Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, thực hiện Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua NHNN đã triển khai quyết liệt, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương nhằm tập trung xây dựng, hoàn thiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với đối tượng DNNVV, doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp lương thực… Đồng thời, Ban Lãnh đạo NHNN luôn luôn quán triệt, chỉ đạo toàn ngành Ngân hàng tập trung nguồn lực, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế tiếp cận nhanh chóng, kịp thời và đảm bảo nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Trong đó, tập trung nâng cao khả năng tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp, cụ thể:
Thứ nhất, chỉ đạo các TCTD nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân.
Thứ hai, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Ngày 18/11/2019, NHNN đã ban hành Quyết định số 2416/QĐ-NHNN giảm mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.
Thứ ba, tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định quy định chính sách tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; chủ trì xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật của ngành ngân hàng quy định, hướng dẫn TCTD thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi đối với doanh nghiệp.
Thứ tư, tích cực tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc, giúp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân sản xuất - kinh doanh.
Thứ năm, tích cực, trách nhiệm trong việc giải đáp kiến nghị, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn cho từng doanh nghiệp, lĩnh vực, ngành nghề kinh tế.
Với sự nỗ lực vào cuộc của NHNN và hỗ trợ tích cực của các NHTM, hoạt động cấp tín dụng đối với DNNVV, doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp lương thực đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, qua nắm bắt thông tin từ phương tiện thông tin, báo cáo của các địa phương, tổ chức tín dụng và các Hiệp hội, ngành nghề việc tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Nhằm mục đích nắm bắt đầy đủ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng và tiếp tục tìm ra các giải pháp, chính sách về tín dụng hỗ trợ các DNNVV, DN trẻ và DN công nghiệp hỗ trợ… NHNN tổ chức gặp gỡ, trao đổi với các Hiệp hội, NHTM với doanh nghiệp nhằm đánh giá những kết quả đạt được, các khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân. Trên cơ sở đó, đề xuất giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được chính sách ưu đãi, vay vốn ngân hàng an toàn, hiệu quả.
Đ/c Nguyễn Quốc Hùng thông tin kết quả cấp tín dụng đối với DNNVV
Tại buổi Tọa đàm, thông tin về kết quả cấp tín dụng đối với DNNVV, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Nguyễn Quốc Hùng cho biết, tính đến 30/9/2019, dư nợ tín dụng đối với DNNVV đạt 1.475.828 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cuối năm 2018 (cùng kỳ tháng 9/2018 tăng 12,34%), với 196.689 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ đối với DNNVV hoạt động trong ngành công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 41%; DNNVV hoạt động trong ngành thương mại và dịch vụ 54%; DNNVV hoạt động trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 5% trên tổng dư nợ.
Tính đến cuối tháng 9/2019, dư nợ tín dụng đối với DNNVV tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (9,4% so với cuối năm 2018) và cao hơn cùng kỳ năm 2018. Trong điều kiện DNNVV ít có khả năng huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán, các nguồn vốn hỗ trợ có nguồn từ ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ quốc tế còn hạn chế thì vốn tín dụng ngân hàng vẫn là kênh tài trợ vốn chủ yếu cho DNNVV phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đại biểu thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam phát biểu ý kiến
Thảo luận, trao đổi tại buổi tọa đàm, các đại biểu cho rằng, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã và đang triển khai mạnh mẽ nhiều giải pháp nhằm phục vụ nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể, bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã quán triệt, chỉ đạo toàn ngành ngân hàng tập trung các nguồn lực, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tiếp cận nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. NHNN đã ban hành và quyết liệt triển khai nhiều giải pháp như: Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và đồng bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất và kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã; Chỉ đạo các TCTD tập trung vốn vào sản xuất, kinh doanh và ban hành các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi đối với các lĩnh vực ưu tiên (có đối tượng là DNNVV); Chỉ đạo các TCTD cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay song vẫn đảm bảo an toàn vốn vay; đồng thời kịp thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân, DN khắc phục khó khăn do thiên tai, bão lụt, dịch bệnh và một số nguyên nhân bất khả kháng khác; Hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay của TCTD theo hướng tăng cường thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm của TCTD trong việc cho vay đối với doanh nghiệp, người dân theo quy định của Luật các TCTD. Ban hành Thông tư hướng dẫn các TCTD trong cho vay có bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Nghị định số 34/2018/NĐ-CP...
Các đại biểu cũng cho rằng, các TCTD đã trích cực thực hiện chỉ đạo của NHNN về việc tập trung vốn tín dụng cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các TCTD chủ động tiếp cận đối tượng khách hàng là nhóm DNNVV, đưa ra nhiều chương trình, sản phẩm ưu tiên, hỗ trợ cho các khách hàng DNNVV với mức lãi suất thấp hơn quy định của NHNN.
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã nên một số vướng mắc, khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và đề xuất, kiến nghị một số giải pháp đối với NHNN và các Bộ, ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong việc tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Quang cảnh buổi Tọa đàm
Phát biểu tổng kết tọa đàm, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cảm ơn các đại biểu đã đến dự buổi Tọa đàm này và tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, hữu ích. Hầu hết các ý kiến đã thể hiện sự trách nhiệm trong việc giải đáp và kiến nghị giải pháp cụ thể, thiết thực, thể hiện sự chia sẻ giữa Ngân hàng và doanh nghiệp trong những thời điểm khó khăn và hỗ trợ cùng nhau phát triển; qua đó, thể sự phối hợp chặt chẽ, giám sát và nắm bắt thực tế của NHNN, sự ủng hộ của các Hiệp hội đối với ngành ngân hàng trong hoạt động tín dụng, đặc biệt là đối với doanh nghiệp được hưởng chính sách ưu tiên. Trong đó, nổi bật là các kiến nghị của Hiệp hội, doanh nghiệp tập trung vào giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi, tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, tiết giảm thủ tục vay vốn…
Phó Thống đốc Thường trực cho rằng, nội dung trao đổi, thảo luận tại buổi làm việc là cơ sở thực tiễn quan trọng để NHNN tiếp thu, xây dựng chính sách tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, phối hợp với các Bộ, ngành triển khai thành công chính sách ưu đãi hỗ trợ DNNVV theo quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV.
Nhằm thực hiện tốt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới, ngoài việc tập trung, tích cực triển khai các giải pháp của ngành Ngân hàng đã được đề cập tại buổi tọa đàm này, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú nhấn mạnh NHNN và các NHTM cần tăng cường công tác truyền thông về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN, đặc biệt là truyền thông các chương trình, dự án của NHTM hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng để doanh nghiệp biết và thực hiện.
Phó Thống đốc Thường trực đề nghị các Hiệp hội ngành nghề nâng cao vai trò, tầm ảnh hưởng của mình để làm cầu nối cho các DNNVV tiếp cận với các TCTD; đầu mối trong việc hỗ trợ cho các hội viên về thông tin thị trường, các hoạt động xúc tiến thương mại, triển lãm và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các doanh nghiệp thành viên…
CKH
Nguồn: http://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi_intra/menu/trangchu/ttsk/ttsk_chitiet?leftWidth=20%25&showFooter=false&showHeader=false&dDocName=SBV402619&rightWidth=0%25¢erWidth=80%25&_afrLoop=5250324646849000#!%40%40%3F_afrLoop%3D5250324646849000%26centerWidth%3D80%2525%26dDocName%3DSBV402619%26leftWidth%3D20%2525%26rightWidth%3D0%2525%26showFooter%3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrl-state%3Dqx7bwo1rf_125