Ngày 30/6/2020, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã tham dự buổi thảo luận bàn tròn trực tuyến về vai trò Ngân hàng Trung ương (NHTW) trong việc ứng phó với rủi ro biến đổi khí hậu giữa Đại diện Chính phủ Vương quốc Anh với các Thống đốc NHTW ASEAN.
Thống đốc Lê Minh Hưng tham gia thảo luận trực tuyến
Ngày 30/6/2020, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã tham dự buổi thảo luận bàn tròn trực tuyến về vai trò NHTW trong việc ứng phó với rủi ro biến đổi khí hậu giữa Đại diện Chính phủ Vương quốc Anh với các Thống đốc NHTW ASEAN.
Các đại biểu tham dự buổi thảo luận trực tuyến.
Tại buổi thảo luận, ông Mark Carney, nguyên Thống đốc NHTW Anh và NHTW Canada, Trợ lý Thủ tướng Anh về Hội nghị Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) kiêm Đặc phái viên đặc biệt của Liên hợp quốc về hành động và tài chính cho biến đổi khí hậu đã trình bày khái quát một số vấn đề liên quan đến vai trò của NHTW trong quản lý rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu dựa trên các công trình nghiên cứu cũng như kinh nghiệm phong phú của cá nhân ông với tư cách Thống đốc NHTW các quốc gia phát triển, đồng thời là nhà hoạt động vì môi trường nổi tiếng. Theo đó, để giải quyết các thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu, các NHTW cần chú ý xem xét, đánh giá tác động đối với ổn định tài chính từ 03 khía cạnh rủi ro chính là Rủi ro vật chất (thiệt hại về tài sản, cơ sở hạ tầng, đất đai…), Rủi ro chuyển đổi (thiệt hại có thể do những thay đổi trong chính sách khí hậu, công nghệ, tâm lý thị trường và người tiêu dùng trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp nhằm đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và giảm phát thải khí nhà kính), và Rủi ro trách nhiệm (thiệt hại tài chính từ những đòi hỏi bồi thường của các tổ chức/doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi các rủi ro vật chất và rủi ro chuyển đổi nêu trên).
Trên cơ sở kinh nghiệm của NHTW Anh, ông Mark Carney đã khuyến nghị các NHTW ASEAN cần xây dựng khuôn khổ chính sách nhằm cải thiện công tác quản lý rủi ro môi trường, xã hội, xây dựng và áp dụng các mô hình, phương pháp đo lường rủi ro và kiểm tra sức chịu đựng (stress testing) liên quan đến biến đổi khí hậu trong việc hoạch định chính sách tiền tệ, tín dụng phù hợp với các thách thức mới, chú trọng các yếu tố bền vững trong các quyết định đầu tư. Tại buổi thảo luận, các Thống đốc NHTW và Giám đốc Điều hành CQTT Đông Nam Á đã trao đổi với với Đại diện Chính phủ Anh về các thuận lợi và khó khăn của quá trình chuyển đổi tài chính xanh, những cơ hội và thách thức đối với lĩnh vực này trong quá trình phục hồi kinh tế sau Covid-19, cách thức phối hợp giữa NHTW và các cơ quan quản lý tài chính khác để có phương pháp tiếp cận thống nhất với rủi ro biến đổi khí hậu, cũng như các cơ hội hợp tác liên quan giữa ASEAN và COP26.
Về phía NHNN, Thống đốc Lê Minh Hưng đã chia sẻ về thực tiễn triển khai tín dụng xanh tại Việt Nam thời gian qua và kết quả hợp tác về tín dụng xanh, ứng phó rủi ro biến đổi khí hậu trong khuôn khổ hợp tác ngân hàng tài chính khu vực ASEAN. Thống đốc NHNN cũng đặt ra vấn đề thảo luận về cách thức xây dựng lộ trình phù hợp cho các nước đang phát triển nhằm đưa các tiêu chuẩn, yêu cầu liên quan đến rủi ro biến đổi khí hậu vào quy định an toàn dành cho các tổ chức tài chính. Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng và thiết thực, đồng thời mở ra tiềm năng hợp tác cụ thể giữa các NHTW ASEAN cũng như giữa các cơ quan quản lý này và các NHTW đi đầu trên thế giới trong việc dẫn dắt ngành tài chính ngân hàng ứng phó với rủi ro biến đổi khí hậu.
HTQT
Ảnh: DK
(Theo: sbv.gov.vn)