Với nhiều tiện ích, ví điện tử đang được người tiêu dùng ưa chuộng trong các giao dịch thanh toán. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn trong việc sử dụng ví điện tử, xác thực tài khoản điện tử là một giải pháp vừa giúp người dùng ví điện tử được bảo vệ tài khoản tốt hơn vừa không mất quá nhiều thời gian để hoàn thành bước xác thực tài khoản.
Với nhiều tiện ích, ví điện tử đang được người tiêu dùng ưa chuộng trong các giao dịch thanh toán
Trong thời gian qua, sự phát triển của dịch vụ trung gian thanh toán (TGTT) tại Việt Nam nói chung và dịch vụ ví điện tử nói riêng đã và đang góp phần hỗ trợ các ngân hàng thương mại (NHTM) đa dạng hóa và gia tăng tiện ích, tiện lợi trong cung ứng các dịch vụ thanh toán đến khách hàng, đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường. Nhờ có mô hình kinh doanh nhạy bén, tinh gọn và đầu tư mạnh về mạng lưới kinh doanh, nhân sự, cơ sở vật chất - kỹ thuật, cung cấp nhiều tiện ích trên ví, các tổ chức TGTT đã góp phần vào sự phát triển của ví điện tử, giúp giao dịch thanh toán, chuyển tiền được thực hiện dễ dàng, thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, ví điện tử là “cầu nối” đưa khách hàng đến với ngân hàng khi muốn tiếp cận các dịch vụ ngân hàng tài chính đa dạng, chuyên sâu hơn như thẻ tín dụng vay tiêu dùng, sản phẩm đầu tư; cũng giúp các NHTM mở rộng phạm vi cung ứng sản phẩm dịch vụ cho khách hàng có nhu cầu vượt ra khỏi dịch vụ cơ bản, góp phần tăng trưởng khối lượng, giá trị giao dịch; nhờ đó, giúp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện theo định hướng của Chính phủ và NHNN.
Đến nay, NHNN đã cấp phép cho 37 tổ chức không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ TGTT, trong đó, có 33 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử. Tiềm năng thị trường còn rất lớn khi 80% giao dịch bán lẻ vẫn sử dụng tiền mặt, tuy nhiên, theo lãnh đạo một số đơn vị cung ứng ví điện tử, thách thức lớn hiện nay là chưa thể tiếp cận với nhóm khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng, con số này ước tính khoảng 70% dân số.
Tuân thủ quy định về an toàn thanh toán qua ví điện tử
Về đảm bảo an ninh, bảo mật thanh toán, NHNN yêu cầu các tổ chức TGTT phải có trách nhiệm giữ bí mật các thông tin liên quan đến khách hàng theo quy định của pháp luật (quy định tại Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt và Luật An toàn thông tin mạng). Đồng thời, các tổ chức TGTT cũng phải tuân thủ các nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng điện tử; thực hiện các yêu cầu đảm bảo an toàn, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin và quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên Internet (Thông tư số 39/2014/TT-NHNN, Thông tư số 18/2018/TT-NHNN, Thông tư số 35/2016/TT-NHNN).
Để đảm bảo các tổ chức TGTT tuân thủ đúng quy định trong lĩnh vực thanh toán, NHNN đã ban hành Thông tư 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ TGTT và được nhiều lần sửa đổi, bổ sung (tại Thông tư 20/2016/TT-NHNN; Thông tư 30/2016/TT-NHNN và Thông tư 23/2019/TT-NHNN) cụ thể hóa yêu cầu quản lý, giám sát đối với dịch vụ ví điện tử. Ngoài ra, NHNN thường xuyên có các văn bản yêu cầu các tổ chức này hoạt động tuân thủ quy định pháp luật; tăng cường thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền, ngăn ngừa việc lợi dụng, sử dụng dịch vụ thanh toán, dịch vụ TGTT cho các hoạt động bất hợp pháp.
Về bảo vệ quyền lợi của khách hàng: Tại Thông tư 23/2019/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ TGTT, NHNN đã quy định nhiều giải pháp bảo vệ quyền lợi của khách hàng sử dụng ví điện tử như: (i) Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử phải mở tài khoản đảm bảo thanh toán¹ và duy trì tổng số dư trên tất cả các tài khoản này không được thấp hơn tổng số dư của tất cả các ví điện tử của khách hàng tại cùng một thời điểm nhằm đảm bảo đủ khả năng thanh toán cho khách hàng và bảo vệ quyền lợi cho khách hàng; (ii) Quy định cụ thể về hoạt động ví điện tử² như: Hồ sơ mở ví điện tử, xác thực thông tin khách hàng mở ví điện tử, yêu cầu ví điện tử phải liên kết với tài khoản thanh toán/thẻ ghi nợ nội địa của khách hàng, việc sử dụng ví điện tử nhằm hạn chế các rủi ro liên quan đến hoạt động ví điện tử; (iii) Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử phải cung cấp công cụ để NHNN giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ ví điện tử; (iv) Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử³ phải quy định và thông báo các điều kiện, điều khoản sử dụng dịch vụ cho khách hàng, hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ, các quy định về xử lý tra soát, khiếu nại...
Theo đó, Thông tư yêu cầu khách hàng mở ví điện tử phải cung cấp các thông tin cá nhân định danh như: chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước, hộ chiếu còn thời hạn, giấy khai sinh (đối với cá nhân là công dân Việt Nam chưa đủ 14 tuổi)...
Tổ chức cung ứng dịch vụ ví phải yêu cầu khách hàng hoàn thành việc liên kết ví với tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ trước khi sử dụng ví điện tử. Khách hàng được liên kết ví với một hoặc nhiều tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ tại các ngân hàng liên kết.
Tổng hạn mức giao dịch qua các ví điện tử cá nhân của một khách hàng tại tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử (bao gồm giao dịch thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp và giao dịch chuyển tiền từ ví điện tử cho ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử mở) tối đa 100 triệu đồng/tháng. Trừ trường hợp ví điện tử cá nhân của người có ký hợp đồng/thỏa thuận làm đơn vị chấp nhận thanh toán với tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử.
Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử không được phép cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng ví điện tử, trả lãi trên số dư ví điện tử hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên ví điện tử so với giá trị tiền khách hàng nạp vào ví điện tử.
Khi sử dụng ví điện tử, khách hàng (chủ ví điện tử) chỉ được nạp tiền vào ví điện tử từ tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng tại ngân hàng và nhận tiền từ ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử mở.
Mục đích sử dụng ví điện tử để thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp; chuyển tiền cho ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử mở; rút tiền ra khỏi ví điện tử về tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng tại ngân hàng.
Thông tư 23/2019/TT-NHNN cũng quy định nghiêm cấm hành vi sử dụng ví điện tử để thực hiện các giao dịch cho các mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận và các hành vi vi phạm pháp luật khác... Chủ ví điện tử cũng không được cho thuê, cho mượn ví điện tử hoặc mua, bán thông tin ví điện tử.
Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử phải cung cấp công cụ để NHNN giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ ví điện tử.
Những quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng, hạn chế những rủi ro trong sử dụng ví điện tử và nâng cao trách nhiệm của tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT.
Chú trọng việc xác thực tài khoản ví điện tử
Ngoài ra, việc định danh tài khoản ví điện tử đang được chú trọng nhằm ngăn ngừa những rủi ro trong thanh toán. Đối với việc xác thực tài khoản ví điện tử: theo quy định của NHNN tại Thông tư 23/2019/TT-NHNN, tổ chức phát hành ví điện tử phải xác thực thông tin khách hàng, hoàn thành việc kiểm tra, đối chiếu, đảm bảo hồ sơ mở ví điện tử đầy đủ, hợp pháp, hợp lệ theo quy định trước khi kích hoạt ví điện tử.
Để phù hợp với quy định pháp lý hiện hành và thực tế, khách hàng có thể đăng ký và sử dụng ví điện tử qua các kênh trực tuyến, Thông tư 23/2019/TT-NHNN đã quy định khách hàng đăng ký mở ví điện tử có thể xuất trình các tài liệu dưới hình thức bản chính hoặc bản sao hoặc bản quét (scan) từ bản gốc hoặc hình thức khác theo quy định của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử; đồng thời, cho phép khách hàng thực hiện xác thực trực tiếp tại trụ sở, chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử hoặc các kênh giao dịch trực tuyến theo quy định của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử và phù hợp với quy định của pháp luật. Do đó, quy trình thủ tục xác thực ví điện tử đơn giản, tốn ít chi phí hơn nhiều so với quy trình, thủ tục xác thực khách hàng của ngân hàng.
Với việc xác thực tài khoản ví điện tử, khách hàng chỉ cần thực hiện vài thao tác trên điện thoại và làm được ở bất kỳ đâu. Công nghệ đó là eKYC hay còn được gọi là xác thực tài khoản điện tử. eKYC được hiểu là định danh khách hàng điện tử, là phát triển của công nghệ và để đơn giản hóa các thủ tục, giấy tờ, tạo thuận lợi cho người dùng ví. Thay vì định danh khách hàng bằng gặp mặt trực tiếp, qua đối chiếu chứng từ giấy khá phiền phức, eKYC thực hiện định danh người dùng bằng phương thức điện tử không cần gặp mặt trực tiếp, nhờ sự hỗ trợ của các công nghệ tiên tiến như kiểm tra, đối chiếu thông tin cá nhân tức thì với cơ sở dữ liệu tập trung về danh tính người dùng, xác thực sinh trắc học, nhận diện khách hàng nhờ trí tuệ nhân tạo (AI)...
Áp dụng eKYC giúp các ví điện tử tiết kiệm được thời gian, tiền bạc và nhân lực cho công tác xác thực tài khoản người dùng, đồng thời, giúp khách hàng có trải nghiệm người dùng tốt hơn với dịch vụ công nghệ tiên tiến mà các ví điện tử mang lại. Xác thực tài khoản điện tử không những an toàn mà còn dễ dàng thực hiện. Đây là ưu điểm lớn nhất mà việc xác thực tài khoản điện tử mang lại cho người dùng. Với người dùng ví điện tử, bạn chỉ cần chuẩn bị chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu còn hiệu lực pháp lý. Sau đó, mở ứng dụng và thực hiện như hướng dẫn là hoàn thành việc xác thực tài khoản điện tử.
Phương thức định danh khách hàng điện tử - eKYC thực sự sẽ giúp các ví điện tử thuận tiện hơn rất nhiều trong việc đơn giản hóa thủ tục, nâng cao trải nghiệm khách hàng, nâng cao độ bảo mật. Có thể nói đây là một xu hướng phát triển tất yếu trong kỷ nguyên số khi nền kinh tế số trở nên ngày càng rõ nét hiện nay. Và eKYC ngày càng đóng vai trò quan trọng, là dịch vụ nền tảng thiết yếu cho việc phát triển mô hình không tiền mặt tại Việt Nam.
Hiện nay, các ví điện tử hàng đầu trên thị trường đều đã cung cấp nhiều lớp bảo vệ cho tài khoản người dùng như OTP, xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt... nhưng nếu không xác thực tài khoản thì chưa thể giải quyết tận gốc những rủi ro, đặc biệt là việc mạo danh tài khoản để thực hiện mục đích xấu. Do đó, vấn đề định danh với tài khoản ví điện tử cần phải được chú trọng.
Sau khi xác thực tài khoản ví điện tử, người dùng sẽ an tâm hơn vì đã được xác minh chính chủ, giảm thiểu nguy cơ bị giả mạo và nếu lỡ có sự cố cũng dễ dàng xử lý. Cũng như thẻ ATM, thẻ tín dụng thì ví điện tử cũng là phương thức thanh toán trong thời đại mới, có tiện lợi, có nhanh chóng thì kèm theo các yêu cầu bảo mật là điều hiển nhiên.
Hơn nữa, tội phạm mạng sẽ khó khăn hơn khi muốn tấn công các ví điện tử đã xác định chính chủ. Một số người dùng ví điện tử đã bị lộ thông tin bởi vì tài khoản chưa được xác thực. Để ngăn chặn hành vi của kẻ gian thì người dùng nhất định phải xác thực tài khoản ví điện tử của mình. Việc định danh người dùng ví điện tử sẽ giúp cơ quan chức năng quản lý tốt hơn các giao dịch không tiền mặt - một xu hướng đang ngày càng phổ biến.
Liên quan đến xác thực khách hàng điện tử, NHNN đang lấy ý kiến đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN về hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Trong đó, sửa đổi lớn nhất liên quan đến việc cho phép NHTM được quyết định gặp hoặc không gặp trực tiếp khách hàng khi lần đầu thiết lập mối quan hệ. Điều này không chỉ các NHTM mà cả hệ thống tài chính, trong đó có các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT (cung ứng dịch vụ ví điện tử) mong chờ.
¹ Điều 8 Thông tư 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ TGTT.
² Điều 9 Thông tư 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ TGTT.
³ Khoản 1 Điều 13 Thông tư 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ TGTT.
Tài liệu tham khảo:
1. Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN về hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
2. Thông tư 23/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán.
Nguyễn Mai Hoa
Chuyên đề Công nghệ và Ngân hàng số, số 07/2020