Theo số liệu báo cáo của IMF vào tháng 9/2023, số lượng yêu cầu hỗ trợ tài chính khẩn cấp từ các quốc gia thành viên tăng đột biến, gấp hơn 10 lần vào năm 2020 khi xuất hiện đại dịch Covid-19. Các tổ chức quốc tế cho rằng việc củng cố và hoàn thiện các mạng lưới an toàn tài chính khu vực để bổ trợ cho các công cụ hỗ trợ cán cân thanh toán khẩn cấp của IMF là rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh quy mô và xác suất xảy ra các rủi ro liên quan tới dịch bệnh, thiên tai và các rủi ro địa chính trị toàn cầu là khó lường. Cơ quan nghiên cứu kinh tế ASEAN+3 (AMRO) cũng khẳng định tầm quan trọng của việc thiết lập thêm các thể thức hỗ trợ khẩn cấp dành riêng cho khu vực ASEAN+3, nhằm đảm bảo tính sẵn sàng và kịp thời của các gói hỗ trợ cho các nước thành viên trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.
Với tinh thần trên, vào tháng 9/2023, ở cấp kỹ thuật, NHTW Nhật Bản đã khởi xướng ý tưởng xây dựng RFF trong khuôn khổ CMIM. Với mục tiêu tăng cường mạng lưới an toàn tài chính khu vực, đảm bảo sự ổn định và phát triển kinh tế bền vững cho các quốc gia thành viên trong khu vực ASEAN+3, RFF được thiết lập nhằm hỗ trợ các nước thành viên ứng phó với các khó khăn cán cân thanh toán trong ngắn hạn xuất phát từ các cú sốc ngoại sinh như dịch bệnh và thiên tai. Thể thức này có tính tương trợ cao, hỗ trợ kịp thời cho các nước thành viên khi gặp khó khăn về cán cân thanh toán, đặc biệt khi việc tiếp cận các thể thức hỗ trợ và/hoặc các chương trình tổng thể khác là khó khả thi do các điều kiện, quy trình phê duyệt khoản vay chặt chẽ hơn.
RFF được xây dựng nhằm bổ sung cho hai thể thức hỗ trợ hiện tại trong CMIM, bao gồm: (i) Thể thức hỗ trợ ngăn ngừa khủng hoảng (CMIM-PL); và (ii) Thể thức hỗ trợ xử lý khủng hoảng (CMIM-SF). Tương tự CMIM-SF&PL, RFF có thể được triển khai theo một trong hai cơ chế, đó là: (i) Kết hợp với chương trình vay của IMF (IMF Linked Portion - ILP); và (ii) Không kết hợp với chương trình vay của IMF (IMF De-Linked Portion - IDLP).
Một số ưu điểm của RFF
Tính kịp thời
Quy trình phê duyệt khoản vay của RFF được rút gọn tối đa. Cụ thể, trên cơ sở đề nghị của quốc gia đề nghị hỗ trợ (Arrangement Requesting Party - ARP), Hội đồng phê duyệt cấp cao của ASEAN+3 (Executive Level Decision Making Body - ELDMB) sẽ tiến hành đánh giá đề xuất của ARP. Việc hỗ trợ sẽ được thực hiện khi ELDMB xác nhận khó khăn cán cân thanh toán của ARP xuất phát từ các cú sốc ngoại sinh mà không phải từ sự suy yếu của các nền tảng kinh tế hoặc chính sách quản lý nội địa yếu kém.
Ngoài quy trình nhanh, RFF không áp dụng bất kỳ điều kiện vay nào đối với ARP. Điều này hỗ trợ ARP nhận được nguồn tài chính một cách kịp thời trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.
Tối ưu chi phí quản lý vận hành
Quy mô khoản vay của RFF được xác định ở mức 50% quy mô của 2 thể thức hỗ trợ hiện tại trong CMIM. Cụ thể, với mức cam kết đóng góp hiện tại của Việt Nam trong khuôn khổ CMIM, Việt Nam có quyền vay CMIM-SF&PL tối đa 10 tỷ USD (theo cơ chế ILP) và 4 tỷ USD (theo cơ chế IDLP). Đối với RFF, hạn mức vay tối đa của Việt Nam trong trường hợp xảy ra khủng hoảng lần lượt là 5 tỷ USD (theo cơ chế ILP) và 2 tỷ USD (theo cơ chế IDLP). Với quy mô nhỏ hơn, chi phí và nguồn lực để quản lý vận hành các khoản hỗ trợ trong RFF thấp hơn so với các thể thức hỗ trợ hiện tại.
Sự đa dạng trong lựa chọn tiền tệ
RFF mang tới cho ARP cơ hội lựa chọn đa dạng các loại đồng tiền trong quá trình hoán đổi. Cụ thể là, ARP sẽ được lựa chọn vay bằng đồng bản tệ của các nước ASEAN+3 phát hành bao gồm đồng Nhân dân tệ và Yên Nhật. Một số nước trong nhóm ASEAN+3 bao gồm Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông), Nhật Bản và Hàn Quốc có quyền lựa chọn một FUC khác ngoài USD để cung cấp hoán đổi cho ARP theo tỷ lệ 50% tổng giá trị khoản hỗ trợ bằng FUC và 50% bằng USD.
Các nước thành viên ASEAN+3
Ý nghĩa của việc xây dựng RFF
Ngoài việc bổ sung thêm một nguồn hỗ trợ tài chính quan trọng cho các nước ASEAN+3 nhằm đối phó với các khó khăn đối với cán cân thanh toán trong ngắn hạn, RFF khẳng định nỗ lực chung của các nước ASEAN+3 trong việc duy trì sự ổn định tài chính khu vực và việc sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau trong những thời điểm khó khăn. Trong dài hạn, việc thành lập RFF sẽ khuyến khích sự phát triển của các sáng kiến tương tự, thúc đẩy quá trình hoàn thiện và liên tục cập nhật của Thỏa thuận CMIM nói riêng và các mạng lưới an toàn tài chính nói chung; qua đó, tích cực hỗ trợ các quốc gia đối phó với biến động của tình hình kinh tế khu vực và quốc tế cũng như các rủi ro ngoại sinh khó dự báo. RFF là một minh chứng sống động cho tinh thần đoàn kết và nỗ lực không ngừng của cơ chế hợp tác đa phương ASEAN+3 qua thời gian.
Thể thức hỗ trợ nhanh (RFF)
1 “Cú sốc ngoại sinh” bao gồm các sự kiện như thảm họa thiên tai, dịch bệnh. Trước khi phê duyệt hỗ trợ, Hội đồng ra quyết định cấp cao (ELDMB) xác nhận khó khăn cán cân thanh toán xuất phát từ các cú sốc ngoại sinh chứ không phải từ sự suy yếu của các nền tảng kinh tế hoặc chính sách quản lý nội địa yếu kém.
2 Liên kết với các cơ chế tài trợ nhanh của IMF.
3Việc sử dụng FUCs không áp dụng cho thể thức vay phòng ngừa rủi ro (PL) và thể thức hỗ trợ xử lý khủng hoảng (SF).