Trong khuôn khổ chuyến công tác Liên bang Nga tham dự kỳ họp thứ 16 của Tổ Công tác Việt – Nga về hợp tác ngân hàng, trong các ngày 30 và 31/8/2018, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng và đoàn đại biểu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có các buổi làm việc với Thống đốc Ngân hàng Trung ương (NHTW) Liên bang Nga, Chủ tịch và Ban Lãnh đạo Ngân hàng Hợp tác Kinh tế Quốc tế (IBEC) và các Phó Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư Quốc tế (IIB) có trụ sở tại Matxcova.
Làm việc với Thống đốc NHTW LB Nga
Tại buổi làm việc với Thống đốc NHTW LB Nga, Bà Elvira Nabiullina, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã thông báo các kết quả chính của kỳ họp thứ 16 Tổ Công tác Việt – Nga về hợp tác ngân hàng, trong đó nhấn mạnh việc hai bên nhất trí và quyết tâm triển khai các giải pháp để thúc đẩy hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực ngân hàng nói chung và trong thanh toán ngân hàng nói riêng. Các giải pháp chính bao gồm việc các ngân hàng hai nước đẩy mạnh thông tin đến doanh nghiệp và khách hàng hai bên về các lợi ích của thanh toán bằng nội tệ nói riêng và thanh toán qua ngân hàng nói chung; tích cực quá trình trao đổi thông tin và thiết lập quan hệ kinh doanh và tiếp tục triển khai các sản phẩm dịch vụ ngân hàng phục vụ thanh toán bằng nội tệ. Về phía hai NHTW, NHNN và NHTW LB Nga sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ liên quan đến việc giao dịch cặp tiền tệ VND/RUB trên sàn chứng khoán Moscow Exchange (MOEX), nhằm mục tiêu hỗ trợ thanh khoản cho hoạt động thanh toán bằng nội tệ.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng làm việc với Thống đốc NHTW Liên bang Nga
Thống đốc NHTW Nga đánh giá cao các kết quả của Tổ Công tác và hoan nghênh việc Tổ Công tác đã lần đầu tiên tổ chức Phiên Đối thoại với đại diện các ngân hàng và doanh nghiệp của hai bên. Bà Nabiullina cho rằng việc này sẽ giúp các bên nắm bắt cụ thể được các thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong thanh toán song phương Việt – Nga, để từ đó có giải pháp xử lý phù hợp.
Về kết quả điều hành vĩ mô và chính sách tiền tệ, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chúc mừng NHTW LB Nga, dưới sự lãnh đạo của Bà Thống đốc đã đạt được những kết quả quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ và ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát góp phần vào những kết quả tích cực về phát triển kinh tế của LB Nga, nhất là trong điều kiện nền kinh tế còn phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi.
Trao đổi về các kết quả vĩ mô và điều hành chính sách tiền tệ, Thống đốc NHTW LB Nga bày tỏ ấn tượng trước những kết quả về tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và cải cách khu vực ngân hàng của Việt Nam nói chung và NHNN Việt Nam nói riêng; và nhấn mạnh, với tốc độ và tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam và sự hội nhập quốc tế mạnh mẽ của đất nước, hợp tác ngân hàng giữa Việt Nam và LB Nga còn nhiều cơ hội để phát triển. Hai bên cùng chia sẻ quan điểm, nhằm phát triển bền vững nền kinh tế, NHTW cần thực hiện tốt hai nhiệm vụ chính là đảm bảo kiểm soát lạm phát và phát triển lành mạnh hệ thống tài chính ngân hàng.
Kết thúc cuộc họp, hai bên nhất trí sẽ tiếp tục triển khai các nội dung đã thống nhất tại kỳ họp Tổ Công tác vừa qua, nhằm mục tiêu tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai NHTW cũng như hệ thống ngân hàng hai nước.
Làm việc với Lãnh đạo IIB và IBEC
Tại các buổi làm việc với Lãnh đạo hai Ngân hàng IIB và IBEC mà Việt Nam là thành viên, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng hoan nghênh các kết quả hoạt động của hai Ngân hàng, nhất là các nỗ lực cải cách mạnh mẽ của cả IIB và IBEC thời gian qua. Đặc biệt, Phó Thống đốc chúc mừng IIB đã hoàn tất thành công Chiến lược phát triển IIB giai đoạn 2013-2017, qua đó cải tổ toàn diện các hoạt động của IIB để đưa IIB trở thành một ngân hàng phát triển quốc tế theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế và thực hiện hiệu quả hơn vai trò hỗ trợ phát triển kinh tế của các nước thành viên. Với việc Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập và Điều lệ IIB đã chính thức có hiệu lực từ ngày 18/8/2018, thời gian tới IIB sẽ đi vào giai đoạn phát triển mới với những cải cách quan trọng trong cơ chế quản lý, điều hành, ra quyết định; và với tư cách nước thành viên có trách nhiệm, Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia tích cực vào quá trình này.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng làm việc với Lãnh đạo IIB-IBEC
Đối với chiến lược cải cách và phát triển IBEC giai đoạn tiếp theo, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN luôn theo dõi sát sao và ủng hộ các định hướng cải cách để IBEC trở thành một định chế tài chính quốc tế hiện đại, có vai trò quan trọng trong hỗ trợ hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên, thông qua việc thực hiện hữu hiệu các chức năng tài trợ và thanh toán ngân hàng.
Ban Lãnh đạo IIB và IBEC bày tỏ cảm ơn sâu sắc đối với Chính phủ Việt Nam mà đại diện là NHNN, luôn là các cổ đông tham gia tích cực và có tiếng nói quan trọng trong quá trình hoạch định chính sách và ra quyết định của hai Ngân hàng. Về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và IIB/IBEC, các bên điểm qua và cùng đánh giá tình hình đàm phán và triển khai các dự án tài trợ của hai Ngân hàng cho Việt Nam. Hiện tại, với tính chất là các ngân hàng quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế của các nước thành viên, IIB và IBEC đang triển khai các khoản vay hai bước cho một số tổ chức tín dụng Việt Nam nhằm hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. IIB và IBEC cũng đang đàm phán để đi đến cung cấp một số khoản tài trợ thương mại cho các tổ chức tín dụng Việt Nam để thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước thành viên của hai Ngân hàng.
Kết thúc buổi làm việc, Ban Lãnh đạo IIB và IBEC bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ ủng hộ các sáng kiến cải cách và phát triển của hai Ngân hàng trong thời gian tới và cam kết sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả vai trò hỗ trợ phát triển kinh tế của Việt Nam cũng như các nước thành viên hai Ngân hàng.
IBEC và IIB là hai tổ chức tài chính quốc tế thành lập tương ứng trong các năm 1963 và 1970 trong khuôn khổ tổ chức Hội đồng Tương trợ Kinh tế (Khối SEV cũ), có trụ sở đặt tại Matxcơva, Liên bang Nga. IIB có các nước thành viên bao gồm Bungari, Hungari, Việt Nam, Cuba, Mông Cổ, Liên bang Nga, Rumani, Slôvakia và Cộng hoà Séc; và có nhiệm vụ chính là cho vay trung và dài hạn phục vụ các dự án đầu tư và các chương trình phát triển tại các nước thành viên. IBEC có chức năng thực hiện thanh toán đa phương, cấp tín dụng và cung cấp các dịch vụ ngân hàng để hỗ trợ phát triển kinh tế và thúc đẩy quan hệ kinh tế đối ngoại giữa các nước thành viên. Các nước thành viên của IBEC hiện bao gồm: Bungari, Việt Nam, Mông Cổ, Ba Lan, Liên bang Nga, Rumani, Slovakia và Cộng hòa Séc.
Theo sbv.gov.vn