Ngày 19/8/1945, Cách mạng tháng Tám thành công, mở ra một chương mới trong trang sử vàng son của đất nước Việt Nam, khẳng định sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân và quyết tâm giành độc lập dân tộc. 79 năm đã trôi qua, nhưng bản hùng ca của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 vẫn còn vang vọng, đã và đang đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển kinh tế độc lập, tự chủ và thịnh vượng của non sông Việt Nam.
Cách mạng tháng Tám thành công, đặt nền móng cho sự phát triển kinh tế tự chủ và thịnh vượng của đất nước (Nguồn ảnh: Internet)
Từ nền kinh tế thuộc địa và phụ thuộc
Trước Cách mạng tháng Tám, Việt Nam chịu sự áp bức nặng nề từ chế độ thực dân, nền kinh tế - xã hội quốc gia bị bóp nghẹt, phụ thuộc hoàn toàn vào ngoại bang. Nền kinh tế lấy nông nghiệp là chủ đạo, đặt dưới sự bóc lột bằng sưu cao, thuế nặng của địa chủ và thực dân. Khi thực dân Pháp đặt ách thống trị trên toàn cõi Đông Dương, chính sách ruộng đất mang tính cướp đoạt bằng bạo lực của chúng đã phá vỡ chế độ công điền tồn tại trong mấy nghìn năm phong kiến Việt Nam. Vì thế, sản xuất nông nghiệp quốc gia nghèo nàn về cơ sở vật chất, lạc hậu về kỹ thuật, phụ thuộc vào lao động thủ công và tài nguyên thiên nhiên. Năng suất các loại cây trồng đều rất thấp, năng suất lúa bình quân trong giai đoạn 1930 - 1944 là 12 tạ/ha, trong khi đó Thái Lan là 18 tạ/ha và Nhật Bản là 34 tạ/ha.
Nông dân Việt Nam với dụng cụ lao động thô sơ thời Pháp thuộc (Nguồn ảnh: Internet)
Trong lĩnh vực công nghiệp, chính sách của Chính phủ thuộc địa là tạo điều kiện cho tư bản Pháp đầu tư, khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam nhằm cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp ở Chính quốc. Từ năm 1930 - 1945, thực dân Pháp đã khai thác 2.760.000 tấn than; 217.300 tấn kẽm, chì; 598.000 tấn sắt, măng - gan; 1.384 kg vàng, 315.500 tấn phốt - pho1. Sản xuất công nghiệp khi ấy rất nhỏ và què quặt, chủ yếu là công nghiệp khai thác mỏ với mục tiêu bóc lột nguồn nhân công rẻ mạt và vơ vét tài nguyên khoáng sản nước ta. Trong 13 năm, từ năm 1930 - 1943, cả nước chỉ có khoảng 200 xí nghiệp công nghiệp với 90.000 công nhân, trong đó, 60% là công nhân khai thác mỏ và không có một cơ sở công nghiệp luyện kim, công nghiệp chế tạo thiết bị, hóa chất nào. Đặc biệt, chính sách đồng hóa của thực dân Pháp đã khiến các làng nghề truyền thống lâu đời của Việt Nam bị kìm hãm và mai một.
Trong lĩnh vực thương mại - ngoại thương, mọi hoạt động trên thị trường đều bị kiểm soát chặt chẽ bởi thực dân Pháp, từ đó hạn chế khả năng phát triển thương mại trong nước cũng như xuất, nhập khẩu quốc tế. Người Việt Nam chỉ được phép tham gia vào một số hoạt động thương mại nhỏ, lẻ, trong khi các ngành kinh doanh lớn đều do người Pháp và Hoa kiều nắm giữ.
Vượt qua tam tầng khó khăn: Giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân. Cách mạng tháng Tám thành công, đánh dấu lần đầu tiên ở Đông Nam Á có một Nhà nước công - nông ra đời. Tuy nhiên, bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ đặt Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ ấy phải đương đầu với tam tầng khó khăn: Giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Trong đó, nạn giặc đói năm Ất Dậu đã cướp đi sinh mạng của hơn 2 triệu đồng bào, giặc dốt khiến trên 90% dân số nước ta mù chữ. Không chỉ có vậy, đất nước còn đứng trước nguy thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa; kinh tế - xã hội đã khó khăn lại chồng chất khó khăn.
Tình hình tài chính của đất nước khi ấy cũng vô cùng gian nan, ngân sách của Chính phủ gần như trống rỗng, tiền mặt ở Ngân khố Trung ương chỉ có 1.250.000 đồng, trong đó có 580.000 đồng bằng hào nát. Ngoài ra, Ngân quỹ Đông Dương còn gánh trên vai khoản nợ khoảng hơn 500 triệu đồng từ: Nợ các ngân phiếu phát hành chưa trả, nợ nhân dân số tiền hào do Ngân khố phát hành, nợ trái phiếu ngắn hạn phát hành trong năm 1941 - 1942.
Để giải quyết vấn đề kinh tế - tài chính kiệt quệ khi đó, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thực hiện nhiều biện pháp, chính sách khác nhau, đưa ra những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài như: Đấu tranh tiền tệ với các loại tiền quan kim, quốc tệ; thực hiện chính sách bãi bỏ thuế thân; ban hành tín phiếu và phát hành đồng tiền pháp định của đất nước Việt Nam độc lập. Ngày 04/9/1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ban hành Quốc lệnh số 04 về thành lập “Quỹ Độc lập” nhằm thu nhận các món tiền và đồ vật mà nhân dân sẵn lòng đóng góp giúp Chính phủ, ủng hộ nền độc lập của Quốc gia. Từ ngày 17/9/1945 đến ngày 24/9/1945, Chính phủ đã phát động phong trào “Tuần lễ Vàng”, được tiến hành trong cả nước nhằm động viên nhân dân quyên góp tiền bạc, của cải ủng hộ Chính quyền Cách mạng. Theo đó, đồng bào ta từ khắp mọi miền Tổ quốc, từ giai tầng tiểu thương đến tư sản, phú hào… đã tích cực quyên góp tiền, vàng, bạc, nhà, thóc, gạo… ủng hộ Chính quyền Cách mạng. Kết quả sau Tuần lễ, nhân dân cả nước đã quyên góp được 20 triệu đồng và 370 kg vàng.
Đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia ủng hộ “Tuần lễ Vàng” (Nguồn: Tư liệu/Tạp chí Cộng sản)
Ngày 31/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 18B/SL cho phép phát hành “Đồng bạc Giấy Việt Nam” hay “Giấy bạc Tài chính Việt Nam” từ vĩ tuyến 16 trở vào. Ngày 03/11/1946, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I đã biểu quyết cho lưu hành Giấy bạc Tài chính Việt Nam trên địa bàn cả nước. Tuy nhiên, do chưa in đủ số giấy bạc để thay thế hết tiền Đông Dương trên thị trường vì điều kiện thiếu thốn, khó khăn, đồng thời, Chính phủ muốn giữ nền hòa bình lâu dài và duy trì mối quan hệ ngoại giao Việt - Pháp sau Hiệp định sơ bộ ngày 06/3/1946, trong thời kỳ này, đồng tiền Đông Dương vẫn lưu hành song song với tiền Việt Nam.
Giấy bạc 100 đồng - một trong những tờ tiền pháp định đầu tiên của Việt Nam
(Nguồn ảnh: Tư liệu Trung lâm Lưu trữ Quốc gia)
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn dân “Tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm”, khuyến khích Pháp kiều cũng như người nước khác tiếp tục công việc, làm ăn sinh sống ở Việt Nam. Đối với hoạt động công thương, Hồ Chủ tịch cũng động viên, giúp đỡ giới công thương tham gia vào công cuộc kiến thiết đất nước. Trong bức thư "Gửi giới công thương Việt Nam" ngày 13/10/1945, Người viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền độc lập hoàn toàn của nước nhà, thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế - tài chính vững vàng, thịnh vượng... Vậy tôi mong giới công thương nỗ lực và khuyên các nhà công nghiệp, thương nghiệp mau mau gia nhập “Công thương cứu quốc đoàn”, cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích quốc lợi dân”.
Không chỉ phát huy tối đa nội lực và tài nguyên quốc gia, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ của bạn bè quốc tế. Trong "Lời kêu gọi Liên hợp quốc" gửi cho đại sứ các nước thành viên Liên hợp quốc như Anh, Trung Quốc, Mỹ, Liên Xô... Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực, trong đó có tiếp nhận đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ; mở rộng các hải cảng, sân bay, đường giao thông cho buôn bán, tạo điều kiện cho quá cảnh quốc tế, đồng thời chấp nhận tham gia hợp tác quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc...
Như vậy, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, dù nền kinh tế đương đầu với tam tầng khó khăn, song, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có đường lối, chính sách đúng đắn; đồng thời, huy động mọi nguồn lực đất nước, tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế để phục hồi kinh tế quốc gia, tạo tiền đề cho sự phát triển đất nước trong công cuộc đổi mới những năm sau đó.
Trở thành nền kinh tế tự chủ, sánh vai với các cường quốc năm châu
79 năm sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, ngày nay, Việt Nam đã hoàn toàn tự chủ trong việc hoạch định các chính sách kinh tế, độc tập, tự cường, sánh vai với bạn bè năm châu.
Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, ngành nông - lâm - ngư nghiệp Việt Nam đã có sự chuyển hướng quan trọng với chủ trương đổi mới cơ chế quản lý trong các hợp tác xã, phát huy triệt để vai trò chủ động của hộ nông dân, chuyển đổi tư duy từ “lấy công làm lãi”, tập trung tăng sản lượng sang kinh tế nông nghiệp - xây dựng hệ sinh thái phát triển đồng bộ và bền vững với giá trị gia tăng cao. Đây là định hướng quan trọng theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhờ đó, các nguồn lực phát triển nông nghiệp được huy động, quy mô và đóng góp của ngành nông nghiệp vào nền kinh tế tăng lên đáng kể. Cụ thể, đến ngày 15/7/2024, cả nước gieo cấy được 1.206,9 nghìn ha lúa mùa, 1.902,2 nghìn ha lúa hè thu, lần lượt bằng 99,5%; 99,6% cùng kỳ năm trước. Trong 7 tháng đầu năm 2024, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước đạt 143,4 nghìn ha, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 51,1 triệu cây, tăng 3%; sản lượng gỗ khai thác đạt 11.943,2 nghìn m3, tăng 7,1%. Đối với ngư nghiệp, sản lượng thủy sản đạt 5.225,8 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 2.922,1 nghìn tấn, tăng 3,9%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 2.303,7 nghìn tấn, tăng 0,9% (Tổng cục Thống kê, tháng 7/2024).
Sản lượng thủy sản 7 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023
Nguồn: Tổng cục Thống kê, tháng 7/2024
Đặc biệt, trong những năm qua, Chính phủ luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nghề, làng nghề nhằm bảo tồn các giá trị truyền thống; đồng thời, phát triển các làng có nghề mới. Ngày 07/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 801/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Mục tiêu của Chương trình là bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề, gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề Việt Nam, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị cho các sản phẩm làng nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường, xây dựng các khu dân cư, làng văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững. Theo đó, đến năm 2030, Chương trình đặt mục tiêu sẽ khôi phục, bảo tồn được ít nhất 129 nghề truyền thống và 208 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; công nhận mới 213 nghề và 96 làng nghề truyền thống; phát triển khoảng 301 làng nghề gắn với du lịch; trên 80% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả.
Việt Nam đang chuyển mình sang nền kinh tế công nghiệp hóa. Ngày 22/3/2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã cụ thể hóa mục tiêu phát triển công nghiệp của Việt Nam. Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại.
Hiện thực hóa mục tiêu trên, ngành công nghiệp nước ta đang ghi nhận sự tăng trưởng tích cực. Trong sản xuất công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo chiếm trên 74% giá trị tăng thêm toàn ngành, đóng vai trò chủ chốt, quyết định đến tốc độ tăng trưởng toàn bộ nền kinh tế. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) tháng 7/2024 ngành sản xuất đạt 54,7 điểm, tăng 4 tháng liên tục và là mức cao nhất kể từ tháng 11/2018. Tốc độ tăng sản lượng sản xuất công nghiệp tháng 7 cao hơn tháng 6 và đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2011. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) sau 7 tháng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, là mức lũy kế cao nhất kể từ tháng 2/2024 đến nay (Bộ Công Thương, tháng 8/2024). Đặc biệt, ở một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và phân phối điện tăng lên nhanh chóng (Tổng cục Thống kê, tháng 7/2024).
Đối với ngành ngoại thương, Chính phủ cũng đã thực hiện nhiều chương trình cấp quốc gia nhằm kết nối giao thương, giúp các doanh nghiệp tham gia hệ thống phân phối ở nước ngoài, đồng thời hỗ trợ phát triển, vận hành hạ tầng thương mại, logistics phục vụ hoạt động xuất, nhập khẩu. Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 439,88 tỉ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, xuất khẩu tăng 15,7%; nhập khẩu tăng 18,5%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 14,08 tỉ USD (Tổng cục Thống kê, tháng 7/2024). Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch đạt 66,09 tỉ USD, chiếm 29% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng tới 24,4% so với cùng kỳ năm 2023; tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch đạt 33,38 tỉ USD, tăng 7,2%; thị trường EU đạt 29,34 tỉ USD, tăng 15,8%; Hàn Quốc đạt 14,39 tỉ USD, tăng 9%; Nhật Bản đạt 13,46 tỉ USD, tăng 2,8% (Bộ Công Thương, tháng 8/2024).
Kim ngạch xuất, nhập khẩu Việt Nam 7 tháng đầu năm 2024
Nguồn: Tổng cục Thống kê, tháng 7/2024
Việt Nam đã và đang là điểm đến hứa hẹn của các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong 7 tháng đầu năm 2024 đạt 12,55 tỉ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2023. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 7 tháng năm 2024 có 64 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư, tổng số vốn là 122 triệu USD; 15 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 28,6 triệu USD (Tổng cục Thống kê, tháng 7/2024).
Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/7 các năm 2020 - 2024 (tỉ USD)
Nguồn: Tổng cục Thống kê, tháng 7/2024
Đối với hoạt động xúc tiến thương mại, Việt Nam tập trung đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt, tận dụng tối đa ưu đãi do các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)… Chính phủ đang nỗ lực đẩy nhanh đàm phán, ký kết, phê chuẩn các FTA, liên kết kinh tế mới để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường mới, thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp riêng lẻ chưa có điều kiện trực tiếp thâm nhập.
Kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám thành công là dịp để chúng ta nhìn lại chặng đường đã qua và rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu. Cách mạng tháng Tám thành công đã chứng minh sức mạnh của nền độc lập dân tộc, tầm quan trọng của việc phát huy tối đa nội lực, tài nguyên quốc gia trong phát triển kinh tế. Việt Nam đã chuyển đổi từ nền kinh tế phụ thuộc ngoại bang sang nền kinh tế tự chủ, tự cường. Ngày nay, chúng ta cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đồng thời, khai thác hiệu quả các nguồn lực và tài nguyên quốc gia. Như lời cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, sức mạnh của độc lập, của sự đoàn kết toàn dân sẽ là nền tảng vững chắc giúp chúng ta tận dụng tiềm lực, nâng cao vị thế và khẳng định uy tín của mình trên trường quốc tế, góp phần đưa đất nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hùng cường, thịnh vượng.
1 Báo Chính phủ điện tử. Một vài nét về kinh tế - xã hội Việt Nam. https://chinhphu.vn/kinh-te-xa-hoi-68390
Tài liệu tham khảo:
1. Báo Chính phủ điện tử. Một vài nét về kinh tế - xã hội Việt Nam. https://chinhphu.vn/kinh-te-xa-hoi-68390Minh Tuấn (2022). Kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống ngành Tài chính (28/8/1945 - 28/8/2022): Quỹ Độc lập và “Tuần lễ Vàng” góp phần giải quyết khó khăn về tài chính cho Chính phủ lâm thời. https://stc.hanam.gov.vn/Pages/ky-niem-77-nam-ngay-truyen-thong-nganh-tai-chinh-2881945-2882022-quy-doc-lap-va-tuan-le-vang-gop-phan-giai-quye.aspxNgọc Phúc (2009). Cách mạng tháng Tám tạo tiền đề phát triển kinh tế.
https://vneconomy.vn/cach-mang-thang-tam-tao-tien-de-phat-trien-kinh-te.htm
2. Trần Viết Nghĩa. Vấn đề tiền tệ trong kháng chiến chống Pháp. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 01/2021.
3. Tổng cục Thống kê, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng Bảy và 7 tháng năm 2024.
4. Bộ Công Thương, Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 7/2024.
5.Nguyễn Thường Lạng (2024). Phát triển nông nghiệp Việt Nam: Chuyển dịch từ “lấy công làm lãi” sang kinh tế nông nghiệp. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/899002/phat-trien-nong-nghiep-viet-nam--chuyen-dich-tu-%E2%80%9Clay-cong-lam-lai%E2%80%9D-sang-kinh-te-nong-nghiep.aspx
Phạm Thị Trang (NHNN)