DN đánh giá cao hỗ trợ của ngân hàng
Phát biểu tại hội nghị, cộng đồng DN đặc biệt đề cao các chính sách hỗ trợ của ngành Ngân hàng. Ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) phân tích, dịch Covid-19 khiến các ngành kinh tế đều bị ảnh hưởng, đặc biệt là ngành hội nhập sâu rộng như dệt may.
Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ “5 mũi giáp công" để phục hồi nền kinh tế
Tuy nhiên, sự điều hành của Chính phủ đã giúp kiểm soát dịch và điều hành vĩ mô tốt, nhờ đó giảm thiểu thiệt hại rất nhiều so với dự kiến ban đầu của DN. Bên cạnh đó, các biện pháp hỗ trợ của ngành Ngân hàng cũng hết sức kịp thời, đặc biệt là Thông tư 01/2020/TT-NHNN cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ… đã giúp DN vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra. Chẳng hạn như Vietcombank đã giảm lãi suất đối với tất cả các khoản nợ hiện hữu của Vinatex. Các ngân hàng khác cũng kề vai sát cánh cùng DN, như miễn giảm lãi, phí; cơ cấu nợ của DN theo tính chất, vị trí của họ trong chuỗi cung ứng và khả năng phục hồi… “Mặc dù Vinatex không phải khách hàng lớn của Vietcombank, nhưng ngân hàngvẫn đồng hành với chúng tôi”, ông Lê Tiến Trường cho biết.
Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cũng ghi nhận, toàn hệ thống ngân hàng đã nhất quán chủ trương “thắt lưng buộc bụng” để hạ lãi suất, cơ cấu lại nhóm nợ, gia hạn thời gian trả nợ, thậm chí hoãn phân chia lợi tức để hỗ trợ DN, với tổng trị giá lên đến 600.000 tỷ đồng. Cho đến nay, ngành Ngân hàng đã cấp mới vốn vay cho hơn 354.000 khách hàng với tổng trị giá khoảng 165.000 tỷ đồng.
Mặc dù thời điểm hiện tại, nhu cầu vay vốn để chi trả tiền lương cho công nhân và phục hồi sản xuất kinh doanh vẫn còn lớn, song ông Thân cho rằng các DN không thể chỉ trông chờ vào hệ thống ngân hàng. Do đó, Hiệp hội DNNVV đề nghị cần khơi thông, phát triển các nguồn lực cũng như nguồn vốn khác cho DN, như tăng cường nguồn lực cho các quỹ Hỗ trợ DNNVV, đặc biệt là các Quỹ bảo lãnh tín dụng; phát hành trái phiếu liên quan đến các dự án đầu tư công để huy động ngoại tệ cũng như các nguồn lực nhàn rỗi ngắn hạn và dài hạn trong dân; giãn thuế VAT đến hết năm 2020, miễn trừ thuế thu nhập DN cho DNNVV và thuế môn bài cho các hộ kinh doanh đến hết năm 2020…
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu tại hội nghị
Về phía mình, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng đánh giá cao nỗ lực vượt qua khó khăn của cộng đồng DN. Bên cạnh đó, các DN, hiệp hội DN và VCCI thời gian qua đã có các kiến nghị rất cụ thể về các giải pháp chính sách,trong đó có chính sách tiền tệ.
Chia sẻ về những giải pháp hỗ trợ mà ngành Ngân hàng đã triển khai trong thời gian qua, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, toàn ngành Ngân hàng đã nắm bắt, chủ động dự báo tình hình, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn với 3 giải pháp chính.
Thứ nhất, NHNN đã tập trung điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, nhằm kiểm soát lạm phát, không để tỷ giá biến động; đảm bảo toàn bộ thanh khoản nền kinh tế, giảm lãi suất, giữ nền tảng vĩ mô, môi trường kinh doanh thuận lợi, ổn định để tạo điều kiện giảm thiểutác động của dịch bệnh.
Thứ hai, NHNN đã kịp thời ban hành Thông tư 01 với những cơ chế rất mạnh, tạo điều kiện về cơ chế pháp lý để các TCTD tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho khách hàng như khách hàng được cơ cấu lại khoản nợ gốc và lãi phù hợp hơn, trong thời gian này khách hàng không phải trả ngân hàng cả gốc và lãi, không bị tính lãi phạt; khách hàng được cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ và tiếp tục vay vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh; tạo hành lang pháp lý để các TCTD miễn giảm lãi và phí. “Chúng tôi cho rằng đây là những giải pháp rất hữu hiệu và hiệu quả giúp DN giảm áp lực nguồn tiền trả nợ đến hạn để tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh”, Thống đốc đánh giá.
Thứ ba, NHNN đã chủ động đề xuất với Chính phủ và ban hành Thông tư cho vay tái cấp vốn với lãi suất 0%, số tiền 16.000 tỷ đồng từ NHNN để Ngân hàng Chính sách xã hội cho người sử dụng lao động vay trả lương cho người lao động bị ngừng việc với lãi suất 0%, theo đúng tinh thần Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, trong thời gian vừa qua, NHNN cũng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán các dịch vụ có giá trị nhỏ về Mobile Money. NHNN cũng đang hoàn tất các thủ tục để trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt…
Trên cơ sở kết quả thực tế cũng như kiến nghị của cộng đồng DN, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định, NHNN sẽ đảm bảo điều hành chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để khôi phục kinh tế sau dịch. NHNN cũng cam kết cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế đồng thời căn cứ nhu cầu vốn cho tăng trưởng, NHNN sẽ xem xét điều chỉnh tăng trưởng tín dụng cho các TCTD ở mức cao hơn so với kế hoạch đầu năm.
NHNN cũng có phương án điều hành lãi suất phù hợp, cùng với việc quyết liệt chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận để tạo điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay một cách bền vững trong thời gian tới. Cùng với đó, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục cân nhắc việc điều chỉnh tăng thêm đối với các chính sách hỗ trợ, như xem xét kéo dài thời gian cơ cấu lại nợ; cũng như đốc thúc các TCTD triển khai chưa quyết liệt.
Thống đốc Lê Minh Hưng cam kết, trong thời gian tới NHNN sẽ chỉ đạo toàn hệ thống ngân hàng vào cuộc để tiếp nhận, xử lý kịp thời các trường hợp DN gặp vướng mắc và xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà. Đặc biệt phải đơn giản hóa quy trình thủ tục và xử lý rất nhanh các kiến nghị của DN.
Tuy nhiên “chính sách hỗ trợ DN được thực hiện trên phương châm chia sẻ khó khăn và đồng hành với khách hàng bằng chính nguồn lực của ngành Ngân hàng; các chương trình tín dụng được thực hiện bằng từ chính nguồn tiền gửi của người dân, DN và các tổ chức kinh tế. Do vậy, yêu cầu đặt ra cho các TCTD là phải đảm bảo an toàn vốn vay, an toàn hoạt động để không tác động tiêu cực đến toàn nền kinh tế”, Thống đốc nhấn mạnh.
Chia sẻ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN được quy định tại Thông tư 01, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng theo Thông tư này không giới hạn ngành nghề và loại hình DN; áp dụng cả cho vay bằng VND và ngoại tệ; không phân biệt nhóm nợ của khách hàng tại thời điểm cơ cấu lại, miễn giảm lãi... Đối với vấn đề cơ cấu lại nợ, trong thời gian tới, NHNN cũng sẽ xem xét chủ trương có thể kéo dài thời gian cơ cấu lại nợ nếu cần thiết.
Hiện NHNN đã giao cho các TCTD ban hành quy định nội bộ để hướng dẫn thực hiện nhằm tạo điều kiện cho các TCTD được chủ động, xác định mức độ thiệt hại bị ảnh hưởng bởi dịch triển khai phù hợp với từng DN, đảm bảo công khai minh bạch.
|
Nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh
Sau khi lắng nghe và ghi nhận các ý kiến phát biểu từ cộng đồng DN, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, các đại biểu trong nước và quốc tế đều đánh giá cao công tác chỉ đạo chống dịch Covid-19 của Việt Nam đã đạt nhiều thành công. Đây là một điểm sáng khi Việt Nam đã đi trước nhiều nước, đặc biệt là các nước Đông Nam Á, trong kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh. Chúng ta đã xác lập một trạng thái bình thường mới để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú và Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tham dự Hội nghị tại điểm cầu NHNN
Khẳng định vị trí của DN là lực lượng chủ chốt trên mặt trận kinh tế, từ đóng góp tăng trưởng đến giải quyết việc làm, thu ngân sách, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, Thủ tướng nêu ra 3 yêu cầu đối với DN. Một là các DN không được trông chờ, ỷ lại trong phát triển. Thứ hai, DN phải tái cơ cấu, nâng cao trình độ quản trị để phát triển bền vững. Thứ ba, các cấp, các ngành, đặc biệt là DN áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, nhất là thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất.
Ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp về trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc tạo điều kiện cho DN phát triển, Thủ tướng cũng yêu cầu các thành viên Chính phủ, các cơ quan liên quan lắng nghe, tiếp thu ý kiến các đại biểu, nhà đầu tư, DN, hiệp hội trong và ngoài nước để Chính phủ có nghị quyết tốt nhất tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DN phát triển trong thời gian tới.
“Các bộ, cơ quan, đặc biệt là các địa phương cần có chương trình hành động cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho DN phát triển. Đặc biệt quan tâm đến DN và người lao động yếu thế, nhất là các DNNVV. Quan tâm xử lý kiến nghị của DN nhanh hơn, thuận lợi hơn, không được đổ qua, đổ lại làm mất thời cơ kinh doanh của DN”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đặc biệt, đối với DN cũng như với các cơ quan Nhà nước cần phải giữ 3 thứ, đó là giữ lao động; giữ thị trường và phát triển thị trường; giữ danh dự, bản lĩnh doanh nhân Việt Nam đổi mới, trung thực và quyết tâm phát triển. Trên tinh thần đó, phải cải cách, tái cơ cấu DN phù hợp với bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, các cơ quan Nhà nước phải quan tâm xử lý, đó là tạo môi trường tốt cho DN, hợp tác, hỗ trợ DN cả về chính sách, chia sẻ cùng DN. Đặc biệt, các DN đều mong muốn cần phải giữ ổn định vĩ mô, nhất là giữ lạm phát, giữ giá trị đồng Việt Nam…
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ “5 mũi giáp công” để phục hồi nền kinh tế, đó là thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước; đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư công; khuyến khích tiêu dùng nội địa; và thu hút FDI. Đặc biệt cần đẩy mạnh thu hút FDI trong thời gian tới, khi các đối tác lớn đang có nhiều động thái thay đổi chiến lược đầu tư kinh doanh, phân tán rủi ro trong đầu tư, nhất là đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực, trong đó có Việt Nam là điểm đến thuận lợi.
Dẫn câu nói “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Thủ tướng nhấn mạnh “khó khăn bằng hai thì chúng ta phải cố gắng bằng ba để vượt qua”. Chúng ta cùng đoàn kết, cùng quyết tâm, cùng nhau lập thành tích, hoàn thành nhiệm vụ cao nhất trong năm nay và các năm tiếp theo, đóng góp vào phát triển dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Đến ngày 8/5/2020, toàn hệ thống đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215.000 khách hàng, dư nợ 135.000 tỷ đồng; miễn giảm và hạ lãi suất cho khoảng 260.000 khách hàng, dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất ưu đãi cho các DN với số cho vay lũy kế từ ngày Thủ tướng Chính phủ tuyên bố dịch cho đến nay đạt khoảng 630.000 tỷ đồng, cho khoảng 182.000 khách hàng, với lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5% so với trước dịch; miễn giảm phí thanh toán hơn 1.000 tỷ đồng.
|