Thách thức đối với các ngân hàng thương mại Việt Nam trong chuyển đổi số
03/08/2021 9.546 lượt xem
Tóm tắt: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang tác động sâu rộng đến nền kinh tế thế giới, thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế số ở mọi quốc gia. Chính vì vậy, công nghệ số ngày càng được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Việc chuyển đổi số ở các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam trong những năm qua đã mang lại cho các ngân hàng những lợi ích và lợi thế trong cạnh tranh. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số ở các NHTM đang gặp nhiều khó khăn, thách thức và vấn đề đặt ra cho các NHTM là cần chuyển đổi số thế nào cho phù hợp với điều kiện và xu hướng hiện nay. Bài viết tập trung đánh giá thực trạng chuyển đổi số, chỉ ra những khó khăn, thách thức mà các NHTM đang phải đối mặt, từ đó đề xuất một số giải pháp và khuyến nghị nhằm đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số ở các NHTM trong thời gian tới.
 
Từ khóa: Chuyển đổi số, thách thức trong chuyển đổi số, công nghệ ngân hàng số.

1. Đặt vấn đề
 
Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ cả trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Chuyển đổi số trong thời gian gần đây, được các NHTM đặc biệt chú trọng, bởi đây là trọng tâm phát triển của ngành Ngân hàng trong thời gian tới. Chính vì thế, cuộc đua chuyển đổi số giữa các NHTM đã và đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết.
 
Xác định việc chuyển đổi số là việc bắt buộc, trong những năm qua các NHTM đã triển khai ứng dụng nhiều giải pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, như: Trí tuệ nhân tạo (AI), xác thực sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt), trợ lý ảo (Chatbot),… hợp tác với các công ty công nghệ tài chính (Fintech) trong các hoạt động nghiệp vụ và cung ứng sản phẩm, dịch vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng trải nghiệm khách hàng, nhờ vậy mà số lượng khách hàng số ở các NHTM tăng mạnh. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện Việt Nam có tốc độ tăng trưởng về Mobile Banking là 200% và khoảng 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng qua Internet mỗi ngày (Minh Phương, 2020a). Tuy nhiên, mức độ tập trung cũng như có chiến lược rõ ràng vào mảng hoạt động chuyển đổi số của các NHTM là khác nhau. Cũng theo NHNN, ở Việt Nam hiện nay, 94% ngân hàng bước đầu triển khai hoặc đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó 59% ngân hàng đang triển khai chuyển đổi số (Nhuệ Mẫn, 2020). Thực tế cho thấy, chuyển đổi số ở các NHTM phần lớn vẫn đang ở giai đoạn đầu của quá trình này. Vì vậy, việc đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số ở các NHTM trong thời gian tới phù hợp với xu hướng phát triển, đáp ứng được những đòi hỏi thực tiễn từ cuộc sống và yêu cầu quản lý Nhà nước là rất cần thiết.
 
Bài viết nghiên cứu thực tiễn, sử dụng các nguồn tài liệu thứ cấp của các cơ quan, tổ chức khác nhau, tác giả dùng các phương pháp nghiên cứu định tính truyền thống tiến hành thống kê, phân tích, đánh giá làm rõ thực trạng, đề xuất các giải pháp và khuyến nghị. 


Ở Việt Nam hiện nay, 94% ngân hàng bước đầu triển khai hoặc đang nghiên cứu, 
xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó 59% ngân hàng đang triển khai chuyển đổi số

2. Cơ sở lý thuyết
 
2.1. Khái niệm về chuyển đổi số 
 
Theo Gartner - Công ty nghiên cứu và tư vấn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới đưa ra định nghĩa về chuyển đổi số như sau: Chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới.
 
2.2. Lợi ích của chuyển đổi số
 
Báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường lớn như Gartner, IDC… đều chỉ ra rằng, chuyển đổi số thực sự mang lại rất nhiều lợi ích cho mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp, như:
- Tạo ra sản phẩm/dịch vụ mới hoặc phương thức phục vụ mới;
- Tiếp cận nhiều khách hàng hơn, xóa bỏ ranh giới vật lý trong kinh doanh;
- Loại bỏ nhiều khâu trung gian, tối ưu hóa quy trình của doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và mang lại lợi ích, sự tiện lợi khách hàng;
- Giúp doanh nghiệp quản lý tốt hơn nhờ nguồn thông tin quản lý dồi dào và hệ thống hơn;
- Ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt, kịp thời;
- Nâng cao năng suất lao động nhờ đòn bẩy công nghệ.

2.3. Phân biệt giữa chuyển đổi số với số hóa
 
Số hóa được hiểu là việc biến đổi các giá trị thực sang dạng số. Ví dụ như việc thay vì quản lý hồ sơ nhân viên bằng file cứng, nay bộ phận nhân sự các doanh nghiệp đã có thể nhập liệu lên file excel và quản lý trên đó. Còn “chuyển đổi số” là khi có dữ liệu được số hóa rồi, chúng ta phải sử dụng các công nghệ như AI, dữ liệu lớn (Big Data)… để phân tích dữ liệu, biến đổi nó và tạo ra một giá trị khác. Có thể hiểu chuyển đổi số là mức độ cao hơn số hóa.
 
2.4. Các bước chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng
 
Theo nghiên cứu của Mersch (2017), có 5 bước chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng như sau:
Bước 1: Đánh giá để hiểu biết các bước ứng dụng và công nghệ. 
Trước khi thực hiện chuyển đổi số, ngân hàng phải đánh giá được chi phí và hiệu quả hoạt động của các ứng dụng và công nghệ hiện có nhằm nhận diện được những yếu kém về công nghệ và lãng phí về tài chính. Hiện nay, các nền tảng khoa học phân tích dữ liệu tự động giám sát và quản lý công nghệ trên hệ thống có thể giúp phát hiện sớm các vấn đề khi vận hành, tối ưu hóa chi tiêu cho công nghệ.
Bước 2: Đơn giản hóa cơ sở hạ tầng, ứng dụng và quy trình dựa trên các hiểu biết thu được từ việc đánh giá hiểu biết các bước ứng dụng và công nghệ. 
Việc ứng dụng hệ thống công nghệ dư thừa, trùng lắp, hay ít sử dụng làm tăng chi phí hoạt động, giảm hiệu quả và làm trì trệ khả năng đổi mới, sáng tạo của các ngân hàng. Do đó, việc đơn giản hóa cơ sở hạ tầng, ứng dụng và các quy trình sẽ giúp cho ngân hàng thiết kế lại để phù hợp với mô hình ngân hàng số toàn diện.
Bước 3: Đẩy nhanh quá trình đổi mới thông qua các nền tảng module. 
Các nền tảng module tích hợp, các giao diện lập trình ứng dụng cũng đóng góp vào quá trình tích hợp hệ thống ngân hàng với nền kinh tế giao diện lập trình ứng dụng. Ngân hàng cũng có thể lựa chọn các module và giao diện lập trình ứng dụng dựa trên các ưu tiên kinh doanh của mình và tốc độ hiện đại hóa mong muốn.
Bước 4: Thiết kế các quy trình và ứng dụng dựa trên kinh nghiệm có được. 
Thiết kế của ngân hàng nên dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về hành vi và cách sử dụng của khách hàng để tiếp tục đổi mới các dịch vụ và tập trung vào trải nghiệm của khách hàng. Các nền tảng khoa học phân tích dữ liệu có thể giúp đơn giản và tối ưu hóa việc áp dụng dữ liệu lớn thông qua cung cấp các giải pháp phân tích tích hợp sẵn và dễ sử dụng cho nhóm khách hàng doanh nghiệp.
Bước 5: Xây dựng các ứng dụng mới có thể hỗ trợ các mô hình kinh doanh mới, danh mục sản phẩm và kênh phân phối mới. 
Ngân hàng tập trung xây dựng các ứng dụng ngân hàng mới, thông minh, nhằm tạo ra lợi thế người đi đầu trong ứng dụng công nghệ số. Phát triển các ứng dụng đổi mới và thông minh cho phép ngân hàng thu hút được các phân khúc khách hàng mới nhằm tạo ra kênh thu nhập mới.
 
3. Cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng
 
Hiện nay, chuyển đổi số ở các ngân hàng đang áp dụng theo một số văn bản sau:
- Quyết định số 711/QĐ-NHNN ngày 15/4/2020 của Thống đốc NHNN về việc ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Mục tiêu của Kế hoạch nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi, hoàn thiện khuôn khổ chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số.
- Quyết định số 1238/QĐ-NHNN ngày 08/7/2020 của Thống đốc NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kế hoạch này nhằm đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về CMCN 4.0; thúc đẩy nghiên cứu các công nghệ, thành tựu của CMCN 4.0 nhằm tăng cường năng lực quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động ngân hàng; xây dựng cơ chế, chính sách, quản lý thúc đẩy chuyển đổi số ngành Ngân hàng, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo; phát triển hạ tầng thanh toán số đáp ứng yêu cầu CMCN 4.0; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong toàn Ngành để thích ứng với bối cảnh CMCN 4.0.
Ngoài ra, Chính phủ đang nghiên cứu xây dựng Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng… Song song với đó, NHNN cũng đang tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện cho hoạt động ngân hàng thích ứng với CMCN 4.0. Các văn bản trên đã tạo ra khung pháp lý cơ bản, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng.
 
4. Cơ sở hạ tầng, nhân lực phục vụ cho chuyển đổi số
 
4.1. Về cơ sở hạ tầng 
 
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ của hệ thống ngân hàng đã được chú trọng đầu tư. Đến nay, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tiếp tục hoạt động an toàn, hiệu quả và thông suốt, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán liên ngân hàng trong toàn quốc; hệ thống thanh toán bù trừ điện tử tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ đã chính thức vận hành từ tháng 7/2020 với khả năng thanh toán thời gian thực, hoạt động liên tục 24/7, xử lý giao dịch đa kênh có khả năng tích hợp, kết nối với các ngành, lĩnh vực khác để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số; hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho thanh toán thẻ được cải thiện chất lượng, POS hiện đã được lắp đặt tại hầu hết các cơ sở, chuỗi phân phối, bán lẻ, khách sạn lớn, đang mở rộng dần ra các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học,... Theo Vụ Thanh toán (NHNN), đến cuối tháng 10/2020, cả nước có 19.525 ATM, 280.006 POS, 77 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet (Internet Banking), 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động (Mobile Banking). Trên thị trường hiện nay có khoảng 90.000 điểm chấp nhận thanh toán QR code; NHNN đã cấp phép cho 34 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó dịch vụ ví điện tử là 29; dịch vụ cổng thanh toán điện tử, hỗ trợ thu hộ, chi hộ là 28, dịch vụ chuyển tiền điện tử là 9 (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, 2020). Ngoài ra, trên thị trường có khoảng 45 công ty Fintech đang hoạt động được NHNN cấp phép, trong đó chủ yếu các công ty vẫn đang kinh doanh trong lĩnh vực trung gian thanh toán, như ví điện tử (Minh Phương, 2020b). 


 
Hệ thống Internet cũng được đầu tư, nâng cấp. Trong mấy năm gần đây, số lượng thuê bao Internet tăng mạnh. Theo số liệu của Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông, kết thúc năm 2020, Việt Nam đã có hơn 1 triệu km cáp quang được triển khai đến 100% xã, phường trên cả nước, cung cấp Internet cáp quang tới 58,34% hộ gia đình với tổng số thuê bao đạt mốc hơn 16,55 triệu. Trong giai đoạn 2015 - 2020, tỷ lệ hộ gia đình kết nối Internet tăng gần 3 lần trong 5 năm qua, đạt 75%, cao hơn mức trung bình của thế giới 1,3 lần (57,4%). Tỷ lệ thuê bao băng rộng di động/100 dân đã chính thức vượt ngưỡng trung bình của thế giới vào năm 2020, đạt 76,42 thuê bao băng rộng/100 dân. Số thuê bao băng rộng gồm cố định và di động đã có sự tăng trưởng ấn tượng với tốc độ hai chữ số, bình quân giai đoạn 2015 - 2020 tăng 15%/năm (băng rộng cố định), 22%/năm (băng rộng di động) và tiếp tục duy trì đà tăng ổn định trong những năm tới (Hữu Tuấn, 2021). 
An toàn, an ninh mạng đã được các ngân hàng không ngừng đầu tư cho công tác an toàn, bảo mật thông tin. Một khảo sát của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam cho thấy, 100% số tổ chức tín dụng đầu tư các giải pháp an ninh, bảo mật  từ cơ bản đến nâng cao: Tường lửa, hệ thống phát hiện xâm nhập; hệ thống chống virus xác thực đa thành tố; hệ thống phòng, chống thư rác; hệ thống lọc dữ liệu; công nghệ chữ ký số KPI; xác thực sinh trắc học... Tuy nhiên, chi phí đầu tư cho công tác an toàn thông tin nhìn chung vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ (dưới 10%) trong tổng vốn đầu tư cho phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số (Hà An, 2020).
 
4.2. Về dữ liệu ở các ngân hàng 
 
Nhận thức được tầm quan trọng của dữ liệu đối với chuyển đổi số, thời gian qua, nhiều NHTM đã quan tâm, coi trọng việc xây dựng và quản trị dữ liệu tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số. Một khảo sát vào tháng 9/2020 của NHNN cho thấy, 50% các ngân hàng đã xây dựng kho dữ liệu tập trung (Data warehouse), 27% đã xây dựng các hồ dữ liệu (Data lake) để thu thập dữ liệu thô đến từ các điểm tiếp xúc số, khoảng 50% các ngân hàng đã ứng dụng phân tích dữ liệu để tối ưu hóa quy trình vận hành, tăng hiệu quả hoạt động, quản trị rủi ro,... Thực tế, một số ngân hàng đã thành lập các bộ phận quản lý dữ liệu chuyên biệt hoặc đã có giải pháp công nghệ để thực hiện quản lý dữ liệu hiệu quả (Thành Đức, 2020). 
 
4.3. Về nhân lực công nghệ thông tin
 
Trong những năm gần đây, nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành công nghệ thông tin (CNTT) ở Việt Nam tăng mạnh, nhưng thị trường lao động lĩnh vực này luôn trong tình trạng thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng. Theo thống kê từ TopDev, chuyên trang tuyển dụng về công nghệ phần mềm cho biết, năm 2019, số lượng nhân lực CNTT cần có là 350.000 người, nhưng thiếu khoảng 90.000 người. Năm 2020, số nhân lực ngành CNTT cần có khoảng 400.000 người và thiếu hụt 100.000 nhân sự và năm 2021 cần có 500.000 người và ước tính thiếu hụt 190.000 người. Trong khi ngành CNTT thiếu về số lượng thì chất lượng cũng chưa đạt yêu cầu của doanh nghiệp. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại Việt Nam hiện có khoảng 50 trường đào tạo ngành CNTT. Hàng năm, có khoảng 50.000 sinh viên CNTT ra trường nhưng chỉ có khoảng 30% lao động là có thể đáp ứng yêu cầu, số còn lại cần phải được đào tạo bổ sung, đào tạo lại (Báo Tin tức, 2020).
 
5. Thực trạng chuyển đổi số ở các NHTM
 
5.1. Ứng dụng công nghệ vào chuyển đổi số 
 
Nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ đối với chuyển đổi số, hầu hết các NHTM đã ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới vào các hoạt động nghiệp vụ và cung ứng sản phẩm, dịch vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng trải nghiệm cho khách hàng. Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report về ngành Ngân hàng được thực hiện trong tháng 6/2020 cho thấy, 100% ngân hàng phản hồi hiện đang đầu tư đổi mới công nghệ và phát triển kênh bán hàng qua công nghệ số, như: Internet Banking, Mobile Banking... trong khi con số này trong lần khảo sát của năm 2018 chỉ là 93% (Lê Huy, 2020). 
 
Đến nay, 100% ngân hàng đã sử dụng ngân hàng lõi (Core Banking), nhiều ngân hàng đã tiến hành nâng cấp hệ thống Core Banking nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển, như: ACB, Techcombank (năm 2014), MSB (năm 2016), LienVietPostBank, VietinBank (năm 2017), SCB, Sacombank, ABBank, Eximbank, VPBank (năm 2018), Vietcombank (năm 2020),... Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report tháng 6/2020 cho thấy, 83,33% ngân hàng cho biết đang số hóa các nghiệp vụ lõi của ngân hàng (Lê Huy, 2020). Tuy nhiên, việc chuyển đổi ngân hàng lõi diễn ra ở các NHTM được đánh giá còn chậm và chưa đem đến hiệu quả tương xứng. 
 
Công nghệ sổ cái (General Ledger  - GL) cũng được một số NHTM Việt Nam triển khai, như: LienVietPostBank, Vietinbank, SCB, ACB… nhằm ghi nhận một cách chi tiết các giao dịch (các chiều đơn vị, tài khoản, khách hàng, sản phẩm, phòng, ban…) phục vụ cho mục tiêu phân tích đa chiều hiệu quả, thu nhập, chi phí, lợi nhuận… theo yêu cầu quản trị, điều hành (Lê Duy Khánh, 2019). 
 
Công nghệ định danh khách hàng điện tử eKYC. Đây là một nền tảng công nghệ thiết yếu để ngân hàng chuyển đổi số. Từ đầu tháng 7/2020, NHNN đã cho phép các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP), như: TPBank, VPBank, HDBank, VietCapital Bank, NCB, Nam A Bank, MBBank, LienVietPostBank, VIB,… được thí điểm áp dụng eKYC trong hoạt động. Đến nay, hầu hết các NHTM cũng đang triển khai thực tế eKYC.
 
Trí tuệ nhân tạo (AI). Cuối năm 2012, Vietcombank ứng dụng công nghệ AI ra mắt VCB-Mobile B@nking, là ứng dụng ngân hàng trên thiết bị di động đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam; TPBank ứng dụng AI vào phục vụ khách hàng trong lĩnh vực ngân hàng số, với trợ lý ảo có tên gọi T'Aio trên Facebook Messenger bắt đầu từ tháng 7/2017. Hiện nay, trên 80% ứng dụng công nghệ mới của TPBank có sử dụng AI; BIDV ứng dụng AI với học máy (Machine Learning) trong việc xây dựng mô hình dự đoán khách hàng từ bỏ dịch vụ; Nam A Bank đã ứng dụng AI cho  ra mắt không gian giao dịch số vào cuối năm 2019, đưa robot OPBA vào sử dụng, trở thành nhà băng đầu tiên tại Việt Nam có robot phục vụ; MSB ứng dụng AI vào phát hành thẻ tín dụng và tích hợp thành công phương thức thanh toán QR Code với 2 đối tác lớn là VNPAY và Payoo. 
 
Sinh trắc học (Biometric). TPBank đã ứng dụng công nghệ nhận dạng ký tự quang học (OCR) để tạo ra LiveBank và TPBank đã trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam áp dụng thành công tính năng nhận diện khuôn mặt trên ngân hàng tự động LiveBank; Vietcombank đã áp dụng công nghệ sinh trắc học và công nghệ mới là Push Authentication cho ra mắt ngân hàng số VCB Digibank hoàn toàn mới dành cho các khách hàng cá nhân, thay thế cho các dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking trước đây của ngân hàng; BIDV áp dụng công nghệ nhận dạng ký tự quang học vào nhận dạng khuôn mặt, livecheck để triển khai hệ thống đăng ký trực tuyến BIDV SmartBanking; OCB đã triển khai thử nghiệm nhiều công nghệ, như: Nhận diện khuôn mặt (face recognition); công nghệ OCR - đọc dữ liệu từ hồ sơ khách hàng; VietinBank ứng dụng sinh trắc học thí điểm triển khai thành công Hệ thống "Smart Digital Branch - Chi nhánh số hóa thông minh".
 
Ngoài ra, còn một số công nghệ mới khác được các NHTM ứng dụng, như: VPBank ứng dụng nền tảng đám mây (Amazon Web Service Cloud) cho ra mắt ngân hàng số với tên gọi YOLO, đây là ngân hàng số đầu tiên hoạt động trên đám mây dịch vụ web Amazon; VietABank ứng dụng công nghệ tư vấn tự động (Chatbot) hoạt động trên Fanpage đáp ứng nhu cầu phục vụ khách hàng 24/7; VIB ứng dụng công nghệ xử lý Big Data và AI vào quy trình chấm điểm tín dụng và duyệt hạn mức thẻ tín dụng. Đây là lần đầu tiên, một ngân hàng tại Việt Nam tiên phong ứng dụng Big Data và AI vào quy trình xét hạn mức thẻ; HDBank ứng dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) tham gia kết nối và xử lý các giao dịch tài trợ thương mại; TPBank ứng dụng máy học, học sâu (Deep Learning) để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ; …  
 
5.2. Hợp tác với công ty Fintech trong chuyển đổi số
 
Ngoài việc đầu tư vào công nghệ mới, các NHTM còn hợp tác với các công ty Fintech để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ số. Theo kết quả khảo sát của Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN), có 72% công ty Fintech đã cùng liên kết với các ngân hàng tại Việt Nam để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ (Viện Chiến lược Ngân hàng, 2019). Kết quả khảo sát ở một số NHTM Việt Nam cho thấy:
 
Hiện nay, đã có nhiều ngân hàng, như: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, VIB, TPBank, Sacombank, OCB, VPBank,... đã liên kết với ví MoMo để phát triển ví điện tử. 
 
VPBank đã  hợp tác với các công ty Fintech lớn và có uy tín tại Việt Nam, như: VNPAY, NAPAS, Payoo, Bankplus, MoMo... để triển khai các giải pháp thanh toán và giao dịch ngân hàng trực tuyến. Ngày 13/10/2020, VPBank và Mastercard công bố hợp tác với Amazon Web Services (AWS) phát hành thẻ tín dụng Mastercard - VPBiz cho các doanh nghiệp SMEs thực hiện thanh toán các nhu cầu sử dụng điện toán đám mây của AWS. 
 
VietinBank đang hợp tác với 7 công ty Fintech, như: ON ( Anh), BE Group (Thụy Điển),… trong các lĩnh vực khác nhau nhằm đưa ra các sản phẩm mang yếu tố công nghệ và tài chính - ngân hàng để phục vụ khách hàng. BIDV đã kết nối với 24 công ty Fintech, 756 nhà cung cấp dịch vụ để cung cấp trên 1.500 dịch vụ thanh toán chi tiêu cho khách hàng. 
 
MB đã hợp tác với Công ty Boomerang Technology cho ra đời sản phẩm eMBee Fanpage, cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch tài chính, như: tra cứu số dư, chuyển tiền, gửi tiết kiệm, mua bảo hiểm, vay vốn chỉ bằng thao tác đơn giản là “chat” với eMBee thông qua ứng dụng tin nhắn Facebook Messenger.Vietcombank đã hợp tác vớiCông ty Cổ phần Di động Trực tuyến (M_Service) để thực hiện dịch vụ chuyển tiền giá trị nhỏ ở khu vực nông thôn.

VIB đã hợp tác với công ty Việt Nam Weezi Digital để ra mắt MyVIB Social Keyboard, một ứng dụng cho phép khách hàng chuyển tiền trên mạng xã hội. Tháng 12/2020, VIB đã bắt tay với Ví điện tử TrueMoney ra mắt thẻ tín dụng TrueCard. 
LienVietPostBank đã hợp tác toàn diện với Công ty LienVietTech để xây dựng những sản phẩm online, ngân hàng số… và hỗ trợ chuyển đổi số cho ngân hàng. 

Sự hợp tác giữa các NHTM và công ty Fintech trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng. Theo khảo sát của Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN), 100% ngân hàng cũng có kế hoạch mở rộng hợp tác với các công ty Fintech để cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng liên quan đến các lĩnh vực: Thanh toán (92%); dịch vụ ngân hàng số (76%); Big data (68%); công nghệ Blockchain (16%) (Trần Linh, 2020).

5.3. Đánh giá chung
 
Hiện nay, phần lớn các ngân hàng đã triển khai ngân hàng số ở cấp độ chuyển đổi về quy trình và kênh giao tiếp, hầu hết kênh phân phối, tiếp cận người tiêu dùng được các ngân hàng sử dụng trên nền tảng số, các điểm tương tác với khách hàng được ứng dụng qua điện thoại thông minh, mạng xã hội... Nhờ việc ứng dụng công nghệ hiện đại, các ngân hàng đã hiểu rõ hơn về thói quen, sở thích khách hàng để cung ứng sản phẩm, dịch vụ phù hợp, vì vậy, lượng khách hàng tham gia giao dịch thanh toán qua điện thoại di động và Internet tăng lên nhanh chóng. Cụ thể trong năm 2020, số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt gần 374 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 22,4 triệu tỷ đồng (tăng 8,3% về số lượng và 25,5% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019); số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt gần 918,8 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 9,6 triệu tỷ đồng (tăng 123,9% về số lượng và 125,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019) (Nguyễn Thế Khiêm, 2021). 

Tuy nhiên, do mức độ đầu tư vào công nghệ và chiến lược về chuyển đổi số ở các NHTM còn hạn chế, vì vậy, chuyển đổi số ở các NHTM phần lớn vẫn đang ở giai đoạn đầu của quá trình này. Hiện nay, một số ngân hàng đã bắt đầu quá trình chuyển đổi số hướng tới một ngân hàng số đích thực. Việc chuyển đổi về nền tảng dữ liệu mới được triển khai tại một số ngân hàng tiên phong, vì vậy, các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số, ví điện tử,… chưa thực sự đa dạng về chủng loại, mức độ ứng dụng công nghệ còn thấp.
 
5.4. Những thách thức đối với các NHTM trong chuyển đổi số
 
Dựa vào tình hình thực tế của các NHTM, có thể nhận thấy một số thách thức mà các NHTM đang phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi số, đó là:
 
Thứ nhất, nguồn nhân lực tham gia chuyển đổi số. Để thực hiện chuyển đổi số, các NHTM rất cần đến nguồn nhân lực có đủ năng lực vận hành, phát triển các sản phẩm, dịch vụ số trên các nền tảng công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, theo nhận định chung của các lãnh đạo ngân hàng, số lượng nhân sự có đủ kiến thức, tầm nhìn và kỹ năng hiện thực hóa công tác chuyển đổi số ngành Ngân hàng tại Việt Nam chưa nhiều, trong khi thị trường lại rộng, không chỉ các ngân hàng phải số hóa mà các công ty Fintech, các tổ chức tín dụng khác, các doanh nghiệp cũng rất năng động trong quá trình số hóa, việc nhân sự nhảy việc là điều không thể tránh khỏi, làm ảnh hưởng đến quá trình số hóa của từng ngân hàng.
 
Thứ hai, dữ liệu ngân hàng. Hiện nay, có rất nhiều loại dữ liệu trong hệ thống; logic nghiệp vụ phức tạp. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, khuôn khổ pháp lý hỗ trợ công tác khai thác dữ liệu lớn, bảo đảm an toàn, bảo mật dữ liệu cho khách hàng... chưa đầy đủ. Theo các chuyên gia, phần lớn các ngân hàng vẫn đang ở giai đoạn đầu của lộ trình triển khai quản trị dữ liệu toàn ngân hàng.
 
Thứ ba, công nghệ ngân hàng. Hiện nay, công nghệ ngân hàng của nước ta còn có khoảng cách đáng kể so với trình độ của khu vực và thế giới, hệ thống ngân hàng lõi ở hầu hết ngân hàng còn tương đối lạc hậu, chưa đủ điều kiện để tích hợp ứng dụng số hóa dựa trên dữ liệu lớn, hoặc có chuyển đổi nhưng không mua hết các tính năng của Core Banking hiện đại. 
 
Thứ tư, tiềm lực tài chính của ngân hàng. Để thực hiện quá trình chuyển đổi số, đòi hỏi ngân hàng phải chi phí rất lớn cho đầu tư vào công nghệ, đào tạo nhân lực, vận hành, hoàn thiện các ứng dụng,... Theo tờ The Economist, 4 ngân hàng lớn nhất của Mỹ đang chi tổng cộng hơn 25 tỷ USD mỗi năm để hoàn thiện các ứng dụng khách hàng và học cách khai thác dữ liệu thông minh hơn. Nhưng hiện nay, tiềm lực tài chính của các NHTM Việt Nam còn khá hạn chế.
 
Thứ năm, an ninh mạng. Trong bối cảnh CMCN 4.0, với sự bùng nổ của công nghệ, như: Big Data, Cloud Services, AI, kết nối vạn vật thông qua Internet…, các ngân hàng đang phải đối mặt với rất nhiều rủi ro và hiểm họa về mất an toàn thông tin. Tại Việt Nam, các rủi ro về bảo mật như gian lận, lừa đảo khách hàng, tấn công mạng vào cơ sở hạ tầng của ngân hàng và dữ liệu người dùng bị rò rỉ đang tăng lên. Theo khảo sát của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, hơn 50% các cuộc tấn công mạng là nhắm vào các tổ chức tài chính, ngân hàng (Hà An, 2020). Bên cạnh đó, để có được đội ngũ chuyên gia an ninh mạng có hiểu biết về vận hành doanh nghiệp vẫn còn là thách thức đối với ngân hàng.
 
Thứ sáu, cơ sở hạ tầng. Thời gian qua, hạ tầng cho thanh toán số đã được đầu tư phát triển mạnh nhưng vẫn thiếu đồng bộ, mới tập trung phát triển mạng lưới, khách hàng tại khu vực thành thị, hướng tới đối tượng người dân có thu nhập cao, có tài khoản ngân hàng nên các hệ thống thanh toán hiện chưa phổ cập tới các vùng miền. Hạ tầng thanh toán số trên di động, như: hóa đơn điện, nước, truyền hình, điện thoại, Internet, bảo hiểm, tài chính cá nhân, hành chính công... đã được triển khai nhưng phạm vi chưa tương xứng với tiềm năng thị trường.
 
Thứ bảy, hành lang pháp lý. Chuyển đổi số rất cần có một hành lang pháp lý đầy đủ, nhưng đến nay các chuyên gia cho rằng, hành lang pháp lý về Fintech, cho vay ngang hàng,… còn chưa đầy đủ, cần được ban hành sớm hơn, để tránh hiện tượng thể chế không bị quá trễ so với yêu cầu thực tại của cuộc sống, từ đó tạo điều kiện xây dựng hệ sinh thái hoàn chỉnh cho tiến trình chuyển đổi số của ngành Ngân hàng...

6. Giải pháp và khuyến nghị
 
6.1. Một số giải pháp cho các NHTM Việt Nam
 
Để có thể đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển đổi số, các NHTM cần xem xét và nghiên cứu các giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường hợp tác với các công ty Fintech. 
Các công ty Fintech luôn có lợi thế về công nghệ, ý tưởng sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức.  Trong thời gian qua, đa số các NHTM Việt Nam ký kết với một số công ty Fintech để cung cấp dịch vụ thanh toán, chuyển tiền cho khách hàng. Nhờ có sự hợp tác với các công ty Fintech, đã giúp các ngân hàng giảm bớt được gánh nặng về tài chính, triển khai ứng dụng ngay công nghệ hiện đại, phù hợp với ngân hàng và đạt được các mục tiêu chiến lược trong chuyển đổi số. Trong thời gian tới, ngành Ngân hàng Việt Nam đang hướng tới mô hình ngân hàng số, vì vậy, các ngân hàng rất cần phải trang bị thêm các công nghệ hiện đại, nâng cấp ngân hàng lõi, và việc các NHTM tăng cường hợp tác với các công ty Fintech vẫn là giải pháp tối ưu nhất. 

Thứ hai, công tác tuyển dụng và đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số tại các NHTM Việt Nam cần dựa vào nhu cầu nhân lực thực tế và nguồn nhân lực hiện có. 
 
Chuyển đổi số là một quá trình lâu dài, đòi hỏi các ngân hàng phải có một đội ngũ nhân sự có trình độ, kiến thức về công nghệ thông tin, an ninh mạng, kỹ năng số, sự nhạy bén trong kinh doanh và kỹ năng xã hội. Để có thể sử dụng tối ưu nguồn nhân lực, đáp ứng được những yêu cầu công việc trong chuyển đổi số của ngân hàng thì việc tuyển dụng nhân sự tại các NHTM Việt Nam cần dựa vào khả năng đáp ứng công việc hiện nay của nguồn nhân lực. Ví dụ, đối với những vị trí đòi hỏi nhân sự phải có chuyên môn sâu về công nghệ thông tin mà ngân hàng không thể đáp ứng trong một thời gian ngắn, thì ngân hàng nên tuyển dụng từ bên ngoài; những vị trí cần bổ sung nhân sự có kỹ năng về kỹ năng số, sự nhạy bén trong kinh doanh và kỹ năng xã hội, ngân hàng nên lựa chọn trong số nhân sự hiện có, tổ chức đào tạo để nâng cao các kỹ năng cho họ. Ngoài ra, để có được đội ngũ kỹ sư an ninh mạng vững mạnh trong tương lai, có kiến thức về vận hành ngân hàng số và khả năng xử lý các rủi ro không ngừng biến đổi về an ninh mạng, giúp ngân hàng thích ứng và vượt qua những thay đổi nhanh chóng trong thời đại số, thì việc đào tạo nâng cao kỹ năng cho các kỹ sư an ninh mạng sẵn có là biện pháp tối ưu đối với các NHTM.

Thứ ba, tăng cường hoạt động xây dựng và hoàn thiện quản trị dữ liệu ngân hàng. 
Về dữ liệu, các NHTM cần xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, thiết lập hệ thống kho dữ liệu chuyên biệt (điện toán đám mây). Về quản trị dữ liệu, các NHTM cần quan tâm xây dựng tổ chức - bộ máy; lựa chọn và bố trí hợp lý các chuyên gia về công nghệ thông tin, phân tích và quản lý dữ liệu; ban hành chính sách, quy trình quản lý và khai thác dữ liệu.

Thứ tư, tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin. 
Đối với ngành Ngân hàng, an toàn thông tin có ảnh hưởng lớn đến uy tín và quyết định đến 90% thành bại của ngân hàng. Vì vậy, để ngăn chặn truy cập bất hợp pháp và các cuộc tấn công, chống thất thoát các dữ liệu nhạy cảm qua các máy trạm và thiết bị đầu cuối, mạng, email, truy cập Internet, các NHTM Việt Nam cần triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ, phòng, chống lộ, lọt dữ liệu trên toàn bộ hệ thống thông tin; tăng cường kiểm tra, giám sát toàn bộ quy trình, các khâu có tiềm ẩn phát sinh rủi ro về an toàn thông tin. Ngân hàng và các công ty Fintech cũng phải xây dựng các quy trình, kịch bản và tổ chức diễn tập định kỳ ứng phó với các sự cố, rủi ro mất an toàn thông tin để nâng cao năng lực ngăn chặn, giảm các tác động tiêu cực, hậu quả của các cuộc tấn công mạng… 

6.2. Một số khuyến nghị
 
Để tạo thuận lợi cho các NHTM Việt Nam chuyển đổi số, thì: 
 
Thứ nhất, Nhà nước cần xây dựng hành lang pháp lý về bảo mật dữ liệu người dùng và bảo mật thông tin để tạo ra một hệ thống giao dịch số an toàn và đáng tin cậy.
 
Thứ hai, Nhà nước cần sớm ban hành Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác giữa NHTM Việt Nam với các công ty Fintech ngày càng hiệu quả hơn.
 
Thứ ba, NHNN cần hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực ngân hàng thích ứng với cuộc CMCN 4.0, tạo thuận lợi thúc đẩy mô hình kinh doanh, quản trị điều hành trong lĩnh vực ngân hàng theo hướng bứt phá, đổi mới sáng tạo nhưng vẫn chú trọng tới công tác đảm bảo an ninh mạng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hạn chế rủi ro thách thức.
 
Thứ tư, NHNN cần xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật và công nghệ theo hướng đồng bộ, tập trung thống nhất có khả năng tích hợp, kết nối với các ngành, lĩnh vực khác để cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số và nâng cao chất lượng phục vụ, tăng tính tiện ích trải nghiệm cho khách hàng.■

Tài liệu tham khảo:
1. Báo Tin tức (2020). Truy cập tại: https://baotintuc.vn/xa-hoi/nhu-cau-tuyen-dung-nhan-luc-nganh-cong-nghe-thong-tin-van-tang-20200911154903397.htm
2. Hà An (2020). Truy cập tại: https://nhandan.com.vn/chuyen-de-cuoi-tuan/lo-hong-trong-an-ninh-thong-tin-ngan-hang-so-616515/
3. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (2020). Truy cập tại: https://vnba.org.vn/index.php?option=com_k2&view=item&id=16217:ha-tang-va-cong-nghe-thanh-toan-be-do-thuc-day-thanh-toan-khong-tien-mat&lang=vi
4. Hữu Tuấn (2021). Truy cập tại: https://baodautu.vn/doi-thu-moi-cua-internet-cap-quang-d137132.html
5. Lê Duy Khánh (2019), Ứng dụng công nghệ thông tin trong NHTM Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng Số 9/2019. 
6. Lê Huy (2020). Truy cập tại: https://kinhtetieudung.phapluatxahoi.vn/100-ngan-hang-dang-dau-tu-doi-moi-cong-nghe-20200714180654581.htm
7. Minh Phương (2020a). Truy cập tại: https://baotintuc.vn/thi-truong-tai-chinh/so-hoa-ngan-hang-de-tang-tinh-hieu-qua-nen-kinh-te-20200521191751855.htm
8. Minh Phương (2020b). Truy cập tại: https://thoibaonganhang.vn/ngan-hang-hop-tac-voi-fintech-107188.html
9. Mersch, Y (2017), Digital Base Money: an assessment from the ECB’s Perspective. Speech at the Farewell ceremony for Pentti Hakkarainen, Deputy Governor of Suomen Pankki – Finlands Bank, Helsinki, 16.
10. Nguyễn Thế Khiêm (2021), Ngân hàng, Fintech “hái quả ngọt” nhờ chuyển đổi số, Tạp chí Thông tin và Truyền thông số 1 tháng 1/2021. 
11. Nhuệ Mẫn, 2020. Truy cập tại: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chuyen-doi-so-tai-ngan-hang-muon-nhanh-phai-tu-tu-post257382.html
12. Thành Đức (2020). Truy cập tại: http://baokiemtoannhanuoc.vn/tai-chinh---ngan-hang/quan-tri-du-lieu---van-de-song-con-cua-cac-ngan-hang-145866
13. Trần Linh (2020), Phát triển công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, Tạp chí Ngân hàng số 3/2020. 
14. Viện Chiến lược ngân hàng (2019). Truy cập tại: https://forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/ngan-hang-va-fintech-can-bat-tay-dinh-hinh-tuong-lai-tai-chinh-so-8064.html
15. https://amis.misa.vn/5577/chuyen-doi-so-la-gi/
16. Website của các NHTM và NHNN

TS. Lương Văn Hải
Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Mở Hà Nội

Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Đảm bảo an ninh mạng tại Neobank với sự kết hợp của trí tuệ  nhân tạo, Blockchain và học máy
Đảm bảo an ninh mạng tại Neobank với sự kết hợp của trí tuệ nhân tạo, Blockchain và học máy
25/04/2024 83 lượt xem
Neobank (ngân hàng thế hệ mới) là mô hình ngân hàng hiện đang được rất nhiều người ưa chuộng, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm ngân hàng số hóa đầu tiên. Tuy nhiên, cùng với sự đổi mới nhanh chóng về công nghệ, rủi ro an ninh mạng cũng ngày càng tăng cao. Việc quản lí rủi ro kém hiệu quả có thể gây tổn hại không chỉ cho ngân hàng mà còn cho khách hàng.
Đảm bảo an ninh, an toàn trong cung ứng và sử dụng dịch vụ ví điện tử
Đảm bảo an ninh, an toàn trong cung ứng và sử dụng dịch vụ ví điện tử
19/04/2024 766 lượt xem
Nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động thanh toán, trong đó có dịch vụ ví điện tử, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan mở và sử dụng tài khoản thanh toán (TKTT), thẻ ngân hàng, ví điện tử...
Phát triển ngân hàng xanh nhằm tạo động lực cho phát triển bền vững ở Việt Nam
Phát triển ngân hàng xanh nhằm tạo động lực cho phát triển bền vững ở Việt Nam
15/04/2024 1.356 lượt xem
Ngân hàng xanh đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững. Mục tiêu của bài viết này nhằm nhận diện những khó khăn và thách thức mà ngân hàng xanh ở Việt Nam đang gặp phải thông qua phỏng vấn sâu với 30 lãnh đạo và nhân viên giàu kinh nghiệm tại các ngân hàng thương mại (NHTM).
Xác thực sinh trắc học giúp tăng khả năng bảo mật  và an toàn cao hơn trong giao dịch ngân hàng
Xác thực sinh trắc học giúp tăng khả năng bảo mật và an toàn cao hơn trong giao dịch ngân hàng
03/04/2024 2.787 lượt xem
Từ ngày 01/7/2024, khách hàng phải xác thực sinh trắc học khi giao dịch ngân hàng lần đầu bằng Mobile Banking; mọi giao dịch chuyển tiền có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên đều phải thông qua bước xác thực bằng sinh trắc học đối với người chuyển tiền; tổng số tiền các giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực bằng sinh trắc học.
Agri-Fintech: Giải pháp cho việc nâng cao hiệu quả tài trợ tài chính trong lĩnh vực nông nghiệp của kỉ nguyên số
Agri-Fintech: Giải pháp cho việc nâng cao hiệu quả tài trợ tài chính trong lĩnh vực nông nghiệp của kỉ nguyên số
27/03/2024 2.665 lượt xem
Việc tài trợ tài chính cho lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam trong thời gian qua luôn gặp nhiều khó khăn cho dù đã có sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và các bên liên quan.
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số
25/03/2024 3.447 lượt xem
Quá trình số hóa ở Việt Nam đang ngày càng phát triển nhanh chóng, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng. Với sự tiến bộ không ngừng của công nghệ, ngành Ngân hàng đang có những cải cách trong nền tảng kĩ thuật số nhằm cung ứng dịch vụ và giải quyết yêu cầu của khách hàng tốt hơn.
Nâng cao kĩ năng cho người tiêu dùng trong sử dụng thẻ tín dụng
Nâng cao kĩ năng cho người tiêu dùng trong sử dụng thẻ tín dụng
22/03/2024 4.120 lượt xem
Ngày nay, với nhiều tiện ích, thẻ tín dụng đã trở nên phổ biến trong chi tiêu, mua sắm của người dân. Tuy nhiên, thực tế không ít người do chưa hiểu rõ về tính năng của thẻ, số ngày miễn lãi, nguyên tắc trả nợ và cách tính lãi suất nếu thanh toán không đủ hoặc không đúng hạn mà có thể trở thành những “con nợ” lớn của ngân hàng.
Tăng cường các giải pháp ngăn chặn lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản
Tăng cường các giải pháp ngăn chặn lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản
20/03/2024 4.160 lượt xem
Thời gian gần đây, ngày càng xuất hiện nhiều hơn tình trạng tội phạm sử dụng các loại mã độc đánh cắp thông tin, mã hóa dữ liệu của người dùng để chiếm đoạt tài sản. Các chuyên gia bảo mật cảnh báo, sau khi xâm nhập, các mã độc này có thể "nằm vùng" như một gián điệp, thu thập thông tin, điều khiển các ứng dụng ngân hàng, đánh cắp tài khoản, mật khẩu và mã OTP của nạn nhân để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và số hóa ngân hàng
Giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và số hóa ngân hàng
15/03/2024 4.366 lượt xem
Thời gian qua, với mục tiêu lấy khách hàng là trung tâm, ngành Ngân hàng đã không ngừng hoàn thiện pháp lý và hạ tầng công nghệ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), thúc đẩy hoạt động ngân hàng số và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.
Nghĩa vụ bảo mật thông tin người sử dụng Internet Banking của nhà cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán
Nghĩa vụ bảo mật thông tin người sử dụng Internet Banking của nhà cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán
13/03/2024 4.084 lượt xem
Trong bối cảnh chuyển đổi số, Việt Nam luôn nỗ lực thay đổi, cải tiến và cập nhật những công nghệ hiện đại để áp dụng phát triển trong hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế. Internet Banking hay dịch vụ thanh toán trên các thiết bị điện tử trở thành một bước tiến trong giao dịch thương mại.
Hoạt động tài chính vi mô trong xu hướng phát triển của công nghệ tài chính
Hoạt động tài chính vi mô trong xu hướng phát triển của công nghệ tài chính
04/03/2024 4.872 lượt xem
Tổ chức tài chính vi mô (TCVM) là loại hình tổ chức tín dụng thực hiện một số hoạt động nghiệp vụ như ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp nhỏ.
Xây dựng nguồn lực con người nhằm phát triển văn hóa doanh nghiệp trong chuyển đổi số hoạt động ngân hàng
Xây dựng nguồn lực con người nhằm phát triển văn hóa doanh nghiệp trong chuyển đổi số hoạt động ngân hàng
01/03/2024 4.930 lượt xem
Kết quả nghiên cứu về phát triển văn hóa doanh nghiệp trong chuyển đổi số của các tổ chức nói chung và lĩnh vực ngân hàng nói riêng đều khẳng định, văn hóa doanh nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng, như là “quyền lực mềm” của tổ chức, giúp tổ chức phát triển bền vững.
Pháp luật về định danh khách hàng điện tử trong hoạt động ngân hàng tại Việt Nam
Pháp luật về định danh khách hàng điện tử trong hoạt động ngân hàng tại Việt Nam
14/02/2024 6.833 lượt xem
Trong quá trình hoạt động chuyển đổi số ngành Ngân hàng tại Việt Nam, định danh khách hàng điện tử hay còn gọi là eKYC (Electronic Know Your Customer) đang trở thành một xu hướng phát triển tất yếu. Công nghệ này cho phép các ngân hàng tại Việt Nam cung ứng dịch vụ số hóa, nâng cao trải nghiệm của khách hàng và tối ưu hóa hoạt động, đặc biệt trong hoạt động liên quan đến tài khoản thanh toán.
Chuyển đổi số ngành Ngân hàng - Tăng tốc và phát triển bền vững
Chuyển đổi số ngành Ngân hàng - Tăng tốc và phát triển bền vững
08/02/2024 6.828 lượt xem
Chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng không chỉ là một xu hướng mà còn là một bước tiến quan trọng hướng tới tương lai tài chính hiện đại và linh hoạt.
Triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư quốc gia góp phần đảm bảo an ninh, an toàn và thúc đẩy chuyển đổi số ngân hàng
Triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư quốc gia góp phần đảm bảo an ninh, an toàn và thúc đẩy chuyển đổi số ngân hàng
01/02/2024 6.656 lượt xem
Trong bối cảnh phát triển sâu rộng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) trong mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, xu hướng chuyển dịch các giao dịch theo phương thức truyền thống sang môi trường điện tử gia tăng. Khách hàng được trải nghiệm đa dạng các dịch vụ tiện ích, hiện đại và tiết kiệm thời gian, chi phí.
Giá vàngXem chi tiết

GIÁ VÀNG - XEM THEO NGÀY

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

81.000

83.500

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

81.000

83.500

Vàng SJC 5c

81.000

83.520

Vàng nhẫn 9999

74.200

76.100

Vàng nữ trang 9999

74.000

75.300


Ngoại tệXem chi tiết
TỶ GIÁ - XEM THEO NGÀY 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 25,145 25,485 26,411 27,860 30,670 31,974 159.56 168.87
BIDV 25,185 25,485 26,528 27,748 30,697 31,977 159.6 168
VietinBank 25,160 25,485 26,651 27,946 31,096 32,106 161.07 169.02
Agribank 25,180 25,485 26,599 27,900 30,846 32,001 160.64 168.67
Eximbank 25,160 25,485 26,632 27,531 30,915 31,959 161.35 166.79
ACB 25,190 25,485 26,768 27,476 31,178 31,876 161.53 166.97
Sacombank 25,250 25,485 26,880 27,440 31,315 31,817 162.5 167.51
Techcombank 25,228 25,485 26,523 27,869 30,720 32,037 157.83 170.27
LPBank 24,943 25,485 26,344 27,844 31,044 31,948 159.37 170.59
DongA Bank 25,250 25,485 26,760 27,440 31,070 31,920 159.80 166.90
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,60
1,60
1,90
2,90
2,90
4,60
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,40
2,60
3,50
3,70
4,50
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,10
2,30
2,50
3,50
3,60
4,50
4,80
Techcombank
0,10
-
-
-
2,20
2,20
2,30
3,40
3,45
4,40
4,40
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
1,80
1,80
2,10
3,20
3,20
5,00
5,30
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,30
3,30
3,30
4,30
4,50
4,80
5,00
Agribank
0,20
-
-
-
1,60
1,60
1,90
3,00
3,00
4,70
4,70
Eximbank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,00
3,20
3,30
3,80
3,80
4,80
5,10

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?