mà các TCTD giảm cho khách hàng trong năm 2020 cho cả hai lần giảm phí khoảng 1.004 tỷ đồng; Lần 3: Thực hiện giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử tương đương với mức giảm của NHNN theo Thông tư số 19/2020/TT-NHNN, áp dụng từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 30/6/2021.
Ngoài ra, Napas và các TCTD còn thực hiện các chính sách miễn phí dịch vụ thanh toán như: Miễn phí dịch vụ thanh toán với các giao dịch thanh toán trực tuyến (online) các dịch vụ công thực hiện trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; Cổng Dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương (theo Công văn số 727/NHNN-TT ngày 11/02/2020 của NHNN); miễn phí chuyển tiền ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 và hạn hán, xâm nhập mặn qua tài khoản ngân hàng; miễn phí dịch vụ thanh toán cho các đối tượng nhận hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ; Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 3054/NHNN-TT ngày 28/4/2020 của NHNN.
Từ đầu năm 2021 đến nay, NHNN đã hai lần chỉ đạo các TCTD và Napas thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ thanh toán nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân: Thực hiện miễn phí chuyển tiền ủng hộ Quỹ vắc - xin phòng Covid-19 và nghiên cứu, chỉnh sửa ứng dụng và tạo mã QR cho phép khách hàng dễ dàng nhận biết và thao tác, thực hiện chuyển tiền ủng hộ Quỹ vắc - xin một cách nhanh chóng, thuận tiện; có các văn bản chỉ đạo, định hướng đối với Napas về việc tiếp tục giảm phí chuyển mạch năm 2021 và yêu cầu TCTD áp dụng các chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán với thời gian thực hiện tối thiểu từ ngày 01/8/2021 đến hết ngày 31/12/2021. Theo đó, chỉ đạo Napas giảm 50% phí dịch vụ cho các giao dịch trên ATM, POS và giảm tối thiểu 75% phí dịch vụ cho các giao dịch chuyển khoản liên ngân hàng 24/7 so với mức phí đang áp dụng; yêu cầu TCTD điều chỉnh giảm phí giao dịch trên ATM, POS xử lý qua Napas và phí giao dịch chuyển khoản liên ngân hàng 24/7 cho khách hàng với mức giảm tối thiểu bằng hoặc lớn hơn mức giảm phí mà Napas thực hiện, tiếp tục thực hiện các chính sách miễn phí giao dịch đang áp dụng.
Sự chỉ đạo kịp thời và việc triển khai nhiều chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử trong thời gian qua cho thấy, ngành Ngân hàng luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân và tích cực vào cuộc cùng Chính phủ, các bộ, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh - xã hội ứng phó với đại dịch Covid-19, thúc đẩy thanh toán điện tử.
Đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghệ kết nối hệ thống thanh toán
Trong bối cảnh phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng tránh sự lây lan của dịch Covid-19, hành vi của người tiêu dùng cũng thay đổi, phần lớn đã chuyển sang thanh toán điện tử. Để thúc đẩy TTKDTM, ngoài các chính sách về miễn, giảm phí nói trên, ngành Ngân hàng cũng chú trọng thúc đẩy liên kết giữa đơn vị bán hàng và các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán. Do đó, bên cạnh việc xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thanh toán điện tử, NHNN đã chỉ đạo các NHTM, tổ chức trung gian thanh toán tích cực đẩy mạnh cung ứng dịch vụ TTKDTM, kết nối hệ thống thanh toán điện tử với các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ như điện, nước, viễn thông, siêu thị, cửa hàng tiện lợi,...
Đồng thời, NHNN đã chỉ đạo các NHTM hoàn thiện hạ tầng thanh toán điện tử để phục vụ cho việc thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội; chú trọng phát triển các chương trình hướng dẫn, hỗ trợ đào tạo khách hàng về quy trình thanh toán, tạo thói quen cho khách hàng trong việc thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh - xã hội qua ngân hàng. Bên cạnh đó, NHNN đã phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan, các tổ chức cung ứng dịch vụ công, NHTM, các trung gian thanh toán để mở rộng, phát triển các hình thức thanh toán điện tử mới tiện lợi, an toàn bảo mật (điển hình là dịch vụ thanh toán QR Code trên thiết bị di động) thu hút lượng lớn khách hàng sử dụng.
Về phía Napas, với vai trò là tổ chức chuyển mạch cũng đã cho phép kết nối thanh toán trực tiếp qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia với tất cả các TCTD, trung gian thanh toán có nhu cầu.
Để tăng cường an ninh, bảo mật trong thanh toán điện tử, NHNN đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành chủ động nắm bắt, cập nhật các phương thức, thủ đoạn tội phạm và triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống tội phạm công nghệ cao trong hoạt động thanh toán. Cụ thể: Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng các giải pháp công nghệ thanh toán tiên tiến và các tiêu chuẩn quốc tế về an ninh, bảo mật cho hệ thống công nghệ thông tin, đặc biệt cho hệ thống thanh toán thẻ; khẩn trương hoàn thành chuyển đổi thẻ ngân hàng từ thẻ từ sang thẻ gắn vi mạch điện tử (thẻ chip) theo lộ trình quy định; tăng cường các biện pháp phòng, chống rửa tiền, đặc biệt là định danh khách hàng điện tử (eKYC), giám sát giao dịch để phát hiện các giao dịch đáng ngờ, bất thường và có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp với quy định của pháp luật; phối hợp với cơ quan bảo vệ pháp luật để trao đổi thông tin, xử lý các vụ việc gian lận, lừa đảo trong thanh toán; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn khách hàng nâng cao cảnh giác, phòng chống tội phạm.
Với các giải pháp đồng bộ trên, trong 6 tháng đầu năm 2021, các chỉ số TTKDTM cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ năm trước. Theo Vụ Thanh toán (NHNN), tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 7,84% về số lượng và tăng 38,76% về giá trị, giao dịch qua kênh Internet tăng tương ứng 62,5% về số lượng và 32,03% về giá trị, giao dịch thanh toán qua điện thoại di động tăng 82,71% về số lượng và 115,11% về giá trị, giao dịch qua kênh QR Code tăng tương ứng 79,93% về số lượng và 164,85% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số lượng giao dịch bằng ví điện tử được xử lý thành công đạt xấp xỉ 802,56 triệu món với tổng giá trị giao dịch đạt khoảng 302,16 nghìn tỷ đồng (tăng lần lượt là 85,38% về số lượng giao dịch và 91,57% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2020).
Mặc dù vậy, TTKDTM tại Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung ở các thành phố, thói quen thanh toán bằng tiền mặt còn phổ biến tại khu vực nông thôn, miền núi. Hạ tầng thanh toán còn thiếu tính kết nối, chưa đồng bộ trên khắp cả nước, hạn chế sự tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người dân. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân còn e ngại về tính an toàn, bảo mật của các hình thức thanh toán mới.
Để tăng cường hơn nữa sự đồng bộ trong thanh toán, thúc đẩy TTKDTM, thời gian tới, về hành lang pháp lý, NHNN cần tiếp tục xây dựng các chính sách và chỉ đạo đẩy mạnh phát triển, khuyến khích phát triển các tiện ích thanh toán trên thiết bị di động như: Thanh toán qua QR Code; mã hóa thông tin thẻ (Tokenization); thanh toán di động (Mobile Payment); thanh toán phi tiếp xúc (Contactless); ví điện tử…; cần xây dựng và ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng nhằm tạo lập khung khổ pháp lý, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và triển khai các mô hình hợp tác, kinh doanh mới trong cung ứng dịch vụ thanh toán.
Về phía các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, cần hoàn thiện, tăng cường kết nối, tích hợp giữa hạ tầng thanh toán điện tử với hạ tầng của các đơn vị chấp nhận thanh toán, đáp ứng tốt hơn yêu cầu thanh toán điện tử trong thương mại điện tử, tại các điểm bán lẻ và thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ trực tuyến.
Việc hoàn thiện hệ thống thanh toán nội bộ của các ngân hàng và các hệ thống thanh toán khác là rất cần thiết, đảm bảo kết nối, tích hợp với hạ tầng các hệ thống khác (trong đó có đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ) để cung ứng dịch vụ thanh toán một cách thuận tiện, hiệu quả cho tổ chức, cá nhân. Chú trọng phát triển hạ tầng chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, góp phần thúc đẩy phát triển thanh toán bán lẻ, mở rộng hệ sinh thái, đảm bảo khả năng kết nối, tích hợp với các ngành, lĩnh vực khác để phục vụ thanh toán trực tuyến.
Các NHTM cần đẩy nhanh hoàn thành kế hoạch chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip tại Việt Nam theo tiêu chuẩn cơ sở đối với thẻ chip nội địa theo quy định; triển khai tiêu chuẩn cơ sở QR Code, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán thẻ, gia tăng dịch vụ, tạo thuận lợi kết nối với các hệ thống thanh toán khác.
Ngành Ngân hàng tiếp tục tăng cường truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người dân trong sử dụng dịch vụ ngân hàng, trong đó có thanh toán điện tử, từ đó thúc đẩy TTKDTM và góp phần phổ cập tài chính./.
Trần Hà Linh (NHNN)