Ngày 18/7/2024, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: Phát triển lành mạnh tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi “tín dụng đen”. Hội thảo do Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn chủ trì, với sự tham dự của gần 100 đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành; các vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, Hiệp hội Ngân hàng, các ngân hàng thương mại (NHTM), công ty tài chính tiêu dùng…
Tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tại Việt Nam tương đương 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn cho biết: Tín dụng tiêu dùng luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh việc đáp ứng những nhu cầu chính đáng của người dân, tín dụng tiêu dùng còn kích cầu sức mua, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, qua đó tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng còn được xem là một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, điển hình là “tín dụng đen”, giúp giảm thiểu các hệ lụy và góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội.
Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn phát biểu khai mạc Hội thảo
Theo thống kê, quy mô của thị trường tín dụng tiêu dùng toàn cầu đã tăng trưởng mạnh, đạt khoảng 11 nghìn tỉ USD năm 2023 và tiếp tục duy trì xu hướng tăng, dự kiến đạt 15 nghìn tỉ USD trong 5 năm tới. Xu hướng tăng trưởng tín dụng tiêu dùng được ghi nhận ở cả các nền kinh tế phát triển như Mỹ, châu Âu… và các nền kinh tế mới nổi như Thái Lan, Malaysia…
Cùng chung xu hướng đó, hoạt động tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam những năm qua đã có bước phát triển mạnh cả về quy mô dư nợ, số lượng tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia và mức độ đa dạng về sản phẩm, dịch vụ. Đến nay, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tại Việt Nam đã đạt khoảng 2,8 triệu tỉ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, trở thành một phần quan trọng trong cơ cấu tín dụng của hệ thống các TCTD. Tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng bình quân giai đoạn từ năm 2010 đến nay, luôn cao hơn tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung của toàn nền kinh tế. Để có được kết quả này là sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực, triển khai quyết liệt của ngành Ngân hàng và sự phối hợp tích cực từ các bộ ngành, địa phương.
Dù vậy, theo Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn, cũng cần phải nhìn nhận thẳng thắn để thấy rằng, hoạt động tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế và gặp nhiều thách thức. Từ năm 2020 đến nay, thị trường tài chính tiêu dùng đối mặt với những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và sự suy giảm tổng cầu. Gần đây, xuất hiện tình trạng tội phạm lợi dụng môi trường mạng xã hội, tổ chức nhiều hội nhóm truyền bá, hướng dẫn nhau cách không phải trả nợ cho TCTD; các công ty mạo danh, lừa đảo… đã làm ảnh hưởng tới hoạt động tín dụng tiêu dùng của các TCTD nói riêng và sự phát triển ổn định, lành mạnh của thị trường tín dụng tiêu dùng nói chung. Tín dụng tiêu dùng đã trải qua một năm 2023 đầy thử thách khi dư nợ cho vay tiêu dùng chỉ tăng khoảng gần 11% so với năm trước - mức tăng khiêm tốn so với tỉ lệ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2010 - 2020. Dư nợ trong các tháng đầu năm 2024 tiếp tục suy giảm so với cuối năm 2023. Tỉ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống có xu hướng gia tăng, tập trung vào nhóm công ty tài chính tiêu dùng, ảnh hưởng lớn đến kết quả hoạt động kinh doanh của nhóm này.
“Để vượt qua thách thức nêu trên, đặc biệt trong bối cảnh quy mô của thị trường này đang ngày càng lớn thì việc đưa ra các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường tín dụng tiêu dùng Việt Nam lành mạnh, hiệu quả và bền vững là rất cần thiết, góp phần thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030: Phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng phù hợp với đối tượng vay tiêu dùng, có mức lãi suất hợp lý, góp phần ngăn chặn “tín dụng đen”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn mong muốn, tại Hội thảo: Phát triển lành mạnh tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi “tín dụng đen” các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các NHTM và công ty tài chính tiêu dùng có thể trao đổi, đề xuất các sáng kiến, giải pháp để phát triển thị trường tín dụng tiêu dùng lành mạnh, hiệu quả, khai thác được tiềm năng của thị trường, hỗ trợ tích cực hạn chế “tín dụng đen”.
Giải quyết gốc rễ của “tín dụng đen”
Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN nêu ý kiến: Một trong những vai trò to lớn của TCTD đó là giúp cho một phân khúc khách hàng yếu thế khó có khả năng tiếp cận với ngân hàng có thể giải quyết được nhu cầu tài chính mà không phải tìm tới tín dụng đen.
TS. Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN phát biểu tại Hội thảo
Có thể nói, Luật Các TCTD số 07/1997/QH10, Luật Các TCTD số 47/2010/QH12, Luật Các TCTD số 32/2024/QH15 đã luôn khẳng định cung cấp tín dụng nhằm phục vụ cho các nhu cầu đời sống của cá nhân và hộ gia đình là một phần quan trọng trong cơ cấu cung cấp tín dụng của hệ thống các TCTD. Đặc biệt là mốc năm 2016, với sự ra đời của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (Thông tư số 39/2016/TT-NHNN); theo đó, tách bạch cho vay tiêu dùng khỏi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó tới nay, các quy định về cho vay tín dụng càng được hoàn thiện theo hướng phù hợp với đặc thù của hoạt động tín dụng này. Theo Luật TCTD số 32/2024/QH15 cũng như Thông tư số 12/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 của Thống đốc NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN đã bổ sung quy định về khoản cấp tín dụng có mức giá trị nhỏ không vượt quá 100 triệu đồng, không yêu cầu khách hàng cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi đối với khoản vay này. Như vậy, một số quy định đã được luật hóa tạo hành lang pháp lý vững chắc hơn cho sự phát triển của thị trường.
Định hướng phát triển đối với thị trường tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam cũng đã được khẳng định qua các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể là: Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Trong đó, đều khẳng định phát triển các sản phẩm tín dụng tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp, phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân để góp phần ngăn chặn “tín dụng đen”.
Bên cạnh đó, hằng năm, Thống đốc NHNN đều ban hành các chỉ thị về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng; trong đó, luôn quan tâm đến các nhiệm vụ về phát triển hoạt động cho vay phục vụ đời sống, tài chính tiêu dùng.
“Nhìn chung, quan điểm, định hướng phát triển đối với hoạt động này đã có tính xuyên suốt trong nhiều năm đó là: Phát triển an toàn, hiệu quả hoạt động cho vay phục vụ đời sống, tài chính tiêu dùng, gắn liền với quản lý rủi ro, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân và góp phần hạn chế tín dụng đen”, TS. Nguyễn Thị Hiền đánh giá.
Bà Mai Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN phát biểu tại Hội thảo
Theo bà Mai Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN, để quyết liệt triển khai các nhiệm vụ về đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, góp phần nâng cao đời sống của người dân, hạn chế tín dụng đen được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” và Công điện số 766/CĐ-TTg ngày 24/8/2023 về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động "tín dụng đen", NHNN đã triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp như: Thứ nhất, NHNN quán triệt xuyên suốt định hướng điều hành tín dụng đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn tín dụng góp phần thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an toàn hoạt động của hệ thống TCTD. Thứ hai, NHNN tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động tín dụng tiêu dùng. Thứ ba, thường xuyên chỉ đạo TCTD mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, cho vay với lãi suất hợp lý, đơn giản hóa thủ tục cho vay. Thứ tư, NHNN tăng cường khuyến khích các TCTD cần chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lý hồ sơ vay vốn của khách hàng, đẩy mạnh rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng vay vốn. Thứ năm, tăng cường hoạt động truyền thông về cơ chế, chính sách cho vay, dịch vụ ngân hàng đến đông đảo người dân.
Bà Trần Thị Thanh Hà, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo, bà Trần Thị Thanh Hà, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu ý kiến:
Trong thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước đã xảy ra hàng trăm vụ vỡ nợ do “tín dụng đen”, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhiều cá nhân và gia đình, trong đó có công nhân lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế. Nạn nhân của các vụ việc liên quan đến tín dụng đen cũng rất đa dạng, thuộc nhiều tầng lớp, lứa tuổi, trình độ học vấn và nghề nghiệp khác nhau. Bên cạnh đó, do lòng tham, hám lời, nhiều người đã rơi vào “bẫy” của tín dụng đen. Từ vai trò trung gian huy động, cho vay vốn với lãi suất cao đã vô tình trở thành vừa là nạn nhân vừa là đối tượng tham gia “đồng phạm” trong đường dây tín dụng đen. Hệ lụy phát sinh từ tín dụng đen dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật như bắt giữ người trái pháp luật, xâm phạm chỗ ở, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng, thậm chí cưỡng đoạt, cướp tài sản, cố ý gây thương tích… Thực tế, đã có nhiều người lao động rơi vào bẫy cho vay nặng lãi của các đối tượng “xã hội đen” và đã có những hệ lụy đáng tiếc, tạo ra những lo lắng, bức xúc, hoang mang trong công nhân lao động và ảnh hưởng đến cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi người lao động làm việc, thậm chí ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của người lao động. Việc tìm đến “tín dụng đen” xuất phát từ việc người lao động gặp khó khăn về tài chính, nhất là sau đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm giờ làm, thu nhập của đoàn viên, người lao động bị giảm sút. Bên cạnh đó, đoàn viên, người lao động hầu hết khó tiếp cận các kênh cho vay chính thống tại các ngân hàng do không có tài sản thế chấp hoặc không đáp ứng các điều kiện cho vay.
Bà Trần Thị Thanh Hà cho biết, nhằm giải quyết vấn nạn này, ngày 07/10/2022, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với Công ty TNHH HD SAISON (HD Saison) và Công ty tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) đã ký các Thỏa thuận hợp tác nhằm tăng cường phúc lợi, lợi ích cho đoàn viên, người lao động, góp phần từng bước đẩy lùi và xóa “tín dụng đen” trong công nhân viên chức, người lao động. Đến nay, tổng số công đoàn cơ sở tham gia là 1.153; tổng số người lao động tham gia là 52.134; tổng số tiền giải ngân là trên 625,1 tỉ đồng.
Ông Phan Đức Hiệp, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân, Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an phát biểu tại Hội thảo
Ông Phan Đức Hiệp, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân, Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an thì cho rằng: Khi Cơ sở dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh điện tử đưa vào vận hành, hoạt động tạo tiền đề giải quyết những nguyên nhân gốc rễ, định danh được chính xác cá nhân tham gia quá trình vay vốn, giúp tổng hợp, đánh giá để đưa ra các nhận định chính xác nhất. Từ đó, hỗ trợ khối ngân hàng trong các hoạt động nghiệp vụ, đẩy nhanh quá trình giải ngân cũng như có đủ cơ sở để xác định được đối tượng cần giải ngân, giúp người dân dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn chính thống.
“Do đó, việc các ngân hàng cần nhận thức được tầm quan trọng của việc định danh, ứng dụng công nghệ, phân tích dữ liệu để rút ngắn các quá trình, quy trình nghiệp vụ, đồng thời, đánh giá chính xác giúp cho ngân hàng giảm thiểu được rủi ro, từ đó minh bạch trong quá trình hoạt động của mình, hỗ trợ được những người dân thực sự có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn, là tiền đề để giải quyết triệt để vấn đề tội phạm xâm phạm sở hữu nói chung và tín dụng đen nói riêng”, ông Phan Đức Hiệp kiến nghị.
Toàn cảnh Hội thảo
Các giải pháp để khai thác tiềm năng và giải quyết tồn tại
Từ các ý kiến tham gia, kết luận Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn tóm lược một số nội dung quan trọng đã được tập trung thảo luận như sau:
Thứ nhất, cần khẳng định rằng, tín dụng tiêu dùng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành Ngân hàng cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Vì vậy, tạo điều kiện cho hoạt động tín dụng tiêu dùng phát triển là rất cần thiết, xuất phát từ thực tiễn khách quan, phù hợp với xu hướng vận động của nền kinh tế. Thứ hai, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành Ngân hàng đã tích cực phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan triển khai đồng bộ, có hiệu quả nhiều giải pháp đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, hạn chế “tín dụng đen”. Thứ ba, Hội thảo cũng nhận diện rõ các khó khăn, thách thức mà hoạt động tín dụng tiêu dùng của các TCTD đang phải đối mặt. Trong đó, có những khó khăn đã tồn tại kéo dài cũng như một số khó khăn mới phát sinh. Thứ tư, thị trường tín dụng tiêu dùng Việt Nam được đánh giá là còn nhiều tiềm năng để phát triển.
Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn đề nghị, để khai thác được tiềm năng của thị trường và giải quyết những tồn tại, thách thức nêu trên, trong thời gian tới, cần thực hiện các giải pháp trọng tâm sau:
Một là, đối với ngành Ngân hàng: (i) Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; (ii) Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống của các TCTD, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật; (iii) Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, hướng dẫn việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hoạt động tín dụng tiêu dùng, tạo điều kiện để TCTD đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, bám sát với nhu cầu thị trường, đồng thời có thể phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm ứng dụng công nghệ cao; (iv) Tăng cường sự phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp hiểu đúng về các kênh cung cấp tín dụng chính thức cũng như thấy được các hệ lụy, hậu quả của “tín dụng đen”. Bản thân các TCTD cần rà soát, đổi mới phương thức cung cấp thông tin, cách thức tiếp cận khách hàng vay để người dân hiểu đúng, đầy đủ về các sản phẩm, dịch vụ; (v) Các TCTD cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Công an trong việc kết nối khai thác dữ liệu thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đẩy mạnh các giải pháp ứng dụng dữ liệu này trong hoạt động tín dụng tiêu dùng.
Hai là, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Đức Thuận