Sáng ngày 15/7/2020, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh đã chủ trì cuộc họp với các tổ chức tín dụng (TCTD) về kết quả triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/06/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD.
Quang cảnh cuộc họp
Tham dự cuộc họp có đại diện Lãnh đạo một số đơn vị, Vụ, Cục thuộc NHNN, Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC); Đại diện Lãnh đạo các NHTM nhà nước, NHTM cổ phần…
Ngày 21/06/2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD (Nghị quyết số 42). Đây là một văn bản có giá trị pháp lý rất quan trọng khi mà lần đầu tiên, các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành Ngân hàng liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của TCTD đã kéo dài nhiều năm qua được giải quyết trong một văn bản của Quốc hội, tạo cơ chế đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, khả thi nhằm đảm bảo quyền của chủ nợ trong xử lý nợ xấu, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.
Sau 03 năm đi vào thực tiễn, thời gian tuy chưa dài nhưng có thể khẳng định các giải pháp tại Nghị quyết số 42 đã tạo ra những dấu ấn rõ nét và chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD gắn với các mục tiêu phát triển ngành Ngân hàng trong thời gian tới, thể hiện định hướng chính sách đúng đắn của Quốc hội và Chính phủ, tạo niềm tin đối với hệ thống các TCTD nói riêng và của cả xã hội nói chung.
Sau khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực, kết quả xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trước khi có Nghị quyết số 42, nợ xấu của toàn hệ thống chủ yếu được xử lý bằng dự phòng rủi ro, các biện pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm và khách hàng tự trả nợ còn chưa cao. Tuy nhiên, kể từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đến nay, tỷ trọng nợ xấu xử lý bằng hình thức khách hàng tự trả nợ/tổng nợ xấu nội bảng theo Nghị quyết số 42 đã xử lý cao hơn nhiều.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh chủ trì cuộc họp
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của các TCTD đối với công tác xử lý nợ xấu nói chung và xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 nói riêng thời gian vừa qua.
Theo Phó Thống đốc, mặc dù công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu nói chung và xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 nói riêng thời gian qua đã đạt được kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi sự chung sức, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương. Do đó, để tiếp tục triển khai Nghị quyết số 42 có hiệu quả trong thời gian tới, với vai trò là cơ quan chủ trì chỉ đạo triển khai việc thực hiện Nghị quyết 42, NHNN tổ chức buổi làm việc với các TCTD để trao đổi, thảo luận về các kết quả triển khai Nghị quyết số 42 của các TCTD.
Tại cuộc họp, đại diện các TCTD đã nêu lên các khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42, trong đó tập trung vào các nội dung sau: Việc thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm; Việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại Tòa án; Việc được áp dụng thứ tự ưu tiên thanh toán nghĩa vụ về thuế, phí khi xử lý tài sản bảo đảm; Việc xác định giá trị khoản nợ; mua, bán nợ xấu theo giá trị thị trường và phát triển thị trường mua, bán nợ; Công tác triển khai, hướng dẫn và hỗ trợ từ các Bộ, ngành và địa phương...
Để đảm bảo công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 được triển khai có hiệu quả trên thực tế, các khó khăn, vướng mắc về cơ bản sẽ được xử lý, các TCTD và VAMC cũng đề xuất một số giải pháp, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đại diện Vụ Pháp chế, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng cũng giải đáp và tiếp thu đối với các khó khăn, vướng mắc và đề xuất của các TCTD, VAMC đưa ra tại cuộc họp.
Kết luận cuộc họp, Phó Thống đốc đề nghị, trên cơ sở nội dung báo cáo, trao đổi của các TCTD tại buổi làm việc, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Vụ Pháp chế ghi nhận và tổng hợp các ý kiến hợp lý của các TCTD để báo cáo Lãnh đạo NHNN báo cáo, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, UBND có liên quan xử lý hoặc đề xuất Quốc hội có phương hướng xử lý.
Đối với các khó khăn, vướng mắc, đề xuất của TCTD chưa hợp lý và các khó khăn, vướng mắc của TCTD đã được NHNN, các Bộ, ngành xử lý, Vụ Pháp chế, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng và VAMC sẽ cùng trao đổi cung cấp thêm thông tin cho TCTD về vấn đề này.
Phó Thống đốc cũng yêu cầu các TCTD rà soát nội dung báo cáo, để có đề xuất, kiến nghị phù hợp nhằm phối hợp, đồng hành với NHNN tiếp tục triển khai có hiệu quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 trong thời gian tới, đồng thời bày tỏ tin tưởng, cùng với sự nỗ lực, quyết liệt của cả hệ thống, ngành Ngân hàng sẽ đạt được mục tiêu về xử lý nợ xấu nhằm góp phần giữ vững sự phát triển ổn định, an toàn, bền vững của hệ thống ngân hàng.
Theo sbv.gov.vn