Tính đến cuối 2010, hệ thống NHTM gồm có 5 NHTM Nhà nước, 37 NHTM cổ phần, 50 chi nhánh NHTM nước ngoài, 5 NHTM liên doanh, 5 NH 100% vốn nước ngoài.
1. Thực trạng thanh khoản tại các NHTM giai đoạn 2006 - 2017
Về lý thuyết, tính thanh khoản của ngân hàng thương mại (NHTM) được xem như khả năng đáp ứng những nhu cầu tức thời về tiền của NHTM như rút tiền gửi và giải ngân các khoản tín dụng đã cam kết, chi trả chi phí hoạt động hay những nhu cầu cần phải thanh toán bằng tiền khác. Do đó, rủi ro thanh khoản là loại rủi ro khi ngân hàng (NH) không có khả năng cung ứng đầy đủ lượng tiền mặt cho nhu cầu thanh khoản tức thời hoặc cung ứng đủ nhưng với chi phí cao.
1.1. Khái quát về hệ thống NHTM Việt Nam
Tính đến cuối 2010, hệ thống NHTM gồm có 5 NHTM Nhà nước, 37 NHTM cổ phần, 50 chi nhánh NHTM nước ngoài, 5 NHTM liên doanh, 5 NH 100% vốn nước ngoài. (Bảng 1)
Từ năm 2010, do ảnh hưởng của thị trường thế giới cũng như hệ quả của quá trình mở rộng quá nhanh trước đây, hệ thống ngân hàng đã bộc lộ một số vấn đề bất cập. Chất lượng tín dụng sụt giảm, thanh khoản của hệ thống bất ổn, nguy cơ gây ra đổ vỡ hệ thống... Vì vậy, đầu năm 2012, hệ thống NHTM bắt đầu quá trình tái cơ cấu theo Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011-2015 (Đề án 254). Sau 05 năm triển khai, đề án cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra, xử lý cơ bản được các NHTM yếu kém và giữ được ổn định chung của toàn hệ thống. Từ năm 2012 đến năm 2015, hệ thống đã giảm đi 5 NHTM cổ phần thông qua hoạt động sáp nhập, hợp nhất (Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Nhà Hà Nội, Phương Tây, Đại Á) và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua lại 3 NHTM cổ phần (VNCB, OceanBank và GPBank). Đến cuối năm 2015, hệ thống có 7 NHTM Nhà nước (gồm 3 NHTM được Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, Agribank và 4 NHTM cổ phần Nhà nước), 28 ngân hàng TMCP, 5 NH 100% vốn nước ngoài, 5 NH liên doanh. Tuy nhiên, hệ thống vẫn tiềm ẩn những vấn đề đáng lo ngại về sở hữu chéo, nợ xấu ở mức cao cũng như năng lực tài chính của các NHTM vẫn ở mức kém.
Chính vì vậy, Đề án Tái cơ cấu NH giai đoạn 2 (2016 - 2020) được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1058/QĐ-TTg, với các mục tiêu cụ thể: Tiếp tục cắt giảm tỷ lệ nợ xấu một cách bền vững và cắt giảm đáng kể số NHTM yếu kém; kéo lãi suất cho vay xuống mức trung bình của các nước đang phát triển là khoảng 5%/năm; đảm bảo 70% số NHTM thực hiện đầy đủ Basel II vào năm 2020. Đến nay, sau gần 2 năm, quá trình này đã đạt được kết quả bước đầu. NHNN đã phê duyệt phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của 3/4 NHTM Nhà nước. Các NHTM cổ phần tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện trên các mặt tài chính, quản trị và hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, năng lực cạnh tranh. Nợ xấu của toàn hệ thống tiếp tục được kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3%. Bên cạnh đó, một số mục tiêu cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện như yêu cầu tăng vốn để đảm bảo an toàn hoạt động. Theo tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tới cuối năm 2020 nhu cầu vốn tự có tăng thêm của 3 NH VietinBank, BIDV và Vietcombank dự kiến gấp 1,8 - 2 lần so với thời điểm hiện tại mới có thể đáp ứng quy định của Basel II. Nhưng các NHTM Nhà nước này chưa được sử dụng lợi nhuận giữ lại để tăng vốn, trong khi đó, tăng vốn theo hình thức bán cổ phần bị hạn chế bởi quy định về tỷ lệ nắm giữ cổ phần tối thiểu của Nhà nước.
Hiện nay, hệ thống NHTM đang trong giai đoạn tiếp tục cơ cấu lại để đảm bảo an toàn hoạt động và hướng tới quản trị điều hành theo thông lệ quốc tế. Trong đó, những vấn đề cụ thể được quy định chi tiết trong các văn bản pháp lý riêng. Đặc biệt là quản lý thanh khoản của các NHTM được quan tâm và các quy định được cập nhật liên tục.
1.2. Hiện trạng thanh khoản tại các NHTM
Nghiên cứu thanh khoản hệ thống các NHTM trong giai đoạn 2006-2017, có thể thấy, về cơ bản được đảm bảo an toàn. Trong giai đoạn này, tình trạng khủng hoảng thanh khoản diện rộng không xảy ra. Song cũng có NH đôi lúc còn căng thẳng thanh khoản và những khó khăn thanh khoản cục bộ đối với một số NHTM. Những trường hợp căng thẳng thanh khoản của hệ thống NHTM có thể được nhận biết thông qua biến động lãi suất trên thị trường.
Căng thẳng thanh khoản của hệ thống trong giai đoạn 2006 đến 2011 có 3 lần xảy ra với diễn biến và tính chất khác biệt nhau. Cụ thể từng lần như sau: (Biểu đồ 1)
Lần thứ nhất là vào năm 2008, khi tỷ lệ tín dụng/huy động vốn của hệ thống vượt qua mức 100% từ tháng 1/2008 thì ngay từ tháng 2/2008, lãi suất huy động vốn và cho vay tăng cao. Cụ thể, các NHTM phải áp dụng nhiều hình thức khuyến mại bằng tiền, hiện vật để tìm cách thu hút nguồn vốn. Xuất hiện tình trạng huy động vốn với kỳ hạn rất ngắn, tương tự như thị trường liên ngân hàng (LNH) với mức lãi suất rất cao. Các kỳ hạn đã được huy động là từ 2 đến 6 ngày với mức lãi suất hấp dẫn từ 0,45-0,65%/tháng. Tình trạng này kéo dài đến tháng 7 khiến cho mặt bằng lãi suất trên thị trường bán lẻ liên tục tăng. Mức tăng bình quân theo tháng từ 1 đến 2%/năm. Kết quả là mức lãi suất huy động vốn kỳ hạn 6 tháng tăng mạnh lên mức 10,5%/năm, vượt ngưỡng hơn 0,61%/năm so với quy định về mức lãi suất không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản. Đồng thời, mức lãi suất cho vay cũng tăng lên đáng kể. Đến tháng 7/2008, mức lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân của các NHTM tăng lên mức 13,8%/năm, trước tháng 2/2008 dao động ổn định quanh mức 12,3-12,7%/năm. Tình hình căng thẳng hơn khi chịu thêm ảnh hưởng của thị trường chứng khoán. Bởi vì, các NHTM không thể thực hiện bán giải chấp với các khoản vay kinh doanh chứng khoán khi thị trường sụt giảm. Nguyên nhân là do VNIndex sụt giảm trên 60% trong 6 tháng đầu năm 2008. Để tránh tình trạng trở nên tệ hơn, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã vận động ngừng bán giải chấp cổ phiếu.
Lần thứ hai thanh khoản NHTM có biểu hiện căng thẳng là tháng 12/2009 khi lãi suất tái cấp vốn ở mức 8%/năm. Tỷ lệ vốn thanh khoản/tiền gửi huy động từ nền kinh tế tháng 12/2009 giảm ở tất cả các nhóm NHTM so với cuối năm 2008. Trong đó: Nhóm NHTM Nhà nước giảm từ 34,5% xuống 25,8%; Nhóm NHTM cổ phần giảm từ 47,2% xuống 43,4%; Nhóm NH liên doanh và NH nước ngoài giảm từ 65,3% xuống 60,8%. Cuối tháng 12/2009, số dư huy động vốn của các NHTM từ thị trường LNH tăng 65,8% so với cuối năm 2008. Riêng tháng 12/2009, huy động vốn trên thị trường LNH tăng đột biến (gần 21%) so với tháng 11/2009. Theo đó: Tỷ lệ huy động vốn từ thị trường LNH so tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tăng từ 21,6% năm 2008 lên 26%; Tỷ lệ chênh lệch (tổng dư nợ tín dụng - huy động vốn trên thị trường I) so với huy động vốn trên thị trường LNH tăng từ -25,3% năm 2008 lên 5,4% năm 2009. Lãi suất LNH qua đêm và 1 tuần tăng mạnh. Trong khi lãi suất thị trường mở và tái cấp vốn chỉ tăng 1% từ mức 7% lên 8%/năm vào tháng 12/2009 thì lãi suất LNH bình quân tăng từ mức trung bình 6%/năm ở các tháng trong năm lên gần 11%/năm vào tháng 12 đối với kỳ hạn qua đêm, tăng từ 8%/năm lên 12%/năm đối với kỳ hạn 1 tuần.
Lần thứ ba trong giai đoạn từ tháng 10/2010 - 1/2011, tỷ lệ tín dụng/huy động vốn VND của toàn hệ thống TCTD tăng đáng kể từ mức 98,6% tháng 10/2010 lên mức 100,07% tháng 11/2010. Mặc dù đến thời điểm cuối năm 2010, tỷ lệ này đã giảm nhẹ xuống còn 99,1%. Nhưng ngay sau đó, vào tháng 1/2011, mức 100% lại tiếp tục bị vượt qua và duy trì đến tháng 5/2011. Nguyên nhân chủ yếu do tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh hơn tăng trưởng huy động vốn bằng VND liên tục diễn ra trong vòng 6 tháng kể từ tháng 10/2010. Thậm chí trong 3 tháng đầu năm 2011, số dư huy động vốn VND vào hệ thống NHTM liên tiếp giảm so với các tháng liền trước. Trên thị trường LNH, mức lãi suất qua đêm tăng liên tục. Mặc dù, trước đó, lãi suất đang duy trì xu hướng giảm từ đầu năm 2010 thì xu hướng ngược lại đã được xác lập từ tháng 7 đến cuối năm. Từ tháng 7/2010 đến tháng 10/2010, mức tăng bình quân tháng của mặt bằng lãi suất LNH liên tục là từ 0,1-0,5%/năm. Đến tháng 11/2010, chỉ trong vòng 1 tháng, mức lãi suất đã tăng cao đột biến 2,8%/năm lên mức 10,3%/năm vào tháng 11/2010. Lãi suất bình quân các kỳ hạn từ 1 tuần đến 12 tháng dao động xung quanh mức 13,3-13,5%/năm, cao hơn mức ổn định 7-11%/năm trong các tháng trước đó. Đồng thời, các NHTM tăng vay mượn trên thị trường LNH từ tháng 8/2010. Mức tăng mạnh nhất diễn ra vào tháng 10/2010 với mức tăng theo tháng đạt 19,3%. Sự gia tăng lãi suất này chính là nguyên nhân giúp cho tỷ lệ dư nợ/huy động vốn của các NHTM có dấu hiệu sụt giảm nhẹ vào cuối năm. Bởi vì, số dư huy động vốn VND của các NHTM từ thị trường LNH trong 11 tháng đầu năm tăng khá so với cuối năm 2009, đạt 14,34%. Tỷ lệ vốn huy động từ thị trường LNH/tổng vốn huy động tăng từ mức phổ biến 14% trong 7 tháng liền trước lên mức 17,1% tháng 11/2010 và tăng lên mức cao nhất 21,03% vào tháng 1/2011.
Nguyên nhân gây ra tình trạng rủi ro thanh khoản của các NHTM trong thời gian này là do nhiều yếu tố, từ điều kiện khách quan đến các yếu tố chủ quan của NHTM. Điều kiện khách quan có thể kể đến là ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, điều kiện kinh tế vĩ mô trong nước. Nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là các yếu tố chủ quan của hệ thống khi các NHTM không đáp ứng được các yêu cầu về đảm bảo an toàn thanh khoản của NHNN đưa ra cũng như vấn đề về xử lý khủng hoảng thông tin liên quan đến uy tín, ảnh hưởng của Ban Lãnh đạo NHTM.
1.3. Khung pháp lý về quản lý thanh khoản tại các NHTM
Từ Quyết định 457/2005/QĐ-NHNN về tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của các TCTD, các định hướng ban đầu về đảm bảo an toàn thanh khoản của các NHTM đã được quy định. Cụ thể gồm có: (i) yêu cầu nhân sự cũng như cách thức quản lý thanh khoản đối với các NHTM. NHNN yêu cầu các NHTM đều phải thành lập bộ phận chuyên biệt dưới sự điều hành của thành viên Ban Giám đốc (Ban Tổng Giám đốc) để quản lý chiến lược và chính sách đảm bảo khả năng chi trả của NHTM. Cụ thể hơn về cách thức vận hành, các quy định về việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm và các dự kiến/phương án ứng phó cũng được đưa ra; (ii) mức an toàn tối thiểu về tỷ lệ an toàn vốn, tỷ lệ khả năng chi trả cho kỳ hạn 7 ngày và 30 ngày, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung dài hạn. Có thể nói, Quyết định 457 có vai trò quan trọng trong việc hình thành ý thức về quản lý thanh khoản trong hoạt động của các NHTM.
Trong giai đoạn 2006-2010, NHNN đẩy mạnh hoàn thiện các quy định pháp lý trong lĩnh vực ngân hàng để đảm bảo an toàn hệ thống. Nổi bật là yêu cầu nâng mức vốn pháp định và tăng cường kiểm soát việc chuyển đổi các NHTM cổ phần nông thôn lên thành các NHTM cổ phần đô thị. Đồng thời, các quy định về đảm bảo an toàn thanh khoản của hệ thống tiếp tục được bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với điều kiện của hệ thống cũng như tiến gần đến các thông lệ quốc tế. Cụ thể là Thông tư 15/2009/TT-NHNN đã quy định “Quy định về tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn đối với TCTD”. Thông tư 13/2010/TT-NHNN ngày 20/05/2010 “Quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD” quy định chi tiết về tỷ lệ an toàn vốn, tỷ lệ khả năng chi trả, tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động.
Trong giai đoạn cơ cấu lại hệ thống theo Đề án 254, NHNN đã phối hợp với các NHTM lành mạnh để cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng yếu để giảm thiểu rủi ro thanh khoản của hệ thống. Ðồng thời, NHNN đã cho các NHTM gia hạn nợ đối với doanh nghiệp (DN) và cho phép một số NHTM mua bán nợ dưới dạng cho DN vay và nợ của các TCTD vay lẫn nhau. Đồng thời, NHNN ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TT 36). TT 36 đã tập trung được tất cả các quy định trước đây và tiếp tục nâng dần quy định về đảm bảo an toàn thanh khoản của các NHTM. Quy định của TT 36 đã chi tiết hơn về quản trị nội bộ về thanh khoản của NHTM cũng như các tỷ lệ an toàn thanh khoản. Các tỷ lệ về khả năng chi trả đã được quy định tương đối đầy đủ nhằm phòng ngừa rủi ro thanh khoản, rủi ro chênh lệch kỳ hạn của NHTM như: Tỷ lệ dự trữ thanh khoản (báo cáo theo ngày); Tỷ lệ khả năng chi trả trong vòng 30 ngày (theo ngày); Tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để đầu tư trung và dài hạn; Tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để đầu tư trái phiếu chính phủ; Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi. Trong đó, tỷ lệ khả năng chi trả trong vòng 30 ngày và tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để đầu tư trung và dài hạn có ý nghĩa gần giống với các khuyến nghị về thanh khoản của Basel III (LCR và NSFR).
Đến giữa năm 2016, Thông tư 06/2016/TT-NHNN (TT06) được ban hành nhằm sửa đổi và bổ sung một số điều của TT 36. Trong đó, các nội dung về quản lý thanh khoản đã có những thay đổi quan trọng: (i) Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn điều chỉnh giảm từ 60% xuống 40% đối với NHTM và quy định lộ trình giảm trong 2 năm (2017: 50%, 2018: 40%); (ii) Định nghĩa lại khái niệm NHTM Nhà nước, giữ nguyên tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng tiền gửi đối với nhóm NHTM cổ phần Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ là 80%; (iii) Thay đổi tỷ lệ đầu tư trên vốn ngắn hạn đối với NHTM Nhà nước từ 15% lên 25%, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ 15% lên 35%, Ngân hàng Hợp tác xã từ 40% về 35%. Bổ sung nguồn vốn ngắn hạn bao gồm cả các khoản tiền gửi cá nhân và tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức. Như vậy, các quy định về an toàn thanh khoản của hệ thống NHTM được điều chỉnh theo hướng chú trọng hơn đến đảm bảo an toàn thanh khoản trong dài hạn, tránh tình trạng các NHTM lạm dụng chuyển đổi kỳ hạn.
Nhìn lại quá trình phát triển của hệ thống có thể thấy, các vấn đề về thanh khoản của hệ thống đã luôn được NHNN hết sức quan tâm và điều hành sát sao. Bởi vì, chính những yếu kém về thanh khoản là nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc phải thực hiện cơ cấu lại hệ thống để đảm bảo an toàn và phát triển lành mạnh.
2. Một số khuyến nghị
Từ việc nhận biết nguyên nhân của tình trạng khó khăn thanh khoản của NHTM cũng như đánh giá hệ thống pháp lý hiện nay về quản lý thanh khoản được NHNN ban hành, tác giả xin đề xuất một số khuyến nghị nhằm khắc phục tình trạng căng thẳng thanh khoản của các NHTM.
2.1. Đối với cơ quan quản lý
Việc xây dựng được hệ thống hành lang pháp lý phù hợp với hệ thống NHTM là nhiệm vụ hàng đầu và có vai trò hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, những vấn đề về cảnh báo và giám sát hệ thống, cùng với công tác phối hợp xử lý khủng hoảng thông tin trong giai đoạn căng thẳng là đặc biệt quan trọng, trong đó cần hướng đến:
Thứ nhất, xây dựng hệ thống chỉ số phản ánh thanh khoản của cả hệ thống: với góc độ của cơ quan quản lý hệ thống, NHNN không chỉ cần quan tâm đến việc xây dựng được các tiêu chuẩn đánh giá cho từng NHTM mà còn phải có hệ thống chỉ số cảnh báo chung cho cả thị trường. Hệ thống cảnh báo sớm về thanh khoản cho toàn thị trường sẽ có vai trò đặc biệt quan trọng với an toàn thanh khoản của cả hệ thống. Hệ thống này sẽ giúp cảnh báo trước được các trường hợp căng thẳng thanh khoản với biểu hiện là lãi suất thị trường liên tục tăng cao như đã phân tích. Việc giám sát an toàn của hệ thống chỉ dựa vào đảm bảo các hệ số của từng NHTM đáp ứng theo yêu cầu là không đủ. Trong điều kiện các NHTM sẽ phụ thuộc lớn vào đặc điểm của thị trường tài chính thì những chỉ báo chung của thị trường sẽ có tác dụng lớn trong việc cảnh báo cho NHNN lường trước những ảnh hưởng có thể có từ môi trường vĩ mô đến hệ thống. Từ đó, NHNN có các chính sách điều tiết thị trường một cách kịp thời. Hệ thống chỉ số của thị trường có thể áp dụng gồm có các mô hình định lượng về cảnh báo sớm rủi ro thanh khoản cho hệ thống NHTM, áp dụng các chỉ số thanh khoản cho toàn hệ thống theo quy định Basel…
Thứ hai, đảm bảo công tác giám sát hệ thống NHTM và có chế tài xử phạt thích đáng. Trường hợp mất thanh khoản của 3 NHTM thực hiện hợp nhất vào năm 2011 được nhìn nhận nguyên nhân do chủ quan trong quá trình hoạt động của bản thân các NHTM. Mặc dù đã được xử lý nhanh chóng, tuy nhiên, những thiệt hại của ngân sách vẫn chưa được công bố. Do đó, vai trò của công tác giám sát hệ thống NHTM là rất quan trọng. Thực hiện giám sát thường xuyên sẽ giúp NHNN sớm phát hiện được trường hợp các NHTM đang có nguy cơ xảy ra rủi ro thanh khoản. Từ đó, NHNN có thể áp dụng các chế tài chấn chỉnh sớm ngay từ thời điểm phát sinh để tránh những rủi ro chung cho hệ thống.
Thứ ba, vấn đề về xử lý khủng hoảng truyền thông là rất quan trọng với thanh khoản. Vai trò thanh khoản của NHTM chỉ thực hiện được khi niềm tin của người gửi tiền được củng cố. Trường hợp ACB xảy ra sự cố về khủng hoảng thanh khoản, có thể nói, nguyên nhân không bắt nguồn từ hoạt động kinh doanh thường xuyên mà là từ vấn đề về truyền thông. Do đó, NHNN cùng các cơ quan chức năng cần hết sức thận trọng khi có bất cứ thông báo nào về tình hình của NHTM. Nếu xảy ra trường hợp bất khả kháng phải công bố về các thông tin tiêu cực liên quan đến các NHTM, NHNN có thể yêu cầu các NHTM có sự chuẩn bị trước và lên các phương án đối phó kỹ lưỡng.
2.2. Đối với các NHTM
Mọi quyết định kinh doanh của NHTM đều phải cân bằng giữa rủi ro và lợi ích. Do đó, với mục tiêu chính là sinh lợi thì việc đảm bảo an toàn thanh khoản thậm chí đôi khi còn được nhìn nhận như là “vật cản”. Tuy nhiên, các trường hợp căng thẳng thanh khoản đã xảy ra cũng cho các NHTM một số bài học. Cụ thể:
Thứ nhất, NHTM phải tuyệt đối tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn trong thanh khoản nói riêng và tuân thủ các quy định về hoạt động kinh doanh trong ngân hàng nói chung. Đối với các tỷ lệ an toàn thanh khoản, thậm chí, trong thực tiễn hoạt động, các NHTM cần duy trì mức độ an toàn cao hơn so với quy định tối thiểu của cơ quan chức năng. Điều này sẽ giúp các NHTM có thêm cơ hội tránh được rủi ro từ các yếu tố bất thường trong kinh doanh. Đối với tuân thủ các quy định về hoạt động kinh doanh, những vi phạm về mặt pháp luật, có khi chỉ từ một thành viên của Ban điều hành, cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn thanh khoản của cả ngân hàng. Do đó, hoạt động giám sát và kiểm tra trong ngân hàng cần phải được thực hiện thường xuyên. Từ đó, có thể kịp thời phát hiện những sai sót và điều chỉnh.
Thứ hai, các NHTM hoạt động kinh doanh cần tránh tình trạng chạy đua lãi suất huy động, cạnh tranh không lành mạnh bằng giá. Phương pháp cạnh tranh này sẽ gây thiệt hại cho chính bản thân các NHTM nhiều nhất. Sự hỗn loạn trên thị trường huy động vốn dân cư trong các giai đoạn căng thẳng của hệ thống cũng phần nào làm cho tình trạng chung trở nên tệ hơn. Thay vào đó, các NHTM có thể cạnh tranh thông qua các chính sách phi giá như nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện tăng cường quan hệ với khách hàng…
Thứ ba, thực hiện tốt quản lý khe hở thanh khoản và các vấn đề liên quan đến rủi ro lãi suất. Các NHTM cần hoàn thiện các quy định liên quan đến huy động và cho vay (nhất là huy động, cho vay trung, dài hạn) theo lãi suất thị trường; cần có cách giải quyết khoa học để không xảy ra tình trạng các khách hàng gửi tiền rút tiền trước hạn khi lãi suất thị trường tăng cao hoặc khi có các đối thủ khác đưa ra lãi suất cao, hấp dẫn khách hàng hơn. Ngoài ra, quản lý sự không cân đối về kỳ hạn giữa tài sản nợ và tài sản có của ngân hàng là nội dung quan trọng để quản lý thanh khoản được hiệu quả.
Có thể nói, dù hệ thống NHTM Việt Nam chưa gặp phải cuộc khủng khoảng thanh khoản hệ thống, tuy nhiên, quản lý thanh khoản của các NHTM luôn cần được quan tâm và hoàn thiện để đảm bảo an toàn hoạt động và hướng tới quản trị điều hành theo thông lệ quốc tế.
1 VN Economy, Ba ngân hàng hợp nhất là “tự nguyện”, 6 tháng 12 năm 2011. http://vneconomy.vn/20111206101234647P0C6/ba-ngan-hang-hop-nhat-la-tu-nguyen.htm
TS. Đỗ Hoài Linh
ThS. Lại Thị Thanh Loan
Nguồn: TCNH số 21-2018