Bài viết này nhìn lại cơ chế tạo lập nguồn vốn trong hoạt động tín dụng đầu tư phát triển (ĐTPT) của Nhà nước từ năm 2006 đến năm 2018 và phân tích tác động của cơ chế này đến với hoạt động cho vay ĐTPT thời gian qua. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp mở rộng và nâng cao hiệu quả tạo lập nguồn vốn nhằm đáp ứng yêu cầu cho tăng trưởng cũng như đảm bảo an toàn trong hoạt động tín dụng ĐTPT của Nhà nước thời gian tới.
1. Đặt vấn đề
Nguồn vốn là yếu tố đầu vào quan trọng của mọi hoạt động kinh tế. Đối với hoạt động tín dụng, nguồn vốn càng trở nên có vai trò quan trọng bởi đây là đối tượng kinh doanh cơ bản, quyết định quy mô và ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các định chế cho vay. Do đó, việc tạo lập nguồn vốn luôn là một vấn đề sống còn và rất được quan tâm trong hoạt động của các tổ chức này từ trước đến nay.
Cũng giống như các loại hình tín dụng khác trong nền kinh tế, việc tạo lập nguồn vốn luôn được quan tâm và chú trọng trong hoạt động tín dụng ĐTPT của Nhà nước. Tuy nhiên, không giống như việc tạo lập nguồn vốn của các tổ chức tín dụng thông thường, việc tạo lập nguồn vốn trong hoạt động tín dụng ĐTPT của Nhà nước có những điểm khác biệt xuất phát từ yêu cầu về thời hạn sử dụng vốn của các dự án vay vốn tín dụng ĐTPT cũng như từ những đặc thù về cơ chế hoạt động của cơ quan thực thi chính sách tín dụng ĐTPT của Nhà nước.
Tại Chiến lược phát triển Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, một trong những mục tiêu được đặt ra là tăng trưởng tín dụng đạt tốc độ bình quân khoảng 10%/năm trong giai đoạn 2013-2020 và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn sau năm 2020. Chiến lược này cũng đặt ra mục tiêu xác định cơ cấu giữa vốn chủ sở hữu và vốn huy động của cơ quan này và có lộ trình tăng vốn chủ sở hữu nhằm đưa tỷ lệ an toàn vốn năm 2020 đạt 10% và tiến tới áp dụng các chỉ tiêu an toàn tài chính theo chuẩn mực quốc tế từ sau năm 2020.
Đến thời điểm hiện tại, việc thực hiện một số mục tiêu được xác định tại Chiến lược nói trên không đạt được như kế hoạch đặt ra. Mặc dù vậy, trong trường hợp Chiến lược này vẫn được tiếp tục thực hiện mà không có sự điều chỉnh, thì đòi hỏi quy mô nguồn vốn cho VDB cần phải có sự tăng trưởng lớn, bao gồm cả vốn chủ sở hữu và vốn huy động. Tuy nhiên, việc thực hiện yêu cầu này trong bối cảnh hiện nay là một vấn đề rất khó khăn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
Chính vì vậy, việc nghiên cứu nhằm tìm ra giải pháp nhằm tạo lập nguồn vốn nhằm đáp ứng yêu cầu tăng trưởng tín dụng và đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động tín dụng ĐTPT của Nhà nước trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động VDB, cơ quan thực thi chính sách tín dụng ĐTPT của Nhà nước cũng như đảm bảo sự thành công của chính sách này.
2. Tình hình tạo lập nguồn vốn trong hoạt động tín dụng ĐTPT của Nhà nước thời gian qua
Chính sách tín dụng ĐTPT của Nhà nước được đưa vào áp dụng ở Việt Nam từ năm 2000 theo Nghị định số 43/1999/NĐ-CP của Chính phủ. Cơ quan đầu tiên được giao thực hiện chính sách này là Quỹ Hỗ trợ phát triển (DAF), một tổ chức tài chính nhà nước được Chính phủ thành lập theo Nghị định số 50/1999/NĐ-CP.
Theo quy định của Chính phủ, DAF được sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau để thực hiện chính sách tín dụng ĐTPT của Nhà nước, bao gồm vốn điều lệ, vốn ngân sách nhà nước cấp hàng năm, vốn thu hồi nợ hàng năm, vốn từ phát hành trái phiếu chính phủ, vốn vay nợ, viện trợ nước ngoài của Chính phủ dùng để cho vay lại, vốn do DAF huy động… Đồng thời, DAF cũng được ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý khi thực hiện chính sách này.
Đến năm 2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 108/2006/QĐ-TTg thành lập Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) trên cơ sở tổ chức lại DAF và giao cho ngân hàng này thực hiện chính sách tín dụng ĐTPT của Nhà nước. Giống như tổ chức tiền thân, VDB cũng được ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý, được sử dụng vốn điều lệ, các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước và vốn huy động để thực hiện chính sách tín dụng ĐTPT.
Trải qua gần 15 năm hoạt động, nguồn vốn của VDB đã có sự tăng trưởng đáng kể. Từ mức chỉ hơn 100.000 tỷ đồng lúc mới thành lập (2006), tổng nguồn vốn của VDB đã tăng lên gấp gần 3 lần trong những năm gần đây. Quy mô nguồn vốn qua từng năm được thể hiện trên Biểu đồ 1.
Trong tổng nguồn vốn hoạt động của VDB, nguồn vốn được sử dụng để thực hiện chính sách tín dụng ĐTPT của Nhà nước chủ yếu là vốn chủ sở hữu (mà trong đó, phần lớn là vốn điều lệ1) và vốn huy động (trong đó, phổ biến là huy động từ phát hành trái phiếu Chính phủ hoặc trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh), còn lại, các nguồn vốn khác chiếm tỷ trọng không đáng kể. Diễn biến cơ cấu các nguồn vốn được sử dụng để thực hiện chính sách tín dụng ĐTPT của Nhà nước qua các năm được thể hiện trên Biểu đồ 2.
Số liệu trên Biểu đồ 2 cho thấy, giống như hầu hết các tổ chức tín dụng khác trong nền kinh tế, hoạt động tín dụng ĐTPT của Nhà nước chủ yếu được thực hiện bằng nguồn vốn do VDB huy động. Tuy nhiên, khác với các tổ chức tín dụng còn lại, việc huy động vốn của VDB phần lớn được thực hiện dưới hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ hoặc trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh2. Số liệu từ báo cáo tài chính các năm của VDB cho thấy vốn huy động từ phát hành trái phiếu chiếm tỷ trọng rất lớn trong số vốn huy động cũng như tổng nguồn vốn hoạt động của VDB (xem Biểu đồ 3). Điều đó cũng có nghĩa là phát hành trái phiếu có vai trò rất quan trọng trong việc tạo lập nguồn vốn cho hoạt động tín dụng ĐTPT của Nhà nước.
Tuy nhiên, điều đáng nói là, mặc dù chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn tín dụng ĐTPT, song, nguồn vốn phát hành trái phiếu của VDB thường có kỳ hạn không dài. Số liệu về kết quả phát hành trái phiếu giai đoạn 2011-2018 cho thấy, loại trái phiếu mà VDB phát hành để huy động vốn phục vụ chủ yếu là trái phiếu kỳ hạn 2 năm, 3 năm hoặc 5 năm, còn lại các trái phiếu kỳ hạn 7 năm, 10 năm và 15 năm chiếm tỷ trọng không đáng kể. Trong 5 năm trở lại đây, cơ cấu phát hành trái phiếu của VDB tuy có sự điều chỉnh, song, ngoại trừ năm 2017 có lượng trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 15 năm được phát hành nhiều, còn lại các năm khác, loại trái phiếu được phát hành chiếm tỷ trọng lớn vẫn chủ yếu là trái phiếu có kỳ hạn dưới 10 năm, trong đó, phổ biến là trái phiếu có kỳ hạn 3 năm và 5 năm (xem Biểu đồ 4).
Trong khi đó, việc tài trợ vốn tín dụng ĐTPT của VDB chủ yếu được thực hiện dưới hình thức cho vay với kỳ hạn dài, đại bộ phận các dự án sử dụng vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước có thời hạn vay vốn 8-10 năm, nhiều dự án được vay vốn lên đến 15 năm, thậm chí 20 năm hoặc lâu hơn. Đây chính là điểm khiến cho việc tạo lập nguồn vốn và quản trị thanh khoản trong hoạt động tín dụng ĐTPT của Nhà nước tại VDB trở nên khó khăn và phức tạp hơn so với hoạt động của các tổ chức tín dụng thông thường. Đồng thời, đặc điểm về cơ cấu nguồn vốn như trên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai hoạt động tín dụng ĐTPT của Nhà nước thời gian qua.
3. Ảnh hưởng của nguồn vốn đến hoạt động tín dụng ĐTPT của Nhà nước
Ở giai đoạn đầu khi mới triển khai hoạt động tín dụng ĐTPT của Nhà nước, cơ chế tạo lập nguồn vốn đối với hoạt động này được quy định khá phù hợp với việc cho phép cơ quan thực thi chính sách tín dụng ĐTPT của Nhà nước sử dụng nhiều nguồn vốn giá rẻ và kỳ hạn dài để phục vụ hoạt động cho vay ĐTPT như vốn vay nợ, viện trợ nước ngoài của Chính phủ dùng để cho vay lại, vốn vay quỹ tích luỹ trả nợ nước ngoài, tiết kiệm bưu điện, bảo hiểm xã hội… Với cơ chế tạo lập nguồn vốn này, cơ quan thực thi chính sách tín dụng ĐTPT của Nhà nước có nhiều thuận lợi do được sử dụng nhiều nguồn vốn có chi phí thấp và kỳ hạn dài để thực hiện chính sách tín dụng ĐTPT.
Tuy nhiên, cùng với quá trình cải cách tài chính công, việc quản lý và sử dụng các quỹ tài chính - tiền tệ trước đây có quan hệ với cơ quan thực thi chính sách tín dụng ĐTPT của Nhà nước cũng có sự thay đổi. Chẳng hạn, với việc Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost) tham gia góp vốn vào Ngân hàng thương mại cổ phần Liên Việt bằng giá trị Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện theo sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2011, VDB không còn được huy động vốn từ quỹ tiết kiệm bưu điện để thực hiện chính sách tín dụng ĐTPT của Nhà nước. Hoặc với việc Quỹ tích lũy trả nợ sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của mình để gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính trong nước trên cơ sở chào lãi suất cạnh tranh theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, VDB cũng không thể huy động được nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của Quỹ này do không cạnh tranh được với các ngân hàng thương mại về lãi suất huy động. Hoặc với việc Chính phủ quy định quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp chỉ được mua trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do các ngân hàng chính sách phát hành với thời hạn tối đa không quá 5 năm cũng đã làm mất đi cơ hội của VDB trong việc huy động nguồn vốn có kỳ hạn dài từ Bảo hiểm xã hội như những năm trước đây…
Đồng thời với những thay đổi nói trên, cơ chế tạo lập nguồn vốn trong hoạt động tín dụng ĐTPT của Nhà nước cũng có sự thay đổi theo hướng từng bước chuyển nguồn vốn cho vay của cơ quan thực thi chính sách tín dụng ĐTPT sang sử dụng các nguồn vốn huy động từ thị trường tài chính nhằm đáp ứng yêu cầu giảm dần bao cấp từ ngân sách đối với hoạt động tín dụng nhà nước được đặt ra tại Chiến lược tài chính Việt Nam đến năm 20203 cũng như Chiến lược phát triển VDB đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 20304.
Theo quy định hiện hành, các nguồn vốn mà VDB được sử dụng để thực hiện chính sách tín dụng ĐTPT của Nhà nước bao gồm vốn chủ sở hữu, vốn huy động trong và ngoài nước, nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp và các nguồn vốn hợp pháp khác. Tuy nhiên, với tình hình và khả năng hiện tại, nguồn vốn mà VDB có thể tạo lập được để thực hiện chính sách tín dụng ĐTPT của Nhà nước vẫn tập trung chủ yếu vào việc phát hành trái phiếu có kỳ hạn không dài.
Với những tính chất và đặc điểm như trên, nguồn vốn phục vụ hoạt động tín dụng ĐTPT của Nhà nước tại VDB có khá nhiều hạn chế, thể hiện trên các mặt sau đây:
Thứ nhất, làm tăng rủi ro thanh khoản đối với VDB
Như đã trình bày ở phần trên, nguồn vốn thực hiện chính sách tín dụng ĐTPT phần lớn được VDB huy động thông qua phát hành trái phiếu với kỳ hạn tương đối ngắn (3-5 năm), trong khi các khoản vay lại có thời hạn rất dài. Chênh lệch giữa thời hạn cho vay và kỳ hạn huy động vốn đã tạo ra một áp lực rất lớn về thanh khoản cho VDB.
Thêm vào đó, việc các khách hàng của VDB trong những năm gần đây gặp khó khăn trong việc trả nợ do dự án vay vốn tín dụng ĐTPT không phát huy được hiệu quả như kỳ vọng đã làm cho nợ xấu của VDB tăng cao. Tình hình đó làm cho nguồn vốn của VDB càng trở nên căng thẳng do phải sử dụng các nguồn vốn khác để thanh toán nợ đến hạn của các khoản vốn huy động mà lẽ ra đã được thanh toán bằng số nợ gốc thu hồi được từ các dự án vay vốn tín dụng ĐTPT.
Thứ hai, làm tăng số cấp bù từ ngân sách nhà nước
Theo quy định của Chính phủ, VDB được ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất khi thực hiện chính sách tín dụng ĐTPT của Nhà nước. Số cấp bù được xác định trên cơ sở chênh lệch giữa lãi suất hoà đồng các nguồn vốn với lãi suất cho vay và dư nợ vay tín dụng ĐTPT.
Với quy định nói trên, hàng năm, ngân sách nhà nước phải cấp cho VDB một số tiền khá lớn để bù đắp phần chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và lãi suất cho vay ĐTPT do lãi suất cho vay được quy định khá thấp, trong khi nguồn vốn sử dụng để cho vay phần lớn được hình thành từ phát hành trái phiếu với lãi suất huy động tương đối cao.
Thứ ba, hạn chế khả năng tăng trưởng tín dụng ĐTPT của Nhà nước
Bắt đầu từ năm 2007, lãi suất tín dụng ĐTPT của Nhà nước được quy định theo hướng tiến tới bù đắp chi phí vốn và chi phí hoạt động của VDB5. Việc quy định như trên là nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước và đưa hoạt động tín dụng ĐTPT của VDB tiến dần đến phù hợp với thông lệ hoạt động ngân hàng.
Tuy nhiên, do nguồn vốn của VDB những năm vừa qua chủ yếu được tạo lập từ việc phát hành trái phiếu với chi phí tương đối cao, nên lãi suất tín dụng ĐTPT của Nhà nước cũng theo đó mà tăng lên, làm mất đi tính hấp dẫn của nguồn vốn tín dụng ĐTPT. Hệ quả là VDB gặp rất nhiều khó khăn trong việc cho vay và có nhiều năm (2014, 2015, 2016…) không hoàn thành kế hoạch tín dụng ĐTPT của Nhà nước mà Thủ tướng Chính phủ giao.
Thứ tư, ảnh hưởng tiêu cực cân đối tài chính của VDB
Mặc dù số chênh lệch lãi suất trong hoạt động tín dụng ĐTPT phát sinh khá lớn, song điều đáng nói là do việc cân đối gặp nhiều khó khăn nên trong những năm gần đây, ngân sách nhà nước thường xuyên không bố trí đủ dự toán để cấp bù chênh lệch lãi suất cho VDB theo đúng số thực tế phát sinh. Tính đến hết năm 2018, số tiền cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý mà ngân sách nhà nước chưa cấp đủ cho VDB đã lên tới hơn 13.000 tỷ đồng (trong đó, chủ yếu là tiền cấp bù chênh lệch lãi suất).
Sự thiếu hụt nói trên đã gây ra cho VDB những khó khăn không nhỏ trong việc đảm bảo nguồn vốn để đáp ứng yêu cầu cho vay do phải sử dụng các nguồn vốn khác (mà trong đó chủ yếu là phát hành trái phiếu) để bù đắp cho phần thiếu hụt từ số cấp bù chênh lệch lãi suất mà ngân sách nhà nước chưa cấp cho VDB. Và tất nhiên, việc sử dụng các nguồn vốn thay thế này sẽ làm cho tình hình tài chính của VDB xấu đi do chi phí huy động vốn bị tăng lên đáng kể. Ngoài ra, việc sử dụng vốn huy động để bù đắp cho phần thiếu hụt từ số cấp bù chênh lệch lãi suất nói trên cũng làm cho tình hình thanh khoản của VDB thêm căng thẳng.
4. Một số đề xuất về tạo lập nguồn vốn cho hoạt động tín dụng ĐTPT của Nhà nước
Để đảm bảo nguồn vốn đáp ứng yêu cầu triển khai hoạt động tín dụng ĐTPT của Nhà nước, bài viết đề xuất một số giải pháp mà các cơ quan liên quan cần triển khai trong thời gian tới như sau:
Một là, đối với Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan:
- Bố trí cấp đủ vốn điều lệ cho VDB theo lộ trình được phê duyệt tại Chiến lược phát triển VDB đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 để sớm đạt mức vốn điều lệ được quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của VDB.
- Tạo điều kiện để VDB phát hành trái phiếu kỳ hạn phù hợp với yêu cầu cho vay đối với các dự án ĐTPT có thời hạn thu hồi vốn dài thuộc đối tượng sử dụng vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước.
- Bố trí nguồn vốn để thanh toán các khoản cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý mà ngân sách nhà nước chưa thanh toán đủ cho VDB, đồng thời, không để tình trạng nợ đọng tương tự xảy ra trong thời gian tới.
- Xem xét bố trí ngân sách nhà nước để hỗ trợ phần tiền lãi mà VDB phải trả từ việc huy động vốn nhằm bù đắp cho số tiền chênh lệch lãi suất mà ngân sách nhà nước không thanh toán kịp thời cho VDB trong những năm qua.
Hai là, đối với VDB:
- Đẩy mạnh huy động vốn bằng các hình thức khác nhau đã được cho phép tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của VDB nhằm mở rộng quy mô cũng như đa dạng hoá kỳ hạn của nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu cho vay các thời hạn khác nhau với lãi suất phù hợp với chi phí nguồn vốn tương ứng.
- Mở rộng hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế nhằm tìm kiếm cơ hội huy động các nguồn vốn có kỳ hạn dài với giá rẻ từ các tổ chức này, nhất là các nguồn vốn dành cho những lĩnh vực có nhiều dự án thuộc đối tượng vay vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước (xây dựng công trình cấp nước sạch, công trình xử lý nước thải, rác thải; xây dựng nhà máy phát điện sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo; sản xuất phương tiện và thiết bị tiết kiệm năng lượng…).
- Thực hiện các biện pháp quản trị rủi ro thanh khoản có hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu sử dụng vốn để cho vay với thời hạn dài trong bối cảnh các nguồn vốn huy động có kỳ hạn không tương xứng.
- Nâng cao hiệu quả triển khai các biện pháp quản trị rủi ro tín dụng, trong đó bao gồm cả việc đẩy mạnh thu hồi và xử lý nợ, nhằm hạn chế tình trạng nguồn vốn bị ứ đọng ở các khoản nợ xấu cũng như giảm thiểu tình trạng mất vốn do các khoản nợ này gây ra.
________
[1] Tại thời điểm thành lập (2006), VDB có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng. Đến năm 2007, mức vốn này được điều chỉnh lên 10.000 tỷ đồng theo Quyết định số 44/2007/QĐ-TTg ngày 30/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Tại Quyết định số 369/QĐ-TTg ngày 28/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển VDB đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, lộ trình tăng vốn điều lệ của VDB dự kiến đạt 20.000 tỷ đồng vào năm 2015 và 30.000 tỷ đồng vào năm 2020. Đến năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của VDB kèm theo Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 03/9/2015, trong đó quy định vốn điều lệ của VDB là 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết năm 2018, vốn điều lệ thực có của VDB chỉ mới đạt hơn 15.000 tỷ đồng.
[2] Trước đây, theo quy định về tín dụng ĐTPT của Nhà nước, VDB được phát hành trái phiếu Chính phủ để huy động vốn. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Quản lý nợ công, từ ngày 01/01/2010, VDB không được tiếp tục phát hành trái phiếu Chính phủ, thay vào đó là phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.
[3] Một trong những giải pháp tái cấu trúc đầu tư công gắn với nâng cao hiệu quả đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước được đưa ra tại Chiến lược Tài chính đến năm 2020 là đổi mới phương thức phát triển tín dụng nhà nước theo nguyên tắc thương mại nhằm đảm bảo tính bền vững.
[4] Một trong những mục tiêu được đặt ra tại Chiến lược phát triển VDB đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 là từng bước giảm cấp bù của ngân sách nhà nước và tiến tới tự chủ về tài chính trong hoạt động của ngân hàng này.
[5] Theo quy định tại Nghị định số 151/2006/NĐ-CP, lãi suất tín dụng ĐTPT được xác định bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm cộng tỷ lệ %. Còn theo quy định tại Nghị định số 75/2011/NĐ-CP, lãi suất tín dụng ĐTPT được xác định bằng lãi suất bình quân các nguồn vốn cộng với phí hoạt động của VDB. Hiện nay theo quy định tại Nghị định số 32/2017/NĐ-CP, lãi suất tín dụng ĐTPT được xác định bằng lãi suất trái phiếu VDB kỳ hạn 5 năm cộng tỷ lệ chi phí quản lý hoạt động và dự phòng rủi ro của VDB.
Tài liệu tham khảo:
1. Công văn số 244/TTg-ĐMDN ngày 21/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc VNPost góp vốn vào Ngân hàng TMCP Liên Việt.
2. Luật Quản lý nợ công số 29/2009/QH12.
3. Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 của Chính phủ về tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.
4. Nghị định số 30/2016/NĐ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ quy định chi tiết hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
5. Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước.
6. Nghị định số 50/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển.
7. Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.
8. Nguyễn Cảnh Hiệp (2017), “Khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước: nhìn từ yếu tố lãi suất”, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, số 8 (471), tháng 8/2017, Tr.49-55.
9. Quyết định số 01/2013/QĐ-TTg ngày 07/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế lập, sử dụng và quản lý Quỹ tích lũy trả nợ.
10. Quyết định số 108/2006/QĐ-TTg ngày 19/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
11. Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 03/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
12. Quyết định số 369/QĐ-TTg ngày 28/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Ngân hàng Phát triển Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
13. Quyết định số 44/2007/QĐ-TTg ngày 30/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
14. Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 18/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Tài chính đến năm 2020.
TS. Nguyễn Cảnh Hiệp
ThS. Phạm Thu Hương
(TCNH số 13/2019)