Những năm gần đây, hoạt động Fintech tại Việt Nam đã phát triển nhanh cả về số lượng, sự đa dạng trong sản phẩm, dịch vụ, thu hút vốn đầu tư. Hợp tác ngân hàng - Fintech cũng đưa lại nhiều sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho công chúng.
Fintech góp phần thay đổi diện mạo của lĩnh vực tài chính ngân hàng
Hiện nay, tại Việt Nam, có hơn 150 doanh nghiệp Fintech đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: Lĩnh vực thanh toán; cho vay ngang hàng; cung cấp giải pháp ngân hàng như xác thực điện tử; ứng dụng blockchain; dịch vụ tài chính cá nhân... Chủ đạo trong hoạt động Fintech vẫn là thanh toán, có 32 tổ chức trung gian thanh toán đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép, phần lớn là tổ chức ví điện tử, cổng thanh toán điện tử, hỗ trợ thu hộ chi hộ, chuyển tiền điện tử... Lĩnh vực P2P Lending (cho vay ngang hàng) với số lượng khoảng 40 công ty; những công ty Fintech khác phát triển các giải pháp để hỗ trợ hoạt động của ngân hàng mà không trực tiếp cung ứng dịch vụ tới khách hàng sử dụng cuối cùng.
Mô hình hoạt động Fintech hiện chủ yếu là hợp tác giữa công ty Fintech và ngân hàng. Theo khảo sát sơ bộ, hợp tác giữa Fintech và ngân hàng chiếm tới hơn 90% số lượng các công ty Fintech; cụ thể như đối với lĩnh vực trung gian thanh toán, 100% các công ty trung gian thanh toán do NHNN cấp giấy phép hoạt động đều hợp tác với các ngân hàng trong quá trình hoạt động cung ứng dịch vụ.
Việc hợp tác giữa Fintech và ngân hàng được coi là tiền đề cho việc nâng cao tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng cho người sử dụng tại Việt Nam. Bên cạnh những dịch vụ mới mà làn sóng Fintech mang lại thì sự hợp tác ngân hàng - Fintech sẽ biến Fintech trở thành cầu nối của các ngân hàng tới những đối tượng dùng chưa có tài khoản ở ngân hàng truyền thống hay những đối tượng chưa tiếp cận dịch vụ truyền thống, mang lại những trải nghiệm tốt, linh hoạt, nhiều tiện ích cho khách hàng, hỗ trợ đắc lực cho phổ cập tài chính (financial inclusion) sâu rộng hơn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội. Khi các công ty công nghệ liên kết được với ngân hàng sẽ có nhiều sản phẩm ra đời giúp đa dạng hóa dịch vụ tài chính, khách hàng có thể lựa chọn nhiều sản phẩm, giúp phân tán rủi ro và giúp giảm được các cú sốc tài chính. Fintech trong thời gian qua đã và đang là “cánh tay nối dài” của ngân hàng vì muốn thanh toán các giao dịch đều phải thông qua ngân hàng và Fintech đang là đối tác đem khách hàng về cho ngân hàng. Sự hợp tác này còn giúp ngân hàng và Fintech tận dụng được thế mạnh của nhau để cung ứng các dịch vụ, giải pháp tài chính ngân hàng tốt hơn, an toàn và thuận tiện cho người sử dụng.
Đối với lĩnh vực Fintech, nhiều năm qua, NHNN đã chủ động và tiên phong trong việc nghiên cứu, chỉ đạo cũng như định hướng cho các hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng. Hoạt động Fintech đã và đang góp phần thay đổi “diện mạo” của lĩnh vực tài chính - ngân hàng thông qua việc ứng dụng các công nghệ hiện đại vào sản phẩm, dịch vụ tài chính hay cải tiến các quy trình ngân hàng truyền thống, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường trải nghiệm và cắt giảm chi phí cho khách hàng.
Hoạt động của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tại Việt Nam, một dạng của công ty Fintech trong lĩnh vực thanh toán, cơ bản đã được điều chỉnh tại Luật Ngân hàng Nhà nước 2010, Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 về thanh toán không dùng tiền mặt (đang được sửa đổi tại Dự thảo Nghị định thay thế) và Thông tư 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 quy định về trung gian thanh toán.
Theo Vụ Thanh toán (NHNN), các dịch vụ trung gian thanh toán chính gồm: (i) Dịch vụ cung ứng hạ tầng thanh toán điện tử, gồm: Chuyển mạch tài chính; bù trừ điện tử; cổng thanh toán điện tử; (ii) Dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán, gồm: Hỗ trợ thu hộ, chi hộ; Hỗ trợ chuyển tiền điện tử; (iii) Dịch vụ Ví điện tử.
Vốn đầu tư nước ngoài vào Fintech đang chiếm tỷ lệ chủ yếu
Theo các thống kê, nghiên cứu gần đây, do đặc điểm thị trường ở Việt Nam, thanh toán vẫn là lĩnh vực giữ vai trò quan trọng, với 32 công ty đã được cấp phép hoạt động và chỉ tính riêng nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào công ty trung gian thanh toán đã chiếm tới khoảng 90% tổng nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Fintech. Trong số hơn 150 doanh nghiệp Fintech, 70% là các doanh nghiệp start-up có vốn đầu tư nước ngoài, nhiều doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài đã vượt tỉ lệ 49%, thậm chí tới mức 60-70%.
Fintech đã và đang góp phần thay đổi diện mạo của lĩnh vực tài chính ngân hàng
Liên quan đến tỷ lệ vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào các doanh nghiệp Fintech của Việt Nam theo báo cáo mới nhất “Fintech khu vực Asean: Từ khởi nghiệp đến mở rộng quy mô” do Ngân hàng UOB, PwC và Hiệp hội Fintech Singapore công bố, Singapore là quốc gia có tỷ lệ vốn đầu tư vào Fintech lớn nhất khu vực ASEAN (51%) và lượng vốn đầu tư vào thị trường Fintech tại Việt Nam chiếm 36%.
Với gần 32 tổ chức trung gian thanh toán đã được NHNN cấp phép, phần lớn là tổ chức ví điện tử, trong đó, hầu hết các ví điện tử có thị phần lớn nhất đã nằm trong tay các nhà đầu tư ngoại. Không những thế, gần đây thị trường ví điện tử đã xuất hiện những thương vụ mua bán, thâu tóm bởi các tập đoàn lớn nước ngoài. Nguồn tin từ Reuters cho hay, Alibaba - ông lớn thương mại điện tử của Trung Quốc đang rót vốn mua lại lượng lớn cổ phần eMonkey (eM), ví điện tử của Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại và công nghệ M-Pay. Đầu tháng 11/2019, Lazada.vn - trang thương mại điện tử của Alibaba tại Việt Nam cũng thông báo ra mắt ví điện tử của mình mang tên eMonkey. Trước đó, Moca đã bán cổ phần cho Grab; Airpay bán 30% cổ phần cho Sea Limited - công ty có cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Tencent, đối thủ của Alibaba; Các công ty Standard Chartered Private Equity (SCPE), Goldman Sachs, Warburg Pincus đang nắm phần lớn vốn của Momo; True Money (Thái Lan) nắm giữ 90% vốn 1Pay; Payoo bán 64% vốn cho Tập đoàn NTT Data (Nhật Bản)...
Các chuyên gia và doanh nghiệp Fintech đều cho rằng, Fintech là một ngành còn mới ở Việt Nam và để phát triển mạnh cần phải có vốn đầu tư để phát triển thị trường và người dùng, trong đó nguồn vốn từ nước ngoài đóng vai trò quan trọng, thậm chí là chủ yếu.
Dự kiến sửa đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các trung gian thanh toán
Trước tình hình trên, mới đây, NHNN đã thông tin về quy định giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các trung gian thanh toán. Tại Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt đưa ra lấy ý kiến có đưa ra tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài là 49% chỉ áp dụng cho các hoạt động trung gian thanh toán (không phải tất cả các công ty Fintech).
NHNN đã nhận được nhiều ý kiến từ các tổ chức, cá nhân về quy định này tại Dự thảo Nghị định. Bên cạnh sự đồng tình ủng hộ, cũng có nhiều ý kiến lo ngại do dịch vụ trung gian thanh toán là loại hình dịch vụ mới dựa trên nền tảng ứng dụng thành tựu của công nghệ nên đầu tư nước ngoài đóng vai trò khá quan trọng, nếu hạn chế có thể ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán nói riêng, Fintech nói chung. Ngoài ra, thực tế hiện nay có một số tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán lớn đã được cấp phép và có tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vượt mức 49% nên cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp này.
Theo NHNN, trước sự phát triển của công nghệ và xu hướng hội nhập toàn cầu của nền kinh tế, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động thanh toán, đòi hỏi các quy định về thanh toán không dùng tiền mặt hiện hành cần thiết tiếp tục được bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện. Đồng thời, trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, toàn diện các vấn đề, các ý kiến góp ý cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam có tham gia; phân tích, đánh giá các tác động của chính sách này mang lại trong bối cảnh hiện nay, NHNN dự kiến sẽ trình Chính phủ không đưa tỷ lệ giới hạn (49%) vào Dự thảo Nghị định.
Các doanh nghiệp Fintech rất phấn khởi với thông tin trên, tuy nhiên, theo các chuyên gia và các doanh nghiệp Fintech có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực này, vốn đầu tư là rất cần nhưng không phải bất cứ ở thời điểm nào cũng là ưu tiên số 1, thay vào đó, việc phát triển công nghệ, sản phẩm mới là vấn đề lớn nhất và lâu dài.
Thực tế, doanh nghiệp Fintech cần vốn đầu tư vào công nghệ và các vấn đề khác nhưng cũng cần có được sự chủ động trong vận hành. Việc mở rộng cửa tiếp nhận nguồn vốn đầu tư nước ngoài (bỏ tỉ lệ qui định tối đa 49%) trong ngắn hạn phát huy được tác dụng nhưng trong dài hạn, doanh nghiệp Fintech Việt có thể phải chia sẻ quyền lực vận hành với nhà đầu tư và cũng có thể mất quyền chủ động trong điều hành. Do đó, cuộc đua của doanh nghiệp Fintech hiện nay là cuộc đua về công nghệ chứ không phải cuộc đua về rót vốn đầu tư. Về lâu dài, để phát triển bền vững, mở rộng thị trường, các doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam cần chú ý đến nâng cao trình độ khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực kỹ thuật tay nghề cao, tăng cường về an ninh, bảo mật, chất lượng dịch vụ, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của khách hàng.
Để khuyến khích Fintech phát triển, sáng tạo, hướng tới nâng cao chất lượng dịch vụ, về khuôn khổ pháp lý, NHNN đã hoàn thiện Đề án về Cơ chế quản lý thử nghiệm Fintech (Regulatory Sandbox) trình Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu của đề án là hiện thực hóa các giải pháp tại Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo quốc gia đến năm 2025” được phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ và cũng là nhiệm vụ được nêu tại Quyết định 999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. NHNN có kế hoạch nghiên cứu, áp dụng cách thức quản lý theo cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (regulatory sandbox) phù hợp với thực tiễn, thông lệ quốc tế, tiến tới việc ban hành khuôn khổ pháp lý và quản lý chính thức.
Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN sẽ xây dựng khuôn khổ pháp lý cho Cơ chế quản lý thử nghiệm để tạo khuôn khổ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech và ngân hàng được tham gia thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới.
Tài liệu tham khảo:
Cổng thông tin điện tử NHNN: sbv.gov.vn.
Trần Hoàng Anh
Chuyên đề THNH số 2/2020