Đối với ngành Ngân hàng, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) khẳng định vai trò và sứ mệnh trong nền kinh tế. Mặc dù vậy, đến cuối năm 2020, chỉ tiêu tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán của cả nước vẫn còn cao so với mục tiêu của Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 2545). Muốn đạt được mục tiêu này thì mỗi địa phương trong cả nước phải quyết liệt hơn nữa trong tổ chức triển khai thực hiện hoạt động TTKDTM. Bài viết khái quát lại một số kết quả đạt được và hạn chế, thách thức trong quá trình triển khai các hoạt động TTKDTM trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016 - 2020; từ đó gợi ý một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy phát triển hoạt động này trong thời gian tới.
Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ TTKDTM qua ngân hàng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đạt 74%
1. Đặt vấn đề
TTKDTM tại Việt Nam đã và đang có nhiều phát triển mạnh mẽ thời gian gần đây, với sự cạnh tranh sôi động về phát triển dịch vụ bán lẻ phi tín dụng của các ngân hàng thương mại (NHTM), các công ty công nghệ hỗ trợ dịch vụ thanh toán và tổ chức trung gian thanh toán.
TTKDTM góp phần hạn chế lượng tiền mặt trong lưu thông hàng hóa, giảm thiểu chi phí xã hội, mở rộng không gian, rút ngắn thời gian cho quá trình bán và mua hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế. Đồng thời, phát triển các dịch vụ chuyên nghiệp về thu chi, thẻ ngân hàng, thanh toán trực tuyến, thanh toán điện tử mà không làm thay đổi giá trị tiền mặt quy đổi. Khi TTKDTM được khuyến khích và đưa vào như một phương thức thanh toán chính yếu trong xã hội sẽ đem lại nhiều lợi ích để thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu và giao dịch, giúp dòng chảy tiền tệ được lưu thông rõ ràng hơn. Đồng thời, tất cả người dân và doanh nghiệp sẽ được thụ hưởng, đặc biệt là người dân sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp; doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình sản xuất kinh doanh. Điều này có ý nghĩa lớn về mặt phát triển kinh tế - xã hội trước những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giúp tăng thích ứng nhanh, hồi phục nhanh trước những biến cố khó lường của kinh tế - xã hội.
Năm 2020 là năm cuối cùng triển khai Đề án 2545 của Thủ tướng Chính phủ. Nhìn chung, hoạt động TTKDTM của nước ta đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, cơ bản đạt được mục tiêu đề ra, thể hiện ở một số nội dung sau:
(i) Khuôn khổ pháp lý và chính sách trong hoạt động thanh toán tiếp tục được hoàn thiện;
(ii) Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả;
(iii) Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; hệ thống chuyển mạch, bù trừ tiếp tục được nâng cấp và hoàn thiện, hoạt động an toàn, hiệu quả và thông suốt, tiếp tục phát huy vai trò là hệ thống thanh toán xương sống của quốc gia;
(iv) Thanh toán qua điện thoại di động và Internet phát triển mạnh; (v) Thanh toán điện tử khu vực dịch vụ công tiếp tục được triển khai rộng rãi.
Tính đến cuối tháng 4/2021, cả nước có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động; toàn thị trường hiện có 272.263 POS, 19.714 ATM, hơn 90.000 điểm chấp nhận thanh toán qua QR Code. Hầu hết các ngân hàng đã và đang xây dựng, triển khai công nghệ 4.0, phân tích dữ liệu lớn (Big data), công nghệ chuỗi khối (Blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), mạng lưới POS, ATM phủ sóng đến tất cả các địa bàn tỉnh, thành phố trên cả nước. Đặc biệt, do tác động của đại dịch Covid-19, thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động và QR Code đã tăng mạnh, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng. Trong 4 tháng đầu năm 2021, thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động, QR Code đạt được kết quả đáng ghi nhận. So với cùng kỳ 4 tháng đầu năm 2020, giao dịch qua kênh Internet đạt 213,51 triệu món với giá trị 11,03 triệu tỷ đồng (tương ứng tăng 65,9% về số lượng; 31,2% về giá trị); giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 543,63 triệu món với giá trị hơn 6,69 triệu tỷ đồng (tương ứng tăng 86,3% về số lượng; 123,1% về giá trị); giao dịch qua kênh QR Code đạt 7,2 triệu món với giá trị 6,38 tỷ đồng (tương ứng 95,7% về số lượng; 181,5% về giá trị). Thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công được mở rộng về số lượng dịch vụ triển khai, về quy mô xử lý và chất lượng dịch vụ (92,3% các giao dịch thu ngân sách được thực hiện qua ngân hàng hay 94,35% số tiền điện được thanh toán qua ngân hàng).
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Vĩnh Long về kết quả thực hiện hoạt động TTKDTM trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long năm 2020, tỷ lệ TTKDTM qua ngân hàng trong tỉnh đạt 74%. Đạt được kết quả này là nhờ Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh đã triển khai hàng loạt các giải pháp thúc đẩy TTKDTM, góp phần đẩy mạnh thực hiện các dịch vụ ngân hàng điện tử ở các lĩnh vực từ giáo dục, điện, nước đến dịch vụ công.
2. Thực trạng TTKDTM trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016 - 2020
Kết quả đạt được
Trong thời gian qua, hoạt động TTKDTM với nhiều tiện ích đã ngày càng phát triển mạnh mẽ và phổ biến trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Từ cuối năm 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Vĩnh Long đã có văn bản yêu cầu Trưởng phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh quán triệt và thực hiện đẩy nhanh TTKDTM trong lĩnh vực giáo dục. Trong năm học 2020 - 2021, 100% các trường trên địa bàn thành phố Vĩnh Long đã thực hiện thu và thanh toán học phí bằng phương thức TTKDTM qua các cổng điện tử hoặc ngân hàng.
Đến đầu tháng 8/2020, Công ty Điện lực Vĩnh Long đã ngưng tổ chức thu tiền điện trực tiếp tại nhà đối với các khách hàng ở thành phố Vĩnh Long, các xã ở 6 huyện trên địa bàn. Qua đó, người dân được khuyến khích thanh toán trực tuyến qua các ứng dụng ví điện tử hoặc đăng ký dịch vụ thanh toán tiền điện tự động tại các ngân hàng liên kết với Công ty Điện lực Vĩnh Long. Tương tự, Công ty cổ phần Cấp nước Vĩnh Long đã kết hợp với các NHTM trên địa bàn và các doanh nghiệp kinh doanh ví điện tử cung cấp nhiều chương trình ưu đãi cho người dân khi TTKDTM dựa trên các nền tảng này.
Các hình thức TTKDTM thực sự rất có ý nghĩa và vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn cả nước cũng như tỉnh Vĩnh Long đang vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 bùng tái phát, thực hiện giãn cách xã hội và hạn chế giao tiếp nơi đông người.
Giai đoạn 2016 - 2020, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã và đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án 2545, Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng các dịch vụ công theo Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 241), đặc biệt, đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các giải pháp TTKDTM theo Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển TTKDTM tại Việt Nam. Kết quả có sự chuyển biến rõ rệt, phát hành thẻ của ngân hàng tăng mạnh, hệ thống ATM, POS được mở rộng và liên thông với nhau, phương thức thanh toán ngày càng đa dạng. Trong đó, thanh toán bằng các phương tiện thanh toán ngày càng tăng, doanh số tăng bình quân hằng năm trong giai đoạn 2016 - 2020 là 26%/năm. Qua đó cho thấy, thói quen của người dân có sự chuyển biến trong việc sử dụng TTKDTM, nhất là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã mở thẻ tại các ngân hàng.
Thực hiện chính sách giảm phí và chỉ đạo của NHNN, 100% các NHTM cũng miễn, giảm phí đối với các giao dịch có giá trị dưới 2 triệu đồng khi chuyển tiền liên ngân hàng qua hệ thống 24/7 của Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), các giao dịch thanh toán điện tử, thanh toán dịch vụ công.
Tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM, đến ngày 31/3/2021, toàn tỉnh Vĩnh Long có 137 ATM. Đa số các ATM đã được nâng cấp chấp nhận các thẻ chip, một số ATM thực hiện được các giao dịch ngân hàng tự động. Ngoài ra, số máy POS đạt 511 máy, đều kết nối liên thông. Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán tại các POS đều tăng so với cùng kỳ quý I/2020 (số lượng giao dịch tăng 107% và giá trị giao dịch tăng 43,5%). Dịch vụ thanh toán ngân hàng điện tử phát triển mạnh trong thời gian tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tổng số giao dịch đạt 651 triệu món với số tiền giao dịch là 10.302 tỷ đồng.
Với vai trò quản lý Nhà nước, NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Long thường xuyên giám sát, khảo sát, kiểm tra tình hình hoạt động tại số điểm ATM trên địa bàn vào các dịp trước khi nghỉ lễ. Qua đó, chấn chỉnh kịp thời đối với các NHTM có ATM chưa thực hiện đúng quy định. Kết quả: trên địa bàn không xảy ra sự cố trong thanh toán, tình trạng ùn tắc cục bộ tại các ATM giảm đáng kể. Bên cạnh đó, Chi nhánh còn phân công bộ phận chuyên môn giám sát chặt chẽ hoạt động của hệ thống ATM, POS, nhất là trong việc tiếp quỹ, xử lý khiếu nại, phản ánh của khách hàng; tiếp tục thực hiện chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chíp để tăng tính bảo mật trong thanh toán thẻ. Ngoài ra, các NHTM trên địa bàn cũng tăng cường cảnh giác các thủ đoạn lừa đảo của tội phạm nhằm đảm bảo an toàn trong thanh toán cho khách hàng, giám sát chặt chẽ hoạt động của hệ thống ATM, POS được an toàn và thông suốt.
Hạn chế, thách thức
Mặc dù đạt được nhiều thành công trong công tác TTKDTM nhưng hoạt động này trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long vẫn còn đối mặt với không ít hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện, cụ thể:
Thứ nhất, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân còn khá phổ biến, nhất là ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, tâm lý e ngại khi tiếp cận các công nghệ thanh toán mới của người dân cũng là rào cản trong việc triển khai hoạt động TTKDTM trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long trong thời gian qua. Mặc dù số lượng người trưởng thành tại tỉnh Vĩnh Long có tài khoản ngân hàng đã tăng mạnh, từ khoảng 30% năm 2015 lên trên 60% vào năm 2019; tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh có đến 83,4% dân số sống ở khu vực nông thôn nên điều kiện tiếp cận với dịch vụ ngân hàng vẫn còn khá hạn chế, đặc biệt là các dịch vụ ngân hàng điện tử và các hình thức TTKDTM.
Thứ hai, cơ sở hạ tầng và sự kết nối, tích hợp giữa đơn vị cung ứng dịch vụ với các hệ thống thanh toán tạo cơ sở để triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên địa bàn còn nhiều hạn chế. Số liệu ATM, POS mặc dù có tăng so với các năm trước nhưng số lượng tăng thêm chưa nhiều, nhất là cần tăng cường ở khu vực nông thôn nhằm hỗ trợ người dân trong việc thực hiện thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công. Hơn nữa, các cơ sở chấp nhận các hình thức TTKDTM chủ yếu tập trung tại khu vực thành phố Vĩnh Long, tại các trung tâm mua sắm như siêu thị, cửa hàng lớn. Trong khi đó, chỉ có khoảng 16,6% dân số sống ở khu vực thành phố nên số lượng người dân sử dụng các hình thức TTKDTM cũng khá hạn chế và giá trị giao dịch cũng không đáng kể. Bên cạnh đó, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, hình thức thanh toán trong mua, bán hàng hóa của ngân hàng chưa đa dạng, một số đang bước đầu triển khai thực hiện. Sự thiếu đồng bộ giữa các trung gian thanh toán và các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ cũng đang là rào cản khiến cho người dân ngại sử dụng hình thức TTKDTM. Chính vì thế, trong thời gian tới, rất cần sự phối hợp giữa các NHTM, công ty công nghệ tài chính và các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ mở rộng đối tượng và khu vực chấp nhận TTKDTM, nhất là các vùng lân cận thành phố Vĩnh Long như huyện Long Hồ, huyện Tam Bình, thị xã Bình Minh.
Thứ ba, việc thực hiện thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công chưa thật sự hiệu quả. Ngày 23/02/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 241/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội (gọi chung là dịch vụ công). Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã triển khai thực hiện nội dung này, tuy nhiên hình thức triển khai khá mờ nhạt, thời gian triển khai quá ngắn và người dân chưa được hướng dẫn kỹ nên còn thờ ơ với việc này. Ngoài ra, đa số người dân nông thôn chưa có tài khoản, thẻ ngân hàng,… nên họ vẫn chủ yếu thanh toán bằng tiền mặt, một thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức. Mặt khác, một số ATM chưa được bố trí ở vị trí thuận tiện, thậm chí nhiều xã chưa có điểm giao dịch của ngân hàng và chưa có ATM nên người có thẻ ngân hàng phải đi xa mới giao dịch được.
Thứ tư, yếu tố về an ninh, bảo mật thông tin và chi phí khi sử dụng các phương thức TTKDTM cũng là một thách thức trong quá trình thực hiện. Sau ví điện tử thì hoạt động thanh toán trên thiết bị điện thoại di động như sử dụng quét mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán phi tiếp xúc (contactless payment), thanh toán trên thiết bị di động (mPOS),... được triển khai. Tuy nhiên, các rủi ro tiềm ẩn về tính bảo mật thông tin khi thanh toán theo hình thức này cũng khiến cho người dân e ngại, chưa sẵn sàng sử dụng các hình thức TTKDTM. Bên cạnh đó, một số yếu tố khác như phí giao dịch, phí duy trì tài khoản ngân hàng còn cao,... Do đó, đối với các giao dịch nhỏ, lẻ thì thanh toán bằng tiền mặt vẫn là hình thức phổ biến với đại đa số người dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
3. Một số khuyến nghị
Để tiếp tục thúc đẩy hoạt động TTKDTM, thanh toán điện tử trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long trong thời gian tới, tác giả đề xuất một số khuyến nghị sau:
Đối với các TCTD trên địa bàn
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông đồng bộ và có hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và cách thức thanh toán tiêu dùng của người dân. Qua đó, nâng cao khả năng tiếp cận các tiện ích của dịch vụ thanh toán cho cộng đồng, khuyến khích sử dụng các phương thức TTKDTM.
Tăng cường các hoạt động marketing, hướng dẫn khách hàng mở tài khoản, giao dịch thanh toán qua các phương tiện điện tử; phối hợp các đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng các hình thức TTKDTM, nhất là phát triển thị trường tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan trong quá trình thực hiện thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công như tiền điện, nước, viễn thông, viện phí, học phí và các chi trả an sinh xã hội.
Tăng cường đầu tư, đổi mới hạ tầng kỹ thuật phục vụ thanh toán như phát triển đa dạng các loại thẻ, mở rộng mạng lưới ATM, POS và các hạ tầng khác để phục vụ thanh toán; tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán, từng bước chuyển đổi dần từ thẻ từ sang thẻ chip để tăng tính bảo mật, phát triển các hình thức thanh toán mới tích hợp trên nền tảng thiết bị di động (QR pay, ví điện tử,…) giúp khách hàng thanh toán dễ dàng, thuận lợi, giảm chi phí sử dụng và rủi ro, đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Tiếp tục ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động thanh toán, lấy việc cung ứng dịch vụ trên thiết bị di động làm mục tiêu chính; phối hợp các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ để kết nối với hệ thống thanh toán của ngân hàng.
Đối với các tổ chức cung ứng hàng hóa, dịch vụ
Tăng cường liên kết với các ngân hàng trong việc kết nối giao dịch qua ví điện tử, thanh toán trên các thiết bị di động,…nhằm tạo thuận tiện nhất cho người dùng. Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, hệ thống siêu thị Co.opmart, siêu thị nội thất điện máy Chợ Lớn,… là những đơn vị có số lượng khách hàng và số lượng giao dịch nhiều, tuy nhiên chưa có hình thức thanh toán phổ biến như quét QR Code. Do đó, trong thời gian tới, các tổ chức này nên mạnh dạn phối hợp triển khai các hình thức thanh toán mới, hướng dẫn cách thức sử dụng cho người dân có nhu cầu.
Đối với các đơn vị liên quan trong triển khai Đề án TTKDTM
Triển khai có hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020; tiếp tục đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ; đồng thời, tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai có hiệu quả Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở tổng kết đánh giá kết quả triển khai Đề án 2545 và Đề án 241.
Tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia, hạ tầng Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ theo hướng cung ứng dịch vụ thanh toán online, xử lý tức thời, dịch vụ 24/7 cho mọi đối tượng và người dân.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phát triển thanh toán thẻ, thúc đẩy việc chuyển đổi thẻ chip, tạo thuận lợi cho việc kết nối với các ngành, lĩnh vực khác để cung ứng đa dạng các sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích, thanh toán phi tiếp xúc và góp phần nâng cao tính an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán thẻ.
NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Long giám sát các hệ thống thanh toán đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả; tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; giám sát hoạt động các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán bảo đảm hoạt động đúng quy định. Tích cực phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về TTKDTM, giáo dục tài chính; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ thanh toán.
Đối với người dân
Cần nhận thức tích cực hơn về các hình thức TTKDTM, nhất là những tiện ích mà các phương thức này mang lại, từ đó góp phần vào sự thành công trong hoạt động TTKDTM trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long nói riêng và cả nước nói chung.
Khi thực hiện TTKDTM, người dân cần nâng cao cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo của những đối tượng xấu; đảm bảo tính bảo mật thông tin ở mức cao nhất, tránh để lộ thông tin cá nhân và nên sử dụng phương thức xác thực 2 lớp để nâng cao tính bảo mật nhằm đảm bảo an toàn khi sử dụng.■
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Ha, H. (2020), The Cashless Economy in Vietnam-The Situation and Policy Implications. Journal of Reviews on Global Economics, 9, 216-223.
2. Lê Thị Thanh (2020), Thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp. Tạp chí Tài chính, kỳ 1, tháng 6/2020.
3. Thủ tướng Chính phủ (2016), Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020.
4. Thủ tướng Chính phủ (2018), Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/2/2018 phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng với dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội.
5. Thủ tướng Chính phủ (2020), Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 26/5/2020 về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.