Ngày 11/4/2017, tại thành phố Lạng Sơn - tỉnh Lạng Sơn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội nghị về công tác phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam. Phó Thống đốc Đào Minh Tú chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn; Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh, Cục trưởng Cục An ninh Tài chính - Tiền tệ - Đầu tư (A84), Bộ Công an; Đại tá Đỗ Ngọc Toàn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống ma tuý và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; ông Nguyễn Hữu Thân, Vụ trưởng Vụ Kho quỹ, Kho bạc Nhà nước (KBNN) cùng đại diện Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), Công an tỉnh Lạng Sơn, Biên phòng tỉnh Lạng Sơn...
Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị
Về phía NHNN, có ông Nguyễn Chí Thành - Cục trưởng Cục Phát hành Kho quỹ; ông Nguyễn Học Cường, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Lạng Sơn và đại diện lãnh đạo một số Vụ, Cục chức năng NHNN; đại diện lãnh đạo NHNN 14 chi nhánh tỉnh, thành phố trọng điểm có đường biên giới trên bộ giáp các nước láng giềng; đại diện một số NHTM, Ngân hàng Chính sách xã hội...
Ông Nguyễn Chí Thành - Cục Trưởng Cục Phát hành Kho quỹ báo cáo công tác phòng, chống tiền giả
Báo cáo về công tác phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam, ông Nguyễn Chí Thành - Cục Trưởng Cục Phát hành Kho quỹ NHNN cho biết, triển khai thực hiện Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg ngày 30/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ tiền Việt Nam, NHNN đã xác định công tác phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành triển khai thực hiện; Đồng thời, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh với tội phạm tiền giả và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức, cá nhân trong giao dịch tiền mặt.
NHNN đã xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống và xử lý tiền giả, bảo vệ tiền Việt Nam, tạo khuôn khổ pháp lý triển khai thống nhất trong hệ thống Ngân hàng, KBNN. Đội ngũ cán bộ làm công tác tiền tệ, kho quỹ và phòng chống tiền giả của NHNN đã từng bước được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ để thực hiện công tác giám định tiền và phòng, chống tiền giả. NHNN cũng đã hỗ trợ hiệu quả cho hệ thống các TCTD và KBNN trong việc đào tạo kỹ năng phân biệt tiền thật/ tiền giả cho cán bộ kiểm ngân, thủ quỹ và giao dịch viên.
Trong công tác thông tin tuyên truyền, NHNN đã xây dựng gói thông tin chuẩn để giới thiệu cho công chúng về đặc điểm bảo an của tiền Việt Nam; hướng dẫn cách kiểm tra, nhận biết tiền thật/tiền giả; cảnh báo thủ đoạn tiêu thụ tiền giả của tội phạm và quy định của pháp luật về phòng chống tiền giả, bảo vệ tiền Việt Nam. Đây còn là tài liệu tham khảo nghiệp vụ cho các cơ quan chức năng đấu tranh tội phạm tiền giả và hệ thống ngân hàng, KBNN... Bên cạnh đó, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đấu tranh với tội phạm tiền giả, với mạng lưới từ Trung ương đến địa phương.
Ông Nguyễn Chí Thành cho biết thêm, từ năm 2003 đến năm 2006, NHNN đã phát hành và đưa vào lưu thông bộ tiền polymer, được thiết kế với các đặc điểm kỹ thuật bảo an cao hơn so với bộ tiền trước đây nhằm nâng cao khả năng chống giả của đồng tiền. Nhờ đó, số lượng tiền giả thu giữ được đã giảm dần trong những năm vừa qua. Đồng thời Công an Việt Nam đã triển khai kế hoạch hợp tác với Công an của các nước có chung biên giới trong việc triển khai tấn công, trấn áp tội phạm và triệt phá một số đường dây buôn bán, vận chuyển tiền giả.
Từ năm 2016 đến nay, cơ quan Công an đã phát hiện, bắt giữ một số đối tượng làm tiền giả ở trong nước. Nhìn chung, các trường hợp làm tiền giả trong nước đều có quy mô nhỏ, số lượng ít và chất lượng thấp, dễ nhận biết, phát hiện khi giao dịch.
Theo kết quả phân tích, giám định tiền giả của NHNN cho thấy, hầu hết các loại tiền giả polymer được phát hiện đều có kỹ thuật làm giả chưa tinh vi. Tuy gần giống tiền thật về hình thức nhưng tiền giả không có các yếu tố bảo an hoặc có làm giả một số đặc điểm nhưng không giống tiền thật, dễ phát hiện khi kiểm tra, phân biệt bằng tay và mắt thường.
Đại tá Nguyễn Đình Hải - Phó Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu đến từ các Bộ, ngành, địa phương, các ngân hàng thương mại đều nhấn mạnh tầm quan trọng của đồng tiền Việt Nam, việc bảo vệ đồng tiền và điều hành chính sách tiền tệ trong nền kinh tế là vấn đề hệ trọng, huyết mạch của nền kinh tế và ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Do vậy, các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tiền giả cần được đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ chuyên ngành, chuyên sâu, luôn đề cao cảnh giác, phối hợp chặt chẽ, kịp thời trao đổi thông tin và có giải pháp hữu hiệu để triệt phá kịp thời các đối tượng phạm tội trong lĩnh vực này. Các đại biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tế được rút ra qua công tác nhận biết, phát hiện dấu hiệu, tổ chức đấu tranh, triệt phá các đối tượng tham gia việc sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, tiêu thụ tiền giả.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng Hội nghị về phòng, chống tiền giả tổ chức lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm đánh giá kết quả thực hiện công tác phòng chống tiền giả trong hệ thống ngân hàng, KBNN; tăng cường sự phối hợp và trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa hệ thống ngân hàng với các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống tiền giả. Công tác này cần được triển khai thường xuyên, liên tục, thực hiện tốt sẽ góp phần đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia, nâng cao niềm tin của nhân dân vào đồng tiền Việt Nam.
Phó Thống đốc đánh giá cao sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ giữa ngành Ngân hàng với các Bộ, Ngành, địa phương trong công tác phòng, chống tiền giả và sự cố gắng, nỗ lực của các đơn vị trong hệ thống ngân hàng và KBNN đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Để tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống tiền giả, thời gian tới các đơn vị trong toàn ngành Ngân hàng cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Tiếp tục nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tiền giả, trong đó tập trung công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành liên quan và tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ tiền Việt Nam.
NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tiền Việt Nam bằng và đẩy mạnh triển khai công tác đấu tranh phòng, chống tiền giả trên địa bàn.
Quang cảnh Hội nghị
Các đơn vị trong toàn Ngành cần tăng cường tổ chức các lớp đào tạo tập huấn kỹ năng giám định, phân biệt tiền thật/tiền giả cho đội ngũ cán bộ, kiểm ngân, thủ quỹ trong hệ thống ngân hàng, KBNN nhằm nâng cao nghiệp vụ, không để lọt tiền giả vào kho quỹ trong nghiêp vụ giao dịch tiền mặt với các tổ chức, cá nhân. NHNN cần triển khai hợp tác với NHTW các quốc gia láng giềng trong lĩnh vực phòng, chống tiền giả; Qua đó, nghiên cứu và chia sẻ kinh nghiệm trong nghiệp vụ phòng chống tiền giả; cập nhật kịp thời các thông tin phục vụ hiệu quả công tác phối hợp với cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng chống tiền giả đạt hiệu quả cao hơn nữa.
Các TCTD, KBNN quan tâm thực hiện tốt công tác đào tạo, tập huấn về kỹ năng nhận biết tiền giả (nội và ngoại tệ) cho đội ngũ nhân viên làm công tác kiểm ngân, thủ quỹ, giao dịch; đồng thời, các TCTD quan tâm trang bị các thiết bị, máy kiểm đếm, phân loại chuyên dùng hiện đại có tính năng phân biệt tiền thật/tiền giả nhằm phát hiện kịp thời các loại tiền giả.
Phó Thống đốc cho rằng, để tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam, NHNN cần sự quan tâm, ủng hộ của các cấp lãnh đạo chính quyền từ TW đến địa phương và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan thuộc Bộ Công An, Bộ Quốc Phòng. Do vậy, các cấp chính quyền tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để NHNN, TCTD triển khai thực hiện hiệu quả công tác thông tin truyền thông về tiền Việt Nam đến tổ chức, cá nhân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo về đồng tiền VN; hỗ trợ các cơ quan chức năng đẩy mạnh các biện pháp đấu tranh, xử lý hành vi phạm tội buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và lưu hành tiền giả.
Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để triệt phá các ổ nhóm, đường dây tội phạm buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả; phối hợp chặt chẽ với NHNN trong trao đổi thông tin, nghiệp vụ đấu tranh, phòng, chống tội phạm tiền giả; hỗ trợ, đào tạo nâng cao về nghiệp vụ phân tích, giám định tài liệu cho cán bộ chuyên trách về giám định tiền.
Các Bộ, ngành liên quan quan tâm, phối hợp tích cực với NHNN trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong việc xử lý tiền giả (cả nội và ngoại tệ giả) và bảo vệ tiền Việt Nam làm cơ sở pháp lý tổ chức thực hiện thống nhất và phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong công tác đấu tranh phòng chống tiền giả đạt hiêu quả cao hơn nữa trong thời tới.
CKH
(Nguồn: http://www.sbv.gov.vn)