Quang cảnh buổi làm việc
Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh nhiều tổ chức quốc tế như IMF, WB, ADB và Văn phòng Nghiên cứu và Giám sát Kinh tế Vĩ mô khu vực ASEAN+3 (AMRO) đều có chung nhận định rằng kinh tế thế giới, mặc dù đã có dấu hiệu phục hồi nhưng nhìn chung vẫn chưa vững chắc và tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro. Về khu vực ASEAN, Hội nghị đã ghi nhận mức tăng trưởng đáng khích lệ của khu vực là khoảng 4,6% bất chấp những thách thức của kinh tế toàn cầu. Hội nghị cũng đã thống nhất nhận định cho rằng cầu nội địa vẫn sẽ là động lực chính quyết định tăng trưởng kinh tế trong khi những cải cách về cơ cấu, chi tiêu công và các hình thức kích cầu ngân sách sẽ giúp thúc đẩy đầu tư trong khu vực ASEAN.
Trong bối cảnh đó, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTW các nước ASEAN tái khẳng định cam kết sẽ tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường tính ổn định, khả năng ứng phó của hệ thống tài chính – ngân hàng trong khu vực;phấn đấu đạt được các mục tiêu của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đến năm 2025 và thực thi có hiệu quả các hành động chính sách trong Kế hoạch Hành động Chiến lược (SAPs) về Hội nhập Tài chính ASEAN đến năm 2025. Các Lãnh đạo tài chính – ngân hàng ASEAN cũng cam kết thực thi các chính sác tiền tệ - tài khóa và vĩ mô thận trọng, tăng cường hợp tác tài chính và triển khai các sáng kiến hội nhập khu vực nhằm tạo dựng nền tảng tốt cho tăng trưởng bao trùm, bền vững trong khi vẫn duy trì sự ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô.
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng và Thống đốc NHTW các nước ASEAN đã xem xét, ghi nhận những nỗ lực hợp tác tài chính ngân hàng thời gian qua, thể hiện trên các lĩnh vực thực thi lộ trình hội nhập tài chính và tiền tệ khu vực ASEAN (RIA-Fin); phát triển thị trường vốn(CMD); tự do hóa các dịch vụ tài chính (FSL); thực thi Khung Hội nhập Ngân hàng ASEAN (ABIF); tự do hóa tài khoản vốn (CAL); phát triển hệ thống thanh toán (PSS); tài chính bao trùm (FINC); hợp tác về hải quan, thuế, tài trợ cơ sở hạ tầng…Hội nghị cũng ghi nhận sự trưởng thành và vai trò ngày càng quan trọng của AMRO với tư cách là một tổ chức quốc tế có nhiệm vụ nghiên cứu và giám sát kinh tế vĩ mô của khu vực ASEAN+3, hỗ trợ thực thi cơ chế Đa dạng hóa Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM) và đạt được các mục tiêu về thúc đẩy hội nhập tài chính, phổ cập tài chính và ổn định tài chính trong khu vực ASEAN.
Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTW cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc xem xét vấn đề công nghệ tài chính (FINTECH) trong các sáng kiến hợp tác như ABIF và PSS trong thời gian tới. “Chúng ta đang đối diện với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam hoan nghênh việc đưa nội dung về giám sát phát triển công nghệ tài chính FINTECH vào nội dung hợp tác khu vực và đề nghị các nhóm công tác tiếp tục nghiên cứu để cho ra đời được các sáng kiến hợp tác phù hợp cho khu vực,có tính đến những thanh đổi nhanh chóng trong lĩnh vực công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng”. Dẫn lời Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị.
Trước đó vào ngày 6/4/2017, Đoàn Việt Nam cũng đã tham dự đối thoại giữa các Thống đốc ASEAN với CEO ngân hàng và làm việc với Hội đồng Tư vấn Doanh nghiệp Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) gồm đại diện lãnh đạo của hơn 10 tập đoàndoanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ trong lĩnh vực đầu tư tài chính, phát triển công nghệ và cung ứng dịch vụ tài chính như Visa, Mastercard, Paypal, Citi Group, AIG, S&P…do ông Alexander C.Feldman, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc USABC dẫn đầu. Tại buổi tiếp, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã thông báo cho đoàn USABC những định hướng, chủ trương lớn của Chính phủ và của NHNN trong việc điều hành vĩ mô, giải đáp một số vấn đề mà Đoàn quan tâm về cung ứng dịch vụ thanh toán và dịch vụ tài chính, thực thi chính sách tiền tệ và tỷ giá trên cơ sở đảm bảo cân đối vĩ mô tổng thể và những tiềm năng hợp tác giữa hai bên.
Theo kế hoạch, Xing-ga-po sẽ là nước chủ nhà đăng cai tổ chức các Hội nghị ACGM và AFCBGM tiếp theo vào tháng 4/2018.
Bùi Quang Trung-HTQT.
Nguồn: sbv.gov.vn