Ngày 18/10/2022, tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tổ chức Hội thảo: “Tài chính tiêu dùng - Kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế”. Tham dự Hội nghị có Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú; Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh; Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến; Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ Đinh Dũng Sỹ; Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương Trần Kim Anh; Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng; đại diện lãnh đạo các vụ, cục NHNN, Quỹ tín dụng nhân dân, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; các công ty tài chính tiêu dùng,…
Các công ty tài chính đã khẳng định được vai trò, hiệu quả
Trong những năm qua, sự phát triển của tài chính tiêu dùng tại Việt Nam được ghi nhận không chỉ bởi sự gia tăng về quy mô và tốc độ tăng trưởng mà còn bởi những hiệu ứng tích cực đối với nền kinh tế. Trong 05 năm gần đây, tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm. Đến ngày 30/6/2022, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 11,4 triệu tỷ đồng (tăng 9,35% so với cuối năm 2021); trong đó cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng đạt khoảng 2,32 triệu tỷ đồng (chiếm khoảng 22,22% dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 11,56% so với cuối năm 2021). Tính đến ngày 30/6/2022, tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính đạt 140.257,6 tỷ đồng (tăng 11,1% so với cuối năm 2021); trong đó, dư nợ cho vay tiêu dùng và dư nợ phát hành thẻ tín dụng tăng lần lượt là 10% và 19% so với cuối năm 2021. Những số liệu trên cho thấy, tài chính tiêu dùng đang góp phần giúp người dân, đặc biệt là những đối tượng yếu thế, tiếp cận được dòng vốn của các công ty tài chính chính thức, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, hoạt động tài chính tiêu dùng được sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, NHNN. Tại Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia năm 2025, định hướng đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng phù hợp với đối tượng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý, góp phần ngăn ngừa tín dụng đen. Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã coi việc phát triển tài chính tiêu dùng là một trong những chủ trương lớn trong hoạt động của hệ thống ngân hàng trong thời gian vừa qua và hiện nay. NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng hoạt động tài chính tiêu dùng, hệ thống khuôn khổ pháp lý cho vay tiêu dùng nói chung và tài chính tiêu dùng nói riêng được NHNN hoàn thiện, bổ sung, phù hợp với các đặc thù cho vay tiêu dùng, tạo điều kiện cho vay tiêu dùng phát triển an toàn, lành mạnh. Thời gian qua, hoạt động tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính được NHNN cấp phép đã khẳng định được vai trò, hiệu quả và thị phần trong sự phát triển chung của thị trường tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam.
Hiện nay, có 16 công ty tài chính được NHNN cấp phép hoạt động với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và 74.337 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc. Tính đến ngày 30/6/2022, tổng tài sản của khối các công ty tài chính là 240.348 tỷ đồng (tăng khoảng 7% so với thời điểm cuối năm 2021); vốn điều lệ của các công ty tài chính là 31.235 tỷ đồng (tăng 3,54% so với thời điểm cuối năm 2021), trong đó Công ty Tài chính Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng có mức vốn điều lệ cao nhất là 10.928 tỷ đồng.
Toàn cảnh Hội thảo
Hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép đều tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) và các quy định khác có liên quan trong lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên, dù đang tích cực giúp người dân tiếp cận được các nguồn vốn chính thức và ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen nhưng hoạt động/thương hiệu của các công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép lại đang bị hiểu nhầm/đánh đồng với các công ty tài chính mạo danh, không hoạt động theo Luật Các TCTD hay các quy định pháp luật ngân hàng khác (như một số công ty tư vấn tài chính, công ty đầu tư tài chính, các công ty kinh doanh dịch vụ cầm đồ, các công ty Fintech cho vay online, các App cho vay... không phải do NHNN cấp phép, không phải là TCTD) - những công ty này tự đặt tên mập mờ là “công ty tài chính” và cũng thực hiện hoạt động cho vay, dễ gây hiểu nhầm như công ty tài chính do NHNN cấp phép.
Bất kỳ tổ chức nào không được NHNN cấp phép mà sử dụng cụm từ “công ty tài chính” “hoặc các cụm từ, thuật ngữ khác trong tên của tổ chức, chức danh hoặc trong các phần phụ thêm của tên, chức danh hoặc trong giấy tờ giao dịch hoặc quảng cáo của mình nếu việc sử dụng cụm từ, thuật ngữ đó có thể gây nhầm lẫn cho khách hàng về việc tổ chức của mình là một TCTD” là vi phạm quy định tại Điều 5 về “Sử dụng thuật ngữ liên quan đến hoạt động ngân hàng”, Luật Các TCTD.
Công ty tài chính bị hiểu nhầm là tín dụng đen
Phó Trưởng phòng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an Đỗ Minh Phương cho hay, gần đây xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản có biểu hiện hoạt động tín dụng đen. Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Khách hàng có thể không để ý hoặc bỏ qua các thông tin quy định ràng buộc về lãi suất, phí, tiền phạt dẫn đến mức lãi suất phải trả cao hơn nhiều lần lãi suất của ngân hàng, dẫn đến việc vay của ứng dụng sau trả lãi cho ứng dụng trước.
Bên cạnh đó, Phó Tổng giám đốc Công ty Tài chính trách nhiệm hữu hạn Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC Nguyễn Thành Phúc cho biết, thời gian qua, dù đang tích cực giúp người dân tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng chính thức, tuy nhiên hoạt động kinh doanh của Công ty nói riêng và các công ty tài chính nói chung lại bị hiểu nhầm là tín dụng đen. Thực tế này ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác thu hồi nợ của công ty. Đặc biệt, khi nhiều đối tượng xấu lợi dụng sự cả tin và kiến thức tài chính hạn chế của người dân để dụ dỗ cho vay, sau đó lại xưng danh công ty tài chính để đòi nợ bằng những hành vi thiếu chuẩn mực. Điều này khiến nhiều người dân lo sợ, mất lòng tin và không dám lựa chọn vay vốn từ các công ty tài chính.
Ngoài ra, mặc dù pháp luật hiện nay đã có những quy định tương đối chặt chẽ đối với người đi vay tiền, tuy nhiên việc áp dụng vào thực tế còn thiếu sức răn đe, dẫn đến tình trạng người dân coi thường pháp luật. Một số người vay lợi dụng điều này để cố tình trốn tránh trả nợ, thậm chí tỏ thái độ thách thức với tổ chức cho vay. “Vì vậy, cần xem xét nâng cao mức chế tài đối với các hành vi cố ý chây ì, trốn nợ. Xem xét khả năng hình sự hóa hành vi này nếu chứng minh được dấu hiệu cố ý trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Đẩy mạnh phổ cập kiến thức tài chính, nâng cao hiểu biết về pháp luật cho người yếu thế, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, nông thôn…” – ông Nguyễn Thành Phúc đề nghị.
Tại Hội thảo, các đại diện của một số vụ, cục NHNN, chuyên gia, luật sư, công ty tài chính và một số khách mời cũng thảo luận, làm rõ thêm sự khác biệt trong hoạt động cho vay/thu hồi nợ của công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép và các công ty tài chính khác.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng phát biểu kết luận tại Hội thảo
Phát biểu kết luận Hội thảo, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cho biết, các ý kiến đóng góp tại Hội thảo sẽ được Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tập hợp làm cơ sở đề xuất lên Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành để từ đó, đưa ra các giải pháp thúc đẩy tín dụng tiêu dùng chính thức, hướng tới đẩy lùi tín dụng đen.
Bảo Ly