Phát triển TTKDTM trước tiên phải gây dựng được niềm tin của người tiêu dùng
Mục tiêu trọng tâm
Ngay sau Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng 2020, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng. Trong đó, một trong những mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát được đặt ra là yêu cầu đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), đặc biệt là thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; đảm bảo các hệ thống thanh toán, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ổn định, an toàn và hiệu quả. Chỉ thị cũng nêu rõ cần “đổi mới và hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm phát triển dịch vụ ngân hàng số; tăng cường an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng”.
Đẩy mạnh TTKDTM và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 cũng nằm trong những giải pháp trọng tâm tại Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.
Tại Nghị quyết 02, Chính phủ giao NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money), thí điểm các mô hình dịch vụ thanh toán mới trong khi chưa có quy định của pháp luật để kịp thời đảm bảo công tác quản lý, nhất là đối với các hoạt động thanh toán xuyên biên giới.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, ở Việt Nam trên 90% các giao dịch dưới 100 ngàn đồng là bằng tiền mặt nên Mobile Money sẽ là giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy TTKDTM. Năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia, vì vậy theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, bên cạnh việc đầu tư nền tảng hạ tầng số, an ninh mạng, nghiên cứu phát triển đổi mới sáng tạo... một số ngành sẽ được ưu tiên chuyển đổi trước, trong đó có ngành Ngân hàng. Vì ngân hàng là nền tảng thúc đẩy kinh tế số.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng thông tin, NHNN đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông về vấn đề này, tuy nhiên đây là mô hình mới, cần thực hiện thí điểm nên phải chờ ý kiến từ Bộ Tư pháp mới có thể cho triển khai trong năm 2020.
Trước khi chờ để có thể triển khai thí điểm Mobile Money, năm 2020, mục tiêu đặt ra của NHNN là sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý theo hướng chặt chẽ, an toàn, tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Trước mắt, theo ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN tập trung hoàn thành Nghị định mới về TTKDTM và ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn; khung khổ cơ chế thử nghiệm hoạt động công nghệ tài chính (fintech) trong lĩnh vực ngân hàng. NHNN cũng sẽ hoàn thành các Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2016 - 2020, Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công, Chiến lược giám sát các hệ thống thanh toán tại Việt Nam giai đoạn 2014-2020 và nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cho giai đoạn mới.
Củng cố nền tảng để bứt phá
Báo cáo của Vụ Thanh toán (NHNN) cho thấy, tính đến cuối tháng 11/2019, có trên 78 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 47 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động, toàn thị trường hiện có 19.048 ATM (tăng 2,61% so với cùng kỳ năm 2018), 287.440 POS (tăng 11,38% so với cùng kỳ năm trước) và hơn 50.000 điểm chấp nhận thanh toán qua QR Code.
Ngoài các ngân hàng truyền thống, đến nay, có 32 tổ chức không phải là ngân hàng đã được cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, cho phép ra đời nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới với nhiều tiện ích, nhanh chóng, an toàn.
Ngành Ngân hàng cũng đang từng bước xây dựng kho dữ liệu, hạ tầng số tập trung, chuẩn hóa, cho phép chia sẻ, tích hợp tạo hệ sinh thái số trải rộng nhiều ngành, lĩnh vực như: hệ sinh thái mobile banking kết nối với dịch vụ công, tài chính, viễn thông, điện lực, giao thông, y tế...
Nhờ đó mà trên điện thoại di động hiện nay, khách hàng có thể sử dụng được nhiều tiện ích hơn so với giao dịch trực tiếp tại ngân hàng. Năm 2019, hoạt động thanh toán đạt nhiều kết quả ấn tượng thể hiện qua những chỉ tiêu TTKDTM tăng từ 2 đến 3 con số. So với cùng kỳ 2018, giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 42,5% về số lượng và 35,4% về giá trị giao dịch; giao dịch qua kênh Internet tăng 69,4% về số lượng và tăng 37,1% giá trị; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng 196,8% về số lượng và tăng 225,1% về giá trị.
Có rất nhiều câu chuyện có thể bàn tới trong việc thúc đẩy TTKDTM, nhưng theo chuyên gia, yếu tố cốt lõi để có thể thúc đẩy TTKDTM nằm ở công nghệ và nhận thức. Ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch HĐQT VietinBank đề xuất cần mở rộng ứng dụng chữ ký điện tử, e-KYC, thúc đẩy hợp tác ngân hàng với các công ty Fintech. Theo đó, cần tăng cường phối hợp bảo đảm an ninh an toàn, bảo mật trong các giải pháp ngân hàng dựa trên nền tảng số hoá, giúp tối ưu hoá trải nghiệm khách hàng trong việc sử dụng các sản phẩm dịch vụ tại các kênh số hoá, nâng cao khả năng tương tác giữa ngân hàng với khách hàng, tạo ra những trải nghiệm mới mẻ.
Thẳng thắn nhìn nhận, ông Nguyễn Tuấn Lương - Phó Tổng Giám đốc VNPay cho rằng, phát triển TTKDTM trước hết phải gây dựng được niềm tin của người tiêu dùng. Nếu như các hệ thống thương mại điện tử cũng như hệ thống thanh toán có thể hỗ trợ để củng cố niềm tin cho người tiêu dùng tốt hơn, liên quan đến chất lượng hàng hoá cũng như dịch vụ thì đó sẽ là động lực thúc đẩy người tiêu dùng TTKDTM nhiều hơn.
Với một công ty Fintech, thách thức lớn nhất là việc làm sao đưa công nghệ mới vào để làm thay đổi thói quen, hành vi của người dùng. Thực tế, các công ty Fintech tại Việt Nam hầu hết là những công ty có tuổi đời còn tương đối khiêm tốn, quy mô nhỏ, nên cách mà họ có thể tiếp cận với các ngân hàng, tổ chức lớn còn hạn hẹp. Với vai trò của một trong những công ty Fintech đi đầu và có nguồn đầu tư, Phó Tổng Giám đốc VNPay chia sẻ thêm, các công ty Fintech mới tham gia thị trường có thể liên kết hệ sinh thái của họ vào hệ sinh thái của VNPay để kết nối dễ dàng hơn với các ngân hàng, các tổ chức lớn.