Thanh toán điện tử tạo cơ hội để người dân tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực ngân hàng, không bỏ lỡ những cơ hội do nền kinh tế số mang lại.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Nếu mạnh dạn tiến thẳng lên một bước thì chúng ta sẽ không bị lỡ nhịp. Ảnh: VGP/Đình Nam
Đây là vấn đề được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi trong Diễn đàn phát triển Hệ sinh thái thanh toán điện tử 2019 với chủ đề ‘Chuyển động cùng công nghệ chip’ do Ngân hàng Nhà nước, Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) và Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 10/12, tại Hà Nội
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 30/9, giá trị thanh toán qua POS tăng 36,5% so với cùng kỳ; số lượng thẻ đạt 96,4 triệu chiếc; hơn 19.000 cây ATM… Đây là những cơ sở để thúc đẩy thanh toán điện tử mobile banking, internet banking. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang thẻ chip cũng đang là nội dung mới, còn nhiều khó khăn thách thức đặt ra.
Nguyên nhân chủ yếu hiện nay là do chi phí ngân hàng lớn. Đầu tư công nghệ cũ cần có một thời hạn khấu hao, trong khi đó, khi áp dụng thẻ chip, hệ thống về công nghệ phải thay đổi, hệ thống đầu cuối, cây ATM, hệ thống POS phải thay đổi.
Ngoài ra, khi chuyển sang thẻ chip, ngân hàng phải thay đổi một loạt máy móc, chi phí phát hành thẻ chip cũng cao hơn thẻ từ rất nhiều. Tuy nhiên, các ngân hàng đều nhận thấy rằng cần thiết phải chuyển đổi và quyết tâm chuyển thẻ từ sang thẻ chip, biến thách thức thành cơ hội với việc tích hợp, đồng bộ thanh toán được nhiều chi phí như giáo dục, y tế, bảo hiểm...
Đến nay, đã có hơn 20 ngân hàng và 6 tổ chức cung cấp thẻ chip, dự kiến hết quý 1/2020 con số này lên tới 26 ngân hàng, 10 công ty cung cấp thẻ chip.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cũng cho rằng thúc đẩy thanh toán điện tử hướng tới xã hội không tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tạo ra tác động kép vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa hỗ trợ thực hiện chiến lược tài chính toàn diện thông qua phổ cập dịch vụ ngân hàng-tài chính.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam định hướng xây dựng, sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động thanh toán nói riêng, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào ngân hàng số, thanh toán số…
Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định việc đẩy mạnh thanh toán điện tử không chỉ làm tăng sự luân chuyển dòng vốn, minh bạch chống rửa tiền, chống tham nhũng mà thực sự thúc đẩy kinh tế Internet tăng trưởng.
“Ước tính, nền kinh tế Internet trong khu vực Đông Nam Á hiện có giá trị khoảng 100 tỷ USD, và tăng gấp 3 lần trong 5 năm tới. Việt Nam ở đâu trong lĩnh vực này?”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề và nhấn mạnh “chúng ta nhất định không được bỏ lỡ”.
Với chủ đề của diễn đàn hôm nay, Phó Thủ tướng nhắc lại câu chuyện Bưu điện Việt Nam đã dũng cảm đi thẳng lên công nghệ số GSM (mạng 2G) dù những nước lân cận sẵn sàng chuyển giao miễn phí công nghệ lạc hậu hơn. Nhờ vậy, Việt Nam là một trong những nước tiên phong trong công nghệ 2G. “Tương tự giữa công nghệ thẻ chip và thẻ từ hiện nay, nếu mạnh dạn tiến thẳng lên một bước thì chúng ta sẽ không bị lỡ nhịp”, Phó Thủ tướng nói.
Trao đổi với các đại biểu, Phó Thủ tướng so sánh giữa xây dựng Chính phủ điện tử và phát triển thanh toán điện tử trong việc huy động người dân tham gia sâu rộng, chủ động hơn.
Đối với chính phủ điện tử, ngoài việc ứng dụng công nghệ thông tin để hoạt động của bộ máy nhà nước, quản lý xã hội minh bạch hơn, hiệu quả hơn, nhưng cũng để huy động người dân tham gia vào công việc quản lý xã hội nhiều hơn.
Tương tự, thanh toán điện tử có rất nhiều hình thức nhưng suy cho cùng là tạo cơ hội người dân tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực ngân hàng, gắn liền với bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, xác thực cá nhân.
“Người Việt Nam có câu ‘đồng tiền đi liền với ruột’, do vậy, vấn đề an toàn, an ninh trong thanh toán với dân là điều thiết thực nhất. Vì thế, để đẩy mạnh thanh toán điện tử, tận dụng thời cơ kinh tế số, chúng ta cần gắn với an toàn, an ninh và phải làm sao cho mọi người dân thấy lợi ích tham gia,” Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã có chỉ đạo các ngành như thuế, bảo hiểm, viễn thông, điện phải áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt…; trong đó hai lĩnh vực là giáo dục và y tế phải triển khai trước năm 2020.
“Bây giờ rất nhiều nông dân, người nghèo vẫn nghĩ rằng tài khoản ngân hàng không dành cho mình, thay đổi suy nghĩ này là nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng, truyền thông…”, Phó Thủ tướng lưu ý và cho rằng cần phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, tiến tới tích hợp thông tin cá nhân về nhân thân, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, ngân hàng… đồng thời, phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành, tổ chức, doanh nghiệp, vận động, giải thích để người dân tham gia.
Chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, ngân hàng khi chuyển từ công nghệ thẻ từ sang thẻ chip kéo theo thay đổi về hạ tầng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh sự đồng lòng, kêu gọi từ cơ quan nhà nước cùng sự bàn bạc sâu sát với các doanh nghiệp. Bởi nếu doanh nghiệp chỉ vì lợi ích của riêng mình chưa chắc đã có động lực.
“Nếu cần thiết cho đất nước phát triển vượt lên thì sự tốn kém ấy của các ngân hàng về mặt lâu dài sẽ được bù đắp lại về mặt kinh tế một cách xứng đáng. Quan trọng hơn đây là trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực này.
Bằng những hành động cụ thể, với sự thuyết phục của các ngân hàng, doanh nghiệp chung tay vì lợi ích chung, lĩnh vực thanh toán điện tử, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để tận dụng thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đạt được những kết quả thiết thực”, Phó Thủ tướng tin tưởng.
Đình Nam
Nguồn: http://baochinhphu.vn/Tai-chinh/Thanh-toan-dien-tu-Manh-dan-tien-len-de-khong-lo-nhip/382191.vgp