Những kết quả ấn tượng…
Theo Liên hợp quốc, tính đến ngày 19/10/2022, dân số Việt Nam là 99.178.521 người, chiếm 1,24% dân số thế giới và đông thứ 15 trên thế giới, 38% sống ở đô thị; độ tuổi trung bình là 33,3 tuổi. Theo Tổng cục Thống kê, phụ nữ hiện chiếm 50,2% dân số và 47,3% lực lượng lao động xã hội cả nước. Tính chung 9 tháng năm 2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 51,6 triệu người. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động 9 tháng năm 2022 ước đạt 68,5%, tăng 0,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 50,5 triệu người.
Phụ nữ Việt Nam có vai trò đặc biệt trong thiên chức làm vợ, làm mẹ, với tình thương, trách nhiệm, đức hy sinh, ứng xử tế nhị, khéo léo các mối quan hệ gia đình, dòng họ, trọn đạo hiếu thảo dâu con, là điểm tựa vững chắc cho chồng thành công trong sự nghiệp, nuôi dạy con trưởng thành; đồng thời, luôn tỏa sáng phẩm chất “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, lan tỏa giá trị tốt đẹp, nhân văn, nhân ái, nhất là các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện; ngày càng nỗ lực và quyết tâm hiện thực hóa những mong ước của bản thân, thực hiện bình đẳng nam - nữ, đóng góp tích cực trong đời sống kinh tế - xã hội và hiện thực hóa các khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bền vững.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp mặt và chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ nữ tiêu biểu ngành Ngân hàng nhân dịp kỷ niệm 112 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và kỷ niệm 1982 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (sáng ngày 08/3/2022)
Thực hìện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương liên quan đến công tác cán bộ, tỷ lệ nữ trong cấp ủy, cơ quan dân cử, cơ quan nhà nước ngày càng được nâng lên… Số lượng cán bộ nữ là Ủy viên Trung ương, là đại biểu Quốc hội liên tục tăng qua các khóa gần đây. Tại Đại hội XII của Đảng, lần đầu tiên trong lịch sử của Đảng, có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị và cả 3 người đều là đại biểu Quốc hội. Tại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV đã có 131/483 nữ đại biểu trúng cử, đưa tỷ lệ nữ đại biểu lên 27,12%, tăng 2,3% so với nhiệm kỳ trước...; lãnh đạo nữ trong Quốc hội chiếm gần 40%,trong đó: Chủ tịch Quốc hội là nữ; Chủ nhiệm các cơ quan của Quốc hội là nữ chiếm 22,22%; Phó Chủ nhiệm các ủy ban là 6,45%; tất cả các ủy ban đều có thành viên là nữ; tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 - 2021 ở cấp tỉnh là 26,54%, cấp huyện là 27,85% và cấp cơ sở là 26,59%. Hiện nay, có 9,5% cán bộ Ủy viên Trung ương Đảng là nữ; 30,26% nữ đại biểu Quốc hội (tỷ lệ cao nhất từ khi thống nhất đất nước đến nay); cán bộ chủ chốt là nữ trong các bộ và cơ quan ngang bộ chiếm khoảng 50%... Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 47/187 quốc gia và vùng lãnh thổ về tỷ lệ phụ nữ tham gia chính trường và đứng thứ 2 khu vực châu Á - Thái Bình Dương về phụ nữ Việt Nam tham gia Quốc hội.
Nữ giới đóng góp tới 40% của cải cho nền kinh tế Việt Nam. Tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động đạt 78,2% so với nam giới là 86%, trong đó có một số lĩnh vực trước đây chỉ dành cho nam giới. Tỷ lệ doanh nhân nữ đứng thứ 6 trên thế giới, với 26,5% chủ doanh nghiệp là nữ. Việt Nam là một trong 20 thị trường doanh nhân nữ phát triển thuận lợi, mạng lưới doanh nghiệp nữ hoạt động hiệu quả nhất ASEAN. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 9/2019, toàn quốc có gần 285,7 nghìn doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, chiếm 24% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Trong đó, có 50,8 nghìn doanh nghiệp là công ty cổ phần, gần 140 nghìn công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, hơn 93 nghìn công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và trên 1,5 nghìn doanh nghiệp tư nhân. Qua khảo sát các doanh nghiệp dân doanh tại 63 tỉnh, thành phố, báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, doanh nghiệp do nữ làm chủ có hoạt động kinh doanh tốt hơn doanh nghiệp do nam giới lãnh đạo. Tỷ lệ có lãi ở doanh nghiệp do nữ làm chủ là 64%, cao hơn tỷ lệ 63% ở doanh nghiệp do nam làm chủ. Phụ nữ đủ năng lực, trình độ để đảm trách các vị trí quản lý khi có 68,6% chủ doanh nghiệp nữ có trình độ học vấn từ trình độ đại học và thạc sỹ quản trị kinh doanh, trong khi tỷ lệ này ở nam giới là 71,9%.
Ngoài đóng vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thể hiện nhiều ưu điểm hơn như sử dụng nhiều lao động nữ hơn, chi trả bảo hiểm xã hội cao hơn, chi phí tạo ra một việc làm thấp hơn, giải quyết nhiều thách thức xã hội.
Chỉ số kết quả tiến bộ của phụ nữ trong doanh nghiệp của Việt Nam xếp thứ 9 trên tổng số 58 nước, xếp thứ 2 trong 6 nước Đông Nam Á được nghiên cứu.
Địa vị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp của phụ nữ Việt Nam được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện về nhiều mặt, sức khỏe phụ nữ, trẻ em được nâng cao. Phụ nữ ngày càng chủ động, tự tin hơn trong lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu khoa học, năng động trong kinh tế thị trường. Nhận thức xã hội về bình đẳng giới được nâng lên. Phụ nữ được tôn trọng và bình đẳng hơn, địa vị của người phụ nữ trong xã hội và gia đình ngày càng được cải thiện. Bình đẳng giới của Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ.
Tham gia lao động trên tất cả các lĩnh vực, với các kỹ năng nghề nghiệp ngày được nâng lên, phụ nữ ngày càng trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao đối với sự phát triển của đất nước. Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ lực lượng lao động nữ đã qua đào tạo theo trình độ chuyên môn kỹ thuật từ đại học trở lên là 11,3% (nam là 10,1%). Đội ngũ nữ trí thức, nhà khoa học nữ ngày càng tăng. Trong 5 năm (2015- 2020), số lượng nữ được phong hàm Phó Giáo sư tăng hơn 2,6 lần; nữ được phong hàm Giáo sư tăng 1,6 lần. Trong một số ngành, lĩnh vực tỷ lệ nữ cao hơn nam giới, như ở các doanh nghiệp may lao động nữ chiếm tới 81,5%, dệt là 60,8%, ở các doanh nghiệp trong toàn ngành công nghiệp chế biến 57,5% và ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 66,8%...
Trong một số lĩnh vực xã hội, nữ giới cũng chiếm tỷ trọng cao hơn nam giới, như giáo viên phổ thông, học sinh trung học phổ thông, nữ học sinh trung cấp chuyên nghiệp. Tỷ lệ nữ trong tổng số giáo viên đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, sinh viên đại học, cao đẳng… tuy chưa vượt qua mốc 50%, nhưng kết quả như hiện nay so với cách đây một vài chục năm và so với nhiều nước, thì đó là những kết quả đáng khích lệ. Tỷ lệ nữ trong tổng số cán bộ khoa học kỹ thuật, trong đội ngũ lãnh đạo các doanh nghiệp, trong các chủ hộ, chủ trang trại, trong các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đoàn thể các cấp tuy chưa nhiều, nhưng đã tăng lên qua các thời kỳ.
Những chủ trương, chính sách nhất quán về bình đẳng giới của Đảng, Nhà nước ta trong suốt chiều dài lịch sử từ khi thành lập đến nay, ngày càng được thể hiện đầy đủ, toàn diện, sâu sắc, góp phần tôn vinh những giá trị tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Trong ngành Ngân hàng, phụ nữ hiện chiếm hơn 58% lực lượng lao động tại các ngân hàng (với khoảng 340.000 người) và chiếm khoảng 24,13% tổng số các vị trí quản lý cấp cao, trong đó có nữ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ nữ giữ chức vụ lãnh đạo cấp vụ và tương đương của Ngân hàng Nhà nước từ Trung ương đến các chi nhánh tỉnh, thành phố chiếm 24,5%. Tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy đảng các cấp là 42,6%. 100% đơn vị trong Ngành có cán bộ chủ chốt là nữ. Hằng năm, nữ giới chiếm 65% tổng số các bộ được tuyển dụng mới của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ nữ được cử đi đào tạo sau đại học, tỷ lệ nữ thạc sỹ và tỷ lệ nữ tiến sỹ đều vượt trên 50% trong tổng số thạc sỹ, tiến sỹ ngành Ngân hàng…
Theo "Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới ngành Ngân hàng giai đoạn 2021 - 2030", tỷ lệ cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo cấp vụ hoặc tương đương của các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước đạt ít nhất 25% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Đến năm 2025 và các năm tiếp theo đến 2030, 100% cơ quan, đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước có nữ cán bộ lãnh đạo chủ chốt (cấp phòng trở lên).
Những kết quả tích cực trong điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, những thành tựu trên hành trình phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, hội nhập và hiệu quả luôn có những đóng góp vô cùng to lớn của đội ngũ lao động nữ trong ngành Ngân hàng trên tất cả các lĩnh vực, từ quản lý, điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cho đến quản lý hoạt động tín dụng và cung ứng các dịch vụ tiền tệ, ngân hàng cho nền kinh tế cũng như các hoạt động xã hội, đoàn thể của phụ nữ từ Trung ương đến địa phương, từ Ngân hàng Nhà nước đến các tổ chức tín dụng.
Đội ngũ cán bộ và lao động nữ ngành Ngân hàng ngày càng tự tin, nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp chuyên nghiệp, tinh thông, đạo đức, trí tuệ…, thực hiện tốt nhiệm vụ, trọng trách Đảng, Nhà nước giao phó, nhất là trong giai đoạn vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, kiềm chế lạm phát, kiểm soát nợ xấu, nâng cao năng lực tự chủ và thích ứng nhanh chóng với các biến động trong và ngoài nước.
Những định hướng và giải pháp cần có
Để củng cố và phát huy vai trò, tiềm năng phụ nữ trong đời sống kinh tế - xã hội đất nước nói chung, trong ngành Ngân hàng nói riêng, cần tiếp tục quán triệt các quan điểm, mục tiêu công tác phụ nữ trong tình hình mới, đặc biệt là Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị khóa X về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới; Luật Bình đẳng giới; Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030.
Bên cạnh đó, cần coi xây dựng, phát triển cán bộ nữ là chiến lược quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ trong tình hình mới; từ đó, tổ chức lãnh đạo, xây dựng các chương trình, kế hoạch chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng lao động nữ nói chung và cán bộ nữ nói riêng, chú ý phát hiện tài năng trẻ và có quy trình đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, sử dụng thích hợp với những ngành, những lĩnh vực phù hợp, phát huy được thế mạnh của phụ nữ…
Các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hẹp khoảng cách giới cả về giáo dục và thu nhập; tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ nông thôn, vùng dân tộc thiểu số; hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, tham gia xây dựng nông thôn mới; tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ ươm tạo công nghệ; có tiếp cận được nguồn vốn vay hợp pháp, hợp lý, trong đó mở rộng đối tượng khách hàng và nguồn vốn vay cho các tổ chức tài chính vi mô; thúc đẩy bình đẳng giới, coi trọng đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn; đẩy mạnh tuyên truyền để phụ nữ tăng tự tin vào bản thân mình, cởi bỏ các rào cản và tham gia thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội.
Đặc biệt, cần triển khai các pháp thực chất, đồng bộ, hiệu quả tiết kiệm, tạo sự thay đổi tích cực trong suy nghĩ và hành động về công tác bình đẳng giới, trao cho phụ nữ cơ hội bình đẳng trong học tập, tiếp cận thông tin, tạo điều kiện chăm sóc gia đình; tìm kiếm sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong việc triển khai công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và các phong trào thi đua mang tính đặc thù về giới trong ngành Ngân hàng; thúc đẩy triển khai các giải pháp để phụ nữ ngành Ngân hàng thể hiện trách nhiệm xã hội theo tinh thần Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Kế hoạch hành động về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi để các cán bộ nữ phấn đấu, thể hiện tài năng chuyên môn cũng như chăm sóc cuộc sống, tiếp tục học tập, cố gắng phấn đấu, đóng góp vào thành công chung của ngành Ngân hàng.
Minh Minh