Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực nông thôn hiện nay đang còn có những khó khăn, vướng mắc và rào cản; nhằm đẩy mạnh ứng dụng các phương tiện, mô hình thanh toán hiện đại, dễ sử dụng và phù hợp với điều kiện khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, sáng ngày 28/9/2018, tại Hà Nội, Hội Nông dân Việt Nam (Báo Nông thôn ngày nay) phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), một số Bộ, ngành liên quan đã tổ chức hội thảo “Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn” để cùng đánh giá thực trạng, đề xuất các giải pháp.
Hội thảo “Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn”
Tham dự Hội thảo có Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh; Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam; đại diện bộ Thông tin truyền thông; các Vụ, Cục thuộc NHNN; các đơn vị: Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel); Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas); các ngân hàng thương mại, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và nhiều đại biểu đến từ Hội nông dân Việt Nam.
Ông Lưu Quang Định - Tổng biên tập báo Nông thôn ngày nay phát biểu khai mạc Hội thảo
Hội thảo đánh giá thực trạng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực nông thôn hiện nay; thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trên thế giới và thực tế triển khai của các đơn vị; xác định những những tồn tại cũng như những khó khăn, vướng mắc, rào cản cụ thể; đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng các phương tiện, mô hình thanh toán hiện đại, dễ sử dụng và phù hợp với điều kiện khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, góp phần đạt được các mục tiêu của Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 2545/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các mục tiêu của Tài chính Toàn diện.
Hiện nay, hiện hành lang pháp lý cho hoạt động TTKDTM đã được xác lập, ngày càng hoàn thiện; hệ thống văn bản từ Luật, Nghị định đến Thông tư được ban hành, tạo sự đồng bộ để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực thanh toán; thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong phát triển TTKDTM; tăng cường công tác quản lý thanh toán bằng tiền mặt và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh: “Thực hiện chủ trương phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) của Đảng và Chính phủ, trong thời gian qua, NHNN đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành chỉ đạo triển khai; cùng với sự nỗ lực của các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, hoạt động TTKDTM tại Việt Nam đã và đang không ngừng phát triển, hiện đại hoá hệ thống thanh toán, hoàn thiện cơ sở pháp lý, cải tiến phương thức và quy trình kỹ thuật thanh toán, phong cách phục vụ, đặc biệt có sự đột phá trong việc phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội và thích ứng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế”.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu chào mừng Hội thảo
Song song với chủ trương thúc đẩy TTKDTM nói chung, Chính phủ cũng quan tâm chỉ đạo phát triển TTKDTM ở khu vực nông thôn. Tại Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã xác định mục tiêu “Tập trung phát triển một số phương tiện và hình thức thanh toán mới, hiện đại, phục vụ cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tăng mạnh số người dân được tiếp cận các dịch vụ thanh toán, nâng tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng lên mức ít nhất 70% vào cuối năm 2020”; đồng thời đề ra giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển TTKDTM ở khụ vực nông thôn.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam với nội dung Vai trò của Hội Nông dân với vấn đề TTKDTM
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh chia sẻ: “NHNN đã xây dựng và triển khai Đề án thí điểm phát triển một số hình thức TTKDTM ở khu vực nông thôn; theo đó, NHNN đã cho phép thí điểm một số mô hình dịch vụ thanh toán dựa trên sự hợp tác của các ngân hàng thương mại với các tổ chức khác thông qua sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại nhưng dễ sử dụng, phù hợp với địa bàn nông thôn để mở rộng, thúc đẩy TTKDTM trên địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Bên cạnh đó, Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã tạo ra nhiều cơ hội để phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, dễ sử dụng với chi phí thấp, phù hợp với địa bàn nông thôn; NHNN đang phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất các chính sách phát triển ngành ngân hàng thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, NHNN cũng đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan, với sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, tập trung nghiên cứu xây dựng Chiến lược Tài chính Toàn diện Quốc gia tại Việt Nam nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo; trong đó lĩnh vực TTKDTM ở khu vực nông thôn đóng vai trò rất quan trọng...”
Các diễn giả thuyết trình tại Hội thảo
Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả; công tác đảm bảo an ninh, an toàn thanh toán điện tử được coi trọng và tăng cường; số lượng các máy giao dịch tự động (ATM), thiết bị chấp nhận thẻ (POS) tiếp tục tăng lên.
Các phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán phát triển mạnh, đa dạng, nhất là các phương tiện, dịch vụ thanh toán mới, hiện đại ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông.
Nhiều NHTM và công ty công nghệ thông tin, viễn thông tại Việt Nam đã nghiên cứu, hợp tác và đưa các công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán trên thiết bị di động, với việc áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sinh trắc, sử dụng QR Code, Tokenization, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS. NHNN đã xây dựng và triển khai Đề án thí điểm một số hình thức TTKDTM ở khu vực nông thôn, qua đó sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại nhưng dễ sử dụng, phù hợp với địa bàn nông thôn để mở rộng, thúc đẩy TTKDTM trên địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
NHNN cũng triển khai các chương trình giáo dục tài chính nhằm tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính, giảm thiểu rủi ro cho người sử dụng và giảm thiểu chi phí xã hội.
Bà Lê Thị Thúy Sen, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN trao đổi về các chương trình giáo dục tài chính của NHNN nhằm tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dân
Phiên thảo luận bàn tròn giữa đại diện một số cơ quan quản lý nhà nước với ngân hàng, đơn vị cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và trao đổi trực tiếp với các đại biểu là nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp tham dự.
Phiên thảo luận bàn tròn do ông Lưu Quang Định - Tổng biên tập báo Nông thôn ngày nay và ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN điều hành
Các đại biểu trao đổi tại phiên thảo luận
Những đánh giá, đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển TTKDTM ở khu vực nông thôn tại Hội thảo này là nội dung quan trọng để NHNN nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy TTKDTM nói chung, TTKDTM ở khu vực nông thôn nói riêng; chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán tiếp tục đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của Cách mạng Công nghiệp 4.0 vào lĩnh vực thanh toán để cung ứng các phương tiện, mô hình thanh toán hiện đại, dễ sử dụng, phù hợp với điều kiện nông thôn.
Theo sbv.gov.vn