Hiện nay, nhiều ngân hàng sẽ không thực hiện cho vay đối với khách hàng có nợ xấu, sau khi tra cứu thông tin nợ xấu tại Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (National Credit Information Centre, sau đây gọi là CIC). Vậy, thời gian lưu giữ nợ xấu trên hệ thống CIC là bao lâu?
Nợ xấu là một trong các thông tin tiêu cực về khách hàng vay bên cạnh thông tin về việc vi phạm nghĩa vụ thanh toán, hành vi vi phạm pháp luật, bị khởi kiện, khởi tố...
Căn cứ Điều 10 Thông tư số 11/2021/TT-NHNN ngày 30/7/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nợ được phân loại thành 05 nhóm gồm: Nợ nhóm 1 là nợ tiêu chuẩn, nợ nhóm 2 là nợ cần chú ý, nợ nhóm 3 là nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nhóm 4 là nợ nghi ngờ và nợ nhóm 5 là nợ có khả năng mất vốn. Đồng thời, khoản 8, Điều 3 Thông tư số 11/2021/TT-NHNN khẳng định: Nợ xấu là nợ thuộc các nhóm 3, 4 và 5.
Như vậy, nếu nợ của khách hàng chỉ nằm trong nhóm 1 và nhóm 2 thì vẫn là nợ tiêu chuẩn, có khả năng thu hồi và chỉ khi nợ của khách hàng thuộc nhóm 3, 4, 5 thì mới bị phân vào nhóm nợ xấu, cần theo dõi và sau này sẽ khó vay được tại các ngân hàng, cũng như công ty tài chính khác. Thông tin về nợ xấu sẽ được cập nhật, lưu giữ và bảo mật để khai thác, sử dụng trên hệ thống CIC.
Về thời gian lưu giữ và cung cấp lịch sử nợ xấu trên CIC, quy định tại khoản 1, Điều 11 Thông tư số 03/2013/TT-NHNN ngày 28/01/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thông tin tiêu cực về khách hàng vay chỉ được sử dụng để tạo lập sản phẩm thông tin tín dụng trong thời gian tối đa 05 năm, kể từ ngày kết thúc thông tin tiêu cực đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Căn cứ quy định này có thể thấy, thông tin nợ xấu của khách hàng vay sẽ được CIC cung cấp trong thời gian tối đa 05 năm. Tuy nhiên, khách hàng cũng không cần quá lo lắng vì khẩu vị rủi ro của mỗi ngân hàng là khác nhau. Theo thời gian, thông tin tiêu cực sẽ dần ít ảnh hưởng đến quyết định cho vay của các ngân hàng khi có nhiều thông tin tích cực thay thế.
Việc có lịch sử tín dụng đẹp, không có nợ xấu là một trong những yếu tố vô cùng cần thiết để tăng khả năng khách hàng có thể vay vốn tại ngân hàng hoặc công ty tài chính. Tuy nhiên, không có một cơ chế nào về việc xóa nợ xấu tại CIC, không có bất kỳ một tổ chức hay cá nhân nào có thể thực hiện được việc này.
Các trường hợp cần điều chỉnh dữ liệu của khách hàng (trong trường hợp có sai sót, nhầm lẫn) tại CIC đều phải tuân thủ những quy trình chặt chẽ theo quy định tại Thông tư số 03/2013/TT-NHNN ngày 28/01/2013 và các quy định nội bộ của CIC. Khách hàng sau khi kiểm tra tình trạng nợ xấu trên CIC cho kết quả sai sót thì theo Điều 18 Thông tư số 03/2013/TT-NHNN ngày 28/01/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khách hàng có thể gửi yêu cầu khiếu nại để kiểm tra, điều chỉnh lại thông tin đến CIC hoặc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Hồ sơ gửi yêu cầu thông qua hệ thống điện tử hoặc gửi bằng văn bản nêu rõ lý do kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh sai sót về thông tin lịch sử nợ xấu của mình. Thời gian giải quyết được quy định như sau: (i) Trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại: Thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ và yêu cầu bổ sung thông tin (nếu có) để xác minh, giải quyết. (ii) Trong 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận khiếu nại hợp lệ: Xem xét, điều chỉnh dữ liệu sai sót, thông báo cho khách hàng vay. Có thể kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại theo tình hình thực tế nhưng phải thông báo cho khách hàng vay về lý do kéo dài. (iii) Trong 02 ngày làm việc kể từ khi có kết quả, khách hàng vay sẽ được thông báo về kết quả giải quyết. Nếu thông tin sai sót gây bất lợi cho khách hàng thì CIC phải thông báo đính chính.
ND