Hội nghị ghi nhận, trong năm vừa qua AIIB đã đạt được những kết quả quan trọng trong mở rộng thành viên cũng như gia tăng hoạt động. Cụ thể, trong năm 2019, AIIB đã hoàn tất thủ tục phê duyệt để kết nạp thêm 09 nước thành viên, nâng tổng số thành viên được phê duyệt của tổ chức này lên 102. Tính đến cuối năm 2019, 63 dự án với tổng giá trị 12,04 tỷ USD đã được phê duyệt, đồng thời, AIIB đã huy động thêm được 1,89 tỷ USD nguồn vốn khu vực tư nhân cho đầu tư cơ sở hạ tầng. Năm 2019 cũng là năm thứ 3 liên tiếp AIIB đạt mức xếp hạng tín nhiệm tương đương với các tổ chức tài chính quốc tế khác như Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), góp phần giúp Ngân hàng phát hành thành công đợt trái phiếu toàn cầu đầu tiên vào tháng 5/2019, huy động 2,5 tỷ USD với kỳ hạn 5 năm, lãi suất coupon là 2,25%. Trong năm 2019, AIIB tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ chính sách, chiến lược để định hướng và hỗ trợ hoạt động đầu tư của Ngân hàng, bao gồm: xây dựng và phê duyệt Chiến lược đầu tư vào vốn doanh nghiệp; dự thảo Chiến lược phát triển ngành nước và Chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Những kết quả của 5 năm đầu hình thành và đi vào hoạt động đặt nền móng vững chắc cho AIIB đạt được tầm nhìn chiến lược mà các nước thành viên đã đề ra khi sáng lập Ngân hàng và bước vào giai đoạn phát triển tiếp theo của AIIB.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị
Trong bài phát biểu gửi đến Hội nghị, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, Hội nghị Thường niên đánh dấu 5 năm thành lập AIIB diễn ra trong bối cảnh chưa từng có. Đại dịch Covid-19 đang phủ bóng đen lên toàn bộ đời sống kinh tế xã hội toàn cầu với tác động vượt xa những dự báo bi quan nhất, khiến các hoạt động kinh tế bị đóng băng, chuỗi cung ứng đứt gãy và thương mại toàn cầu sụt giảm. Kinh tế thế giới dự báo sẽ suy thoái sâu trong năm 2020; những thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng và tích cực mà mỗi nước và toàn thế giới đã đạt được trong những năm trước đó, đặc biệt là năm 2019, có nguy cơ bị xóa bỏ.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đánh giá cao việc AIIB đã nhanh chóng hưởng ứng và tích cực tham gia các nỗ lực toàn cầu với việc đưa ra Quỹ/Thể thức phục hồi khủng hoảng do Covid-19 (CRF) để hỗ trợ các nước thành viên gặp khó khăn do Covid-19. Trong vòng 04 tháng kể từ khi thông qua CRF, AIIB đã phê duyệt 16 dự án với tổng trị giá lên tới 5,96 tỷ USD, kịp thời hỗ trợ cho các bên vay đến từ 12 quốc gia thành viên, trong đó bao gồm khoản cho vay trị giá 100 triệu USD mà AIIB đồng tài trợ với IFC cung cấp cho Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) để tài trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng phó với tác động của COVID-19. Trong bối cảnh hoạt động của AIIB gặp nhiều thách thức do ảnh hưởng của đại dịch, Việt Nam cũng như các nước thành viên đánh giá cao những nỗ lực của Ban Lãnh đạo và cán bộ Ngân hàng trong đảm bảo hoạt động của AIIB và đáp ứng kịp thời nhu cầu mới và cấp bách của các nước thành viên.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị thường niên AIIB lần thứ 5, Hội đồng Thống đốc đã tiến hành bầu Chủ tịch AIIB nhiệm kỳ 2021-2026, theo đó, Ông Kim Lập Quần – Chủ tịch đương nhiệm của AIIB – đã tái đắc cử vị trí này nhiệm kỳ thứ hai. Hội đồng Thống đốc cũng nhất trí sẽ tổ chức Hội nghị thường niên AIIB lần thứ 6 từ ngày 27-28/10/2021 tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Tiếp nối chương trình Hội nghị, phiên Thảo luận bàn tròn của các Thống đốc với chủ đề “AIIB 2030 – Hỗ trợ sự phát triển của Châu Á trong thập kỷ mới” đã diễn ra với 03 nội dung chính bao gồm: (i) Xu hướng đầu tư trong dài hạn và những thay đổi về kinh tế vĩ mô trong ngắn hạn ở Châu Á; (ii) Cách tiếp cận của AIIB trong việc hỗ trợ các nước thành viên trong ngắn hạn, đặc biệt trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19; và (iii) Cách tiếp cận của AIIB trong việc hỗ trợ các nước thành viên trong trung và dài hạn, tầm nhìn tới 2030. Tại phiên thảo luận, đại diện các nước đã đưa ra các đề xuất, định hướng quan trọng cho hoạt động của Ngân hàng trong trung và dài hạn, nhằm hiện thực hóa mục tiêu đổi mới và triển khai một cách linh hoạt các hình thức đầu tư đối với các lĩnh vực trọng tâm của AIIB là cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, phát triển bền vững đô thị, cũng như đảm bảo khả năng thích ứng trước các thách thức toàn cầu không lường trước được như đại dịch Covid-19 đang diễn ra.
Hình ảnh một số đại diện các nước thành viên AIIB tham dự Hội nghị
Bên lề Hội nghị thường niên, trong chiều và tối ngày 29/7/2020, AIIB tổ chức một số diễn đàn theo hình thức trực tuyến về các chủ đề: Cơ sở hạ tầng và công nghệ kỹ thuật số; Huy động vốn đầu tư tư nhân vào các thị trường mới nổi; AIIB và sự hình thành tổ chức đa phương của thế kỷ 21; Tương lai của kết nối khu vực; Các sáng kiến đầu tư của AIIB đối với các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu…
AIIB là ngân hàng phát triển đa phương được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 1/2016 với hai mục tiêu chính bao gồm: (i) Thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, thịnh vượng và kết nối cơ sở hạ tầng tại Châu Á thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực sản xuất hiệu quả khác và (ii) Đẩy mạnh hợp tác và tăng cường quan hệ đối tác trong việc xử lý các thách thức trong quá trình phát triển thông qua việc phối hợp chặt chẽ với các tổ chức phát triển song phương và đa phương khác…
HTQT
Ảnh: VA
Theo: sbv.gov.vn