Ảnh minh họa, nguồn: Internet
Ngày 28/7/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư số 09/2023/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền (Thông tư số 09).
Theo đó, căn cứ Luật Phòng, chống rửa tiền (Luật số 14/2022/QH15) được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2022, Thông tư số 09 hướng dẫn quy định về tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo; quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền và phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền; quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền; chế độ báo cáo giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo; chế độ báo cáo giao dịch đáng ngờ; giao dịch chuyển tiền điện tử; chế độ báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử; hình thức và thời hạn báo cáo dữ liệu điện tử.
Đối tượng áp dụng của Thông tư số 09 gồm: (i) Tổ chức tài chính; (ii) Tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan; (iii) Tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức nước ngoài, người nước ngoài, tổ chức quốc tế có giao dịch với tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan; (iv) Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến phòng, chống rửa tiền.
Tiêu chí đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo được quy định bao gồm tiêu chí nguy cơ rửa tiền và tiêu chí mức độ phù hợp của chính sách, quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền tại đối tượng báo cáo. Phương pháp đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo là phương pháp chấm điểm được thực hiện trên cơ sở tính điểm đối với từng tiêu chí.
Quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền và phân loại khách hàng
Thông tư số 09 quy định về quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền phải được thể hiện theo từng bước phù hợp với quy mô, phạm vi và đặc thù hoạt động của đối tượng báo cáo để quản lý rủi ro về rửa tiền. Quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền bao gồm các nội dung tối thiểu sau: (a) Xác định phạm vi, mục tiêu của hoạt động quản lý rủi ro về rửa tiền; (b) Xác định, đánh giá mức độ ảnh hưởng của rủi ro về rửa tiền tại đối tượng báo cáo; (c) Phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền thấp, trung bình, cao dựa vào các yếu tố: khách hàng; sản phẩm, dịch vụ khách hàng đang sử dụng hoặc có ý định sử dụng; vị trí địa lý nơi khách hàng cư trú hoặc có trụ sở chính và yếu tố khác do đối tượng báo cáo tự xác định, phân loại phù hợp với thực tế phát sinh và được quy định trong quy trình quản lý rủi ro; (d) Quy trình để nhận diện và đánh giá mức độ rủi ro về rửa tiền trước khi cung cấp sản phẩm, dịch vụ mới; sản phẩm, dịch vụ hiện có áp dụng công nghệ đổi mới; (đ) Quy trình quản lý rủi ro để thực hiện, từ chối, tạm dừng, kiểm soát sau giao dịch hoặc xem xét, báo cáo giao dịch đáng ngờ các giao dịch chuyển tiền điện tử không chính xác, không đầy đủ các thông tin theo yêu cầu; và (e) Các biện pháp áp dụng tương ứng với các mức độ rủi ro về rửa tiền của khách hàng, bao gồm tần suất cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng, mức độ giám sát giao dịch của khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền, các biện pháp nhận biết khách hàng ở mức độ giảm nhẹ và biện pháp tăng cường…
- Đối với khách hàng có mức độ rủi ro về rửa tiền thấp, sau lần đầu thiết lập quan hệ với khách hàng, khi áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền và Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền, đối tượng báo cáo được lựa chọn áp dụng một hoặc tất cả các biện pháp nhận biết khách hàng ở mức độ giảm nhẹ sau: Không thu thập thông tin về mục đích, bản chất mối quan hệ kinh doanh nếu thông qua các loại giao dịch hoặc mối quan hệ kinh doanh đã được thiết lập xác định được mục đích và bản chất mối quan hệ kinh doanh; giảm tần suất cập nhật thông tin nhận biết khách hàng so với khách hàng có mức độ rủi ro về rửa tiền trung bình; giảm mức độ giám sát giao dịch của khách hàng so với khách hàng có mức độ rủi ro về rửa tiền trung bình.
Đối tượng báo cáo không được áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng ở mức độ giảm nhẹ trong trường hợp nghi ngờ liên quan đến rửa tiền. Đối với khách hàng có mức độ rủi ro về rửa tiền trung bình, đối tượng báo cáo phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền và Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền.
- Đối với khách hàng có mức độ rủi ro về rửa tiền cao, ngoài việc áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền và Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền đối tượng báo cáo phải áp dụng các biện pháp tăng cường, bao gồm: (a) Có sự phê duyệt của cấp quản lý cao hơn ít nhất một cấp so với cấp phê duyệt áp dụng đối với khách hàng có mức độ rủi ro về rửa tiền trung bình về việc thiết lập hoặc tiếp tục duy trì mối quan hệ kinh doanh với khách hàng có rủi ro cao; (b) Thu thập, cập nhật, xác minh bổ sung các thông tin của khách hàng cá nhân để phục vụ việc đánh giá và quản lý rủi ro khách hàng: Mức thu nhập trung bình hằng tháng của khách hàng trong thời gian ít nhất 06 tháng gần nhất trước thời điểm đánh giá; thông tin liên lạc của cơ quan, tổ chức hoặc chủ cơ sở nơi làm việc hoặc nơi khách hàng có thu nhập chính (nếu có); thông tin liên quan đến nguồn tiền hoặc nguồn tài sản trong giao dịch của khách hàng; (c) Thu thập, cập nhật, xác minh bổ sung các thông tin của khách hàng tổ chức để phục vụ việc đánh giá và quản lý rủi ro khách hàng, gồm các thông tin tối thiểu sau: ngành, nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tạo doanh thu chính; tổng doanh thu trong 02 năm gần nhất trước thời điểm đánh giá; thông tin liên quan đến nguồn tiền hoặc nguồn tài sản trong giao dịch của khách hàng; (d) Thu thập, cập nhật, xác minh bổ sung các thông tin khác (nếu có) phục vụ việc đánh giá và quản lý rủi ro khách hàng; (đ) Giám sát tăng cường các giao dịch của khách hàng thực hiện thông qua đối tượng báo cáo, mối quan hệ kinh doanh thông qua việc áp dụng các biện pháp kiểm soát và chọn mẫu giao dịch để kiểm tra, bảo đảm giao dịch của khách hàng phù hợp với mục đích, bản chất của mối quan hệ kinh doanh của khách hàng với đối tượng báo cáo, hoạt động kinh doanh của khách hàng; kịp thời phát hiện dấu hiệu đáng ngờ và xem xét báo cáo giao dịch đáng ngờ; và (e) Tăng tần suất cập nhật thông tin nhận biết khách hàng so với khách hàng có mức độ rủi ro về rửa tiền trung bình.
Quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền
Thông tư số 09 hướng dẫn chi tiết nội dung quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền của đối tượng báo cáo: Quy trình, thủ tục nhận biết khách hàng bao gồm việc thu thập, cập nhật, xác minh thông tin theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền và có các nội dung quy định về các trường hợp nhận biết, thông tin nhận biết, cập nhật; phân cấp trách nhiệm nhận biết khách hàng theo mức độ rủi ro và theo quy mô, phạm vi và đặc thù hoạt động của đối tượng báo cáo; quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền tại đối tượng báo cáo; quy định về lưu trữ và bảo mật thông tin; về áp dụng biện pháp tạm thời; về chế độ báo cáo, cung cấp thông tin cho NHNN và cơ quan nhà nước có thẩm quyền, về tuyển dụng nhân sự…
Nội dung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng, chống rửa tiền bao gồm: Quy định của pháp luật và quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền; trách nhiệm khi không thực hiện các quy định của pháp luật và quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền; phương thức, thủ đoạn rửa tiền; rủi ro về rửa tiền liên quan đến sản phẩm, dịch vụ; nhiệm vụ mà lãnh đạo, nhân viên được giao thực hiện.
Nội dung kiểm toán nội bộ về phòng, chống rửa tiền bao gồm: Kiểm tra, rà soát, đánh giá một cách độc lập, khách quan hệ thống kiểm soát nội bộ, việc tuân thủ quy định nội bộ và quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền; kiến nghị, đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác phòng, chống rửa tiền. Việc kiểm toán nội bộ về phòng, chống rửa tiền có thể được tiến hành độc lập hoặc kết hợp với các nội dung khác nhưng phải là một nội dung riêng trong báo cáo kiểm toán. Trong trường hợp đối tượng báo cáo không phải thực hiện kiểm toán nội bộ theo quy định của pháp luật, đối tượng báo cáo phải đảm bảo thực hiện kiểm soát việc tuân thủ quy định nội bộ và quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.
Về trách nhiệm của cá nhân, bộ phận có liên quan trong việc thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền phải bảo đảm: Phân công một người quản lý của đối tượng báo cáo hoặc người được người quản lý ủy quyền chịu trách nhiệm về tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền; tùy theo quy mô, phạm vi và đặc thù hoạt động, đối tượng báo cáo phải thành lập bộ phận chuyên trách (tổ, phòng, ban) hoặc chỉ định một bộ phận hoặc chỉ định một người chịu trách nhiệm về phòng, chống rửa tiền tại trụ sở chính; phân công một hoặc một số người hoặc bộ phận chịu trách nhiệm về phòng, chống rửa tiền tại chi nhánh, công ty con của đối tượng báo cáo có liên quan đến nghiệp vụ phòng, chống rửa tiền (nếu có).
Đối tượng báo cáo có trách nhiệm hằng năm, thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng, chống rửa tiền cho lãnh đạo, nhân viên có liên quan đến công tác phòng, chống rửa tiền…; rà soát, cập nhật các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, chính sách, quy trình quản lý rủi ro phù hợp với kết quả đánh giá rủi ro về rửa tiền tại đối tượng báo cáo và tình hình thực tế thực hiện để đánh giá quy định nội bộ và xem xét sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp; gửi quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền cho Cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền thuộc NHNN trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung, thay thế quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền. Hằng năm, gửi báo cáo kiểm toán nội bộ về phòng, chống rửa tiền tại đối tượng báo cáo cho Cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính trừ các đối tượng báo cáo không phải thực hiện kiểm toán nội bộ theo quy định của pháp luật; thông báo bằng văn bản cho Cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền khi thông tin có thay đổi trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thay đổi thông tin…
Bên cạnh đó, Thông tư số 09 còn có hướng dẫn cụ thể về: Chế độ báo cáo giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo; Chế độ báo cáo giao dịch đáng ngờ; Giao dịch chuyển tiền điện tử; Chế độ báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử; Hình thức và thời hạn báo cáo dữ liệu điện tử. Trong đó, chế độ báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử quy định đối tượng báo cáo có trách nhiệm thu thập thông tin và báo cáo cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền bằng dữ liệu điện tử theo quy định khi thực hiện giao dịch chuyển tiền điện tử trong các trường hợp: (a) Giao dịch chuyển tiền điện tử mà tất cả các tổ chức tài chính tham gia giao dịch chuyển tiền điện tử cùng ở Việt Nam (giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước) có giá trị giao dịch chuyển tiền điện tử từ 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng trở lên hoặc bằng ngoại tệ có giá trị tương đương; (b) Giao dịch chuyển tiền điện tử mà có ít nhất một trong các tổ chức tài chính tham gia giao dịch chuyển tiền điện tử ở các quốc gia, vùng lãnh thổ ngoài Việt Nam (giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế) có giá trị giao dịch chuyển tiền điện tử từ 1.000 (một nghìn) đô la Mỹ trở lên hoặc bằng ngoại tệ khác có giá trị tương đương…
Về hiệu lực thi hành, Thông tư số 09 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/7/2023, trừ các trường hợp được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 11 Thông tư số 09. Kể từ ngày Thông tư số 09 có hiệu lực thi hành, các Thông tư sau hết hiệu lực thi hành: (i) Thông tư số 35/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 của Thống đốc NHNN, trừ quy định về báo cáo giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo, báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử, mẫu báo cáo giao dịch đáng ngờ bằng văn bản giấy tại Điều 5, Điều 7, Điều 10, Mẫu biểu số 01 hết hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2023; (ii) Thông tư số 31/2014/TT-NHNN ngày 11/11/2014 của Thống đốc NHNN, trừ quy định về báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử tại khoản 3 Điều 1 hết hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2023; (iii) Thông tư số 20/2019/TT-NHNN ngày 14/11/2019 của Thống đốc NHNN, trừ quy định về quy trình quản lý rủi ro và giao dịch chuyển tiền điện tử tại khoản 2, khoản 4 Điều 1 hết hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2023.
PL