Ngày 08/12/2021, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Mối quan hệ hợp tác và cạnh tranh giữa các công ty Fintech và các ngân hàng thương mại tại Việt Nam”.
Trụ sở chính Vietcombank. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Hội thảo thuộc khuôn khổ của Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Ngành “Nghiên cứu sự tương tác giữa hệ thống ngân hàng và các công ty Fintech trong thị trường dịch vụ tài chính - Kinh nghiệm các nước và gợi ý chính sách cho Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Tham dự Hội thảo có ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Vietcombank, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ông Kiều Hữu Thiện - Giám đốc Trường Đào tạo Vietcombank, cùng đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý các đơn vị trực thuộc NHNN, các ngân hàng thương mại, công ty Fintech.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, nền tảng công nghệ số với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết hợp dịch vụ tài chính và công nghệ, tạo ra các dịch vụ, sản phẩm mới trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Với lợi thế tốc độ, năng lực sáng tạo, khả năng ứng dụng các công nghệ tân tiến như điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT)… lĩnh vực Fintech đã và đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu và Việt Nam. Sự hợp tác giữa ngân hàng và công ty Fintech là xu hướng tất yếu, chắc chắn mang lợi ích cho cả hai bên và cho xã hội, giúp gia tăng trải nghiệm mới cho khách hàng, tuy nhiên, vẫn còn khoảng trống về chính sách và cơ sở pháp lý cho sự tương tác giữa ngân hàng và công ty Fintech. Ông Phạm Quang Dũng cho rằng, các ngân hàng Việt Nam đang chủ động tìm các công ty Fintech làm đối tác phù hợp; các cơ quan quản lý và các ngân hàng cần xây dựng khuôn khổ pháp lý cho sự hợp tác này.
Tại Hội thảo, trình bày tham luận “Mối quan hệ hợp tác, cạnh tranh giữa các công ty Fintech và ngân hàng thương mại, kinh nghiệm quốc tế và thực trạng tại Việt Nam”, ông Vương Minh Giang, Trưởng nhóm Định lượng, Vietcombank nhấn mạnh, Fintech đang tạo ra những thay đổi sâu sắc trong hoạt động ngân hàng, thúc đẩy các mô hình và sáng kiến kinh doanh mới. Theo khảo sát của Vietcombank (2021), các công ty Fintech một mặt hợp tác cung cấp các dịch vụ tài chính và giải pháp công nghệ, hỗ trợ các ngân hàng mở rộng thị phần cung ứng và phát triển dịch vụ số hóa; mặt khác, cũng trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với ngân hàng trong một số lĩnh vực, chủ yếu là thanh toán và chuyển tiền. Những vướng mắc chủ yếu trong hợp tác giữa ngân hàng và công ty Fintech do thiếu các quy định pháp lý hiện hành; việc đảm bảo an toàn thông tin và dữ liệu trong phát triển các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ mới; thách thức từ sự phát triển nhanh của công nghệ; sự thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng cao, cũng như thiếu hụt nguồn vốn đầu tư vào Fintech để phát triển… Vì vậy, cần có những chính sách hỗ trợ cần thiết để thúc đẩy sự hợp tác giữa ngân hàng và các công ty Fintech.
Chia sẻ về “Thông lệ ứng xử trong lĩnh vực Fintech trên thế giới và phương thức tiếp cận pháp lý phù hợp đối với Việt Nam”, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán - NHNN cho biết, hiện nay có 4 mô hình hợp tác phát triển phổ biến giữa Fintech và ngân hàng, bao gồm: Phát triển người dùng; phát triển thương hiệu mới (ngân hàng số mới), ngân hàng đầu tư trực tiếp vào Fintech; cung cấp giải pháp back-end cho ngân hàng. Nghiên cứu của Nhóm công tác Ngân hàng Thế giới đã tổng kết và chỉ ra 7 công cụ và cách tiếp cận chính sách khác nhau đã và đang được các nước trên thế giới áp dụng trong lĩnh vực Fintech: (1) Chờ đợi và quan sát (Wait and See): Cho phép đổi mới sáng tạo tự phát triển mà không bị bất kỳ hạn chế nào, phù hợp với những môi trường mà các quy định pháp lý còn hạn chế. Tuy nhiên, công cụ và cách tiếp cận này lại tiềm ẩn rủi ro lớn nếu những quy định không được kiểm soát chặt chẽ; (2) Thử nghiệm và rút bài học kinh nghiệm (Test and Learn): Theo cách tiếp cận này thì những mô hình đổi mới sáng tạo sẽ được thử nghiệm/thí điểm trong môi trường thực tế với sự tham gia đồng hành của các cơ quan quản lý. Đây là công cụ áp dụng cho từng trường hợp cụ thể, tuy nhiên, công cụ này có nhược điểm là khó có khả năng nhân rộng quy mô và không đảm bảo rằng các công ty tham gia thử nghiệm/thí điểm được đối xử bình đẳng như nhau; (3) Cơ chế quản lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox): Là một môi trường mà ở đó các tổ chức đổi mới sáng tạo (innovators) có thể thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ của họ trong một khoảng thời gian và không gian được xác định. Phương pháp tiếp cận này mang đến sự minh bạch hơn và khả năng nhân rộng với nhiều loại hình dịch vụ, phù hợp với những thị trường có sự quản lý, giám sát tốt và mức độ chủ động cao của những tổ chức tham gia mà chưa được cấp phép (potentially non-licensed players); (4) Miễn/ngoại lệ (Waiver/exemption): Cách tiếp cận quản lý này không yêu cầu về Giấy phép hoạt động hoặc những điều khoản hạn chế trong Giấy phép khi các công ty Fintech cung ứng dịch vụ ra thị trường. Đồng thời, do được luật hóa nên không cần phải phụ thuộc vào các quyết định chủ quan từ cơ quan quản lý Nhà nước; (5) Thư không phản đối (Letters of No-Objection): Là giấy chứng nhận hợp pháp được cơ quan có thẩm quyền phát hành, trong đó chỉ rõ sự không phản đối đối với sản phẩm hoặc dịch vụ cung cấp bởi các doanh nghiệp Fintech. Cách tiếp cận/công cụ này phù hợp với các thị trường quy mô nhỏ khi hồ sơ rủi ro của các sản phẩm đổi mới sáng tạo cơ bản được hiểu đúng bản chất; (6) Các quy định pháp lý khác biệt (Differentiated Regulation): Cách tiếp cận này tương tự như phương pháp miễn trừ/ngoại lệ. Các quy định được luật hóa, do đó không cần các quyết định mang tính chủ quan từ các cơ quan quản lý Nhà nước, không đòi hỏi nguồn lực đặc biệt để đảm bảo duy trì hoạt động; (7) Cải cách pháp lý/luật pháp: Cách tiếp cận này phù hợp với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech, bảo vệ người tiêu cùng, tăng cường khả năng cạnh tranh, ổn định tài chính và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính - ngân hàng. Theo đó, để áp dụng công cụ này, các cơ quan quản lý cần thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành.
Theo ông Lê Anh Dũng, mặc dù có 7 công cụ và cách tiếp cận chính sách khác nhau được các nước áp dụng trong lĩnh vực Fintech, tuy nhiên, phương thức phổ biến nhất hiện nay đang được các cơ quan quản lý áp dụng là Regulatory Sandbox. Việc áp dụng Regulatory Sandbox hướng tới một số mục đích chính: (i) Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính; (ii) Tăng cường hiệu quả và ổn định của hệ thống tài chính - ngân hàng và (iii) Mở rộng phổ cập tài chính cho nhóm đối tượng không có cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính và/hoặc đối tượng gặp khó khăn trong việc tiếp cận tài chính. Từ thực tiễn thị trường, định hướng quản lý của Nhà nước và bài học từ kinh nghiệm quốc tế, hiện nay, NHNN đang tiến hành triển khai song song hai phương thức tiếp cận pháp lý đối với Fintech trong lĩnh vực ngân hàng đó là: Cải cách quy định, hoàn thiện khung khổ pháp lý và xây dựng Regulatory Sandbox đối với hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng.
Từ thực tiễn doanh nghiệp công nghệ, tham luận với nội dung “Fintech và chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng”, ông Lê Ngọc Giang - Giám đốc Tuân thủ Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VnPay) chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình hợp tác giữa VnPay và các ngân hàng để đưa tới những sản phẩm, dịch vụ tài chính cho người tiêu dùng, trong đó, phổ biến là giải pháp Mobile Banking App (mô hình B2B2C) đem đến nền tảng Mobile Banking toàn diện cho 20 ngân hàng, với hơn 15 triệu người dùng Mobile Banking. Về phía VnPay, ông Lê Ngọc Giang chia sẻ, VnPay luôn đầu tư nghiên cứu, cập nhật và tiên phong trong việc áp dụng các công nghệ mới; linh hoạt về mô hình hợp tác, triển khai và tối ưu nhanh chóng để đáp ứng các nhu cầu, định hướng khác nhau của các ngân hàng; đồng hành với ngân hàng trong suốt quá trình hợp tác, và liên tục cập nhật, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động trực tuyến (M_Service) - đơn vị chủ quản ví điện tử MoMo cho biết, hiện nay, các ngân hàng đang chuyển đổi từ truyền thống sang số hóa dịch vụ ngân hàng, chứ chưa phải là ngân hàng số. Để chuyển đổi, nhiều ngân hàng phải đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đội ngũ nhân sự vận hành. Trong khi đó, người tiêu dùng luôn muốn sử dụng đa dịch vụ trong hệ sinh thái. Chính vì thế, các ngân hàng truyền thống cần thay đổi quan điểm, hợp tác với công ty Fintech để triển khai ngân hàng số. Việc xây dựng ngân hàng số là thiết yếu và quyết định sự tồn tại của ngân hàng trong thời gian tới. Theo ông Nguyễn Bá Diệp, các công ty Fintech sẽ không cạnh tranh với ngân hàng và điều này không xảy ra trong ít nhất là 10 năm nữa. Việc hợp tác giữa các công ty Fintech và ngân hàng sẽ đem lại lợi ích cho các bên và cho cả xã hội.
Chia sẻ về mô hình phát triển Fintech, bà Trần Thị Thanh Mai, đại diện Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, Singapore là một trong những nước phát triển hàng đầu thế giới về Fintech. Năm 2020, “quốc đảo” này xếp hạng số 1 châu Á và thứ 4 thế giới về chỉ số Fintech. Để thúc đẩy phát triển Fintech, Singapore triển khai giải pháp hỗ trợ Fintech và hệ sinh thái Fintech, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, từ đó thúc đẩy tài chính số, chính phủ số. Singapore cũng thành lập các quỹ đầu tư của chính phủ, của tư nhân, thu hút đầu tư vào Fintech cùng với việc ban hành chính sách Sandbox, chính sách thu hút người tài, giảm thuế, hỗ trợ nguồn nhân lực công nghệ thông tin, xây dựng phòng thử nghiệm đổi mới sáng tạo (start-up), vườn ươm… để Fintech phát triển. Ngoài ra, Singapore cũng thành lập Hiệp hội Fintech, tổ chức các Festival Fintech… nhằm hỗ trợ hệ sinh thái Fintech. Theo quan điểm của Singapore, sự xuất hiện của Fintech thúc đẩy dịch vụ ngân hàng phát triển mạnh mẽ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech cho biết, sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của các công ty Fintech trong thời gian vừa qua đã làm thay đổi, thúc đẩy và mở rộng các kênh phân phối sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống. Thực tế này đòi hỏi hệ thống ngân hàng phải đổi mới để có thể duy trì, cạnh tranh và phát triển trong kỷ nguyên số, trong đó, chung tay hợp tác giữa ngân hàng và các công ty Fintech là điều tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Theo ông Nguyễn Hòa Bình, 5 năm gần đây, các ngân hàng đã cởi mở hơn với Fintech. Các ngân hàng nên thay đổi tư duy, hợp tác với Fintech để tận dụng thế mạnh của cả hai bên, phục vụ khách hàng một cách tốt nhất nhằm mang lại hiệu quả và lợi nhuận cao nhất. Về phía Fintech, nên xác định vai trò của mình như là hệ sinh thái vệ tinh của các ngân hàng; bên cạnh đó, Fintech cũng cần sáng tạo ra dịch vụ, sản phẩm tốt để chào mời ngân hàng.
Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch HĐQT Vietcombank nhấn mạnh, những trao đổi của các nhà quản lý, các chuyên gia tại Hội thảo một lần nữa khẳng định mối quan hệ hữu cơ giữa các ngân hàng thương mại và công ty Fintech. Hội thảo đã tạo ra diễn đàn trao đổi có tính tương tác cao giữa các chuyên gia đến từ cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng thương mại, công ty Fintech, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cùng thảo luận, đánh giá mối quan hệ tương tác giữa các ngân hàng và công ty Fintech, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa các ngân hàng và công ty Fintech trong thời gian tới.
Việt Bảo