Bài học từ Chiến thắng 30/4/1975
Trước những diễn biến mới có lợi do yếu tố thời cơ mang lại, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp vào tháng 10/1974 và có sự chỉ đạo chiến lược kịp thời khai thác tình hình chính trị nước Mỹ và sự suy yếu của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Theo đó, tháng 01/1975 Bộ Chính trị quyết định mục tiêu giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 - 1976 và dự kiến nếu thời cơ đến sớm sẽ giải phóng miền Nam trong năm 1975. Tận dụng thời cơ chiến lược quan trọng đến từ chiến thắng Phước Long và chiến thắng Ban Mê Thuột, Bộ Chính trị họp ngày 25/3/1975 nêu nhiệm vụ cụ thể giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa. Đến cuộc họp ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị đã nhận định, thời cơ chiến lược tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt của địch đã hoàn toàn chín muồi, cần có quyết tâm lớn hoàn thành trận quyết định chiến lược cuối cùng tốt nhất trong tháng 4/1975. Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Bộ chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Sài Gòn do tập thể các ủy viên Bộ Chính trị tại chiến trường (các đồng chí Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng) lãnh đạo, chỉ đạo. Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng, trực tiếp làm Tư lệnh Bộ Chỉ huy chiến dịch. Đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy. Trước đó, ngày 25/3/1975, Hội đồng chi viện chiến trường đã được thành lập, do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Bộ Chính trị cũng đã quyết định tiến hành chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ ngày 09 đến ngày 30/4/1975). Sự chuẩn bị khẩn trương để chớp thời cơ của Đảng ta đã góp phần tạo nên thắng lợi rực rỡ, có ý nghĩa lịch sử, giành độc lập toàn vẹn cho Tổ quốc, đưa đất nước bước vào một trang sử mới.
Chiến thắng 30/4/1975 mang tầm vóc lịch sử và giá trị thời đại to lớn, là thành quả vĩ đại của sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam được hun đúc theo chiều dài lịch sử, nâng lên một tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh và để lại nhiều bài học có giá trị sâu sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Bên cạnh giá trị lịch sử, chiến thắng 30/4/1975 còn để lại những bài học kinh nghiệm có giá trị to lớn về nghệ thuật quân sự: Đó là nghệ thuật đánh giá khách quan, toàn diện tình hình địch và ta trên chiến trường, xác định hướng, mục tiêu tiến công chính xác; nghệ thuật tạo lập thế trận vững chắc, xác định phương pháp tác chiến tiến công linh hoạt, sáng tạo; từng bước thít chặt vòng vây và hình thành thế trận tiến công theo hướng linh hoạt và hiểm yếu, đánh thắng các mục tiêu chủ yếu; thể hiện nghệ thuật bao vây, chia cắt với tập trung lực lượng, đột phá, thọc sâu táo bạo, nhanh chóng và đồng loạt tiêu diệt mục tiêu chủ yếu; phối hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự, với nổi dậy của quần chúng đạt hiệu quả cao.
Đặc biệt, Chiến thắng 30/4/1975 càng khẳng định bài học về sự đoàn kết, thống nhất và kiên định sự lãnh đạo của Đảng, chăm lo xây dựng Đảng vững mạnh về mọi mặt, nâng cao năng lực lãnh đạo, bản lĩnh trí tuệ, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên; giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy ý chí tự lực tự cường, truyền thống yêu nước, ý chí cách mạng của các tầng lớp nhân dân và của toàn dân tộc, tranh thủ khai thác tối đa những điều kiện thuận lợi và nguồn lực thế giới, của nhân loại tiến bộ để tạo thêm nguồn sức mạnh, tạo thế và lực mới cho quá trình chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sự vận dụng tinh thần và bài học Chiến thắng 30/4/1975 vào cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”
Trước sự lây lan của dịch Covid-19 trên thế giới, từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch. Quy mô, địa bàn và mức độ lây lan qua mỗi đợt đều có xu hướng phức tạp hơn...
Sớm nhận diện nguy cơ và thách thức của đại dịch, tập trung quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch, đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt; chỉ đạo tốt, tuân thủ tốt, thực hiện tốt trong điều hành, quản lý công tác phòng, chống dịch ở các cấp trên địa bàn, với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và ưu tiên cao nhất là bảo vệ an toàn sức khỏe, hạn chế số ca tử vong ở mức thấp nhất có thể..., Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư đã ban hành các Kết luận, Thông báo, Điện, Công điện; Tổng Bí thư đã ra Lời kêu gọi, đặc biệt, Lời kêu gọi lần thứ 2 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm hiệu triệu sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, tạo thành sức mạnh tổng hợp để cả đất nước chung sức, đồng lòng, vượt qua và chiến thắng đại dịch; Lãnh đạo chủ chốt thường xuyên thảo luận, thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo và đề ra những định hướng lớn, các phương châm, đường lối, chiến lược về phòng, chống dịch. Các văn bản được thống nhất ban hành đã chỉ đạo các cơ quan trong cả hệ thống chính trị thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội; huy động toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch.
Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết và cho phép Chính phủ quyết định một số cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách để kịp thời áp dụng các biện pháp phù hợp đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện, họp giao ban trực tiếp đến cấp cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch vào những thời điểm cấp thiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo Quốc gia) được kiện toàn, do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban với thành phần được mở rộng, gồm đại diện các Ban Đảng, các cơ quan thuộc Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có nhiệm vụ chỉ đạo đồng bộ, tổng thể công tác phòng, chống dịch và các công tác quan trọng liên quan như bảo đảm an sinh, an ninh trật tự xã hội, dân vận, huy động và vận động xã hội, sản xuất và lưu thông hàng hóa, bảo đảm nguồn lực và thông tin truyền thông. Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia đã họp định kỳ, thường xuyên với các đơn vị địa phương. Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, các Tổ công tác đặc biệt của các bộ, ngành đã được thiết lập đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh để xử lý, giải quyết ngay những nhiệm vụ, các vấn đề cấp bách, phát sinh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 và thành lập Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch các cấp. Căn cứ quy định, chỉ đạo của Trung ương, các địa phương đã khẩn trương, tích cực chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; đã chủ động, linh hoạt bám sát tình hình và áp dụng các biện pháp phù hợp theo thẩm quyền. Nhiều địa phương đã có cách làm hay, mô hình hiệu quả, huy động hệ thống chính trị, các tổ chức, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân tham gia phòng, chống dịch.
Căn cứ vào tình hình dịch bệnh, các địa phương đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo tinh thần các Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 và Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới và lần đầu tiên thực hiện tăng cường giãn cách xã hội tại một số địa bàn với một số biện pháp tương tự như tình trạng khẩn cấp. Kết hợp hài hòa giữa lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, xuyên suốt và phân cấp, phân quyền trong tổ chức thực hiện. Xác định xã, phường là "pháo đài", người dân là "chiến sỹ", là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong hoạt động phòng, chống dịch; đề cao khẩu hiệu "Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân". Các nhiệm vụ về bảo đảm an sinh xã hội, tiếp cận, truy vết, cách ly, chăm sóc y tế cho người dân được giải quyết ngay tại cơ sở với phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng.
Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn địa phương triển khai hiệu quả các hoạt động về sản xuất, cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, không để đứt gãy các chuỗi sản xuất và cung ứng cả trong và ngoài nước…
Bên cạnh đó, các địa phương cũng đảm bảo công tác an sinh xã hội đối với người dân trong khu vực đang thực hiện
cách ly, phong tỏa để người dân đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu, thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch; đáp ứng các nhu cầu về lương thực, thực phẩm, cung cấp đầy đủ các nhu yếu phẩm thiết yếu, nhất là đối với người dân tại các khu vực đang thực hiện cách ly, phong tỏa, các đối tượng yếu thế…
Đẩy mạnh công tác truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch, minh bạch thông tin để tạo sự đồng thuận của toàn xã hội; kịp thời ngăn chặn các thông tin xấu, sai sự thật, các thông tin giả mạo gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của lực lượng chống dịch và gây hoang mang, lo lắng cho người dân; huy động sự tham gia của mọi nguồn lực xã hội; sự đóng góp của các doanh nghiệp, các tổ chức, đơn vị, cá nhân đối với công tác phòng, chống dịch và sự hỗ trợ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế, nhất là trong chiến lược “ngoại giao vắc-xin” và tiêm chủng vắc-xin của Việt Nam.
Đặc biệt, bài học về lựa chọn mục tiêu và thực hiện tập trung lực lượng để quyết chiến chiến lược, tinh thần thần tốc của Chiến thắng 30/4/1975 thể hiện rất rõ trong chỉ đạo các chiến dịch thần tốc xét nghiệm và tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trên toàn quốc từ nguồn vật tư, thiết bị, thuốc y tế nhập khẩu và được hỗ trợ từ các nước và tổ chức quốc tế. Với sự linh hoạt và quyết đoán trong chỉ đạo thực tiễn, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, qua khảo sát tình hình và tham khảo ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia, đã thống nhất chuyển hướng chống dịch với các phương châm quan trọng: Chuyển từ phòng ngự sang tấn công; lấy xã, phường, thị trấn là "pháo đài", người dân là "chiến sỹ", là trung tâm, chủ thể phòng, chống dịch; kịp thời đưa dịch vụ y tế, an sinh xã hội đến gần dân nhất, sát dân nhất; tập trung huy động các nguồn lực hỗ trợ, chi viện kịp thời cho các địa phương có dịch và có nguy cơ cao bùng phát mạnh để nhanh chóng dập dịch.
Trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các địa phương đã kế thừa các nguyên tắc, biện pháp được áp dụng trong các đợt dịch trước; đúc kết các bài học kinh nghiệm từ thực tiễn, bổ sung và hình thành công thức trong phòng, chống dịch: 5K + vắc-xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân với các trụ cột: Xét nghiệm, cách ly, điều trị; kết hợp hài hòa giữa phòng ngự và tấn công; đồng thời, thành lập Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19, tích cực triển khai ngoại giao vắc-xin và đã tổ chức hiệu quả chiến dịch tiêm chủng thần tốc có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Việt Nam. Chiến dịch đã huy động tổng lực các lực lượng với hàng chục nghìn cơ sở y tế, hàng vạn cán bộ y tế và các lực lượng khác trong cả nước, ở Trung ương và địa phương, gồm cả lực lượng dân y và quân y, công an, quân đội, công lập và khu vực tư nhân.
Có thể khẳng định, những chủ trương, cách thức và giải pháp chống dịch trên cũng chính là những bài học đắt giá được vận dụng từ Chiến thắng 30/4/1975 vào thực tiễn chống dịch Covid-19 của Việt Nam; cho phép tạo hợp lực cộng hưởng sức mạnh chung hết sức cần thiết và có ý nghĩa quyết định để đạt mục tiêu kép: Vừa kiểm soát thành công dịch bệnh, vừa đảm bảo an sinh, an toàn, trật tự xã hội và phát triển kinh tế ở Việt Nam phù hợp với bối cảnh bình thường mới trong thời gian tới.
Thành quả chống dịch và kỳ vọng phục hồi, phát triển kinh tế trong bối cảnh bình thường mới
Kể từ khi xuất hiện dịch Covid-19 tại Việt Nam, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương và mọi người dân đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; trong đó đã kiểm soát thành công trong 3 đợt dịch đầu tiên; đã và đang từng bước kiểm soát được đợt dịch thứ 4 trên phạm vi toàn quốc. Các biện pháp phòng, chống dịch cho đến nay cơ bản là đúng hướng, kịp thời và hiệu quả.
Việc kết hợp đồng bộ, hiệu quả các biện pháp trong điều trị người bệnh đã góp phần giảm số ca tử vong, tránh được cuộc khủng hoảng y tế xã hội như đã diễn ra ở một số quốc gia khác trên thế giới (Ấn Độ, Indonesia, Brazil…). Tác động phối hợp của giãn cách xã hội, xét nghiệm diện rộng, điều trị sớm, bao phủ vắc-xin, bảo đảm an sinh đã đem lại kết quả tích cực.
Hầu hết các địa phương đã kiểm soát tốt dịch bệnh và có nhiều chuyển biến tích cực, ổn định đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều ước tính lạc quan của các chuyên gia, tổ chức quốc tế cho rằng GDP Việt Nam sẽ tăng mạnh từ mức 2,9% năm 2021 lên 7 - 7,5% vào năm 2022; tổng mức bán lẻ (loại trừ yếu tố giá) sẽ tăng 5% trong 2022 (sau mức giảm 6,2% vào 2021). Thặng dư của cán cân thương mại sẽ tăng đến 5% GDP. Capital Economics (Công ty tư vấn nghiên cứu kinh tế có trụ sở ở London) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi và GDP sẽ tăng trưởng 8,8% trong năm 2022, cao hơn so với mục tiêu kế hoạch của Chính phủ là 6,0 - 6,5% và so với mức 2,58% của năm 2021…
Sự lạc quan về sức sống, sự phục hồi và triển vọng tích cực của kinh tế Việt Nam là gam màu chủ đạo trong năm 2022 và được dựa trên cơ sở thực tế tin cậy từ thành công chống dịch Covid-19.
Trên thực tế, hiện nay, Việt Nam đang dần quay trở lại với cuộc sống bình thường mới nhờ là một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao nhất thế giới, với trên 78% dân số đã được tiêm đủ liều vắc-xin ngừa Covid-19. Điều này giúp Việt Nam cải thiện 28 bậc lên vị trí thứ 90 trong bảng "Chỉ số phục hồi Covid-19" của Nikkei công bố trong tháng 01/2022. Đây là nền tảng quan trọng tạo thuận lợi để từ quý IV/2022, Việt Nam quyết đoán từng bước mở cửa, nới lỏng các kiểm soát dịch bệnh, thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh, sớm bình thường hóa các hoạt động kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế.
Đồng thời, các thành quả đạt được trong thập kỷ trước và các tiềm năng tăng trưởng trung hạn của Việt Nam vẫn được duy trì, lạm phát được kiểm soát, nợ công ổn định và dự trữ ngoại hối đạt mức cao kỷ lục…; tất cả tạo bộ đệm để Việt Nam ứng phó với dịch bệnh và các cú sốc từ bên ngoài, nâng mức tăng trưởng GDP quý I/2022 lên 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I/2021 và 3,66% của quý I/2020; đẩy nhanh thời gian mở cửa du lịch, tạo sự bùng nổ trở lại du khách nội địa, tăng thu hút khách du lịch quốc tế.
Hơn nữa, Việt Nam đang nỗ lực thích ứng và khai thác các cơ hội xuất khẩu từ các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), để mở rộng thương mại và hình thành các thị trường xuất khẩu ổn định và đáng tin cậy. Quý I/2022 so với cùng kỳ năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 176 tỷ USD, tăng 14,4%; trong đó, xuất khẩu tăng 12,9%; có 15 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 58%). Việt Nam tiếp tục xuất siêu 809 triệu USD trong quý I/2022 và dự báo sẽ gia tăng trong thời gian tới. Điểm đáng lưu ý là quý I/2022 đã ghi nhận sự đóng góp tích cực hơn trong tăng xuất khẩu của khu vực trong nước, cụ thể xuất khẩu của các nhóm hàng nông sản tăng khoảng 18 - 19%; cá biệt, cà phê, gạo, thủy sản tăng từ 38% đến gần 50%; khu vực kinh tế trong nước có kim ngạch xuất khẩu đạt 23,27 tỷ USD, tăng 22%, chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) (kể cả dầu thô) đạt 65,31 tỷ USD, tăng 10%, chiếm 73,7%. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 87,77 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Nhập siêu dịch vụ quý I/2022 là 4,13 tỷ USD (trong đó phí dịch vụ vận tải và bảo hiểm hàng hóa nhập khẩu là 2,1 tỷ USD). Nhập siêu dịch vụ tăng chứng tỏ các hoạt động kinh tế và giao thương quốc tế của Việt Nam tăng, đồng thời cũng cho thấy khoảng trống cần lấp đầy và cơ hội đầu tư tiềm tàng trong phát triển dịch vụ của Việt Nam, nhất là vận tải logistics quốc tế.
Cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam đang chủ động và linh hoạt hơn trong nắm bắt, đa dạng hóa, nâng cao sức cạnh tranh và uy tín, đáp ứng nhanh và tốt hơn các nhu cầu biến đổi của thị trường, tăng cường tuyển dụng và đào tạo kỹ năng mới cho lao động, tiếp tục nhận thêm nhiều đơn hàng (tiêu biểu là ngành Dệt may). Trong quý I/2022, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng 36,7% so với cùng kỳ năm 2021; tổng vốn đăng ký vào nền kinh tế tăng 21%, trong đó vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động đạt 34,5%. Có tới 82,3% doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được Tổng cục Thống kê khảo sát lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II/2022 với đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý I/2022. Nhóm doanh nghiệp số liên tục phát triển cả về lượng và chất trong thời gian qua.
Dòng vốn FDI chảy vào và thực hiện vẫn duy trì trạng thái khả quan, nhờ lợi thế vị trị địa lý của Việt Nam và di chuyển xuyên biên giới được nới lỏng, chi phí thuê nhân công ở Việt Nam thấp (bằng một phần ba ở Trung Quốc), trong khi chất lượng nguồn lực lao động ngày càng được cải thiện. Trong năm 2020, dòng vốn FDI vào Việt Nam chỉ giảm 2%, trong khi thế giới giảm 40%; năm 2021, dòng vốn FDI vào Việt Nam không giảm; quý I/2022, vốn FDI thực hiện đạt 4,4 tỷ USD, cao nhất cùng kỳ từ năm 2018 đến nay. Trên thực tế đã và đang ghi nhận nhiều dự án FDI mới công nghệ cao và các dự án FDI cũ tiếp tục mở rộng đầu tư. Sự lạc quan của cộng đồng doanh nghiệp được củng cố không chỉ nhờ thành tựu chống dịch, sớm bình thường hóa hoạt động kinh tế, mà còn vì môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện (năm 2021 là năm đầu tiên Việt Nam bước vào nhóm các nền kinh tế có "tự do trung bình" (Moderately Free), tăng 15 bậc so với năm trước và được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) xếp thứ 44, tức nằm trong khoảng tin cậy (từ khoảng 42 đến 47) của thứ hạng này.
Đặc biệt, kỳ vọng tăng trưởng kinh tế năm 2022 còn được sự cộng hưởng từ sự gia tăng các niềm tin đầu tư, việc huy động và sử dụng vốn đầu tư trên cơ sở các thành quả chống dịch bệnh và các gói giải pháp tài khóa và tiền tệ lớn, cùng các chính sách mở rộng đầu tư công, tăng cường cải cách thể chế, cải cách hành chính, tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi số; năng lực và sự chủ động của các bộ, cơ quan, địa phương kịp thời có giải pháp khắc phục khó khăn, khai thác các cơ hội nhằm triển khai có hiệu quả cao nhất các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 vừa được ban hành theo Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022…
Có thể nói, dù 47 năm trôi qua, nhưng các bài học được rút ra từ cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã, đang và vẫn sẽ mãi là tài sản quý báu, tiếp tục là sức mạnh, là khởi nguồn cho những thành tựu to lớn hơn của cả dân tộc trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, đặc biệt, góp phần đem lại thành công của cuộc đại chiến chống dịch Covid-19, tiếp tục sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm đạt mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, trở thành nước Việt Nam thịnh vượng, hùng cường, sánh vai các cường quốc như Bác Hồ hằng ước nguyện.