Hội thảo còn có sự tham dự của lãnh đạo các cơ quan bộ, ngành, lãnh đạo NHNN, các Vụ, Cục trực thuộc NHNN, đại diện các NHTM, công ty công nghệ, cùng đông đảo chuyên gia.
Vấn đề sống còn
Ngày nay, dữ liệu trở thành tài sản chiến lược và quản trị dữ liệu là yêu cầu cấp thiết đối với mọi tổ chức trong nền kinh tế. Đối với ngành Ngân hàng - Tài chính, một trong những ngành sở hữu khối lượng dữ liệu lớn, cũng là ngành đi đầu trong hành trình chuyển đổi mô hình hoạt động theo xu hướng số thì quản trị dữ liệu trở thành vấn đề sống còn. Dữ liệu được tận dụng triệt để nhằm tối ưu hóa hành trình và trải nghiệm khách hàng trên các điểm tiếp xúc số cũng như tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ, quản trị nội bộ của ngân hàng.
Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chủ trương, định hướng và chính sách phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho mọi lĩnh vực ngành nghề trong nền kinh tế có thể chủ động trước những tác động to lớn của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị). Trong đó, Đảng và Nhà nước đã đặt ra mục tiêu “tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu tại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt, Nghị quyết xác định một trong các nhiệm vụ là “tập trung phát triển các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao, trong đó bao gồm lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng”.
|
PGS.TS Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN phát biểu tại hội thảo. |
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã luôn chủ động trong việc tiếp cận các nghiên cứu, xây dựng chính sách, tạo điều kiện để ứng dụng sức mạnh của dữ liệu trong công tác quản lý và phát triển các sản phẩm dịch vụ, tạo động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng.
Theo khảo sát tháng 9/2020 của NHNN, 50% các ngân hàng đã xây dựng kho dữ liệu tập trung (Data warehouse), 27% đã xây dựng các hồ dữ liệu (Data lake) để thu thập dữ liệu thô đến từ các điểm tiếp xúc số, khoảng 50% các ngân hàng đã ứng dụng phân tích dữ liệu để tối ưu hóa quy trình vận hành, tăng hiệu quả hoạt động, quản trị rủi ro,...
“Có thể nhận thấy với vai trò dữ liệu quan trọng như vậy, trong thời đại ngày nay, ưu thế sẽ thuộc về người làm chủ các nguồn dữ liệu thông qua việc quản lý, sử dụng chúng một cách thông minh trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Theo Phó Thống đốc, để có thể phát huy được lợi thế của mình trong việc sở hữu khối lượng lớn về dữ liệu, giữ vai trò tiên phong trong hành trình chuyển đổi mô hình hoạt động theo xu hướng số, quản lý dữ liệu thông minh trong lĩnh vực Ngân hàng - Tài chính đã trở thành một yêu cầu cấp thiết, thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý, nhà khoa học, các tổ chức tín dụng, các công ty công nghệ tài chính (Fintech) và các công ty công nghệ lớn (Bigtech).
Hoàn thiện khung pháp lý về quản lý dữ liệu
Tại Hội thảo, các diễn giả đều đồng quan điểm, hoạt động quản lý dữ liệu trong lĩnh vực ngân hàng trên cơ sở kết hợp hiệu quả với các công nghệ chủ chốt của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Big Data, Trí tuệ nhân tạo - AI, Học máy - Machine Learning, Phân tích dữ liệu - Data Analytics…) sẽ giúp các ngân hàng tạo ra trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, tối ưu hóa tiềm năng, giảm thiểu chi phí, đưa ra các quyết định hiệu quả, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng,… thông qua việc cải thiện chất lượng các mô hình lượng hóa rủi ro; nhanh chóng phát hiện các dấu hiệu bất thường, giúp công tác kiểm toán nội bộ và kiểm tra giám sát tuân thủ hiệu quả hơn; hiểu rõ hơn về khách hàng; phát triển các mô hình dự báo theo thời gian thực, đáp ứng tức thì nhu cầu của khách hàng; cá nhân hóa giao tiếp với khách hàng, gia tăng khối lượng khách hàng.
|
Toàn cảnh Hội thảo |
Tại Việt Nam, một số NHTM bắt đầu chú ý tới việc quản trị dữ liệu từ trước năm 2010. Theo kết quả khảo sát của công ty tư vấn PwC Việt Nam vào cuối năm 2019 với 33 đại diện lãnh đạo NHTM tại Việt Nam, 88% câu trả lời đồng ý rằng quản trị dữ liệu là nền tảng cơ sở để các ngân hàng nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua phát triển ngân hàng số và khả năng phân tích nâng cao.
Mặc dù vậy, đến thời điểm hiện nay, các diễn giả nhận thấy nhìn chung phần lớn các ngân hàng vẫn đang ở giai đoạn đầu của lộ trình triển khai quản trị dữ liệu toàn ngân hàng. Hầu hết các ngân hàng hiểu giá trị của dữ liệu, tuy nhiên việc coi dữ liệu là “tài sản chiến lược” cũng chưa được định hình rõ nét, dẫn đến chưa hình thành được văn hóa sử dụng dữ liệu trong hoạt động kinh doanh.
Theo báo cáo của PwC (2016), 69% các định chế tài chính không có quy trình cụ thể để đảm bảo việc sử dụng hết thông tin. Các dữ liệu của ngân hàng phần lớn vẫn còn ở tình trạng phân tán, lượng thông tin rác khá lớn, chất lượng dữ liệu vẫn còn chưa cao; mô hình tổ chức, hiện tại phần lớn các ngân hàng đang chưa có một đơn vị độc lập, chuyên trách quản trị và khai thác dữ liệu…
Khảo sát của PwC năm 2019 cũng cho thấy, chưa đến một nửa số NHTM có chính sách và quy trình quản lý dữ liệu toàn hàng hay quy định vai trò của các bên có liên quan đến dữ liệu. Hơn 66% trong số 33 lãnh đạo của các NHTM cho biết quy định các tiêu chí đánh giá để đo lường chất lượng dữ liệu chưa được vận hành. Chỉ 18% NHTM đã xây dựng kiến trúc công nghệ (nền tảng, công cụ…) để hỗ trợ quản lý dữ liệu toàn hàng.
Chia sẻ thêm tại Hội thảo, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cho biết một trong những lý do chính là môi trường pháp lý thay đổi tương đối nhanh như yêu cầu về bảo mật thông tin khách hàng; quy định về các dịch vụ mới như eKYC, P2P; phát triển tiền kỹ thuật số…
Bên cạnh đó, quy mô và chất lượng dữ liệu chưa đủ lớn/tốt; đội ngũ lãnh đạo am hiểu về dữ liệu và nghệ thuật kinh doanh; thay đổi tư duy kinh doanh theo hướng quyết định, hoạt động trên cơ sở thông tin, dữ liệu cũng là những thách thức trong khai thác dữ liệu được TS. Cấn Văn Lực đề cập tới.
Liên quan tới Ngân hàng mở, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, ông Lê Anh Dũng, cũng nêu lên kiến nghị, đề xuất với phía Chính phủ cần nghiên cứu, xem xét trình ban hành Luật về bảo vệ dữ liệu người dùng, luật về bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu người dùng nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng, đồng bộ về quản lý dữ liệu toàn nền kinh tế, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, qua đó thúc đẩy ngân hàng mở trong ngành tài chính - ngân hàng tại Việt Nam. Về phía NHNN cũng cần nghiên cứu, đề ra định hướng ngân hàng mở, xác định mô hình ngân hàng mở phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam, trên cơ sở đó ban hành những quy định, hướng dẫn hoặc đưa ra khuyến nghị thích hợp.
Cho rằng ngành Ngân hàng là một trong những lĩnh vực có dữ liệu nhiều nhất và nguồn nhân lực khá dồi dào, ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá Thông tin Truyền thông đưa ra 4 khuyến nghị trong phát triển dữ liệu ngành Ngân hàng. Theo đó, cần xây dựng chiến lược dữ liệu ngành Ngân hàng; mở dữ liệu ngành Ngân hàng; cung cấp dịch vụ dữ liệu; kết nối với Cổng dữ liệu quốc gia; kiểm tra, đánh giá, duy trì dữ liệu quản lý chất lượng dữ liệu.
Với riêng các NHTM trong quản lý và khai thác dữ liệu thông minh, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ, cần quan tâm xây dựng cơ sở dữ liệu lớn và thông tin, thiết lập hệ thống kho dữ liệu chuyên biệt; đồng thời xây dựng tổ chức - bộ máy, chuyên gia công nghệ thông tin và quản lý, phân tích dữ liệu; ban hành chính sách, quy trình quản lý và khai thác dữ liệu. Cùng với đó, phân cấp quản lý, sử dụng, khai thác dữ liệu; tăng chất lượng nhân sự công nghệ thông tin bao gồm cả quản lý rủi ro công nghệ, an ninh mạng…
Quan điểm của các diễn giả, nhà khoa học đưa ra tại Hội thảo nhìn chung đều đồng thuận cho rằng quản trị dữ liệu thông minh cần được đề cập như một cấu phần quan trọng trong chiến lược phát triển của các ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới. Đây là thách thức rất lớn đối với các ngân hàng, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, nhưng cũng là xu hướng rất cần thiết và tất yếu. Kết quả quản lý dữ liệu sẽ đóng góp quan trọng cho sự phát triển dài hạn của bản thân các NHTM cũng như toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Sau phiên báo cáo chính vào buổi sáng, Hội thảo sẽ tiếp tục với 2 phiên thảo luận chuyên đề vào chiều 29/9 với những chia sẻ sâu hơn về mặt kỹ thuật của các ngân hàng, các công ty Fintech và Bigtech trong việc áp dụng các công nghệ chủ chốt của Cách mạng công nghệ 4.0 vào thực tiễn quản lý dữ liệu thông minh.