Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 tại HộiAn, Việt Nam, ngày 20/10/2017 đã diễn ra Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc NHTW các nền kinh tế APEC. Phó Thống đốc NHNN Việt Nam NguyễnThị Hồng, đại diện đoàn Việt Nam chủ trì phiên họp thứ 5 về tài chính bao trùm.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Tại phiên họp, các đại biểu đã lắng nghe 3 tham luận gồm: (i) bài trình bày của đại diện nước chủ nhà Việt Nam tổng kết các hoạt động và kết quả chính đạt được trong năm APEC 2017; (ii) bài trình bày của đại diện ABAC/FDC tổng kết những nội dung hợp tác năm 2017 trong khuôn khổ Diễn đàn APEC và các khuyến nghị chính sách liên quan để góp phầnnâng cao hiệu quả hợp tác APEC trong thời gian tới; và (iii) bài trình bày của đại diện BTCA/UNCDF về nội dung báo cáo nghiên cứu “Vai trò của thanh toán số trong đảm bảo an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững”. Bên cạnh đó, một số đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC như: Papua New Gunea, Malaysia, Indonesia, Philippines... cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn về quá trình hợp tác và triển khai tài chính toàn diện.
Trên cơ sở các ý kiến trao đổi, góp ý của các đại biểu, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã kết luận phiên họp:
Tiến hình hợp tác APEC 2017 về tài chính bao trùm với chủ đề “Tài chính cho phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn” do nước chủ nhà Việt Nam đề xuất đã được các nền kinh tế APEC ủng hộ và tham gia tích cực. Nông nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng nhưng cũng rất dễ bị tổn thương, đặc biệt là tại các nền kinh tế đang phát triển; Nó cũng là mối quan tâm chung của cả APEC và nhiều tổ chức quốc tế để hướng đến mục tiêu giảm nghèo và phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và do vậy, cần tiếp tục nhận được sự quan tâm, hợp tác và đầu tư thỏa đáng.
Trong năm 2017 các nền kinh tế APEC, cùng với sự phối hợp và hỗ trợ hiệu quả của nhiều tổ chức quốc tế, đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác tích cực trên cả bình diện song phương và đa phương, bao gồm việc trao đổi, tham vấn chính sách, nghiên cứu chủ đề, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng chiến lược, ứng dụng công nghệ tài chính, chia sẻ mô hình phát triển cũng như đã hợp tác trong nhiều nội dung khác thuộc tài chính bao trùm trong bối cảnh thế giới đã bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Chúng ta cũng thừa nhận thực tế rằng mặc dù hợp tác APEC đã thu được những thành công nhất định nhưng vẫn còn nhiều thách thức cần ứng phó liên quan đến sự chênh lệch phát triển, tính sẵn sàng và chất lượng của các chiến lược tài chính bao trùm tại các nền kinh tế thành viên; công cụ, khuôn khổ pháp lý và nguồn lực để thực thi, công tác giáo dục và nâng cao nhận thức tài chính..và nhiều khác biệt nữa giữa các nền kinh tế, và do vậy tài chính bao trùm cần được APEC tiếp tục coi là nội dung hợp tác ưu tiên trong thời gian tới.
Để triển khai thành công các mục tiêu về tài chính bao trùm, các nền kinh tế thành viên APEC ngoài việc tăng cường hợp tác nội khối, cần chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giảipháp phù hợp với điều kiện và đặc thù của quốc gia, từ việc xác định cụ thể phạm vi tài chính bao trùm,hoạch định chiến lược quốc gia, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đầu tư nền tảng cơ sở hạ tầng tài chính, cơ sở dữ liệu đến các nội dung về bảo vệ người tiêu dùng, giáo dục nâng cao nhận thức tài chính, bảo hiểm rủi ro, chuyển giao và ứng dụng công nghệ tài chính mới...v.v. Trong tiến trình này sự hợp tác và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cả về chuyên môn và nguồn lực là vô cùng cần thiết và do vậy, cần được tiếp tục tăng cường hơn nữa.
Chúng ta ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của ABAC/FDC, BTCA/UNCDF, WB/IFC, ADB/ADBI, OECD và nhiều tổ chức quốc tế khác cho sự phát triển tài chính bao trùm tại các nền kinh tế APEC trong những năm qua và đặc biệt trong năm 2017, chúng ta đã có được một số sản phẩm đầu ra để báo cáo tại Hội nghị lần này bao gồm: (i) Báo cáo khuyến nghị tập trung theo 8 chủ đề nhằm tăng cường hiệu quả triển khai tài chính bao trùm; (ii) Báo cáo về vai trò của thanh toán số trong đảm bảo an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững; và (iii) dự thảo Khung thỏa thuận chia sẻ thông tin tín dụng xuyên biên giới. Các tài liệu này đã được các nền kinh tế APEC nhất trí thông qua để báo cáo lên các Bộ trưởng Tài chính như là một sản phẩm hợp tác về tài chính bao trùm trong năm APEC 2017. Những sản phẩm này cũng như các khuyến nghị liên quan cần được các nền kinh tế nghiên cứu, xem xét áp dụng trong điều kiện phù hợp với thực tiễn và đặc thù của mỗi nền kinh tế.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho rằng: “Sự hợp tác nội khối và hợp tác với các tổ chức quốc tế trong năm APEC 2017 đã thu được những kết quả hợp tác tích cực, ghi nhận bước tiến mới trong tiến trình hợp tác APEC về tài chính bao trùm. Với những kết quả đạt được trong năm APEC 2017, Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương cần báo cáo lên các Bộ trưởng Tài chính để xem xét, làm cơ sở để tiếp tục củng cố và thúc đẩy những thành quả hợp tác nhằm giúp các nền kinh tế thành viên APEC xây dựng được một nền tài chính toàn diện phù hợp, có thể hỗ trợ có hiệu quả cho phát triển nông nghiệp nông thôn, góp phần vào tăng trưởng bao trùm và giảm nghèo bền vững”.
Theo sbv.gov.vn