Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền là chủ trương xuyên suốt được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đặt ra trong quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD). Để thực hiện mục tiêu này, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về cơ cấu lại, xử lý nợ xấu, trong đó có nhiệm vụ sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG).
Theo Quyết định số 1382/QĐ-NHNN ngày 02/8/2022 của Thống đốc NHNN về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025”, Thống đốc NHNN chỉ rõ mục đích của Kế hoạch là triển khai chỉ đạo của NHNN đến các đơn vị thuộc ngành Ngân hàng trong việc tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 được quy định tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” (Quyết định số 689/QĐ-TTg) và các nội dung tại Đề án.
Đáng lưu ý, trong nhóm nhiệm vụ và giải pháp nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về cơ cấu lại, xử lý nợ xấu của TCTD, Thống đốc NHNN yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN, trong đó có Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) tích cực tham mưu, chủ động triển khai các giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Cụ thể, nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại và xử lý nợ xấu trên cơ sở tuân thủ quy luật của kinh tế thị trường, thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện của Việt Nam, Thống đốc NHNN chỉ đạo nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật NHNN, Luật Các TCTD, Luật BHTG và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan theo hướng xây dựng và bổ sung cơ chế hỗ trợ cho các TCTD tham gia cơ cấu lại các TCTD yếu kém để hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến tài chính và hoạt động; nghiên cứu, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của BHTGVN được tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém; nghiên cứu sửa đổi Luật BHTG để sử dụng nguồn kết dư phí BHTG xử lý Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) yếu kém. Bên cạnh đó, rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về việc tổ chức lại TCTD được kiểm soát đặc biệt dưới các hình thức sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi hình thức pháp lý; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về hoạt động của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), để tăng cường vai trò, hiệu quả xử lý nợ xấu của VAMC.
Thống đốc NHNN giao Ngân hàng Hợp tác xã và BHTGVN phối hợp tham gia, hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của NHNN đối với QTDND; tiếp tục nâng cao năng lực tài chính (trong đó có việc tăng vốn điều lệ từ các nguồn phù hợp), tăng cường vai trò ngân hàng đầu mối liên kết hệ thống đối với các QTDND thành viên trong việc điều hòa vốn, hỗ trợ cho vay đối với QTDND gặp khó khăn thanh khoản, tích cực tham gia xử lý các QTDND yếu kém hoặc có dấu hiệu mất an toàn trong hoạt động; hướng dẫn nghiệp vụ, thực hiện các quy định về an toàn của QTDND...
Tại Quyết định số 689/QĐ-TTg cũng nêu rõ nhiệm vụ “Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật BHTG và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, trong đó, có nghiên cứu, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của BHTGVN được tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém”. Theo đó, một trong những quan điểm được nêu tại Quyết định số 689/QĐ-TTg là: “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu là yêu cầu khách quan, kế thừa kết quả của giai đoạn trước, khắc phục các tồn tại, hạn chế và chủ động ứng phó với những thách thức trong giai đoạn mới; được thực hiện toàn diện, thận trọng, từng bước, bảo đảm tuân thủ nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công khai, minh bạch; tận dụng tối đa các nguồn lực tự xử lý của TCTD; giữ vững sự ổn định, an toàn; bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền”.
Có thể thấy, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền là một trong những quan điểm xuyên suốt của Chính phủ tại Quyết định số 689/QĐ-TTg. Để thực hiện tốt mục tiêu này, một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra trong thời gian tới đó là sớm sửa đổi Luật BHTG, để BHTGVN ngày càng phát huy vai trò “bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và góp phần duy trì an toàn, lành mạnh hệ thống các TCTD”; đặc biệt, việc tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD, trước tiên là đối với các QTDND yếu kém cũng là một cách gián tiếp bảo vệ người gửi tiền.
Thanh Vy