Ngày 13/12/2022, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức tập huấn triển khai thực hiện một số nội dung của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 và tham vấn ý kiến đối với dự thảo các văn bản quy định chi tiết của Luật. Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng chủ trì buổi tập huấn. Tham dự buổi tập huấn có đại diện một số đơn vị, vụ, cục thuộc NHNN; đại diện Hiệp hội Ngân hàng; đại diện các ngân hàng thương mại và đơn vị có liên quan.
Toàn cảnh buổi tập huấn
Tại buổi tập huấn, đại diện Lãnh đạo Vụ Pháp chế và Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN đã giới thiệu khái quát các nội dung mới của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 và kế hoạch triển khai thi hành Luật; các nội dung cơ bản về trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đối tượng báo cáo theo Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022; tóm tắt nội dung dự thảo Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của NHNN hướng dẫn chi tiết Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022.
Đáng chú ý, các bộ, ngành mới được bổ sung trách nhiệm tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 có thêm Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong đó, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về lĩnh vực kinh doanh kim khí quý, đá quý, trừ hoạt động kinh doanh vàng miếng và vàng trang sức, mỹ nghệ; Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm về kinh doanh trò chơi trên mạng viễn thông, mạng Internet; Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm về hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện và tổ chức tôn giáo; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trao đổi, lập danh sách, đánh giá rủi ro về việc tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Cùng với đó, trách nhiệm của đối tượng báo cáo bổ sung thêm là các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; quy định cụ thể hơn về thông tin nhận biết khách hàng (bao gồm thu thập, cập nhật, xác minh thông tin quy định tại Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 14); các giao dịch đáng ngờ cũng được đưa vào trách nhiệm của đối tượng báo cáo.
Đại diện NHNN cũng đã giới thiệu về: (1) Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022. Dự thảo Nghị định này quy định chi tiết khoản 3 Điều 7, khoản 4 Điều 9, khoản 2 Điều 10, điểm a khoản 1 Điều 20, khoản 1 Điều 39, khoản 3 Điều 41, khoản 4 Điều 42, khoản 5 Điều 44 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022. Dự thảo Nghị định gồm 03 chương và 13 điều; (2) Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là 300 triệu đồng; (3) Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022, quy định chi tiết khoản 3 Điều 15, khoản 3 Điều 16, khoản 5 Điều 24, khoản 3 Điều 25, khoản 4 Điều 26, khoản 1, 3 Điều 34 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022. Dự thảo Thông tư gồm 13 điều.
Sau khi nghe giới thiệu các dự thảo, từ thực tiễn hoạt động, đại diện các ngân hàng thương mại, các đơn vị liên quan đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến về nội dung các dự thảo, các thuật ngữ được sử dụng cũng như chi tiết cụ thể cho từng điều luật.
Lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp, đại diện NHNN - ông Phạm Huyền Anh, Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng - Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cho biết, NHNN ghi nhận và sẽ nghiên cứu bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các dự thảo để trình các cấp có thẩm quyền.
Đức Thuận