Tổng thuật: Thủ tướng chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024
28/02/2024 13:46 1.207 lượt xem
Sáng 28/2/2024, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024.
 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái; lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành, đại diện các cơ quan ngoại  giao, tổ chức quốc tế, các ngân hàng, hiệp hội, doanh nghiệp niêm yết trên TTCK.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương trình bày báo cáo tóm tắt tình hình TTCK Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trình bày báo cáo tóm tắt tình hình TTCK Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho biết: Trong năm 2023, TTCK tiếp tục khẳng định vai trò kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế. Mặc dù chịu ảnh hưởng từ nhiều thách thức, khó khăn từ bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước, hoạt động huy động vốn qua TTCK trong năm 2023 có sự khởi sắc, với tổng giá trị huy động vốn qua thị trường chứng khoán đạt 418.271 tỷ đồng, tăng 33,5% so với năm 2022.

Thứ hai, diễn biến TTCK phản ánh kỳ vọng tích cực của thị trường về triển vọng kinh tế và hoạt động của các doanh nghiệp. Cùng với tình hình phục hồi của nền kinh tế, Chỉ số TTCK Việt Nam tăng 12,2% so với năm trước, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn qua TTCK. Kết quả sản xuất kinh doanh của các công ty niêm yết, CTĐC quy mô lớn còn khó khăn nhưng có dấu hiệu phục hồi vào những tháng cuối năm. Các tổ chức kinh doanh chứng khoán có sự cải thiện về chất lượng hoạt động, duy trì với 81/82 CTCK đang hoạt động có tỉ lệ an toàn tài chính trên 180%, 43 công ty quản lý quỹ đang hoạt động với Tổng giá trị tài sản quản lý tại thời điểm 31/12/2023 đạt khoảng 639 nghìn tỷ đồng, tăng gần 16% so với thời điểm cuối năm 2022 và có 107 quỹ đầu tư chứng khoán, tăng 10 quỹ so với năm 2022.

Thứ ba, ngành chứng khoán đã quyết liệt đề ra và triển khai các giải pháp phát triển TTCK. UBCKNN đã trình Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam đến năm 2030, tạo định hướng cho sự phát triển trong trung và dài hạn của TTCK. UBCKNN tích cực tham gia các hoạt động hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế, hỗ trợ cho thu hút đầu tư và sự phát triển TTCK như: Ký kết Ý định thư hợp tác với Sở Giao dịch Chứng khoán Nasdaq trong khuôn khổ chuyến công tác tại Mỹ của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 9/2023; tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư gián tiếp tại Luxembourg, Los Angeles vào tháng 11/2023, Hội nghị đối thoại với cộng đồng nhà đầu tư quốc tế và các tổ chức xếp hạng thị trường tại Hong Kong-Trung Quốc; làm việc với các cơ quan, tổ chức, thành viên thị trường tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện mục tiêu nâng hạng TTCK của Việt Nam.

Thứ tư, ngành chứng khoán đẩy mạnh công tác giám sát, thực thi pháp luật để đảm bảo TTCK vận hành thông suốt, an toàn. Trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận tổ chức, cá nhân còn cần được nâng cao hơn nữa, phát sinh các vụ việc vi phạm trên thị trường, UBCKNN đã phối hợp chặt chẽ với các Sở GDCK trong tăng cường giám sát đối với thị trường, nâng cao vai trò và trách nhiệm của các tuyến giám sát; tổ chức thanh kiểm tra, xử phạt các vi phạm về chứng khoán, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm pháp luật trên thị trường. Nhìn chung, trong năm 2023, với bối cảnh môi trường kinh tế quốc tế và trong nước, nội tại của TTCK còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; TTCK cũng chịu áp lực lớn từ diễn biến phức tạp của thị trường tài chính, chứng khoán quốc tế, nhưng với sự hỗ trợ từ nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước ổn định và sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, cùng sự phối hợp chặt chẽ của bộ, ngành và đơn vị liên quan, sự quyết liệt trong quản lý điều hành và giám sát của UBCKNN, TTCK Việt Nam năm 2023 mặc dù còn có những khó khăn, hạn chế nhất định nhưng đã chứng kiến sự phục hồi tốt, đạt được nhiều kết quả tích cực, làm tốt vai trò kênh dẫn vốn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Năm 2024, môi trường kinh tế trong và ngoài nước tiếp tục đối diện với các khó khăn, diễn biến phức tạp khi tăng trưởng của kinh tế thế giới được dự báo vẫn còn yếu trong ngắn hạn. Điểm sáng là dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương tiếp tục ở mức cao hơn các khu vực khác. Trong nước, ngay từ những ngày đầu năm Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, xác định năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 với 06 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành và 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Đối với TTCK, năm 2024 sẽ là năm tạo dựng các cơ sở cho sự phát triển TTCK trong trung và dài hạn, góp phần vào việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế năm 2024.

Do vậy, ngành chứng khoán dự kiến triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để làm tốt các công tác sau:

Thứ nhất, quyết liệt triển khai ngay các giải pháp, nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 và Công điện số 1360/CĐ-TTg ngày 13/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ thúc đẩy TTCK phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững. Xây dựng và tổ chức triển khai các Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính, UBCKNN để thực hiện Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030.

Thứ hai, quản lý điều hành TTCK đảm bảo an toàn, thông suốt, tạo thuận lợi cho huy động vốn phục vụ phát triển kinh tế; triển khai các giải pháp tháo gỡ vướng mắc để thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài, hướng tới nâng hạng TTCK; hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp thông qua triển khai công bố thông tin một đầu mối, cải cách thủ tục hành chính.

Thứ ba, đẩy mạnh giám sát, thực thi pháp luật để đảm bảo kỷ cương, kỷ luật và hoạt động lành mạnh của thị trường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, làm sạch dữ liệu nhà đầu tư và nghiên cứu xây dựng trung tâm dữ liệu tập trung hỗ trợ công tác quản lý giám sát.

Thứ tư, tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa trên thị trường, khuyến khích các hoạt động chào bán, phát hành ra công chúng và gắn chào bán ra công chúng lần đầu với niêm yết, đăng ký giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán; nâng cao năng lực và an toàn tài chính của hệ thống tổ chức kinh doanh chứng khoán thông qua tiếp tục tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đồng thời đẩy mạnh quản lý, giám sát, chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.

Thứ năm, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền tới công chúng đầu tư để nâng cao hiểu biết pháp luật, hoạt động của TTCK, góp phần giúp công chúng đầu tư có kiến thức, thông tin phòng ngừa các hoạt động gian lận trên TTCK và trên không gian mạng. Kính thưa các Quý vị đại biểu, Hội nghị rất vinh dự được nghe và tiếp thu ý kiến chỉ đạo quý báu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về định hướng, nhiệm vụ của ngành Chứng khoán trong năm 2024, ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Hội nghị cũng rất hoan nghênh và xin ghi nhận ý kiến phát biểu của các đồng chí lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành, các ý kiến trao đổi, đóng góp của đại diện các thành viên thị trường từ công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đại chúng, cộng đồng nhà đầu tư để hoàn thiện các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 của ngành để từ đó giúp ngành Chứng khoán đạt được các mục tiêu đề ra, góp phần vào sự phát triển chung của ngành, của TTCK. 

Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Thanh Hà trình bày tham luận tại Hội nghi - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Thanh Hà: Sự phát triển của TTCK có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế thể hiện qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp huy động vốn từ phát hành trái phiếu, cổ phiếu để đáp ứng được nhu cầu vốn cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Để đảm bảo mục tiêu phát triển TTCK ổn định, an toàn, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, bền vững và hội nhập, có cơ cấu hợp lý để các bộ phận thị trường trở thành kênh huy động vốn trung dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định, công điện, chỉ thị để chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương thực hiện theo thẩm quyền đặc biệt là xử lý nhanh các vướng mắc của lĩnh vực phụ trách để đáp ứng tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên thị trường mới nổi.

Trên cơ sở bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối, trong công tác điều hành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chủ động bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành linh hoạt, chủ động các công cụ chính sách tiền tệ; kịp thời phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ ngành có liên quan trong phối hợp điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; qua đó, hỗ trợ sự phát triển của TTCK, tiến tới mục tiêu nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Điều hành chính sách tiền tệ năm 2023 góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát bình quân, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ sự phát triển của TTCK

Năm 2023 kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, lạm phát cao, thương mại toàn cầu sụt giảm, giá cả hàng hóa cơ bản biến động mạnh, xung đột địa chính trị. Bên cạnh đó, ngân hàng trung ương các nước tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, đồng USD quốc tế biến động mạnh, đồng tiền nhiều nước mất giá cũng gây tác động tiêu đối với kinh tế trong nước. Các động lực tăng trưởng xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đều gặp thách thức do cầu thế giới thấp, các doanh nghiệp gặp khó khăn do đơn hàng sụt giảm.

Để ứng phó với những biến động nhanh của tình hình thế giới và trong nước, NHNN đã chủ động bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để kịp thời điều chỉnh chính sách, ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ, tối ưu các công cụ, giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát bình quân năm 2023 đạt 3,25% thấp hơn mục tiêu 4,5% do Quốc hội và Chính phủ đề ra, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự phát triển an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD); qua đó, góp phần ổn định tâm lý nhà đầu tư, hỗ trợ sự phát triển của TTCK, cụ thể như sau:

Điều hành giảm lãi suất để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế:

NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, cụ thể: (i) Liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm từ 0,5-2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao; qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân; (ii) Chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay...

Đến cuối năm 2023, mặt bằng lãi suất trong nước đã có sự điều chỉnh giảm sâu (lãi suất tiền gửi và cho vay phát sinh mới giảm hơn 2,5%/năm; lãi suất cho vay dư nợ cuối kỳ báo cáo giảm 1,1%/năm). Với tác động có độ trễ của chính sách sau những lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành và các biện pháp đồng bộ khác NHNN dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Tiếp tục điều hành tỉ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, can thiệp linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ:

Trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2023 cân đối cung cầu ngoại tệ trong nước cải thiện, thị trường ngoại tệ tương đối ổn định, thanh khoản thông suốt, NHNN mua được ngoại tệ từ các TCTD để bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước. Tuy nhiên, từ khoảng tháng 6/2023 đến đầu tháng 11/2023, VND chịu áp lực mất giá do đồng USD tăng mạnh trở lại và chênh lệch giữa lãi suất VND và lãi suất USD chuyển sang âm trong bối cảnh Mỹ tăng lãi suất và Việt Nam liên tục giảm lãi suất. Trước tình hình đó, NHNN điều hành tỷ giá phù hợp, góp phần hấp thụ các cú sốc bên ngoài, đồng thời cũng triển khai các giải pháp hạn chế biến động lớn trong ngắn hạn của tỷ giá, hướng tới mục tiêu tổng thể ổn định kinh tế vĩ mô. Nhờ đó, tỷ giá VND diễn biến tương đối ổn định so với các đồng tiền trong khu vực, thanh khoản thông suốt. Kết thúc năm 2023, VND mất giá khoảng 2,89% so với USD, phù hợp với xu hướng chung các đồng tiền khác trong khu vực.

Điều hành tín dụng chung:

Ngay từ đầu năm, NHNN đã phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD và chỉ đạo các ngân hàng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Đến giai đoạn cuối năm 2023, để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng phục vụ nhu cầu vốn cho quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chủ động, linh hoạt điều hòa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong toàn hệ thống từ TCTD không sử dụng hết chỉ tiêu sang các TCTD cần được tiếp tục mở rộng tăng trưởng tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế và đảm bảo an toàn hệ thống TCTD.

Đến 31/12/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 13,56 triệu tỷ đồng, tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ; hỗ trợ tích cực quá trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.

Duy trì thanh khoản hệ thống TCTD dồi dào, ổn định thị trường tiền tệ:

Trong năm 2023, thanh khoản hệ thống TCTD dồi dào, thị trường tiền tệ ổn định, hoạt động thông suốt, lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp vừa góp phần thực hiện mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ vừa tạo điều kiện thuận lợi cho Bộ Tài chính phát hành trái phiếu Chính phủ trong năm 2023 với khối lượng 298.476 tỷ đồng, đạt gần 100% kế hoạch phát hành đã đề ra; kỳ hạn bình quân 12,58 năm; lãi suất bình quân đạt 3,21%/năm, tiếp tục giảm 0,27%/năm so với năm 2022 và hiện ở mức rất thấp (thấp hơn nhiều so với lãi suất trái phiếu Chính phủ ở các quốc gia phát triển như Mỹ), giảm áp lực về chi phí lãi vay cho ngân sách nhà nước. Hiện nay, TCTD vừa cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, vừa là những nhà đầu tư tích cực trên thị trường trái phiếu Chính phủ (doanh số mua trái phiếu Chính phủ của các TCTD năm 2023 chiếm khoảng 44% tổng lượng phát hành; các TCTD nắm giữ gần 40% danh mục nợ trái phiếu Chính phủ tính đến cuối năm 2023); qua đó, tạo nguồn lực để hỗ trợ tích cực quá trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Về phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, NHNN tiếp tục khuyến khích các ngân hàng mua trái phiếu Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được Chính phủ bảo lãnh. Năm 2023, NHCSXH đã phát hành 24.351 tỷ đồng trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh (trong đó các TCTD mua 95,1% lượng phát hành), đạt 100% hạn mức phát hành được giao, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH ổn định nguồn vốn nhằm đẩy mạnh tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Trong thực tiễn điều hành, NHNN và Bộ Tài chính cũng thường xuyên trao đổi các thông tin về thị trường tiền tệ, TTCK, trái phiếu… để thống nhất các thông điệp truyền thông, tạo lòng tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, duy trì ổn định các thị trường; hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến TTCK nói chung, thị trường trái phiếu nói riêng.

Các kết quả điều hành chính sách tiền tệ đã góp phần ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát bình quân năm 2023, giữ ổn định được thị trường tiền tệ, ngoại hối, củng cố dự trữ ngoại hối nhà nước. Đây là những yếu tố góp phần để Fitch nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng "Ổn định"; có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Hiện nay, TTCK Việt Nam đang được 2 tổ chức xếp hạng thị trường là MSCI và FTSE Russell xếp vào Nhóm 3 - thị trường cận biên. Trong đó, FTSE Russell hiện đang đưa Việt Nam vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên Nhóm 2 - thị trường mới nổi. Sự phát triển của TTCK có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế và của các doanh nghiệp. Đối với hệ thống TCTD, TTCK phát triển hỗ trợ các TCTD phát hành cổ phiếu, trái phiếu để tăng vốn nhằm tạo thêm nguồn vốn dài hạn đáp ứng nhu cầu vay vốn của các khách hàng cá nhân và tổ chức, bảo đảm các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của NHNN.

NHNN luôn quan tâm, tích cực phối hợp với Bộ Tài chính trong việc tìm giải pháp phục vụ công tác nâng hạng TTCK. NHNN đã phối hợp làm việc với 2 tổ chức xếp hạng trên để giải đáp các câu hỏi, vướng mắc của nhà đầu tư liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, từng bước phát triển thị trường ngoại tệ, hỗ trợ thanh khoản ngoại tệ khi cần thiết để phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo các dự báo, năm 2024, kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn dưới tác động của điều kiện tài chính thắt chặt, xung đột địa chính trị, rủi ro tài chính gia tăng. Lạm phát toàn cầu dự kiến tiếp tục xu hướng chậm lại, nhưng vẫn cao hơn mục tiêu tại nhiều nước trong bối cảnh rủi ro các cuộc khủng hoảng năng lượng, lương thực, thực phẩm do tác động của cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt với các thách thức khi cầu thế giới chưa phục hồi mạnh. Mặc dù vậy, với độ trễ của các giải pháp chính sách hỗ trợ kinh tế được triển khai liên tục từ đầu năm 2023, cùng với việc Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ khó khăn trên thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, qua đó giúp các thị trường dần phục hồi, thì dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024-2025 có thể phục hồi so với năm 2023. Một số tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 là 5,5-6,5% và năm 2025 là 6-7%.

Thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để cùng chung tay, hỗ trợ sự phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững của TTCK trong năm 2024 và các năm tiếp theo, trong thời gian tới, NHNN sẽ bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng kinh tế bền vững. NHNN sẽ tiếp tục điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống các TCTD; điều hành lãi suất, tỷ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế… Cùng với những chính sách thu hút nguồn lực, vốn đầu tư trong và ngoài nước trên TTCK, việc NHNN điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phù hợp với tình hình thực tế, duy trì ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá hối đoái sẽ góp phần làm cho các chính sách thu hút nguồn vốn từ nước ngoài đạt được hiệu quả cao hơn; giúp tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư về một môi trường kinh doanh ổn định; tạo ra các bước đệm về sau trong việc thu hút thêm nguồn vốn từ nước ngoài để đầu tư và phát triển TTCK trong tương lai.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu vốn trung, dài hạn của nền kinh tế lớn và chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng, tín dụng trung dài hạn chiếm tỷ trọng khá lớn đã và đang tạo sức ép và rủi ro cho hệ thống TCTD khi nguồn vốn chủ yếu là ngắn hạn. Để phát triển đồng bộ, minh bạch và bền vững thị trường tài chính, phát triển TTCK ổn định, hoạt động an toàn, hiệu quả, có cơ cấu hợp lý, cân đối, bổ trợ tích cực giữa thị trường tiền tệ với thị trường vốn, NHNN kiến nghị Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước:

- Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện khung pháp lý về TTCK nói chung, thị trường trái phiếu nói riêng, tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD phát hành cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường; đồng thời phối hợp với các bộ ngành có liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp cho TTCK phát triển.

- Tiếp tục đa dạng hoá các nhà đầu tư tham gia thị trường, khuyến khích các quỹ, công ty bảo hiểm, nhà đầu tư nước ngoài... tham gia sâu và rộng hơn vào thị trường.

- Bộ Tài chính tiếp tục thông tin chặt chẽ với NHNN để tăng cường phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc tham luận về triển khai nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc: Như chúng ta đã biết, năm 2023 kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục phải đối mặt với những thách thức, khó khăn phức tạp hơn nhiều so với dự báo. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng diễn biến phức tạp. Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, thương mại đầu tư quốc tế suy giảm, lạm phát leo ở mức cao, nhiều đồng tiền mất giá, nợ công toàn cầu gia tăng. Thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam, đất nước chúng ta vẫn là nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô của nền kinh tế còn hạn chế, độ mở cao, sức chống chịu còn nhiều bất cập. Tất cả những điều này tạo nên áp lực rất lớn đến công tác quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô, tác động đến việc phục hồi, phát triển kinh tế của nhiều ngành, lĩnh vực và đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, trong năm vừa qua, kinh tế Việt Nam đã đạt được những cái kết quả rất quan trọng. Kinh tế vĩ mô được kiểm soát, ổn định và tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước. Năm 2023, chúng ta đạt mức 5,05%, mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất trong khu vực và thế giới, nâng quy mô nền kinh tế của Việt Nam lên mức 430 tỷ USD. Chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát. Thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định. Lạm phát chỉ tăng khoảng 2% so với năm 2022. Bội chi ngân sách, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, nợ quốc gia đều nằm trong ngưỡng. Đặc biệt, các tổ chức quốc tế có uy tín đều đánh giá cao các kết quả triển vọng của kinh tế Việt Nam. Cụ thể là Fitch Ratings đã nâng hạn mức tín nhiệm của Việt Nam, rồi giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng một bậc lên thứ 32/100. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2023 tăng 6,2% so với năm 2022. Dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng ở mức kỷ lục, đạt 36,6 tỷ USD và tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Con số này đặt trong cái bối cảnh kinh tế thế giới bị suy giảm và dòng vốn đầu tư toàn cầu quốc tế suy giảm thì có thể nói là nỗ lực rất lớn của Việt Nam.

Trong năm 2023, với bối cảnh, nền tảng của thị trường ổn định vĩ mô như vậy, TTCK Việt Nam cũng đã có những bước phát triển đáng khích lệ. Chúng tôi đồng thuận với báo cáo đánh giá của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Năm 2024, chúng tôi xác định rằng sẽ còn nhiều khó khăn thách thức hơn nữa so với năm 2023. Đặc biệt, năm 2024 lại là năm tăng tốc và có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển 5 năm 2021-2025. Việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực là một trong những trọng tâm năm 2024. Trong đó, việc huy động vốn thông qua TTCK được xác định là một trong những kênh quan trọng.

Về mục tiêu nhiệm vụ để phát triển TTCK trong năm 2024, với vai trò là cơ quan tham ưu tổng hợp, Bộ KH&ĐT xin kiến nghị UBCKNN, Bộ Tài chính, các cơ quan tập trung vào một số nhiệm vụ như sau:

Một là, chúng tôi đồng quan điểm với NHNN là phải khẩn trương hoàn thành nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Thời gian gần đây, khi tiếp xúc với các tập đoàn, quỹ đầu tư quốc tế, họ đều bày tỏ nếu TTCK Việt Nam được nâng hạng thì dòng vốn vào Việt Nam tăng lên rất nhiều.

Hai là, Bộ Tài chính, UBCKNN cần khẩn trương ban hành kế hoạch hành động để triển khai chiến lược phát triển TTCK năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 29/12. Đặc biệt chúng tôi nhấn mạnh nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến đổi mới, cải cách thể chế và ban hành các quy phạm để làm cơ sở phát triển thị trường trái phiếu, TTCK ổn định, lành mạnh, dần đáp ứng các chuẩn mực, tiêu chuẩn quốc tế. Kế hoạch này được xây dựng sớm, ban hành sớm sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả, không bị chồng chéo.

Ba là, cần phải chuyên nghiệp hơn nữa hoạt động của TTCK. Hiện nay, TTCK chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân và một số quỹ, thiếu vắng các công ty đầu tư chuyên nghiệp. Luật Chứng khoán ban hành rồi nhưng cho đến nay các công ty đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hầu như chưa được thành lập. Đã đến lúc cần phải đánh giá, rà soát vì sao Luật Chứng khoán đã quy định như vậy nhưng các công ty, các nhà đầu tư không mặn mà trong việc thành lập nhà đầu tư chuyên nghiệp, công ty đầu tư chuyên nghiệp.

Bốn là, việc tăng hàng hóa có chất lượng để huy động thêm nguồn lực tạo sản phẩm mới cho TTCK đóng vai trò rất quan trọng. Trong đó, cần chú trọng đến tài chính xanh và phát triển bền vững. Nội dung này gần đây các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm. Ví dụ như phát triển thị trường trái phiếu xanh rồi đưa ra sàn giao dịch tín chỉ carbon triển khai tại các sàn chứng khoán Hà Nội. Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và gắn việc cổ phần hóa DNNN với niêm yết trên TTCK. Năm 2023, số lượng doanh nghiệp, tổng công ty được cổ phần hóa gắn với việc niêm yết trên TTCK hầu như không có. Đây là nội dung cần tập trung trong năm 2024.

Năm là, khẩn trương cho phép các DN FDI có điều kiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán được niêm yết trên sàn chứng khoán. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và lãnh đạo Chính phủ đã nhận được rất nhiều văn bản của các DN có vốn đầu tư nước ngoài đề nghị sớm triển khai nội dung này vì Luật Chứng khoán năm 2019 đã có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2021. Bên cạnh đó, cần phải xem xét để phân biệt điều kiện về tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các DN niêm yết để có thể có một số điều kiện mở hơn so với các DN không niêm yết. Theo đó, cần rà soát kiến nghị cho mở cửa sớm một số ngành, lĩnh vực của các DN trên thị trường chứng khoán.

Sáu là, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, công tác kiểm tra, giám sát và đặc biệt là công tác cảnh báo sớm. Ở các TTCK nước ngoài, việc cảnh báo sớm đóng vai trò rất quan trọng. Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tham mưu để trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư. Theo đó đã tiến hành giám sát ở cả ba tuyến: Các công ty chứng khoán, Sở giao dịch và Ủy ban chứng khoán. Tuy nhiên trong thời gian tới, năm 2024, việc đẩy mạnh công tác giám sát đóng vai trò rất quan trọng để đưa hoạt động này vào nề nếp, thường xuyên để chúng ta có thể cảnh báo sớm, xử lý sớm, tránh những việc kéo dài dẫn đến hệ lụy không tốt cho TTCK. Để làm được việc này, chúng tôi nhất mạnh vai trò quan trọng của cái hệ thống dữ liệu.

Thứ bảy, Ủy ban Chứng khoán, Bộ Tài chính cần tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin hiện đại để đảm bảo kết nối, đảm bảo hoạt động trên môi trường điện tử và đặc biệt là kết nối với cái hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia và các hệ thống khác, ví dụ như hệ thống dữ liệu doanh nghiệp theo Đề án 06.

Ông Lê Ngọc Lâm, TGĐ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV tham luận với chủ đề "Trái phiếu xanh - động lực tăng trưởng bền vững" - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Lê Ngọc Lâm, TGĐ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV: Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và tái khẳng định cam kết này tại Hội nghị COP27 và COP28.

Để thực hiện cam kết này, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, và các định hướng, đề án, giải pháp đầu tư cho tăng trưởng và chuyển đổi xanh.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, nhu cầu vốn cần cho phát triển xanh tại Việt Nam từ 2022-2040 lên tới 368 tỷ USD. Trên thế giới, trái phiếu xanh đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu vốn đầu tư cho tăng trưởng bền vững. Tại các quốc gia đã thành công trong chuyển đổi và tăng trưởng xanh tại khu vực châu Âu, tỉ trọng phát hành trái phiếu xanh, xã hội và bền vững (GSS) chiếm đến 50-60% tổng quy mô tài chính xanh. Tỉ trọng này tại khu vực châu Á cũng đã đạt khoảng 30-35%.

Trong xu hướng phát triển chung của thế giới cũng như định hướng của Chính phủ, BIDV đã xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030, và đặt mục tiêu trở thành Ngân hàng Net Zero vào năm 2050. Theo đó, BIDV cũng đã triển khai chiến lược phát triển bền vững trên toàn bộ các mặt hoạt động của ngân hàng:

Thứ nhất, thành lập đơn vị chuyên biệt để nghiên cứu, xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển bền vững và thực hành ESG tại BIDV.

Thứ hai, xây dựng các khung tài chính bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế, áp dụng cho cả hoạt động cấp tín dụng, huy động vốn và quản lý rủi ro.

Thứ ba, xây dựng các định hướng và chính sách cấp tín dụng liên quan đến ESG. Cụ thể, BIDV đã chuyển dịch cơ cấu cho vay theo hướng (i) giảm dần các ngành gây phát thải carbon cao như nhiệt điện than, hướng đến không còn dư nợ nhiệt điện than vào năm 2035; kiểm soát giới hạn tín dụng đối với các ngành thép, xi măng, phân bón; và (ii) Tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, giảm phát thải khí nhà kính; Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho tăng trưởng xanh thông qua ban hành các sản phẩm Tín dụng xanh trong lĩnh vực dệt may, điện mặt trời áp mái, giao thông xanh, … với các ưu đãi về lãi suất, chính sách tài sản đảm bảo và tỷ giá.

Đến hết 2023, BIDV là một trong các tổ chức cấp tín dụng xanh lớn nhất thị trường với tổng dư nợ đạt 71.000 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2022. Trong đó, lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo với dư nợ là 57.000 tỷ đồng, với 1.600 dự án của 1.300 khách hàng.

Cơ cấu nguồn vốn tài trợ cho tín dụng xanh của BIDV bao gồm nguồn vốn từ tiền gửi, vay các tổ chức tài chính trong nước, quốc tế, nguồn vốn ủy thác.

Năm 2023, BIDV đã mở ra kênh huy động vốn mới, làm tiền đề gia tăng năng lực cung ứng vốn xanh cho nền kinh tế thông qua phát hành trái phiếu xanh. Đợt phát hành với quy mô 2.500 tỷ đồng trái phiếu theo chuẩn trái phiếu xanh của Hiệp hội Thị trường vốn Quốc tế (ICMA), đưa BIDV thành ngân hàng đầu tiên phát hành trái phiếu xanh theo tiêu chuẩn quốc tế tại thị trường trong nước.

Để triển khai phát hành, BIDV đã chủ động nghiên cứu các thông lệ, nguyên tắc trái phiếu xanh quốc tế; Nhờ sự tư vấn kỹ thuật của World Bank, Chương trình hỗ trợ kỹ thuật của NHNN, Sổ tay hướng dẫn của UBCKNN, BIDV đã xây dựng Khung Trái phiếu xanh theo chuẩn ICMA và đạt định hạng rất cao của Moody's.

Đây là yếu tố quan trọng để xác lập thành công của đợt phát hành. Trong vòng 2 tháng sau phát hành, BIDV đã giải ngân hết vốn trái phiếu tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo và giao thông bền vững.

Việc triển khai phát hành của trái phiếu xanh khẳng định chiến lược phát triển bền vững của ngân hàng và mong muốn của BIDV đóng góp cùng Chính phủ Việt Nam thực hiện cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chúng tôi cũng nhận thấy hiện chưa có các cơ chế, chính sách tạo động lực rõ nét cho doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh.

Trong thời gian tới, để khuyến khích phát triển thị trường trái phiếu xanh, thông qua đó thu hút nguồn vốn đầu tư cho Việt Nam, BIDV xin đề xuất một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý liên quan đến trái phiếu xanh bao gồm: (i) Quy định phân loại và xác nhận dự án xanh quốc gia để áp dụng các chính sách khuyến khích cần xem xét sự tương đồng giữa các tiêu chí xanh của Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế. Điều này giúp thuận tiện cho doanh nghiệp trong việc triển khai dự án, thu hút đầu tư trong và ngoài nước theo cùng hệ quy chuẩn.

Ngoài ra, xem xét quy định các tiêu chí xanh bao gồm các cấp độ tương ứng với các mức độ ưu đãi về chính sách khác nhau. Khi đó, doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh có thể tiếp cận dần với các chính sách ưu đãi cũng như tạo lập được các mục tiêu/động lực để đạt tới sự tăng trưởng bền vững; đồng thời (ii) Ban hành các hướng dẫn cho hoạt động phát hành và báo cáo sau phát hành trái phiếu xanh, trong đó xem xét đến các quy định đặc thù giữa hoạt động của TCTD và tổ chức kinh tế.

Thứ hai, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi xanh và phát hành trái phiếu xanh thông qua việc (i) tiếp tục nghiên cứu, mở rộng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh như hỗ trợ chi phí phát hành, ưu đãi thuế…; (ii) đẩy mạnh việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực về môi trường; Thúc đẩy công tác tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh.

Thứ ba, khuyến khích nhà đầu tư tham gia đầu tư trái phiếu xanh: (i) xem xét ban hành các chính sách ưu đãi đủ lớn để khuyến khích nhà đầu tư mua trái phiếu (ví dụ ưu đãi về hạn mức tín dụng, thuế đánh trên lợi suất đầu tư…); (ii) nâng cao nhận thức về trách nhiệm của nhà đầu tư đối với phát triển bền vững, cộng đồng và xã hội.

Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Quân đội MB tham luận về "Thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển theo chiều sâu, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp" - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Quân đội MB: MB đánh giá yếu tố tiên quyết đầu tiên để thúc đẩy thị trường phát triển và tăng khả năng tiếp cận vốn doanh nghiệp (DN) thường là yếu tố kinh tế vĩ mô được điều hành bởi Chính phủ. Trong năm 2023, Chính phủ điều hành linh hoạt, ban hành chính sách kích thích người dân, doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn và tăng trưởng GDP ở mức độ cao so với tình hình chung của thế giới.

Lạm phát mức thấp và FDI tăng trưởng nhanh khoảng 32%, tỉ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp là 2,28%, tín dụng tăng trưởng ở mức 13,7%, tỉ giá ổn định. Như vậy đã thúc đẩy TTCK với mức tăng của VN-Index đạt 12% vốn hóa tăng gần đến 4%. Chúng tôi đánh giá đây là yếu tố quan trọng bậc nhất trong quá trình thu hút vốn cũng như thúc đẩy thị trường phát triển theo chiều sâu.

Song song với đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các công điện yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ban, ngành có giải pháp nâng hạng thị trường, chuẩn hóa các cơ sở của hệ thống giao dịch trái phiếu, trên cơ sở đó xử ý các vấn đề, các vụ việc của TTCK, giúp cho TTCK phát triển minh bạch.

Về phía MB, chúng tôi tham gia TTCK năm 2011, và từ đó đến nay, chúng tôi đã thu hút được nguồn vốn để phục vụ cho phát triển và tăng trưởng. Vốn hóa của MB đến thời điểm này khoảng trên 120.000 tỷ, có 150.000 nhà đầu tư làm cổ đông của MB trên thị trường. MB cũng tập trung vào chuyển đổi số và nằm trong Top 100 doanh nghiệp có báo cáo tài chính thường niên xuất sắc. Chúng tôi đã triển khai nhiều phương án phát hành cổ phiếu và chi trả lợi tức hằng năm để bổ sung vốn và lưu quy mô vốn, đặc biệt tăng nguồn vốn kinh doanh cấp 2. Điều này rất quan trọng để các tổ chức tín dụng như MB có thể đáp ứng về nguồn vốn để tăng trưởng.

Trên cơ sở báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, MB đồng tình với các giải pháp để thúc đẩy sự phát triển theo chiều sâu và tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Dưới góc độ của MB, chúng tôi nhìn thấy có 4 vấn đề kiến nghị.

Thứ nhất, tăng quy mô của thị trường. Hiện nay quy mô của TTCK chiếm khoảng 56-58% GDP các nước đang phát triển. Tôi thấy chỉ số lên trung bình từ 50-80%, vì vậy chúng ta ở mức khá. Vấn đề đầu tiên là tăng được quy mô của thị trường.

Vấn đề thứ hai là tăng số lượng hàng hoá cũng như tăng số lượng và chất lượng các doanh nghiệp tham gia niêm yết.

Vấn đề thứ ba là tăng số lượng và chất lượng của ngân hàng đầu tư trên thị trường thông qua các giải pháp.

Cuối cùng, nâng cấp được các hệ thống giao dịch và khuôn khổ pháp lý để thu hút nhà đầu tư.

Trên cơ sở đó, chúng tôi khuyến nghị một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, tăng khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp tốt trên thị trường bằng cách phân loại và xếp hạng độc lập các doanh nghiệp niêm yết theo các tiêu chí ngành, hiệu quả hoạt động, để tăng sức mạnh thương hiệu, thị phần trong ngành, minh bạch thông tin, thúc đẩy các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp tiềm năng tham gia TTCK. Áp dụng các chuẩn mực quốc tế và thông lệ quốc tế như các nguyên tắc quản trị công ty tốt nhất của OECD cho các doanh nghiệp niêm yết để giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn thông qua thị trường tốt hơn. Như báo cáo của UBCK Nhà nước, năm qua số lượng giá trị tăng mới của giá trị niêm yết khoảng 56 nghìn tỷ. Số lượng này còn khá khiêm tốn so với tiềm năng, nhu cầu của doanh nghiệp.

Thứ hai, chúng tôi kiến nghị tiến tới nâng hạng thị trường. Một số vấn đề chính như sau: Nội lực của chúng ta quan trọng, do đó chất lượng hàng hóa trong thị trường là quan trọng. Khi chất lượng thị trường tốt, giá trị cao thì nhà đầu tư nước ngoài đến đây để tìm kiếm lợi nhuận, tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam. Do đó, chất lượng thị trường và quan trọng hơn là kiện toàn Trung tâm thanh toán bù trừ (CCP) - điểm mấu chốt khi cả FTSE và MSCI đều coi đây là nút thắt trong việc nâng hạng thị trường. Hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến sở hữu nước ngoài.

Thứ ba là tăng cường ứng dụng về công nghệ và chuyển đổi số trong quản lý và giám sát. Nghiên cứu các hệ thống triển khai giám sát tự động, kết nối với hệ thống dữ liệu và các cơ quan như thuế, cơ quan giám sát của ngân hàng và giám sát tài chính quốc gia, tăng khả năng giám sát và chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp trên thị trường.

Cuối cùng là cung cấp hệ thống công nghệ và dữ liệu để tăng khả năng số hóa, tiếp cận để nhà đầu tư và công chúng xử lý thời gian phát hành, thời gian đầu tư được tiết kiệm thời gian hơn.

Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Vingroup tham luận về chủ đề: Huy động vốn qua thị trường chứng khoán: Kênh huy động vốn không thể thiếu đối với doanh nghiệp:

Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Vingroup: Huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán là phương thức huy động vốn không thể thiếu được ở một thị trường chứng khoán phát triển, đang ngày càng trở nên phổ biến và hiệu quả tại Việt Nam. Sự phát triển của thị trường vốn ở Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn, có sự tăng trưởng nhanh chóng về quy mô, sự đa dạng của sản phẩm, khung pháp lý cũng ngày càng hoàn thiện hơn, để tạo ra một sân chơi công bằng, minh bạch cho tất cả các nhà đầu tư. Doanh nghiệp có thể huy động vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu, nhà đầu tư có thể đến từ trong nước hoặc quốc tế, giúp cho sự phát triển của các doanh nghiệp được hiện thực hóa thông qua những khoản vốn kịp thời, đúng thời điểm, và chi phí vốn hợp lý. Hàng nghìn nhà đầu tư quốc tế cũng đã rót nhiều tỷ USD vào các doanh nghiệp Việt Nam, gián tiếp thông qua kênh đầu tư chứng khoán của doanh nghiệp Việt Nam.

Là một trong những Tập đoàn tư nhân đa ngành nghề lớn nhất Việt Nam, sớm hướng tới những chuẩn mực quốc tế khắt khe nhất, Vingroup tự hào có bộ máy vận hành chuyên nghiệp và hệ thống quản trị rủi ro hàng đầu trong hành trình vươn ra biển lớn, với quyết tâm xây dựng một thương hiệu Việt có uy tín, đẳng cấp cao trên thị trường quốc tế. Vingroup đã tham gia TTCK Việt Nam từ rất sớm, sự phát triển của Vingroup ngày hôm nay luôn có sự đồng hành của các kênh huy động vốn đa dạng, trong đó có TTCK đóng vai trò rất lớn.

Hiện nay, Tập đoàn Vingroup đang có 3 doanh nghiệp là Tập đoàn Vingroup (mã cổ phiếu VIC), CTCP Vinhomes (mã cổ phiếu VHM), CTCP Vincom Retail (mã cổ phiếu VRE), có cổ phiếu niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE), với tổng giá trị vốn hóa thị trường lên đến 419 nghìn tỷ, tương đương hơn 17 tỷ USD, đã huy động thành công hàng tỷ USD thông qua TTCK Việt Nam và quốc tế. Đặc biệt, ngày 15/8/2023, Công ty VinFast Singapore, một công ty thành viên của Vingroup, đã trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên, chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán NASDAQ (Hoa Kỳ). Vingroup đã có nhiều kinh nghiệm huy động vốn từ phát hành và niêm yết trái phiếu quốc tế (cụ thể là tại thị trường chứng khoán Singapore), nhưng việc niêm yết tại NASDAQ đã mở ra những kênh huy động vốn mới với các nhà đầu tư lớn và uy tín trên toàn cầu, đồng thời Vingroup cũng phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về quản trị và công bố thông tin tại đất nước có nền tài chính phát triển nhất thế giới. Tuy nhiên, chúng tôi không quá bỡ ngỡ vì có sự chuẩn bị kỹ càng và đã có nền tảng tuân thủ các quy định tương tự tại Việt Nam.

Trong 17 năm có mặt trên TTCK Việt Nam, những lợi ích trọng yếu Vingroup đạt được có thể kể đến như sau:

Quản trị chuyên nghiệp và minh bạch hơn: Các quy định chặt chẽ, rõ ràng về quản trị công ty đại chúng, mà gần đây nhất là Thông tư 116/2020/TT-BTC ban hành ngày 31/12/2020 đều hướng đến một cơ chế quản trị nghiêm túc, rõ ràng, giúp hoạt động của doanh nghiệp được kiểm soát chặt chẽ và công khai.

Huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh: Tính đến nay, chúng tôi đã có những hoạt động vốn rất đa dạng như phát hành cổ phiếu riêng lẻ và ra công chúng, phát hành trái phiếu riêng lẻ và ra công chúng. Qua đây chúng tôi cũng tìm được những nhà đầu tư, cổ đông chiến lược, tạo thành một mạng lưới với kinh nghiệm sâu rộng trong lĩnh vực hoạt động, những người có thể hỗ trợ và hợp tác với chúng tôi về quản trị, sản xuất, kênh bán hàng, vốn, và đặc biệt là công nghệ. Ngoài ra, khi có những cổ đông chiến lược làm thẩm định đánh giá doanh nghiệp, chúng tôi cũng nhìn được những điểm cần cải thiện khắc phục để phát triển doanh nghiệp hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, về quảng bá hình ảnh, thương hiệu doanh nghiệp, chúng tôi được nhà đầu tư trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn, các nhà đầu tư khi tìm hiểu về chúng tôi thì cũng có những hiểu biết về hệ sinh thái đa dạng của Vingroup; hiểu hơn về sản phẩm và dịch vụ chúng tôi cung cấp tại thị trường Việt Nam và toàn cầu.

Trong năm 2024, Vingroup tiếp tục có kế hoạch huy động vốn thông qua cả kênh tín dụng trong và ngoài nước cùng với phát hành thêm cổ phiếu, trái phiếu trong và ngoài nước để tài trợ cho các hoạt động kinh doanh thông thường và mở rộng thị trường quốc tế của Tập đoàn Vingroup.

Trong quá trình phát triển của Vingroup gần 20 năm qua trên TTCK, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý là Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở Giao dịch Chứng khoán, Tổng công ty Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (tiền thân là Trung tâm Lưu ký Chứng khoán). Để đây tiếp tục là kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp và hoàn thiện hơn nữa, Vingroup xin có một số kiến nghị đề xuất tới Chính phủ và các cơ quan quản lý như sau:

Tiếp tục nghiên cứu và có các giải pháp để thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát và hoàn thiện các văn bản pháp luật hiện tại, nghiên cứu và ban hành những quy định về các sản phẩm tài chính mới để thu hút nhà đầu tư, phát triển thị trường.

Ketut Ariadi Kusuma, Trưởng nhóm Tài chính, Cạnh tranh và Sáng tạo của World Bank tại Việt Nam tham luận về Nâng hạng lên thị trường mới nổi - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ketut Ariadi Kusuma, Trưởng nhóm Tài chính, Cạnh tranh và Sáng tạo của World Bank tại Việt Nam: Trước hết, chúng tôi xin chúc mừng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1726 về Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030. Quyết định nêu ra những mục tiêu quan trọng và giải pháp thực hiện để đạt được những mục tiêu đó. Ngân hàng Thế giới hỗ trợ các cơ quan chức năng, đặc biệt là UBCKNN trong việc xây dựng Chiến lược thông qua việc đóng góp ý kiến vào các dự thảo. Ngân hàng Thế giới vui mừng khi thấy quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển thị trường thông qua chiến lược được soạn thảo kỹ càng và nay là kế hoạch thực hiện chi tiết. Chúng tôi cũng thừa nhận những nỗ lực không ngừng nghỉ của Ủy ban Chứng khoán, các Sở giao dịch Chứng khoán, và Tổng công ty Lưu ký Bù trừ trong việc tìm kiếm các giải pháp nâng hạng thị trường.

Khát vọng của Việt Nam trong việc nâng cấp TTCK lên thị trường mới nổi là bước đi chiến lược, phù hợp với tham vọng lớn hơn là chuyển đổi thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi tốc độ tăng trưởng thực tế bình quân đầu người hằng năm khoảng 5,95% trong hai thập kỷ tới, có nghĩa là mức tăng trưởng thực tế phải cao hơn mức này vì tính đến mức tăng dân số.

Mục tiêu tham vọng này phụ thuộc vào việc tận dụng hiệu quả thị trường tài chính để dẫn vốn đầu tư tới các mục tiêu kinh tế này, trong đó thị trường vốn đóng vai trò rất quan trọng. Cụ thể, TTCK đã đạt được mức vốn hóa khoảng 6 nghìn tỷ (247 tỷ USD) (khoảng 57% GDP) vào năm 2023, và thậm chí từng đạt kỷ lục 93% GDP vào năm 2021, càng nhấn mạnh về tiềm năng huy động vốn cho khu vực doanh nghiệp.

Hiện tại, Việt Nam được MSCI và FTSE Russell phân loại là thị trường cận biên và được đưa vào chỉ số thị trường cận biên (FM). Cho đến nay, thị trường Việt Nam vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất trong rổ chỉ số FM (hơn 30% tổng tài sản quản lý (AUM)) và đã đạt đến giới hạn có thể kỳ vọng trong rổ chỉ số cận biên. Kể từ tháng 9/2018, Việt Nam lọt vào danh sách theo dõi nâng hạng của FTSE Russell lên thị trường mới nổi và được MSCI theo dõi xem xét định kỳ. Việc nâng hạng TTCK sẽ là lực đẩy đáng kể cho thị trường vốn Việt Nam vốn sẽ được coi là có khả năng tiếp cận thị trường thỏa đáng đối với các nhà đầu tư nước ngoài và có mức vốn hóa đạt quy mô cũng như tính thanh khoản hấp dẫn ngang hàng với nhiều nước đang phát triển có trình độ phát triển tương tự như Việt Nam.

Ngân hàng Thế giới ước tính việc nâng hạng TTCK có thể mang lại tới 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2030, với một số điều kiện quan trọng như sau:

Thứ nhất, Việt Nam phải được nâng hạng bởi cả hai nhà cung cấp chỉ số quốc tế là FTSE Russel và MSCI. Chúng tôi đánh giá cao và đồng ý với cách tiếp cận hiện tại của SSC là ưu tiên được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp bởi FTSE Russell trước; tuy nhiên, cần lưu ý rằng phần lớn vốn đầu tư mới sẽ đến từ việc nâng hạng bởi MSCI.

Thứ hai, xem xét giải quyết các vấn đề về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (FOL) và tiếp tục cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn. Giải pháp bao gồm: Cải thiện công bố thông tin, tăng tiếp cận với các cổ phiếu đã đạt đến giới hạn và quan trọng nhất là tăng giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài.

Nếu FOL vẫn là một hạn chế, Việt Nam có thể sẽ chỉ nhận được dòng vốn ròng tối đa 5 tỷ USD, vì thị trường lúc đó chỉ chiếm chưa đến 1% chỉ số EM toàn cầu. Nhưng nếu FOL được giải quyết hoàn toàn, tỉ trọng của Việt Nam trong chỉ số EM có thể tăng hơn 1% và điều này có thể mang lại thêm 8-15 tỷ USD.

Thứ ba, cần có một môi trường đầu tư lành mạnh trên toàn cầu để Việt Nam cũng có thể tận hưởng sự tăng trưởng tự nhiên của đầu tư toàn cầu vào thị trường mới nổi, ước tính tăng trưởng khoảng 7% mỗi năm. Điều này có nghĩa là sẽ có thêm 8-12 tỷ USD đầu tư cho đến năm 2030.

Ngân hàng Thế giới cũng nhấn mạnh rằng, việc phát triển cơ sở nhà đầu tư trong nước rất quan trọng để đồng hành và cân bằng dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, trong đó sự đa dạng hóa đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội (bởi VSS) là chìa khóa. Đa dạng hóa đầu tư của VSS vào chứng khoán doanh nghiệp không chỉ giúp quỹ đầu tư hiệu quả hơn về lâu dài mà còn mở rộng cơ sở nhà đầu tư và giúp ổn định và phát triển thị trường vốn trong nước. Một khoản phân bổ khiêm tốn vào chứng khoán doanh nghiệp của VSS có thể đồng nghĩa với việc có thêm hàng tỷ USD tài trợ cho khu vực doanh nghiệp. Những cải cách tổng thể trong lĩnh vực lương hưu có thể mang lại khoản đầu tư mới lên tới 25 tỷ USD vào khu vực doanh nghiệp vào năm 2030.

Hơn nữa, những cải cách trong ngành bảo hiểm và quỹ đầu tư, nếu được thực hiện đúng cách, có thể mang lại thêm 28 tỷ USD cho khu vực doanh nghiệp thông qua thị trường vốn. Tổng cộng, chúng tôi ước tính tiềm năng huy động vốn mới cho thị trường vốn là 78 tỷ USD.

Nhu cầu đầu tư ngày càng tăng ở Việt Nam nhấn mạnh nhu cầu phải đi kèm với các sản phẩm tài chính chất lượng cao, đặc biệt là cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của một hệ sinh thái lành mạnh, bao gồm sự giám sát chặt chẽ, công bố thông tin rõ ràng và xếp hạng tín dụng đáng tin cậy v.v...

Điều này nhằm đảm bảo rằng các khoản đầu tư tài trợ mới vào TTCK sẽ mang lại lợi ích cho các công ty hoạt động hiệu quả đang cần vốn để tăng trưởng—như tái cấp vốn cho ngân hàng, các dự án cơ sở hạ tầng hoặc các ngành công nghiệp đổi mới—và không chỉ các cổ đông hiện tại.

Ngân hàng Thế giới sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trên tất cả các mặt trận này. Để kết thúc, xin chúc các bạn một năm mới Giáp Thìn vui vẻ. Nhiều người cho rằng Rồng là con vật tượng trưng cho sức mạnh, sự phát triển và may mắn; và Năm Rồng là năm tốt lành cho việc đầu tư. Chúng tôi hy vọng sẽ đạt được thành công mang tính bước ngoặt trong năm nay.

Tham tán công sứ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tham tán công sứ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam: Đầu tiên tôi xin nói về vai trò của TTCK đối với Việt Nam.

Chức năng đầu tiên của TTCK là cung cấp nguồn vốn dài hạn và ổn định hơn cho các hoạt động phát triển doanh nghiệp so với vay ngân hàng.

Khoản vay ngân hàng có kỳ hạn tương đối ngắn và không ổn định. Các khoản vay này đồng thời yêu cầu thanh toán hàng năm hoặc vài tháng một lần. Cổ phiếu cung cấp nguồn vốn cố định dưới hình thức vốn chủ sở hữu.

Trái phiếu doanh nghiệp cung cấp nguồn vốn trong khoảng thời hạn từ 3 đến 5 năm.

Chức năng thứ hai của TTCK là nhằm nâng cao sự thịnh vượng của công dân Việt Nam. Nhà đầu tư cổ phiếu có thể gia tăng giá trị tài sản khi giá cổ phiếu tăng. Nhà đầu tư trái phiếu có thể nhận lợi suất đầu tư cao hơn so với tiền gửi ngân hàng.

Quỹ hưu trí đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu để tạo ra các khoản lợi nhuận đáng kể, sau đó được phân phối cho công dân dưới hình thức lương hưu.

Công dân lập kế hoạch cho việc nghỉ hưu có thể tham gia vào các quỹ đầu tư dài hạn.

Về đề xuất cho sự phát triển của TTCK tại Việt Nam, chúng tôi xin khuyến nghị như sau:

Mở rộng thị trường chứng khoán Việt Nam

Về phía cung: Đa dạng hóa cổ phiếu niêm yết trên HOSE bằng cách chuyển sàn các cổ phiếu UPCOM, 50% vốn hóa ở đó thuộc ngành Hàng hóa và Dịch vụ Công nghiệp và Thực phẩm & Đồ uống. Hiện tại, ngành Ngân hàng và Bất động sản đang chiếm phần lớn vốn hóa của sàn HOSE.

Nới lỏng giới hạn sở hữu nước ngoài để tăng nguồn cung cổ phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài, bằng các chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (Non-voting depository receipt, viết tắt là NVDR) để phù hợp với mục tiêu quản lý nhà nước đặt ra đối với từng nhóm ngành, nghề.

Tạo điều kiện thuận lợi cho việc niêm yết các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp FDI để cải thiện sự đa dạng của thị trường.

Về phía cầu: Khuyến khích các ngân hàng và công ty bảo hiểm đầu tư vào cổ phiếu, thúc đẩy chiến lược quản lý tài sản đa dạng và lợi suất cao.

Giới thiệu Hệ thống cổ phiếu nhân dân để phân phối cổ phiếu của các doanh nghiệp nhà nước uy tín và có nền tảng vững chắc với giá thấp hơn phát hành ra công chúng, thúc đẩy sự tăng trưởng tài sản của công dân.

Triển khai quỹ hưu trí nhằm khuyến khích người dân chuẩn bị nghỉ hưu thông qua kế hoạch đầu tư dài hạn.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Nới lỏng giới hạn sở hữu nước ngoài, cung cấp quyền bình đẳng cho nhà đầu tư nước ngoài, tự do hóa thị trường ngoại hối và các quy định thị trường bằng tiếng Anh .

Tổ chức thường xuyên các Hội nghị xúc tiến nhà đầu tư (IR) để liên tục giới thiệu các công ty uy tín của Việt Nam tới các nhà đầu tư nước ngoài.

Nâng cấp cơ sở hạ tầng và hệ thống giao dịch

Không ngừng nâng cao hệ thống giao dịch để xử lý an toàn các lệnh khác nhau, bao gồm cổ phiếu, hợp đồng tương lai và quyền chọn, mặc dù với khối lượng lớn.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE) tham luận với chủ đề "Thị trường chứng khoán 2024 – góc nhìn từ tổ chức phát hành" - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE): Mọi người đều biết, thị trường vốn, TTCK như là xương sống, là mạch máu của nền kinh tế. Năm 2000, TTCK Việt Nam ra đời như một kênh huy động vốn với khuôn khổ pháp lý được ban hành. Để huy động vốn với chi phí hợp lý và bền vững lâu dài, REE đã tiên phong niêm yết đầu tiên trên Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) và nhận được giấy phép niêm yết số 1 vào tháng 7/2000. Khi đó, ý tưởng này tương đối mới mẻ ở Việt Nam.

Tuy nhiên, Việt Nam luôn tự học và lựa chọn những mô hình thành công để áp dụng vào xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa. REE đã luôn tích cực chào đón những ý tưởng mới, áp dụng chúng và quyết tâm thực hiện thành công, chứng minh cho sự đúng đắn của đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước.

Thực vậy, REE đã thành công với mô hình cổ phần hóa và niêm yết, là nguồn động viên cho các doanh nghiệp khác tiến bước theo. Ngày nay, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều đã cổ phần hóa và phần lớn đều đạt được thành công. Nhà nước vẫn giữ một tỉ lệ cùng với doanh nghiệp và Nhà nước được hưởng lợi từ thành quả mà doanh nghiệp cổ phần mang lại.

TTCK không chỉ là nơi "tôi luyện" cho các công ty niêm yết để làm ăn đàng hoàng hơn, minh bạch, có trách nhiệm và nghĩa vụ với các bên liên quan như nhà đầu tư, nhà tài trợ, khách hàng, nhân viên và cả nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Nó còn gián tiếp đào tạo những nhà quản lý chuyên nghiệp, cần mẫn và trung thực, qua đó họ có thể vươn lên để giữ cho giá trị cổ phần không ngừng được gia tăng.

TTCK là một mô hình mà Việt Nam đã chọn lựa sớm, góp phần tạo nên một kênh huy động hiệu quả bên cạnh các kênh truyền thống như ngân hàng.

Chúng tôi cho rằng bên cạnh vốn vay ngân hàng thì kênh huy động vốn qua phát hành cổ phiếu trên TTCK và phát hành trái phiếu doanh nghiệp là hai kênh vô cùng quan trọng và hữu ích cho doanh nghiệp phục vụ cho phát triển công ty trong trung và dài hạn. Đây cũng là lý do chính REE xung phong niêm yết đầu tiên. Thông qua thị trường này, REE đã 8 lần phát hành cổ phiếu và huy động được 2.800 tỷ đồng để đầu tư mở rộng và tiếp tục phát triển.

Và REE luôn đặt đúng tầm trách nhiệm cho các vấn đề nhà đầu tư quan tâm đã được cam kết tại công bố thông tin, hồ sơ phát hành. Chúng tôi hiểu rằng phát hành trái phiếu, cổ phiếu đều đòi hỏi tính minh bạch và các DN phải tự đặt mình trong khuôn khổ pháp lý và trách nhiệm rất cao.

Hơn ai hết, HĐQT công ty phải chịu trách nhiệm về công bố thông tin báo cáo định kỳ và giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn huy động được đặt đúng chỗ và phát huy hiệu quả.

Nói tóm lại, các doanh nghiệp muốn phát triển liên tục thì rất cần nguồn vốn bổ sung liên tục, trong đó nguồn phát hành cổ phiếu và trái phiếu là rất dồi dào cần được tiếp tục củng cố và phát huy.

Nhân đây, chúng tôi kiến nghị:

Các công ty niêm yết là "hàng hóa" trên TTCK, hàng hóa phải tốt và không có hàng giả. Nhà đầu tư luôn mong mỏi các công ty niêm yết có mức tăng trưởng tốt và họ sẵn sàng bỏ vốn thêm cho mục tiêu này. Vấn đề mấu chốt quan trọng hiện nay của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp niêm yết nói riêng bên cạnh vấn đề tài chính, công nghệ, hay năng lực quản lý là:

Khuôn khổ pháp luật và chính sách cần được ổn định lâu dài. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ tiếp tục kiến tạo một môi trường luật pháp trong kinh doanh cởi mở, minh bạch hơn nữa, có thể tiến đến dịch vụ một cửa, giảm bớt cơ chế xin cho, chuyển dần sang cơ chế đăng ký và doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trong khuôn khổ pháp luật, không cấm là có thể tự động được làm.

Chúng tôi thấy những chuyến công du của Thủ tướng tập trung mời gọi thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Thủ tướng đã đề cập đến hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế. Chúng tôi tin tưởng Chính phủ đang thúc đẩy Việt kiều tiếp tục là động lực chính cho phát triển kinh tế của Việt Nam. Những trở ngại hiện nay là thủ tục hành chính còn chậm chạp và hiệu quả còn thấp.

Về chỉ số VN30 hiện tại, chứng khoán trong rổ VN30 và VN100 này bao gồm cổ phiếu của 30 doanh nghiệp có vốn hóa và tính thanh khoản lớn nhất trên thị trường. Nếu chỉ xét về tiêu chí này thì phần lớn cổ phiếu từ các ngành hàng chưa hoàn toàn đại diện cho nền kinh tế. Nên chăng cần có các tiêu chí khác để doanh nghiệp từ các ngành nghề khác nhau được đặt trong rổ này sẽ đại diện cho nền kinh tế.

Về lãi suất ngân hàng,… làm sao lãi suất cho các doanh nghiệp về mức hợp lý hơn. Chúng tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục quan tâm hơn nữa, làm sao đưa lãi suất về một mặt bằng hợp lý để doanh nghiệp có thể sử dụng một phần của vốn ngân hàng bên cạnh vốn trái phiếu và cổ phiếu để có thể tiếp tục phát triển, đóng góp vào nền kinh tế.

Về vấn đề khai thuế và nộp thuế, chúng tôi nghĩ cũng cần công bằng hơn, có nghĩa là ai kinh doanh đều phải tự giác khai nộp thuế. Các doanh nghiệp riêng trên thị trường niêm yết có báo cáo rất đầy đủ và chúng tôi thấy là cơ quan thuế thường xuyên rà soát và kiểm tra thuế của những doanh nghiệp này. Tuy nhiên chúng tôi cũng thấy những ngành nghề khác thì ngành thuế chưa làm được những chỉ số tương tự như vậy. Do đó, thu thuế của Nhà nước bị thất thu, nguồn thu không đầy đủ.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT: FPT xin gửi lời tri ân Chính phủ, Bộ Tài chính, UBCKNN đã cho chúng tôi 100 ngày giải cứu HOSE. 100 ngày giải cứu đó đem lại cái nhìn lại về FPT, từ ngày đó, cổ phiếu FPT liên tục tăng trưởng.

FPT cũng xin cảm ơn Đảng, Nhà nước với những thành công về chính sách ngoại giao cây tre. Chỉ có Việt Nam mới có quan hệ ngoại giao cao nhất với Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ. Và có lẽ chỉ có Việt Nam được kinh doanh tự do, được ưu tiên, ưu đãi. Đó là cơ hội rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để hợp tác, làm việc.

Trong bối cảnh vị thế của Việt Nam như vậy tôi có cảm giác TTCK của chúng ta làm rất tốt trong nhiều năm nhưng chưa xứng đáng với vị thế. TTCK của Việt Nam phải lên một tầm nữa tương đương với tất cả các TTCK của các nền kinh tế thị trường lớn. Các TTCK lớn có gì, tác nghiệp gì thì ta cũng phải làm được như mua trước bán sau, thanh toán bù trừ,... Điều này phụ thuộc vào chính chúng ta. Các TTCK có năng lực gì thì chúng ta phải có năng lực đó. Ví dụ ở NASDAQ, AI đã tham dự vào từ năm 2016, năm 2018 ở Nhật Bản, Thái Lan năm vừa rồi bắt đầu.

Chúng ta phải nâng cấp thị trường của chúng ta lên thị trường mới nổi.

Công nghệ có thể làm gì được? Công nghệ có 3 từ lớn là DGI. D là Digital. Ở Thái Lan, Bộ Tài chính nắm rất chắc công ty nào đầu tư vào công ty nào, với một quan hệ sở hữu minh bạch như vậy sẽ phát triển rất nhiều điều. Cái này chúng ta có dữ liệu rồi, chúng ta sẽ xây dựng.

Đề án 06 có quá nhiều dữ liệu, làm sao để D của chúng ta minh bạch và có đẳng cấp như tất cả các nước.

G là Green. Thế giới bước vào giai đoạn không làm không được, không làm không xuất khẩu được, không có báo cáo không xuất khẩu được, không làm kế toán carbon thì bị đánh thuế. Chúng ta hiểu chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là cặp bài trùng. Nếu làm được chúng ta mới có vốn xanh, trái phiếu xanh, tài chính xanh và đó là nguồn khổng lồ để kinh tế chúng ta phát triển và cũng là để Việt Nam hòa nhập với thế giới.

Chữ cuối cùng mới là quan trọng I (trí tuệ nhân tạo). Đó là tương lai, AI ảnh hưởng đến kinh tế, đến chứng khoán quá lớn. Chúng ta có thể bảo vệ tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân nhiều lần bằng cách chống gian lận.

Việt Nam có tiềm năng về cả D, G, I, vấn đề là chúng ta có sử dụng tiềm năng công nghệ của đất nước cho phát triển nền kinh tế không.

Với tư cách một công ty niêm yết, FPT xin cảm ơn thị trường chứng khoán vì có nhờ niêm yết trên thị trường, FPT mới dễ làm việc với các tập đoàn lớn trên thế giới. FPT hứa sẽ đem nỗ lực của mình cũng như công nghệ tốt nhất để phục vụ sự phát triển của TTCK, phát triển nền kinh tế và phục vụ các doanh nghiệp nói chung.

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần quản lý Quỹ đầu tư Dragon Capita Việt Nam tham luận về "Phát huy sức mạnh kinh tế quốc gia: Giải pháp phát triển thị trường chứng khoán" - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần quản lý Quỹ đầu tư Dragon Capita Việt Nam: Hai năm vừa rồi là hai năm khá thách thức. Năm 2022 lợi nhuận bình quân của các DN niêm yết giảm. Năm 2023, lợi nhuận của các DN niêm yết không thắng. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo của Chính phủ, của Bộ Tài chính, dần dần thị trường cũng phục hồi cuối năm ngoái, tăng 12%. Các thành viên thị trường, các nhà đầu tư, các công ty niêm yết bắt đầu có sự phấn khởi.

Tôi xin nói 3 vấn đề, một là quy mô, hai là chức năng, ba là kiến nghị.

Về quy mô, nếu chúng ta muốn hình dung được tiềm năng cho Việt Nam, hãy nhìn về tổng GDP thế giới năm ngoái khoảng 100.000 tỷ USD, giá trị vốn hóa của các thị trường cổ phiếu thế giới là 100.000 tỷ USD, bằng 100% GDP. Tổng số vốn được huy động thông qua thị trường này là trên 10.000 tỷ USD. Nếu quy ra cho Việt Nam, chúng ta thấy rằng mục đích như trong kế hoạch của Thủ tướng là phát triển giá trị vốn hóa đến 100% GDP chắc chắn là phải có, thị trường nợ đến 100%, chắc chắn là phải có, và khả năng huy động bằng 5% GDP chắc chắn là phải có. Có nghĩa là huy động mỗi năm khoảng 25 tỷ USD vốn cho sự phát triển của các DN Việt Nam, ngang bằng đầu tư trực tiếp FDI.

Về chức năng, có 3 chức năng lớn về cung cấp vốn:

Nguồn cung cấp vốn huyết mạch thông suốt giữa tài chính và doanh nghiệp. Đối với Chính phủ, Chính phủ không chỉ phát hành trái phiếu Chính phủ mà còn mua lại để điều tiết nguồn vốn của ngân sách nhà nước. Thị trường vốn cung cấp nguồn vốn dài hạn, trung hạn mà các ngân hàng thương mại có khi nguồn vốn của họ chỉ có thể ngắn hạn, và hơn hết là cung cấp nguồn vốn cho thành phần tư nhân.

Nhưng không chỉ là cung cấp vốn mà còn đánh giá chất lượng DN, đánh giá chất lượng của hoạt động kinh doanh thương mại bằng cách điều chỉnh giá trị vốn, đồng hành với các DN có tài chính minh bạch và có xác nhận lãi suất phi rủi ro là chìa khóa của giá trị vốn dài hạn cảu Việt Nam.

Cuối cùng là tăng khả năng cho các nhà đầu tư Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài. Chúng tôi may mắn được tham gia 30 năm nghiên cứu thị trường vốn của Việt Nam, khách hàng lâu đời nhất của chúng tôi chính là mẹ của tôi. Bà đưa ra khoản đầu tư đầu tiên năm 1995 đến bây giờ đã tăng 9 lần. Nếu chúng ta quy ra hơn 20 năm thì hằng năm tỉ lệ mang về cho bà bằng USD sau khi tính lạm phát, lãi suất... là 10-12%. Nếu thị trường vốn có thể tạo ra được đãi ngộ như thế cho các nhà đầu tư Việt Nam thì tuyệt vời. Và cuối cùng, nó bớt cái gánh nặng cho an sinh xã hội của Việt Nam.

Về kiến nghị, tôi có 3 kiến nghị.

Thứ nhất là không ngừng phát triển hạ tầng, nền tảng, hệ sinh thái của thị trường vốn. Đặc biệt ở đây là mạng lưới các nhà đầu tư có tổ chức ở Việt Nam, chắc chắn phải mở rộng. Bởi vì thị trường vốn ở Việt Nam là thị trường biến động nhất trong khu vực và nó không dừng lại ở đấy.

Thứ hai, kiểm soát vấn đề biến động là không ngừng củng cố niềm tin trên TTCK, đặc biệt là niềm tin của các nhà đầu tư.

Thứ ba là yếu tố cụ thể hóa. Một chủ đề được nhắc rất nhiều ngày hôm nay là nâng hạng TTCK Việt Nam, chúng tôi rất ủng hộ và mong sớm ra đời đối sách bù trừ trung tâm của Việt Nam (CCP). Nếu chưa triển khai được thì chắc chắn phải lo đến vấn đề cơ cấu lại khi xác minh đối với nhà đầu tư nước ngoài, còn nếu được thì sớm nghiên cứu và chọn thí điểm các chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết.

Kiến nghị cuối cùng là cùng nghiên cứu, thúc đẩy phát triển Trung tâm tài chính của Việt Nam. Đây là cơ hội bằng vàng đối với Việt Nam.

Ông Johan Nyvene, Giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán TPHCM tham luận với chủ đề: Nâng hạng thị trường chứng khoán - Một bước tiến lớn trong chiến lược phát triển quốc gia của Việt Nam Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Johan Nyvene, Giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán TPHCM: TTCK Việt Nam đã hình thành và phát triển từng giai đoạn, cả về chất lẫn lượng qua gần một phần tư thế kỷ qua. Qua bao nhiêu thăng trầm, TTCK Việt Nam đã đạt được nhiều thắng lợi và dần trưởng thành lên, vượt qua được nhiều thử thách trong nước cũng như các biến động của các thị trường và các nền kinh tế khác trên thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn được xem là một thị trường cận biên (Frontier Market) bởi các tổ chức xếp hạng thị trường trên thế giới. Mặc dù vậy, chúng tôi nhận thấy đã có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài xem TTCK Việt Nam như một thị trường mới nổi.

Với những điểm sáng của Việt Nam thể hiện sự tăng trưởng kinh tế và môi trường chính trị xã hội ổn định, chỉ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trong thời gian vừa qua được các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao. Hiện nay, TTCK Việt Nam có các sở giao dịch là thành viên của Liên đoàn các Sở Giao dịch chứng khoán Thế giới (WFE). Khung pháp lý của TTCK Việt Nam cũng đã đạt những chuẩn mực pháp lý theo hướng các thị trường đã phát triển.

TTCK Việt Nam so với các thị trường chứng khoán khác, như thị trường chứng khoán Thái Lan được vốn hóa ra phải được vốn hóa 475 tỷ USD, Indonesia là hơn 700 tỷ USD, Malaysia là khoảng 390 tỷ USD, Việt Nam được vốn hóa hơn 200 tỷ USD. Về thanh khoản giao dịch, TTCK Việt Nam đã từng đạt thanh khoản trung bình giao động trên dưới 1 tỷ USD, qua năm 2023 vừa qua cũng đạt ở mức 600- 700 triệu USD.

TTCK Việt Nam hiện vẫn đang được 2 tổ chức xếp hạng thị trường là MSCI (Morgan Stanley Capital International) và FTSE Russell (Financial Times Stock Exchange) xếp vào nhóm 3 - thị trường cận biên và đang trong danh sách nhóm chờ nâng hạng thị trường mới nổi.

FTSE Russell cũng đã ghi nhận việc khẳng định cam kết rất tích cực của các lãnh đạo cấp cao của các cơ quan quản lý thị trường. Một ví dụ cụ thể là qua một số cơ hội xúc tiến kêu gọi đầu tư và tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư đã phản hồi là họ nhận thấy các cơ quan quản lý thị trường của Việt Nam đã nỗ lực rất cao. Chỉ có 3 vấn đề mà TTCK Việt Nam còn cần đạt được, đó là:

Mở rộng không hạn chế tỉ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài vào các công ty Việt Nam. Tuy nhiên, ngoài các ngành nghề đặc thù có yếu tố an ninh tài chính quốc gia hoặc an ninh công nghệ cao, khuôn khổ pháp lý của thị trường Việt Nam đã cho phép mở tỉ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài lên đến 100% đối với các doanh nghiệp không thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Như vậy, sự chủ động mở rộng tỉ lệ sở hữu nước ngoài đã nằm trong tay phần lớn các doanh nghiệp niêm yết.

Vì vậy, chúng tôi đề xuất các doanh nghiệp niêm yết có thể thực hiện thêm là chủ động rà soát ngành nghề và điều chỉnh lại đăng ký kinh doanh, để đề xuất nới giới hạn sở hữu nước ngoài.

Thứ hai, điều chỉnh hoặc gỡ bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, nhất là đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Loại bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch sẽ làm tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, và đương nhiên sẽ giúp cho việc nâng hạng thị trường Việt Nam gần với hiện thực hơn. Với việc này chúng tôi đang tích cực dưới sự chỉ đạo của UBCK hợp tác với các ngân hàng lưu ký nước ngoài để tìm ra giải pháp và tin tưởng mức độ thành công cao và có thể làm được việc này trong thời gian tới.

Việc phối hợp chặt chẽ và thống nhất giữa các định chế tài chính trung gian trong việc quản lý, hỗ trợ, và điều tiết các tài khoản lưu ký, tài khoản đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài, cùng với việc UBCKNN cùng các cơ quan chức năng khác quy định hóa, pháp lý hóa các phương án quản lý rủi ro đi kèm với sự giám sát chặt chẽ, chúng tôi tin tưởng sẽ sớm vượt qua được rào cản này.

Việc cải thiện và tăng cường công bố thông tin bằng tiếng Anh từ các cơ quan chức năng và các công ty niêm yết cũng như các thành viên thị trường là rất cần thiết. Đây là nhóm công việc có thể triển khai sớm, với điều kiện phải truyền thông tốt cho các doanh nghiệp niêm yết để họ hiểu lợi ích của việc công bố thông tin bằng tiếng Anh và chủ động cập nhật thông tin.

Ngoài các điều kiện chính được nêu ra, MSCI và FTSE cũng vạch ra một số tiêu chí khác mà TTCK Việt Nam có thể cải thiện thêm:

Thứ nhất là tính thanh khoản. Tính thanh khoản của TTCK Việt Nam khá cao. Tuy nhiên mức thanh khoản dồi dào như vậy vẫn có thể cải thiện được như điều kiện có thể bán chứng khoán đang chờ về, hoặc khả năng có thể vay và cho vay chứng khoán.

Thứ hai là tính minh bạch và chuẩn mực quản trị doanh nghiệp. Các công ty niêm yết cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn minh bạch trong báo cáo tài chính và quản lý doanh nghiệp. Đây là một yếu tố cốt lõi trong quản trị doanh nghiệp.

Thứ ba là sự phát triển của hạ tầng và các dịch vụ tài chính đi kèm.

Thứ tư là tăng cường đào tạo và tăng cường ý thức đầu tư, nhất là đối với các nhà đầu tư cá nhân.

Theo chúng tôi, mục tiêu nâng hạng từ TTCK Việt Nam nói chung sẽ thuận lợi, sẽ tăng tính hội nhập toàn cầu, nâng tầm thị trường Việt Nam và vị thế quốc gia.

Với việc thị trường vốn được nâng hạng, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận với dòng vốn đầu tư. TTCK Việt Nam sẽ tăng tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và đón nhận dòng vốn lớn từ các quỹ đầu tư trên thế giới. Việc nâng hạng TTCK còn gắn với câu chuyện Việt Nam đang định hướng thành lập một Trung tâm tài chính quốc tế. Rõ ràng đây là một phần lớn trong chiến lược phát triển quốc gia của Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính trước hết thay mặt Chính phủ gửi lời cảm ơn, lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới tất cả các đại biểu. Thủ tướng vui mừng khi sau 25 năm xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán (TTCK), một hội nghị liên quan tới chứng khoán được tổ chức với sự tham gia và quan tâm rất lớn của hàng trăm đại biểu.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ và cá nhân ông rất quan tâm tới thị trường tài chính, trong đó có TTCK. "Có lẽ không tuần nào tôi không nói chuyện và làm việc với các đồng chí lãnh đạo có liên quan tới TTCK, luôn theo dõi TTCK. Lúc 12h40 hằng ngày, tôi luôn theo dõi bản tin xem TTCK hôm nay thế nào để có phản ứng chính sách kịp thời, nếu không theo dõi được thì rất sốt ruột.

Khi có biến động nào đó thì chúng tôi luôn đặt mình vào vị trí của các nhà đầu tư, nhà phát hành, trên tinh thần cùng thắng, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, các bên đều thắng tức là góp phần phát triển kinh tế Việt Nam nhanh, bền vững, lành mạnh theo chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Chúng tôi cũng luôn suy nghĩ Chính phủ phải bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư, các chủ thể liên quan tới TTCK", Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng bày tỏ: "Chúng ta cùng nhau xây dựng và phát triển TTCK Việt Nam còn non trẻ. Qua 25 năm, thị trường có nhiều thăng trầm, đột phá và đang tiếp tục phát triển theo tinh thần tiến kịp, đi cùng, tăng tốc, nên không thể không có những khó khăn, trong bối cảnh Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, sức chống chịu có hạn nhưng độ mở lớn, một tác động nhỏ bên ngoài cũng có thể ảnh hưởng lớn tới bên trong".

Theo Thủ tướng, trong hai năm vừa qua, các chủ thể đã cùng nhau chia sẻ, vượt qua khó khăn. Nhờ đó, nếu năm 2022 là năm thăng trầm của thị trường thì năm 2023 đã khắc phục nhiều khó khăn, cải thiện tình hình, tập trung làm những việc phải làm và có tiến bộ hơn; năm 2024 phải tăng tốc và năm 2025 phải bứt phá. Điều này cần cùng phát huy trách nhiệm của Chính phủ, các bộ ngành, các nhà đầu tư, các nhà phát hành và của các chủ thể liên quan.

Thủ tướng cảm ơn, ghi nhận, đánh giá cao Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, các cơ quan liên quan đã chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo Hội nghị, các ý kiến phát biểu và tham luận tâm huyết, sâu sắc, sát thực tiễn của các đại biểu. Thủ tướng giao VPCP, Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến; sớm hoàn thiện để trình ban hành văn bản phù hợp sau Hội nghị.

Phát triển kinh tế thì không thể thiếu TTCK

Thủ tướng nhấn mạnh: Phát triển kinh tế thì không thể thiếu TTCK. Phát triển TTCK là một yêu cầu khách quan - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhấn mạnh thêm một số nội dung, Thủ tướng trước hết phân tích về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của TTCK Việt Nam.

Theo đó, TTCK là một cấu phần quan trọng của thị trường tài chính (thị trường tiền tệ, thị trường vốn) nói riêng và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta nói chung. Khi phát triển đến trình độ cao, TTCK có vai trò là "hàn thử biểu" của nền kinh tế. TTCK cũng là một kênh đầu tư linh hoạt, hấp dẫn của các tổ chức và cá nhân đầu tư; đồng thời là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân. TTCK góp phần quan trọng thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội, nhất là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.

"Tóm lại, phát triển kinh tế thì không thể thiếu TTCK. Phát triển TTCK là một yêu cầu khách quan", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng điểm lại một số dấu mốc quan trọng: Năm 1996, thành lập Ủy ban Chứng khoán nhà nước; năm 1998, thành lập Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, tiền thân của Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh; năm 2005, thành lập Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội, tiền thân của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Quốc hội ban hành Luật Chứng khoán vào các năm 2006, 2010, 2019.

Chính phủ đã ban hành 28 Nghị định quy định liên quan đến chứng khoán và TTCK. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1726/QĐ-TTg của TTgCP ngày 29/12/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 với mục tiêu: "Phát triển TTCK ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập; nâng cao khả năng chống chịu rủi ro, có cơ cấu hợp lý giữa các cấu phần thị trường, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, chủ yếu cho nền kinh tế; duy trì tăng trưởng về quy mô, chú trọng nâng cao chất lượng; phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực chứng khoán; xây dựng hệ thống quản lý, giám sát thị trường gắn với ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại; tăng cường liên kết và hội nhập quốc tế, từng bước thu hẹp về khoảng cách phát triển giữa TTCK Việt Nam so với TTCK các nước phát triển".

"Tóm lại, phát triển TTCK công khai, minh bạch, an toàn, toàn diện, bao trùm, lành mạnh, hội nhập, bền vững, hiệu quả; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể liên quan. Từ thị trường sơ khai, TTCK Việt Nam đang ở mức thị trường cận biên và tới năm 2025 đặt mục tiêu trở thành thị trường mới nổi, góp phần thực hiện mục tiêu thu hút khoảng 25 tỷ USD đầu tư gián tiếp nước ngoài mỗi năm, tương đương đầu tư trực tiếp", Thủ tướng phát biểu bày tỏ mong muốn thị trường tăng dần đều, ổn định, bền vững, thay vì tăng giảm đột ngột.

Những kết quả nổi bật trong phát triển TTCK

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về những kết quả đạt được, Thủ tướng nêu rõ, thứ nhất, thể chế, cơ chế, chính sách phát triển TTCK được từng bước xây dựng, rà soát, hoàn thiện, bổ sung phù hợp theo từng thời kỳ và trình độ, yêu cầu phát triển, với chủ trương, đường lối của Đảng, các luật của Quốc hội, nghị định của Chính phủ.

Thứ hai, TTCK đã không ngừng hoàn thiện về cấu trúc và hiện đại hóa. Cơ cấu của thị trường từng bước được hoàn thiện, từ chỗ chỉ có thị trường cổ phiếu đến nay đã có thêm thị trường trái phiếu Chính phủ và TTCK phái sinh.

Vào ngày đầu giao dịch (28/7/2000), TTCK chỉ có 2 doanh nghiệp niêm yết, 6 công ty chứng khoán thành viên, đến cuối năm 2023 đã có gần 2,3 nghìn doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch và 82 công ty chứng khoán hoạt động.

Hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán có sự phát triển cả về năng lực chuyên môn nghiệp vụ, năng lực tài chính, chất lượng dịch vụ, ngày càng phát huy vai trò cầu nối giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Việc giao dịch chứng khoán từ chỗ nhà đầu tư phải đến các trung tâm chứng khoán, đăng ký mua bán chứng khoán bằng phiếu đến nay có thể ngồi bất cứ đâu, giao dịch bằng bất kỳ thiết bị thông minh nào. Từ chỗ nhà đầu tư chủ yếu nhìn bảng điện tử đến nay các công cụ phân tích được cung cấp đa dạng, phong phú, tiện dụng trên nhiều nền tảng.

Thứ ba, thị trường không ngừng phát triển về quy mô, khả năng huy động vốn cho doanh nghiệp. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tăng trưởng tích cực từ 0,22% GDP năm 2000 lên năm lên 33,52% GDP năm 2010 và 58,1% GDP năm 2023.

Số lượng nhà đầu tư tăng từ 3 nghìn tài khoản năm 2000 lên hơn 7,29 triệu tài khoản, tương đương 7,5% dân số vào năm 2023. Đồng thời, chất lượng, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của các nhà đầu tư ngày càng được nâng cao.

Giá trị giao dịch bình quân (gồm cả cổ phiếu, trái phiếu) tăng từ gần 11,7 nghìn tỷ/phiên nghìn tỷ năm 2016 lên khoảng gần 24,4 nghìn tỷ/phiên năm 2023, trong đó tính riêng giao dịch cổ phiếu đã có nhiều phiên giao dịch vượt con số 1 tỷ USD.

Trong 10 năm qua (2014 - 2023), TTCK đã thực hiện huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế đạt 3,8 triệu tỷ đồng, bình quân mỗi năm đạt 380 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 4,35 lần so với giai đoạn trước. Trong đó, doanh nghiệp đã huy động được 1,15 triệu tỷ, tăng gấp 3,15 lần so với giai đoạn trước, như vậy, TTCK đã tạo ra nguồn vốn cần thiết phục vụ hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời thúc đẩy quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ huy động được 2,66 triệu tỷ đồng, tăng gấp 5,2 lần so với giai đoạn trước với lãi suất thấp hơn và kỳ hạn dài hơn, TTCK góp phần tái cơ cấu, tăng tính bền vững cho danh mục nợ công quốc gia và chủ động nguồn vốn cho đầu tư công.

Thứ tư, TTCK ngày càng phát triển theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế, đáp ứng các tiêu chí quan trọng của các tổ chức xếp hạng trên thế giới. Quy mô vốn hóa đạt gần 200 tỷ USD, lớn hơn nhiều thị trường châu Á như Philippines, Qatar, Kuwait... hay châu Âu như Hy Lạp, Czech, Hungary... Thanh khoản trung bình đạt gần 700 triệu USD, tương đương Indonesia, Malaysia, Singapore và chỉ đứng sau Thái Lan trong khối ASEAN.

Việc hợp tác quốc tế được tăng cường. Nhân chuyến công tác của Thủ tướng Chính phu tại Mỹ vào tháng 9/2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ký kết Ý định thư hợp tác với Sở giao dịch chứng khoán Nasdaq. Nhiều hoạt động hợp tác quốc tế khác về tài chính và xây dựng thị trường vốn với các đối tác có nhiều kinh nghiệm và thế mạnh cũng được thúc đẩy như: Hội nghị Bàn tròn tại Luxembourg vào tháng 7/2023 về kết nối Việt Nam - Luxembourg để xây dựng thị trường vốn xanh; Hội nghị xúc tiến đầu tư với Hoa Kỳ tại Los Angeles vào tháng 11/2023 do Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì...

TTCK góp phần thúc đẩy và tạo sức dẫn dắt quan trọng cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế của Việt Nam áp dụng các chuẩn mực tài chính quốc tế, giúp nâng cao năng lực quản lý, quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển và tiến bộ của thế giới.

Thứ năm, công tác giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm được tăng cường. Nhiều vụ việc nổi cộm trên thị trường được điều tra, xác minh, làm rõ, quyết liệt xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Từ đó, góp phần nâng cao tính minh bạch, công bằng của thị trường và củng cố niềm tin của nhà đầu tư.

Thứ sáu, nhiều nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp, bao gồm các quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới đánh giá rất cao sự tiến bộ cũng như tiềm năng, dư địa phát triển của TTCK Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện cùng các đại biểu tham dự Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận và biểu dương những nỗ lực tích cực và kết quả trong công tác quản lý nhà nước, điều hành hoạt động của lĩnh vực chứng khoán và TTCK của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sự phối hợp của các cơ quan ban, bộ, ngành, địa phương; sự đồng hành và chung tay góp sức của các doanh nghiệp, các tổ chức định chế thị trường và cộng đồng các nhà đầu tư trong nước, quốc tế.

Bên cạnh đó, Thủ tướng nêu rõ TTCK Việt Nam còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần nhanh chóng tháo gỡ, khắc phục.

Đó là vấn đề về xây dựng đồng bộ và hoàn thiện khung khổ pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và hoạt động của thị trường ngày càng phát triển mạnh mẽ nhưng phải đảm bảo tính an toàn, minh bạch và bền vững. Còn tình trạng làm giá, thao túng chứng khoán gây thiệt hại cho nhà đầu tư và niềm tin thị trường; chuẩn mực, đạo đức của một bộ phận cán bộ thực thi công vụ có vấn đề, chuẩn mực kế toán, chế tài xử lý xử phạt chưa nghiêm minh, kịp thời. Thông tin công bố của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư chưa bảo đảm tính chính xác.

Cùng với đó là vấn đề đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác vận hành và quản lý đối với TTCK, để đưa công nghệ số, công nghệ 4.0 thúc đẩy TTCK…; vấn đề giải quyết các điểm còn vướng mắc để nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

6 định hướng quan trọng trong phát triển TTCK thời gian tới

Về những nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, trong đó có TTCK, Thủ tướng nêu rõ, sau hơn 35 năm đổi mới, "Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay", như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định.

Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam đến nay đã thuộc nhóm 40 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới (hiện đạt gần 430 tỷ USD); thu nhập bình quân đầu người tăng lên gần 4.300 USD năm 2023. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; các cân đối lớn được bảo đảm (thu đủ chi, xuất đủ nhập, làm đủ ăn, an ninh năng lượng được bảo đảm, thị trường lao động phục hồi tốt); GDP năm 2023 tăng 5,05%. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt.

Về phương hướng phát triển TTCK, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 và Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 có nhiều nội dung, song Thủ tướng nhấn mạnh 6 điểm:

Thứ nhất, Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thứ hai, chính sách phải nhất quán, phản ứng chính sách phải kịp thời, chính sách phải phù hợp và theo kịp thực tiễn.

Thứ ba, quản lý nhà nước phải công khai, minh bạch, đúng quy luật thị trường.

Thứ tư, Chính phủ, các cơ quan chức năng luôn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể liên quan; luôn chia sẻ khó khăn và đặt mình vào vị trí nhà đầu tư, nhà phát hành để thiết kế chính sách, xây dựng một Chính phủ thực sự kiến tạo phát triển.

Thứ năm, Chính phủ quyết tâm nâng hạng TTCK, tập trung phát triển theo xu hướng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, phát triển nhanh và bền vững.

Thứ sáu, liên hệ chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà đầu tư và xã hội để thực hiện các chức năng cung cấp vốn; phát triển mạnh hạ tầng và hệ sinh thái TTCK.

Phân tích thêm về một số quan tâm của các nhà đầu tư, Thủ tướng nêu rõ năm 2023 có thiếu điện cục bộ do điều hành không tốt. "Năm nay, chúng tôi rất quyết liệt để không thiếu điện và các nhà đầu tư có thể yên tâm về vấn đề này", Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chúng ta quyết tâm nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi trong năm 2025 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới.

(1) Đối với cơ quan quản lý:

- Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành liên quan tập trung xây dựng và triển khai ngay các chương trình hành động cụ thể về thực hiện Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030.

- Bộ Tài chính cần khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định bất cập hiện hành đặc biệt liên quan đến quy định việc minh bạch thông tin doanh nghiệp, quyền và trách nhiệm của các chủ thể quản lý, tham gia thị trường như cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, công ty chứng khoán, nhà đầu tư, trong đó có việc sửa đổi Nghị định 155.

- Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đẩy mạnh nâng cấp, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động của TTCK theo hướng hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số; nâng cao chất lượng quản lý, giám sát thị trường; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, các định chế thị trường, các nhà đầu tư tham gia TTCK Việt Nam theo hướng hài hòa lợi ích của Nhà nước - doanh nghiệp cung cấp dịch vụ - nhà đầu tư.

- Tiếp tục tập trung nâng cao hiệu quả công tác giám sát, thanh kiểm tra TTCK nhằm phòng chống, ngăn ngừa hiệu quả các hành vi vi phạm trên TTCK, xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật những trường hợp, hành vi vi phạm, đảm bảo TTCK phát triển bền vững và vận hành được công bằng, công khai, minh bạch.

- Mở rộng các hoạt động xúc tiến, quảng bá, cung cấp thông tin chính thống về TTCK Việt Nam nói riêng, nền kinh tế Việt Nam nói chung. Chú trọng hơn công tác truyền thông nâng cao hiểu biết, trình độ, khả năng phân tích của các nhà đầu tư.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; nhanh chóng rà soát, cắt bỏ, sửa đổi các thủ tục còn rườm rà, chồng chéo liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và trong lĩnh vực chứng khoán, TTCK nói riêng.

- UBCKNN tiếp tục phối hợp với các hiệp hội nghề nghiệp tăng cường quản lý, giám sát đối với người hành nghề chứng khoán; áp dụng các nguyên tắc và chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp đối với người quản lý công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và người hành nghề; từng bước chuyển giao hoạt động thi, cấp chứng chỉ hành nghề cho các hiệp hội nghề nghiệp.

- Khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, đặc biệt tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đáp ứng tiêu chí nâng hạng với tinh thần "Đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, có sản phẩm, hiệu quả cân đong đo đếm được". Trong đó:

+ Giao Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, NHNN, Bộ KH&ĐT khẩn trương phối hợp, xử lý nhanh chóng, sớm có kết quả các vướng mắc thuộc trách nhiệm của ngành mình để đáp ứng được qui định tiêu chí nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi (báo cáo kết quả trước ngày 30/6/2024).

+ Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẩn trương rà soát, đề xuất việc sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết nhằm xử lý các vấn đề kỹ thuật còn vướng mắc, nâng cao tính minh bạch trên TTCK, tháo gỡ ngay những rào cản để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài.

+ Bộ KH&ĐT khẩn trương rà soát, công bố đầy đủ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc hạn chế tiếp cận đối với nhà đầu tư nước ngoài; cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử của Bộ bằng song ngữ Tiếng Việt và Tiếng Anh.

+ NHNN khẩn trương xem xét, rà soát để đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, rút ngắn quy trình mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài; nghiên cứu công cụ thanh toán bù trừ phù hợp quy luật thị trường; tiếp tục triển khai các giải pháp, chỉ đạo các ngân thương mại tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay.

(2) Đối với các công ty chứng khoán:

- Đẩy mạnh tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo Đề án "Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025"; nâng cao năng lực quản trị công ty, quản trị rủi ro, tăng khả năng cạnh tranh của các công ty trên thị trường; phát triển chuyên nghiệp các dịch vụ được phép hoạt động.

- Tiếp tục phát triển hoạt động khối các công ty chứng khoán theo hai mô hình: đa năng (thực hiện nhiều nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán) và chuyên doanh (thực hiện một nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán); tăng cường vai trò tạo lập thị trường, nâng cao tiềm lực tài chính, chất lượng nguồn nhân lực và phát triển hệ thống công nghệ có chiều sâu.

- Nghiên cứu, xây dựng cơ chế hướng dẫn, quản lý và giám sát việc áp dụng công nghệ tài chính trong giao dịch chứng khoán.

(3) Đối với các nhà phát hành:

- Khuyến khích các loại hình doanh nghiệp thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK; thu hút các doanh nghiệp có quy mô lớn, tình hình tài chính, quản trị công ty tốt thực hiện niêm yết trên TTCK; hỗ trợ tích cực việc hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa.

- Phát hành đa dạng các kỳ hạn trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương.

- Tập trung thúc đẩy việc chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng gắn với niêm yết; đa dạng các loại trái phiếu phù hợp với nhu cầu huy động vốn; phát triển các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp cho mục tiêu thực hiện dự án, dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

- Khuyến khích phát hành trái phiếu Chính phủ xanh, trái phiếu chính quyền địa phương xanh và trái phiếu doanh nghiệp xanh.

- Tiếp tục phát triển sản phẩm chứng khoán phái sinh và các sản phẩm mới (các sản phẩm tốt).

Thủ tướng cũng đề nghị các nhà đầu tư, nhà phát hành tích cực tham gia công tác bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện quan điểm xuyên suốt lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là nguồn lực, động lực phát triển, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.

Thủ tướng cho biết Chính phủ, các bộ ngành sẽ triển khai các giải pháp góp phần nâng cao năng lực đầu tư, hiểu biết pháp luật, năng lực phân tích, tăng cường trách nhiệm của các nhà đầu tư, bởi "lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn".

Thủ tướng nêu rõ, năm 2024, Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, giữ vững ổn định chính trị - xã hội để nhà đầu tư yên tâm. "Chúng ta quyết tâm nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi trong năm 2025", Thủ tướng nhấn mạnh.

Về các kiến nghị của các đại biểu, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính tổng hợp, phân loại, các cơ quan giải quyết, xử lý theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. 

Theo baochinhphu.vn
Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII - Tổng giá trị giải thưởng lên tới gần 2 tỉ đồng
Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII - Tổng giá trị giải thưởng lên tới gần 2 tỉ đồng
22/11/2024 22:18 45 lượt xem
Qua 6 lần tổ chức, kể từ năm 2018 đến nay, Giải thưởng Sách Quốc gia đã trở thành một sự kiện văn hóa nổi bật, thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận xã hội, có sức lan tỏa mạnh mẽ, được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao
Phổ biến kết quả Đánh giá rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2018 - 2022
Phổ biến kết quả Đánh giá rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2018 - 2022
22/11/2024 21:16 51 lượt xem
Từ ngày 20 - 22/11/2024, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức 03 Hội nghị phổ biến kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2018 - 2022.
MB trợ lực khách hàng, tăng tốc kinh doanh cuối năm với Gói vay chỉ từ 5,5%/năm
MB trợ lực khách hàng, tăng tốc kinh doanh cuối năm với Gói vay chỉ từ 5,5%/năm
22/11/2024 20:17 38 lượt xem
Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) hỗ trợ vốn cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh sửa chữa, mở rộng quy mô và tăng tốc kinh doanh cuối năm với gói "Vay nhanh siêu tốc - Bứt tốc kinh doanh" với lãi suất chỉ từ 5,5%/năm và mức vay lên tới 90% nhu cầu vốn.
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng làm việc với Đoàn Cán bộ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng làm việc với Đoàn Cán bộ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế
22/11/2024 08:41 80 lượt xem
Sáng ngày 21/11/2024, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng đã họp tổng kết với Đoàn Cán bộ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Bộ trưởng, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Cuba thăm và làm việc tại Ngân hàng Chính sách xã hội
Bộ trưởng, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Cuba thăm và làm việc tại Ngân hàng Chính sách xã hội
21/11/2024 11:10 152 lượt xem
Ngày 20/11/2024, Đoàn Lãnh đạo cấp cao Ngân hàng Trung ương Cuba do bà Juana Lilia Delgado Portal - Bộ trưởng, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Cuba làm Trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).
Ban hành Tiêu chuẩn cơ sở đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị từ phía khách hàng tại Việt Nam
Ban hành Tiêu chuẩn cơ sở đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị từ phía khách hàng tại Việt Nam
21/11/2024 09:55 132 lượt xem
Ngày 15/11/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ký ban hành Quyết định số 2525/QĐ-NHNN ban hành Tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) Đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị từ phía khách hàng tại Việt Nam, ký hiệu TCCS 04:2024/NHNN.
BIDV và VRG hợp tác toàn diện giai đoạn 2024 - 2029
BIDV và VRG hợp tác toàn diện giai đoạn 2024 - 2029
21/11/2024 09:32 126 lượt xem
Ngày 18/11/2024, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện giai đoạn 2024 - 2029, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong mối quan hệ giữa hai đơn vị.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tiếp Bộ trưởng, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Cuba
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tiếp Bộ trưởng, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Cuba
20/11/2024 17:06 157 lượt xem
Ngày 19/11/2024, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã có buổi tiếp và làm việc với Bà Juana Lilia Delgado Portal - Bộ trưởng, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Cuba.
Triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia
Triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia
19/11/2024 20:56 217 lượt xem
Ngày 19/11/2024, tại Hà Nội, Tổ Thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện (Tổ Thường trực) đã có phiên họp thứ hai…
Giá vàngXem chi tiết

Giá vàng - Xem theo ngày

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

83,700

86,200

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

83,700

86,200

Vàng SJC 5c

83,700

86,220

Vàng nhẫn 9999

83,700

85,600

Vàng nữ trang 9999

83,600

85,200


Ngoại tệXem chi tiết
Tỷ giá - Xem theo ngày 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 25,150 25,502 26,092 27,523 31,263 32,592 158.81 168.04
BIDV 25,190 25,502 26,295 27,448 31,648 32,522 160.63 167.55
VietinBank 25,198 25,502 26,307 27,507 31,676 32,686 160.27 168.02
Agribank 25,200 25,502 26,225 27,408 31,448 32,511 160.54 168.04
Eximbank 25,160 25,502 26,287 27,168 31,543 32,559 161.12 166.54
ACB 25,170 25,502 26,309 27,212 31,642 32,598 160.68 167.03
Sacombank 25,180 25,502 26,294 27,267 31,555 32,708 160.81 167.32
Techcombank 25,184 25,502 26,134 27,486 31,274 32,605 157.32 169.76
LPBank 25,190 25,502 26,591 27,484 31,928 32,590 162.28 169.38
DongA Bank 25,230 25,500 26,300 27,150 31,600 32,550 159.20 166.40
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,60
1,60
1,90
2,90
2,90
4,60
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,50
2,70
3,50
3,70
4,40
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,80
2,90
3,20
4,20
4,30
4,90
5,00
Techcombank
0,05
-
-
-
3,10
3,10
3,30
4,40
4,40
4,80
4,80
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
3,00
3,00
3,20
4,20
4,20
5,30
5,60
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,90
3,90
4,10
5,55
5,70
5,80
6,10
Agribank
0,20
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
Eximbank
0,10
0,50
0,50
0,50
3,10
3,30
3,40
4,70
4,30
5,00
5,80

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?