Cuộc thi là một hình thức sáng tạo để thực hiện truyền thông giáo dục tài chính nhằm thực hiện các Đề án của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính, thúc đẩy thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng.
|
Đại diện BGK trao giải cho các đội đạt giải |
Ngay sau Lễ phát động ngày 01/10/2020, cuộc thi đã thu hút gần 100 đội đăng ký dự thi (mỗi đội thi gồm 3 thành viên). Trải qua gần 1 tháng và nhiều nội dung thi gay cấn, hấp dẫn, đã có top 4 đội thi xuất sắc nhất đến từ Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Học viện Ngân hàng đã góp mặt trong Vòng chung kết cuộc thi.
Với thông điệp trang bị cho sinh viên “kiến thức kỹ năng tài chính thông minh - smart money”, cuộc thi tập trung vào các nội dung về thanh toán không dùng tiềnmặt, các sản phẩm cho vay, hạn chế tín dụng đen, các vấn đề quản lý tài chính cá nhân của sinh viên trong đầu tư, chi tiêu, tiết kiệm. Cuộc thi đã giúp sinh viên thay đổi nhận thức, hành vi và hình thành thói quen tài chính tốt về sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng; đồng thời các bạn trẻ cũng sẽ tiếp tục lan tỏa nhận thức trong cộng đồng nhằm bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính và giảm thiểu chi phí xã hội.
Hình thức tổ chức cuộc thi được đa dạng hóa từ các vòng thi trực tuyến, thi tập trung với nhiều dạng đề phong phú như: trắc nghiệm, tự luận, thuyết trình, tranh biện, clips tình huống… giúp truyền tải các kiến thức tài chính ngân hàng tới sinh viên và cộng đồng một cách gần gũi, dễ tiếp thu, dễ nhớ.
Bà Lê Thị Thúy Sen – Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN nhấn mạnh, giáo dục tài chính nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt được các quốc gia trên thế giới quan tâm,đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển. Để chủ trương đó hiệu quả, việc thực hiện đồng bộ các trụ cột về hành lang pháp lý, chất lượng hạ tầng thanh toán và truyền thông là những nhân tố quan trọng và quyết định.
Đối với Việt Nam, đây là chủ trương được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước quan tâm với giá trị cốt lõi là mang lại tiện ích và bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính cũng như tạo thói quen tài chính tốt trong cộng đồng, giảm chi phí xã hội và nền kinh tế, giảm thiểu tín dụng đen và rủi ro cho người dân. Bên cạnh đó những việc này cũng như góp phần thực hiện mục tiêu quản trị xã hội, kinh tế văn minh, và hiện thực hóa ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ số để người dân được hưởng tiện ích sử dụng dịch vụ tài chính, quản lý dịch vụ công tương đương với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Qua nghiên cứu các chương trình truyền thông về giáo dục tài chính của các nước trên thế giới và thực tiễn tại Việt Nam, có thể thấy, sinh viên, học viên các trường đại học, cao đẳng là nhóm đối tượng ưu tiên được nhiều chương trình giáo dục tài chính các nước hướng tới do có tiềm năng lớn, gần nhất với độ tuổi sẽ sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng trong tương lai và có khả năng làm thay đổi thói quen xã hội. Do đó, cuộc thi “Hiểu đúng về tiền” dành cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng phía Bắc là một hình thức sáng tạo để thực hiện truyền thông giáo dục tài chính, đồng thời cũng là bước khởi đầu, tạo nền tảng cho việc thực hiện các chương trình giáo dục tài chính cho học sinh sinh viên trong cả nước thời gian tới.
Kết quả chung cuộc Cuộc thi Hiểu đúng về tiền
Giải Nhất: Đội DTA – Học viện Ngân hàng
Giải Nhì: Đội 3G – Đại học Ngoại thương Hà Nội
Giải Ba: Đội Wamib – Trường Đại học Kinh tế, ĐHQG HN; Đội NAN - Đại học Luật Hà Nội.
Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao các trao phụ cho Đội được yêu thích nhất; Đội cổ vũ hay nhất; Đội thuyết trình hấp dẫn; Đội thi phong cách; Đội tranh biện thuyết phục nhất
|