Thông tin trên vừa được Ban Tổ chức Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp (M&A Vietnam Forum 2019) đưa ra tại buổi họp báo thông tin về sự kiện này, diễn ra sáng ngày 23/7.
Buổi họp báo Diễn đàn M&A Việt Nam 2019
Thông tin tại buổi họp báo cho biết, sau một thập niên tăng trưởng mạnh mẽ với hàng ngàn giao dịch và tổng giá trị giao dịch đạt gần 50 tỷ USD, thị trường M&A Việt Nam đang có sự điều chỉnh khá lớn.
Giai đoạn 2018-2019 vẫn khá sôi động với các hoạt động M&A lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng và bất động sản. Các thương vụ đáng chú ý cũng tập trung trong ngành tài chính tiêu dùng, bán lẻ, thuỷ sản, logistics, giáo dục…
Năm 2018 cũng là năm đánh dấu sự khởi sắc của dòng vốn từ Hàn Quốc với những thương vụ đầu tư lớn. Khối ngoại, đặc biệt là các nhà đầu tư Singapore, HongKong, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản, vẫn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động M&A tại Việt Nam.
Tuy nhiên, tổng giá trị M&A năm 2018 chỉ đạt 7,64 tỷ USD, giảm 25,1% so với năm 2017.
Một điểm đáng lưu ý trong sự sụt giảm này là năm 2017 thị trường ghi nhận thương vụ ThaiBev (Thái Lan), thông qua công ty con Vietnam Beverage, mua lại 51% Sabeco với giá 5 tỷ USD. Đây chính là yếu tố gây đột biến cho hoạt động M&A tại Việt Nam năm 2017. Nếu loại trừ thương vụ này thì giá trị M&A năm 2018 tại Việt Nam tăng trưởng 41,4%.
Tuy nhiên, sự sụt giảm kéo sang năm 2019. Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị các thương vụ M&A được công bố tại Việt Nam đạt 1,9 tỷ USD, giảm 47% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo năm 2019, giá trị M&A có thể đạt mốc 6,7 tỷ USD, giảm 11,84% so với năm 2018.
Đề cập đến các rào cản, các chuyên gia cho rằng tiến trình cổ phần hoá và thoái vốn trong giai đoạn 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 dù có những nỗ lực và kết quả nhất định nhưng có dấu hiệu chững lại. Trong khi đó, chất lượng doanh nghiệp và quy mô nền kinh tế chưa đủ hấp dẫn.
Bên cạnh đó, vẫn còn đó những thách thức phải đối mặt đến từ các yếu tố khách quan. Đó là sự thay đổi chính sách thương mại quốc tế của Mỹ, Trung Quốc...
Nhưng ở chiều tác động khác thì Việt Nam cũng có một số thuận lợi, như hàng loạt những chuyển động chính sách gần đây như dự thảo sửa đổi, bổ sung một số luật quan trọng (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán), Nghị quyết về thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới lần đầu tiên dự kiến được bộ Chính trị ban hành được cho là tạo môi trường thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA… được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội lớn để Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có dòng vốn đầu tư thông qua hình thức M&A.
Song, “để thị trường bứt phá đòi hỏi Chính phủ và các bên liên quan phải có sự quyết tâm và thay đổi mạnh mẽ nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, khơi thông dòng vốn chảy trong nước và quốc tế vào lĩnh vực M&A”, ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn nhấn mạnh.
Diễn đàn M&A thường niên lần thứ 11 do Báo Đầu tư và Công ty AVM Việt Nam tổ chức với chủ đề “Thay đổi để bứt phá” sẽ diễn ra tại Trung tâm hội nghị GEM, TP.HCM vào ngày 6/8/2019, với sự tham gia của 500 đại diện doanh nghiệp, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế, những người quyết định và tạo lập cho 85% giá trị các thương vụ diễn ra tại Việt Nam.
Việt Đức
Nguồn: thoibaonganhang.vn