Ngày 11/11, Hội nghị APEC lần thứ 4 về Tài chính chuỗi cung ứng với chủ đề “Làm thế nào để phát triển thị trường tài chính chuỗi cung ứng tại các nền kinh tế mới nổi” đã được Cơ quan Phát triển Thụy Sỹ (SECO), Công ty tài chính Quốc tế (IFC) phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) tổ chức tại TP.HCM.
Tại Hội nghị lần này, các diễn giả đến từ các tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng trong và ngoài nước đã thảo luận các vấn đề về thương mại và chuỗi cung ứng tài chính tại Việt Nam; cơ hội và thách thức để mở rộng thị trường tài chính chuỗi cung ứng, nhất là khả năng phát triển tài chính chuỗi cung ứng trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam trong thời gian tới.
Cơ hội phát triển thị trường vốn cho chuỗi cung ứng tại Việt Nam được đánh giá là lớn.
Khuyến khích chủ động phát triển
Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trường Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN bày tỏ quan điểm, việc kết nối, tài trợ vốn cho doanh nghiệp tham gia các chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu luôn được ngành Ngân hàng quan tâm và khuyến khích hệ thống tổ chức tín dụng chủ động mở rộng thực hiện.
Theo bà Giang, hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ kinh tế, thương mại với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới và trở thành một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 480 tỷ USD và xuất siêu trên 7 tỷ USD (số liệu năm 2018). Chính vì vậy, hoạt động tài trợ thương mại của hệ thống ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, tạo sự tăng trường xuất nhập khẩu.
Trong điều kiện các hình thức tài trợ tài chính khác chưa phát triển mạnh thì các ngân hàng thương mại Việt Nam cũng đang là những đơn vị chính cung ứng các sản phẩm tài trợ vốn theo chuỗi cung ứng, đáp ứng phần lớn nhu cầu luân chuyển vốn của doanh nghiệp.
Bà Giang cho biết, hiện nay, khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng tại Việt Nam khá rõ ràng và cụ thể. Năm 2017, Quốc hội đã ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có các quy định về cách thức tăng khả năng tiếp cận vốn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Từ phía ngành Ngân hàng, ngoài việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý liên quan, NHNN cũng đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại triển khai các chương trình tài trợ chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, hiện nay do số liệu, hệ thống thông tin tài chính của nhiều doanh nghiệp còn thiếu minh bạch, năng lực quản trị của các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khá hạn chế; cơ sở dữ liệu về khách hàng và sàn giao dịch điện tử ở các chuỗi cung ứng cũng chưa đầy đủ nên việc tài trợ chuỗi cung ứng, nhất là các chuỗi cung ứng toàn cầu, vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.
Ở góc độ chuyên gia, ông Christopher Wohlert, Giám đốc Tài trợ thương mại cho bên phân phối của Tổ chức Wells Fargo cho rằng, để phát triển hoạt động tài trợ chuối cung ứng tại Việt Nam, các tổ chức tín dụng và cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần tiếp cận vấn đề theo 3 khía cạnh chính là: tính minh bạch, tính hiệu quả và khả năng thực thi.
Theo đó, ở góc độ minh bạch, các hạng mục về công bố thông tin, đăng ký, kiểm tra, cập nhật thông tin cần được thực hiện nhanh chóng và chính xác. Ở góc độ hiệu quả, quá trình đăng ký tham gia chuỗi cung ứng cần thực hiện rõ ràng đơn giản, tiết kiệm chi phí cho các bên. Về khả năng thực thi thì các cải cách hành chính, cải cách pháp luật cần được đảm bảo sẽ được triển khai cụ thể hóa, những chính sách ưu tiên cần được áp dụng dễ dàng tại các đơn vị tổ chức tín dụng và doanh nghiệp cụ thể.
Cải thiện các nguồn thông tin hỗ trợ
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tiến Thịnh cho biết, doanh nghiệp đã có 10 năm tham gia chuỗi cung ứng của IFC tuy nhiên việc mở rộng tham gia thêm vào các chuỗi cung ứng toàn cầu là rất khó khăn, vì đa số các tập đoàn đa quốc gia đều có sẵn hệ thống nhà cung cấp. Khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam muốn tham gia vào các chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI tại trong nước đều phải chờ xin ý kiến từ Tập đoàn mẹ ở nước ngoài và phải đáp ứng những yêu cầu hết sức khắt khe.
Chưa kể rằng, hiện nay để duy trì tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải có nguồn tài chính mạnh, đảm bảo cân đối nguồn tiền thanh toán cho các đơn hàng trả sau của đối tác. Do nhiều nguyên nhân các ngân hàng thương mại trong nước chưa thể tài trợ mạnh cho các đơn hàng trả chậm nên áp lực vốn sản xuất hàng hóa theo đơn hàng đối với doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn khá lớn.
Ở góc độ ngân hàng thương mại, ông Trần Hoài Phương, Phó Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp của HDBank cũng cho rằng, các ngân hàng mặc dù đều muốn mở rộng tài trợ vốn theo chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước chưa minh bạch về công bố thông tin sức khỏe tài chính, một số công ty chưa niêm yết, báo cáo tài chính chưa được kiểm toán nên các ngân hàng vẫn phải dựa nhiều vào tài sản đảm bảo khi cấp tín dụng, tài trợ thương mại.
Theo ông Phương, sự phát triển mạnh của công nghệ thông tin cũng đã hỗ trợ các ngân hàng thương mại trong việc xác minh, xác thực công nợ của khách hàng. Việc kết nối của các tập đoàn lớn với các ứng dụng công nghệ tài chính cũng giúp các tổ chức tín dụng tin tưởng hơn, mạnh dạn tài trợ vốn vào các hợp đồng trả sau.
Tuy nhiên, để thúc đẩy hơn nữa hoạt động tài trợ vốn cho chuỗi cung ứng Việt Nam cần phải xây dựng một nền tảng công nghệ giúp xác thực công nợ thanh toán của người mua. Từ đó hỗ trợ các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kết nối vào chuỗi cung ứng hàng hóa.
Ngoài ra, theo ông Jinchang Lai, Chuyên gia trưởng Khu vực Tài chính của IFC, Việt Nam cũng cần hình thành một hiệp hội về tài trợ chuỗi cung ứng để hỗ trợ các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng kết nối, tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì hiện nay, cơ hội dịch chuyển các ngành sản xuất hàng hóa ở các quốc gia sang Việt Nam khá lớn, động lực thị trường chuỗi cung ứng đang được đánh giá là mạnh mẽ nhất trong khu vực Đông Nam Á và có nhiều dư địa để phát triển.