Kết thúc Hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã có bài phát biểu bày tỏ sự cảm ơn và đánh giá cao cựu Chủ tịch SEACEN, bà Hajah Rokiah binti Haji Badar, Thống đốc NHTW Brunei Darussalam vì đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch Hội đồng Thống đốc SEACEN năm 2021. Đồng thời, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng ghi nhận sự hợp tác tích cực của các NHTW thành viên SEACEN trong quá trình triển khai các chương trình hoạt động do SEACEN khởi xướng, qua đó, tăng cường chất lượng và tính thực tiễn của các hoạt động đào tạo và nghiên cứu của Trung tâm SEACEN. Với tư cách là Chủ tịch SEACEN năm 2022, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cam kết NHNN sẽ hợp tác chặt chẽ với các NHTW thành viên để tiếp tục phát triển SEACEN trở thành Trung tâm đào tạo và nghiên cứu uy tín của khu vực. Thống đốc hy vọng đại dịch COVID-19 sẽ sớm được kiểm soát để các học viên và các nhà nghiên cứu của SEACEN có thể gặp gỡ và tham gia các chương trình đào tạo và nghiên cứu theo hình thức trực tiếp. Dưới sự chủ trì của Thống đốc, Hội nghị BOG đã kết thúc thành công và tốt đẹp. Các Thống đốc bày tỏ sự cảm ơn tới Thống đốc Nguyễn Thị Hồng vì đã chủ trì Hội nghị hiệu quả.
Đại biểu NHNN tham dự hội thảo
Tiếp theo đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã chủ trì Hội thảo cấp cao lần thứ 57 của các Thống đốc SEACEN theo hình thức trực tuyến với chủ đề “Số hóa hệ thống tài chính - Hàm ý chính sách đối với các NHTW”. Tham dự Hội thảo gồm các Thống đốc NHTW và Giám đốc điều hành Cơ quan quản lý Tiền tệ thành viên của SEACEN, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), Thống đốc Ngân hàng Dự trữ New Zealand, Giám đốc điều hành SEACEN và một số diễn giả uy tín đến từ các trường đại học và một số tổ chức danh tiếng trên thế giới.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo cấp cao, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số đã và đang thay đổi căn bản cấu trúc hệ thống tài chính. Chuyển đổi số đã không còn là một lựa chọn mà trở thành xu thế tất yếu của ngành ngân hàng trước sự thay đổi trong hành vi, thói quen người tiêu dùng theo hướng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ trên kênh số, mang tính cá nhân hoá cao. Ngành ngân hàng toàn cầu đang ứng dụng nhiều hơn bao giờ hết các công nghệ tiên tiến trong cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, trong giai đoạn đại dịch COVID-19 vừa qua khi mà các hoạt động tiếp xúc trực tiếp bị hạn chế, công nghệ số đã chứng minh vai trò quan trọng trong duy trì hoạt động của hệ thống tài chính thông qua các kênh dịch vụ số. Tuy nhiên, song song với các lợi ích, quá trình số hóa cũng hàm chứa nhiều thách thức và rủi ro khó đoán, đòi hỏi các cơ quan quản lý phải giải bài toán hóc búa sao cho vừa thúc đẩy đổi mới sáng tạo để mang lại tiện ích cho người dân, vừa duy trì và đảm bảo ổn định của thị trường tài chính.
Thống đốc nhấn mạnh những lợi ích và thách thức của số hóa tiền tệ, đặc biệt là sự ra đời của đồng tiền kỹ thuật số của NHTW (CBDC) đối với điều hành chính sách tiền tệ của NHTW. Bên cạnh số hóa tiền tệ, thanh toán số cũng đang chứng kiến sự tăng trưởng nhanh trong thời gian qua. Hiện nay, thanh toán số đang đứng trước cơ hội lớn để mở rộng, phát triển và chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu về số hóa trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và có tiềm năng trở thành nền tảng cho sự nổi lên và phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số, qua đó, đóng vai trò là chất xúc tác cho tăng trưởng kinh tế, đổi mới sáng tạo và tài chính toàn diện.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội thảo
Trong khuôn khổ hợp tác SEACEN, Thống đốc NHNN bày tỏ mong muốn về việc các NHTW sẽ tăng cường hợp tác để tiến hành các nghiên cứu chuyên sâu và kịp thời đề xuất các khuyến nghị chính sách về tiến trình số hoá ngành ngân hàng. Với vai trò là trung tâm nghiên cứu và đào tạo Đông Nam Á, SEACEN rất phù hợp để triển khai các dự án nghiên cứu, tổ chức các khóa đào tạo và các hội thảo, đối thoại chính sách về các vấn đề mới nổi của khu vực.
Tại Hội thảo, các diễn giả và các nhà quản lý cấp cao đến từ NHTW các nước SEACEN, BIS đã chia sẻ thông tin và quan điểm về quá trình số hóa hệ thống tài chính, cụ thể bao gồm: (i) Thực trạng số hóa tiền tệ và hệ thống thanh toán hiện nay và tương lai của tiền tệ và tài chính trong bối cảnh nền kinh tế số đang phát triển nhanh chóng; (ii) Các vấn đề liên quan đến thiết kế và ý định phát hành CBDC cũng như phản ứng của các NHTW và khuôn khổ pháp lý để đảm bảo ổn định tiền tệ, tài chính; và (iii) Cách thức NHTW ứng phó với bối cảnh tương lai mới của tiền tệ và tài chính.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Hội thảo chia sẻ quan điểm đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy quá trình tiến tới mức độ số hóa các dịch vụ tài chính cao hơn. Các thay đổi mang tính cơ cấu một mặt thúc đẩy sáng kiến đổi mới sáng tạo, mặt khác đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các NHTW trong việc xây dựng các quy định và hệ thống pháp lý để có thể quản lý các hoạt động mới nhằm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng cũng như đảm bảo an ninh an toàn hệ thống thanh toán và ổn định hệ thống tài chính. Trước các thách thức và vấn đề mới nổi trên, NHTW các nước SEACEN cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa để trao đổi chính sách và tìm kiếm giải pháp khu vực phù hợp. Các Thống đốc cũng bày tỏ mong muốn về việc Trung tâm SEACEN sẽ phát huy hơn nữa thế mạnh sẵn có về nghiên cứu và đào tạo để khai thác và tìm kiếm giải pháp hữu hiệu cho chủ đề quan trọng này.
Hội thảo đã diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến trao đổi chuyên môn, các diễn giả đã gợi mở nhiều hàm ý chính sách tới các NHTW các nước SEACEN để thực thi mục tiêu kép vừa thúc đẩy đổi mới sáng tạo, vừa đảm bảo duy trì ổn định hệ thống tiền tệ và tài chính trong bối cảnh mới nhiều biến động.
[1] SEACEN bao gồm 19 NHTW và Cơ quan Quản lý tiền tệ thành viên, 08 cộng tác viên và 08 quan sát viên.
Vụ HTQT
Ảnh: Mạnh Thắng - Đức Khanh