Với sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc sử dụng internet và các công cụ truyền thông hiện đại dường như đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống, tạo nên thay đổi lớn trong thói quen sinh hoạt của con người, trong đó có trẻ em. Đặc biệt, trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài phức tạp, trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn, đã có thời gian dài không được tới trường học, hạn chế ra khỏi nhà, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người khác ngoài các thành viên gia đình. Trong giai đoạn đó, không gian mạng giúp trẻ em duy trì việc học tập, giải trí và giữ liên hệ với bạn bè… Các trường học đã nhanh chóng chuyển đổi hình thức học tập từ trực tiếp sang trực tuyến để đảm bảo an toàn cho các em học sinh, gia đình và cộng đồng.
Bên cạnh những tiện ích tuyệt vời, không gian mạng cũng có nhiều rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn. Thời gian dành cho máy tính và internet của trẻ em nhiều lên và diễn ra hằng ngày, ngay cả khi không có cha mẹ bên cạnh để giám sát. Không phải trẻ em nào cũng hiểu biết cách sử dụng công nghệ, mạng internet một cách an toàn, hiệu quả và nhận biết những nguy cơ có thể xảy đến với mình trên không gian mạng. Khi tham gia không gian mạng, trẻ em có thể bắt gặp nội dung xấu, không phù hợp với lứa tuổi như bạo lực, khiêu dâm. Đồng thời, những thông tin, hình ảnh của trẻ em được đăng tải hay chia sẻ trên không gian mạng có thể bị kẻ xấu lợi dụng với mục đích xấu như tung tin, lừa đảo, bêu riếu hay đe dọa. Trẻ em có thể bị cư dân mạng chế giễu, chỉ trích, miệt thị hay bình luận ác ý. Thậm chí, các em có thể bị công kích, đe dọa hoặc xuyên tạc các thông tin hình ảnh có liên quan. Đặc biệt nguy hiểm hơn, khi một số kẻ xấu tiếp cận, làm quen, gạ gẫm trẻ em tham gia vào các hành vi như gửi tin nhắn đồi trụy hoặc chia sẻ hình ảnh, đoạn video nhạy cảm. Kẻ xấu sử dụng những hình ảnh và tin nhắn này để ép buộc, đe dọa khiến các em phải vâng lời làm theo các yêu cầu khác.
Ngày 03/8/2022, tại Hà Nội, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu “Ngăn chặn hành vi gây tổn hại - Bằng chứng về bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng”. Báo cáo này do ECPAT International (một mạng lưới toàn cầu của các tổ chức xã hội dân sự hoạt động nhằm chấm dứt tình trạng bóc lột tình dục trẻ em), INTERPOL (Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế) và Văn phòng Nghiên cứu UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc) - Innocenti thực hiện, kết quả chỉ ra rằng trẻ em ở Việt Nam đang bị bóc lột, xâm hại tình dục trên mạng, nhưng các em không báo/trình báo về việc đó. Theo kết quả khảo sát, chỉ 1/3 trẻ sử dụng internet ở Việt Nam nhận được thông tin về cách giữ an toàn trên mạng. Phần lớn những trẻ từng bị bóc lột, xâm hại tình dục trên mạng đã không tiết lộ với ai hoặc chỉ kể với một người bạn. Số ít trẻ cho biết đã chia sẻ với người chăm sóc hoặc qua một kênh chính thức như: Công an hoặc đường dây trợ giúp. Nhiều khả năng là do trẻ có thể ngại nói, không cởi mở với chủ đề khá nhạy cảm này.
Báo cáo cũng cho thấy, trẻ em đã chịu nhiều hình thức bóc lột, xâm hại tình dục qua mạng như: 8% trẻ em độ tuổi 12 - 17 sử dụng internet từng nhận được bình luận khiếm nhã khiến các em không thoải mái; 43% không nói với ai rằng việc này đã xảy ra, chủ yếu vì trẻ cho rằng sẽ chẳng giải quyết được việc gì/chẳng làm được gì nếu các em kể lại vụ việc đó; 5% trẻ từng nhận được hình ảnh nhạy cảm không mong muốn. Gần một nửa trong số này đã không kể với ai vì không biết phải kể với ai…
Nhiều hình thức xâm hại
Một số hình thức phổ biến về các nguy cơ xâm hại trên mạng xã hội mà trẻ em thường gặp phải:
Trẻ em dễ dàng bị bắt nạt trên mạng. Theo các chuyên gia tâm lý, việc trẻ bị bắt nạt trên mạng đôi khi để lại hậu quả nhiều hơn là khi trẻ bị bắt nạt trong thực tế. Bởi lẽ, nếu bị bắt nạt ngoài đời, trẻ có thể sẽ quên sau một thời gian. Nhưng khi bị bắt nạt trên mạng, bị ghi lại hình ảnh và phát tán trên mạng hoặc trong cộng đồng thì nỗi ám ảnh về việc bị bắt nạt ngày càng gia tăng và nhiều trẻ em cảm thấy không có lối thoát. Khi bị chia sẻ các video về bạo hành, bắt nạt, nhiều trẻ đã không dám quay lại trường học và khó khăn trong việc hòa nhập cộng đồng.
Ngày càng nhiều những trò chơi có kết nối internet dẫn đến nguy cơ lộ, lọt thông tin cá nhân của trẻ em. Những thông tin này theo quy định pháp luật của nhiều nước là thông tin không được thu thập, tuy nhiên, việc thu thập thông tin của trẻ em diễn ra phổ biến ở nhiều quốc gia.
Một nguy cơ ngày càng phổ biến trên mạng đối với trẻ em là việc bị gạ gẫm về tình dục. Trong quá trình học trực tuyến do dịch Covid-19 vừa qua, tại Việt Nam, nhiều cha mẹ cho biết, con cái đã bị những đối tượng xấu lôi kéo tham gia vào các cuộc thi sắc đẹp. Thể lệ tham dự là trẻ cần gửi những tấm ảnh chụp các bộ phận theo yêu cầu của ban tổ chức để kiểm tra xem trên người có vết sẹo không. Nhiều em đã làm theo yêu cầu, chụp và gửi ảnh trong khi không hề biết những tấm ảnh đó được sử dụng như thế nào, vào mục đích gì. Nhiều khi những bức ảnh này được gửi đến cho chính những người bạn bè trong nhóm, rồi lại được chia sẻ rộng ra đến tất cả mọi đối tượng sử dụng internet.
Một nguy cơ khác khi sử dụng mạng internet là trẻ em rất dễ truy cập vào các trang thông tin xấu, độc, nguy hại thường được gửi kèm hoặc hiển thị trong những phần mềm trò chơi, xem phim... dành cho trẻ em; những trang thông tin xấu, độc về nhiều vấn đề liên quan đến lừa đảo, tôn giáo, chính trị, thậm chí là tình dục, cờ bạc, cá độ... Đã có trường hợp, trẻ nhỏ tự ý tham gia những thử thách độc hại trên mạng xã hội, dẫn đến kết cục tự vẫn. Điều này cho thấy, việc trẻ em có cơ hội tự do theo dõi, làm theo những hướng dẫn nguy hại trên mạng sẽ mang đến nhiều hậu quả khôn lường.
Đặc biệt, trẻ em chơi những trò chơi trực tuyến, có kết nối, chia sẻ với nhau nên từ một hành động nhỏ, có thể nhanh chóng trở thành trào lưu, xu hướng khiến trẻ tham gia trong khi chưa phân định được các mặt lợi, hại của những trào lưu đó.
Cuối cùng, trẻ em là đối tượng rất dễ bị dụ dỗ trên mạng xã hội. Với những nguy cơ nêu trên, tình trạng xâm hại trẻ em hiện xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đối tượng xâm hại trẻ em cũng đa dạng, đặc biệt trên môi trường mạng, danh tính và các thông tin cá nhân được đối tượng phạm tội giấu kín. Đồng thời, các phương thức, thủ đoạn xâm hại trẻ em ngày càng tinh vi, đa dạng và phức tạp.
Chung tay hành động
Vấn đề trẻ em bị xâm hại trên thực tế, đặc biệt là trên không gian mạng ngày càng trở nên nhức nhối, đòi hỏi sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, của mọi cá nhân, tổ chức xã hội.
Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng trẻ em bị xâm hại trên không gian mạng, ngày 01/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 830/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025”. Việc ban hành Chương trình bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025 được thực hiện theo Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Chương trình là thông điệp mạnh mẽ, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em thỏa sức sáng tạo.
Cụ thể, chương trình có mục tiêu bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em khi trẻ em tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật. Đồng thời, trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng, trong đó gồm: Sử dụng mạng lành mạnh, an toàn; tự bảo vệ mình khi tham gia tương tác trên môi trường mạng và cách thức nhận diện, thông báo, tố giác hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Chương trình truyền thông đến toàn xã hội, tập trung vào các đối tượng là cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ về kiến thức, kỹ năng hỗ trợ, định hướng trẻ em tương tác an toàn, lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng; thực hiện các giải pháp chủ động phòng ngừa, phát hiện các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; bảo đảm các điều kiện cần thiết để trẻ em được tham gia an toàn, lành mạnh trên môi trường mạng và có các giải pháp hỗ trợ phù hợp để trẻ phục hồi khi chịu tác động tiêu cực từ môi trường mạng; cùng với đó, hình thành và phổ cập hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng của Việt Nam đáp ứng nhu cầu học tập, giải trí của trẻ em trên môi trường mạng.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình đặt ra mục tiêu 100% các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và các cơ sở bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em định kỳ tổ chức chương trình tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ em để tham gia môi trường mạng an toàn. Chương trình phấn đấu 100% trẻ em là nạn nhân bị xâm hại trên môi trường mạng được hỗ trợ, can thiệp khi có yêu cầu từ bản thân trẻ em hoặc từ người thân, cộng đồng xã hội; 100% tổ chức, cá nhân khi bị tố giác, phát hiện vi phạm quy định pháp luật đối với trẻ em trên môi trường mạng bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Để thực hiện được các mục tiêu, Chương trình sẽ triển khai nhiều biện pháp, giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ nhằm kết nối, chia sẻ dữ liệu, thu thập, phân tích thông tin, giám sát việc tuân thủ chặn lọc, gỡ bỏ các nội dung xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; thiết lập các kênh thông tin thân thiện để tiếp nhận phản ánh về các hình ảnh, video, nội dung xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; tích hợp các kênh thông báo trực tuyến về các vấn đề liên quan đến trẻ em trên môi trường mạng với Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111.
Bên cạnh đó, Chương trình sẽ đưa vào sử dụng trong ngành Giáo dục các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, các kho học liệu, xuất bản phẩm điện tử nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập trên môi trường mạng; đồng thời, quản lý tốt việc học sinh truy cập mạng, đổi mới cách thức tương tác giữa nhà trường với gia đình và học sinh; góp phần thực hiện chuyển đổi số một cách an toàn trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Chương trình cũng khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ số, nội dung số, truyền thông số Việt Nam phát triển, làm chủ các công nghệ bảo vệ, hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng và các ứng dụng, nội dung giúp trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình ở cấp quốc gia về riêng vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Chương trình mang tính liên ngành cao với sự tham gia của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an. Bên cạnh đó, Chương trình có sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp, cơ quan báo chí.
Hà Lam
Hà Nội