Ngày 21/4/2023, tại Đà Nẵng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo với chủ đề “Hoạt động kiểm sát việc giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại trong lĩnh vực tranh chấp hợp đồng tín dụng”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư kí Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nêu rõ: Cùng với sự phát triển nền kinh tế, nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ngày càng tăng cao, theo đó tranh chấp Hợp đồng tín dụng ngày càng phát sinh nhiều, với diễn biến phức tạp cả về tính chất, quy mô. Để giải quyết hiệu quả tranh chấp Hợp đồng tín dụng, các tổ chức tín dụng chủ yếu lựa chọn biện pháp tố tụng thông qua Tòa án.
Với chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, thời gian qua, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã phối hợp với Tòa án nhân dân các cấp về cơ bản giải quyết các Vụ án tranh chấp Hợp đồng tín dụng đúng pháp luật, kịp thời; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Sự phối hợp tốt giữa Viện Kiểm sát và Tòa án cũng như giữa Kiểm sát viên và Thẩm phán đã góp phần hạn chế được nhiều sai sót trong quá trình tiến hành giải quyết vụ án.
Tổng Thư kí Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng phát biểu khai mạc Hội thảo.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, các tổ chức tín dụng hội viên phản ánh quá trình giải quyết tranh chấp về tín dụng tại Tòa án liên quan Viện Kiểm sát còn phát sinh một số vướng mắc, bất cập do khác biệt về nhận thức và áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực ngân hàng.
“Do vậy, nội dung hội thảo lần này nhằm góp phần tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng hội viên có cơ hội trao đổi, thảo luận với các cơ quan tư pháp, cơ quan quản lí nhà nước về những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xử lí tài sản bảo đảm, thu hồi nợ tại các tổ chức tín dụng, trên cơ sở đó thống nhất quan điểm giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực ngân hàng”, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng cho biết.
Phó Vụ trưởng Vụ 10 (Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) Đoàn Văn Thắng cũng cho hay, những năm gần đây, vụ án kinh doanh, thương mại trong lĩnh vực “tranh chấp hợp đồng tín dụng” xảy ra ngày càng nhiều, chiếm tỉ lệ cao trong số các vụ án kinh doanh, thương mại. Với tính chất ngày càng đa dạng, phức tạp, giá trị tài sản tranh chấp lớn, việc thu hồi vốn, lãi, xử lí tài sản thế chấp gặp nhiều khó khăn, phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung và sự an toàn của hệ thống tín dụng.
“Bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường phối hợp Tòa án, Viện kiểm sát trong việc tổ chức các hội thảo, hội nghị, kí quy chế phối hợp trong việc cung cấp thông tin, cung cấp, phối hợp giải quyết những vấn đề còn có nhiều cách hiểu, áp dụng khác nhau để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân các cấp, Tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan thi hành án,… trong việc cung cấp thông tin, quản lí chặt chẽ về tình trạng pháp lí đối với tài sản bảo đảm và việc xử lí tài sản bảo đảm”, ông Đoàn Văn Thắng nêu khuyến nghị.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng phát biểu tại Hội thảo.
Cũng theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng, trong thời gian qua, hoạt động phối hợp giữa ngành Ngân hàng nói chung, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói riêng và Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã được thực hiện thường xuyên, gắn kết chặt chẽ qua nhiều nghiệp vụ công tác.
Và tại hội thảo hôm nay, các đại biểu cũng sẽ có cơ hội trao đổi, thảo luận về các vướng mắc, bất cập liên quan đến hoạt động kiểm sát việc giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại trong lĩnh vực tranh chấp hợp đồng tín dụng, là những vấn đề thực sự “nóng” cần được tháo gỡ, giải quyết để hỗ trợ việc xử lí nợ xấu, thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng.
“Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo Hiệp hội Ngân hàng, các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, tổng hợp các vấn đề lưu ý, phản ánh và kiến nghị của ngành kiểm sát trong hoạt động của ngành thời gian tới, chỉ đạo các tổ chức tín dụng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng để tăng cường phối hợp thực hiện nhiệm vụ của hai ngành nói riêng và công tác xét xử giải quyết tranh chấp các vụ án tín dụng ngân hàng nói chung, giúp cho ngành Ngân hàng ngày càng phát triển ổn định”, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng khẳng định.