Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài bởi nhiều yếu tố thuận lợi. Tuy vậy, cần lưu ý tới sự tự do lưu chuyển vốn, hàng hóa, dịch vụ, lao động có kỹ năng trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN có thể dẫn tới việc tăng khả năng cạnh tranh thu hút FDI trong nội khối.
FDI đăng ký mới tăng mạnh
Theo Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 2/2020, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 6,47 tỷ USD, bằng 76,4% so với cùng kỳ năm 2019. Dù tổng thể vốn FDI sụt giảm, nhưng riêng nguồn vốn đăng ký mới lại tăng mạnh. Cụ thể, cả nước có 500 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 5 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019 (vốn FDI đăng ký mới của 2 tháng năm 2019 là 2,44 tỷ USD).
Hoạt động thu hút FDI diễn ra khá nhộn nhịp tại một số địa phương, bất chấp những ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đơn cử tại tỉnh Đồng Nai, 2 tháng đầu năm, thu hút được trên 200 triệu USD vốn, kết quả này không lớn so với mục tiêu thu hút khoảng 1 tỷ USD trong năm 2020 được địa phương đặt ra, nhưng cũng cho thấy những nỗ lực của địa phương trong thực thi các chính sách thu hút đầu tư thời gian qua.
Việt Nam hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài
Tại TP. Hồ Chí Minh, 2 tháng đầu năm, tổng vốn FDI vào thành phố đạt 480,6 triệu USD, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, việc tiếp tục giữ được vị thế cao trong thu hút FDI cho thấy, nhà đầu tư đã tận dụng thế mạnh của thành phố là trung tâm sản xuất công nghiệp, nguồn lao động dồi dào, có tay nghề, kỹ năng làm việc.
“Thế giới đã quá phụ thuộc vào Trung Quốc, do đó các nhà đầu tư quốc tế nhìn nhận nghiêm túc việc phân tán rủi ro, sắp xếp lại mạng lưới sản xuất toàn cầu. Đây là cơ hội cho Việt Nam thu hút sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư này, hay nói cách khác, Việt Nam trở thành “trung tâm” thu hút FDI của khu vực và thế giới”, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - đánh giá.
Sẵn sàng đón vốn
Theo khảo sát mới nhất của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) về phân tán rủi ro cho dòng vốn đầu tư thì Việt Nam đứng đầu danh sách với 42,3% trong số 122 DN lựa chọn, xếp sau đó là Thái Lan, Philippines và Indonesia.
Còn theo đánh giá của Nikkei Asian Review, Google và Microsoft muốn chuyển nhà máy, tăng sản xuất điện thoại, laptop và các thiết bị từ Trung Quốc sang Đông Nam Á. Trong đó, Google chuẩn bị khởi đầu việc sản xuất mẫu điện thoại thông minh giá rẻ mới nhất với tên gọi Pixel 4A tại Việt Nam vào khoảng tháng 4/2020. Còn Microsoft thì dự kiến sản xuất dòng Surface bao gồm cả máy tính xách tay và máy tính để bàn trong quý II năm nay.
TS. Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - cho biết, để đón dòng vốn hiệu quả, Việt Nam cần tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư của các cơ quan ngoại giao như các sứ quán và đầu mối xúc tiến đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại các sứ quán đó thay vì xúc tiến đầu tư tại chỗ trong nước như hiện nay. Tập trung giải quyết nhanh hơn các thủ tục hành chính đối với các dự án có quy mô lớn đang đàm phán, xin cấp phép đầu tư, cũng như hỗ trợ tích cực giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình giải ngân của các dự án đã được cấp phép... Đây được coi là “cú huých”, là nền tảng quan trọng để tạo bước ngoặt lớn cho Việt Nam trong thu hút vốn FDI trong năm 2020.
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nếu không có dịch Covid- 19, dự kiến năm 2020 Việt Nam sẽ thu hút được 39,6 tỷ USD vốn FDI. Nếu dịch kết thúc ở quý I, con số dự kiến giảm xuống còn 38,6 tỷ USD; nếu dịch kết thúc vào quý II, thu hút FDI cả năm sẽ là 38,2 tỷ USD.
|
Ngọc Thảo
Nguồn: https://congthuong.vn/thu-hut-fdi-tin-hieu-lac-quan-134423.html