Phiên họp đã cập nhật các diễn biến, tiến bộ và chương trình hành động triển khai sau Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Osaka tháng 6/2019 theo các mục tiêu ưu tiên trong Tiến trình Tài chính G20 năm 2019, bao gồm: (1) Kinh tế toàn cầu, rủi ro và thách thức, (2) Hướng tới tăng trưởng vững mạnh, và (3) Ứng phó với thay đổi cơ cấu do quá trình đổi mới sáng tạo và toàn cầu hóa mang lại.
Hội nghị chia sẻ với những đánh giá và dự báo của IMF trong Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới công bố tháng 10/2019 về diễn biến kinh tế và triển vọng kinh tế không tích cực do sự leo thang của căng thẳng thương mại toàn cầu, bất ổn địa chính trị, bên cạnh đó Hội nghị cũng nêu bật thách thức ngày càng gia tăng từ sự tham gia của các tập đoàn công nghệ lớn trong lĩnh vực tài chính (hay còn gọi là Bigtech).
Hội nghị đã ra thông cáo báo chí về Tiền số (stablecoin), một sáng kiến được các Nguyên thủ G20 nêu ra tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tháng 6/2019 tại Osaka, Nhật Bản nhằm xây dựng một khuôn khổ/bộ nguyên tắc quản lý chung, thống nhất trên phạm vi toàn cầu đối với các đồng tiền số như đồng Libra của Facebook. Tại thông cáo báo chí, các nước G20 nhất trí về việc cần phải thiết lập bộ nguyên tắc quản lý và nhận diện rủi ro đối với tiền số và cho rằng những rủi ro liên quan đến tiền số, rủi ro hệ thống và đặc biệt là rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố cần phải được xử lý trước khi triển khai những khuôn khổ/nguyên tắc về tiền số toàn cầu. Nhóm công tác G20 sẽ triển khai nghiên cứu này và đề xuất khuôn khổ quản lý tiền số, dự kiến hoàn tất vào năm 2020.
Trong tuyên bố về thuế quan quốc tế, G20 hoan nghênh tiến độ khắc phục những vấn đề khó khăn về thuế trong khuôn khổ Chống xói mòn Cơ sở thuế và Chuyển lợi nhuận (BEPS). Hội nghị ủng hộ đề xuất của OECD trong việc xây dựng các quy định về thuế trên toàn cầu đối với các tập đoàn công nghệ dựa trên doanh thu ở những nước mà các tập đoàn này không có hiện diện, cho rằng các khuôn khổ này sẽ giúp tạo ra sự kết nối về quản lý thuế giữa các quốc gia liên quan đến các đối tượng nộp thuế không có hiện diện vật lý.
Đây là phiên họp cuối cùng của Tiến trình Tài chính G20 năm 2019 do Nhật Bản chủ trì và là lần thứ 2 Việt Nam tham gia G20 với tư cách quan sát viên. Tiến trình tài chính được coi là kênh hợp tác cốt lõi và quan trọng nhất trong khuôn khổ hợp tác của Nhóm các nước G20, là diễn đàn của các cơ quan quản lý các trung tâm tài chính toàn cầu, đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập nguyên tắc hoạt động tài chính toàn cầu, kết nối chương trình hành động của các tổ chức tài chính quốc tế với các quốc gia phát triển, đang phát triển và kém phát triển.
Trong các nước ASEAN có 3 nước tham gia Tiến trình Tài chính G20 năm 2019 là In-đô-nê-xi-a, Singapore và Việt Nam. Việc tham gia Tiến trình G20 là bước chuẩn bị quan trọng cho Việt Nam nói chung và NHNN nói riêng trong việc xây dựng và triển khai các nội dung ưu tiên cho Hợp tác tài chính ngân hàng trong năm 2020 khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN. Ả- rập-xê-út sẽ chủ trì G20 năm 2020 theo phân công của Nhóm.
HTQT
Nguồn: sbv.gov.vn