Kỉ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) Phát huy nguồn lực văn hóa phát triển đất nước
09/03/2023 13:35 1.924 lượt xem
Lịch sử dân tộc Việt Nam cho thấy, các nguồn lực tự nhiên không tái tạo như than, dầu, sắt... càng khai thác, càng cạn kiệt; trong khi đó, sức mạnh văn hóa luôn gia tăng và trong những giai đoạn mang tính quyết định, sức mạnh văn hóa dân tộc luôn được khẳng định và phát huy vai trò góp phần quan trọng đưa đất nước phát triển.
 
Nhận thức về văn hóa và phát triển văn hóa của Việt Nam thời gian qua

Theo Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO): Văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc kia.

Theo Đại từ điển tiếng Việt của Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam - Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nguyễn Như Ý chủ biên, Nhà Xuất bản Văn hóa - Thông tin xuất bản năm 1998 thì: "Văn hóa là những giá trị vật chất, tinh thần do con người sáng tạo ra trong lịch sử".

Theo nghĩa rộng nhất, văn hóa là hệ thống thể hữu cơ nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do hoạt động thực tiễn của con người sáng tạo ra và tích lũy trong quá trình lịch sử, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên xã hội, nhằm thỏa mãn nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần của mình. Trong đời sống hàng ngày, văn hóa thường được hiểu theo nghĩa hẹp là văn học, nghệ thuật, đức tin, tri thức, học thức, lối sống, ngôn ngữ, tư tưởng, tín ngưỡng, phong tục, phong cách ẩm thực, trang phục…
 

Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc - một trong những nội dung quan trọng
của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” năm 1943

 
Đề cương về văn hóa Việt Nam được Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng thông qua tháng 02/1943, tại Võng La, Đông Anh, Phúc Yên (nay thuộc Hà Nội), là văn kiện đầu tiên của Đảng về văn hóa, tỏa sáng những giá trị cốt lõi của một văn kiện mang tầm cương lĩnh khi khẳng định các hoạt động tư tưởng, học thuật, nghệ thuật bổ sung, chi phối lẫn nhau, tạo nên tổng thể nền văn hóa dân tộc. Văn hóa là một mặt trận ngang hàng với kinh tế, chính trị và phát huy vai trò then chốt với ba nguyên tắc cơ bản là dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa. Đề cương này có giá trị lớn trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam tám thập niên qua, từ tư tưởng, đạo đức, lối sống, di sản văn hóa, văn học nghệ thuật, thể chế, hệ giá trị. Văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là nguồn lực quan trọng phát triển đất nước.

Cương lĩnh xây dựng đất nước (1991) của Đảng khẳng định: Nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc là một trong 6 đặc trưng của chủ nghĩa xã hội mà chúng ta xây dựng.

Tại Đại hội VIII (1996), lần đầu tiên trong văn kiện của Đảng xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Đại hội cũng xác định tư tưởng chỉ đạo công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là: Lấy việc phát huy nguồn lực con người làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững. Động viên toàn dân cần, kiệm xây dựng đất nước, không ngừng tăng tích lũy cho đầu tư phát triển. Tăng trưởng kinh tế gắn với cải thiện đời sống nhân dân, phát triển văn hóa, giáo dục, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” là nghị quyết chuyên đề và có ý nghĩa chiến lược về văn hóa đã chỉ rõ: Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng, văn minh, con người phát triển toàn diện. Văn hóa là kết quả của kinh tế đồng thời là động lực của sự phát triển kinh tế. Các yếu tố văn hóa phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp, kỉ cương… biến thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển.

Đại hội IX (2001) một lần nữa khẳng định: Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội. Mọi hoạt động văn hóa nhằm xây dựng mục tiêu con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng nghĩa tình, lối sống có văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng xã hội. Văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người hoàn thiện nhân cách, kế thừa truyền thống cách mạng của dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước, ý thức tự lực, tự cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hội nghị Trung ương 10 (khóa IX) đã nêu bật vai trò to lớn của văn hóa và chỉ rõ: Bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng chỉnh đốn Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội; tạo nên sự phát triển đồng bộ của ba lĩnh vực trên chính là điều kiện quyết định bảo đảm cho sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước.

Đại hội X (2006) nhấn mạnh hơn nữa nhiệm vụ: Phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn với phát triển kinh tế - xã hội, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 trong văn kiện Đại hội X còn nêu cụ thể: Đặc biệt coi trọng nâng cao văn hóa lãnh đạo và quản lí, văn hóa trong kinh doanh và văn hóa trong nhân cách của thanh niên, thiếu niên, chống những hiện tượng phản văn hóa, phi văn hóa.

Đại hội XI (2011), qua việc tổng kết, bổ sung và phát triển Cương lĩnh năm 1991, đã làm sâu sắc và nâng lên tầm cao mới quan điểm của Đảng về văn hóa, văn học nghệ thuật và về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa: Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ, làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng trong phát triển đất nước… Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế. Tăng đầu tư của Nhà nước đồng thời đẩy mạnh huy động các nguồn lực của xã hội. Hoàn thiện hệ thống chính sách, kết hợp chặt chẽ các mục tiêu, chính sách kinh tế với các mục tiêu chính sách xã hội; thực hiện tốt tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW ban hành ngày 9/6/2014) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã nhấn mạnh: Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mĩ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Cần phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế…

Báo cáo Chính trị Đại hội XII xác định rõ một trong 12 nhiệm vụ tổng quát giai đoạn 2016 - 2020 là: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”. Theo đó, cần: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mĩ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc. Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn. Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người. Có giải pháp ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội, khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam.

Thực tiễn cho thấy, cùng với triển khai các nghị quyết của Đảng về văn hóa chúng ta đã ghi nhận được nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức vị trí, vai trò và các giá trị di sản văn hóa và truyền thống, về tư tưởng, đạo đức, lối sống của người Việt Nam. Các giá trị văn hóa truyền thống của gia đình, dòng họ, cộng đồng dân tộc được kế thừa và phát huy. Nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành. Thể chế về văn hóa từng bước được xây dựng, hoàn thiện; đời sống văn hóa ngày càng phong phú. Sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật ngày càng đa dạng; thông tin đại chúng, có bước phát triển mạnh mẽ.
Xã hội hóa hoạt động văn hóa ngày càng được mở rộng, góp phần đáng kể vào việc xây dựng các thiết chế văn hóa. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, tôn tạo. Nhiều phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng. Quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ được tôn trọng; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa của nhân dân được đề cao. Giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa được quan tâm và có nhiều khởi sắc. Vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế ngày càng được chú trọng; phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" có tác động to lớn đối với việc xây dựng gương người tốt việc tốt, uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình văn hóa, làng, xã, phường, khu phố văn hóa... góp phần ổn định chính trị, giữ gìn, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, xây dựng nếp sống văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh ở cơ sở…

Từ văn hóa, hình ảnh Việt Nam an toàn, thân thiện, hiền hòa, mến khách, hội nhập, phát triển được nhiều bạn bè thế giới biết đến. Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam được ban hành năm 2016 đã tạo động lực để các ngành phát triển. Công nghiệp văn hóa năm 2018 góp 3,6% GDP cả nước…

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: Văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng coi trọng chức năng giải trí đơn thuần. Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn phản ánh sinh động tầm vóc công cuộc đổi mới, có tác dụng tích cực đối với con người.

Môi trường văn hóa, xã hội tiếp tục bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền còn lớn, đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn nhiều bất cập, lúng túng, chậm trễ trong việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp nghiêm trọng về một số mặt văn hóa, đạo đức, lối sống, gây bức xúc xã hội. Hệ thống thông tin đại chúng còn nhiều hạn chế; một số cơ quan báo chí có biểu hiện xa rời tôn chỉ và thương mại hóa; quản lí mạng xã hội còn bất cập. Chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ văn hóa chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển văn hóa trong thời kỳ mới. Việc giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài chưa mạnh; tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại vẫn còn hạn chế.

Trên thực tế, có nhiều nơi, nhiều lúc, công tác quản lí Nhà nước về văn hóa còn nhiều hạn chế, yếu kém, lúng túng, chưa thích ứng với sự năng động của nền kinh tế thị trường. Hoạt động trùng tu, tôn tạo, bảo tồn di sản chưa hiệu quả. Hệ giá trị văn hóa truyền thống có xu hướng mờ nhạt dần hoặc bị đảo lộn, trong khi những giá trị mới tốt đẹp chưa được khẳng định vững chắc. Mất cân bằng giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần; đời sống văn hóa ở nhiều nơi còn nghèo nàn; khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân chậm được rút ngắn. Môi trường văn hóa thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái thuần phong mĩ tục; các tệ nạn xã hội, tội phạm có chiều hướng gia tăng cùng với sự xuống cấp và tha hóa về đạo đức, lối sống xa hoa, phù phiếm, giả dối, cá nhân, vị kỉ, vô cảm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và người dân. Bệnh thành tích và hình thức trong tổ chức các hoạt động, các sự kiện văn hóa ngày càng lan rộng; thành tựu sáng tạo văn học, nghệ thuật chưa nổi bật. Hoạt động hợp tác, giao lưu văn hóa với nước ngoài còn hạn chế; vẫn còn tình trạng tiếp thu và tiếp nhận dễ dãi, thiếu chọn lọc sản phẩm văn hóa bên ngoài, tác động tiêu cực đến văn hóa trong nước…

Giải pháp phát huy nguồn lực văn hóa cho phát triển

Để phát huy nguồn lực văn hóa cho phát triển đất nước, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, những định hướng và giải pháp cơ bản trong thời gian tới:

Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Quan tâm chăm lo công tác giáo dục, bồi dưỡng và bảo vệ trẻ em, thiếu niên, nhi đồng. Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho thanh niên. Thực hiện những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội. Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam. Đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam đã tồn tại trong lịch sử; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Có cơ chế, chính sách, giải pháp để xây dựng môi trường văn hóa thật sự trong sạch, lành mạnh, cải thiện điều kiện hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Phát huy ý thức tự giác của toàn dân xây dựng và thực hiện các chế tài, quy định, quy ước xã hội, bảo đảm công bằng về cơ hội và thụ hưởng văn hóa. Khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và đời sống văn hóa giữa các vùng, miền, các giai tầng xã hội, đặc biệt quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, các khu công nghiệp... Khắc phục bệnh thành tích, bệnh hình thức, thực hiện các chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh. Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ.

Phát huy các nhân tố tích cực, nhân văn trong các tôn giáo, tín ngưỡng. Phê phán và ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, mê tín, dị đoan. Xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lí. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn; đẩy lùi bệnh quan liêu, bè phái, mất đoàn kết, chủ nghĩa cơ hội và thực dụng. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân và kinh doanh. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả của các loại hình văn hóa, văn nghệ. Có kế hoạch, cơ chế và giải pháp xử lí đúng đắn mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc trong xây dựng con người, phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng nâng cao giá trị tư tưởng, nghệ thuật, đồng thời bảo đảm tự do, dân chủ trong sáng tạo văn học, nghệ thuật; khuyến khích những tìm tòi mới làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam; hạn chế các lệch lạc, các sản phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường. Quan tâm, tạo điều kiện phát triển văn hóa, văn nghệ của các dân tộc thiểu số. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật, tập hợp đông đảo văn nghệ sĩ tham gia tổ chức hội; khuyến khích tự do sáng tạo, thực thi quyền tác giả. Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kĩ thuật, công nghệ của thế giới. Gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, phấn đấu đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau.

Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Thực hiện tốt việc quy hoạch, sắp xếp hợp lí hệ thống báo chí, truyền thông. Rà soát quy hoạch ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa. Tăng cường quản lí và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên Internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mĩ tục.

Tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lí của Nhà nước về văn hóa. Tăng cường đầu tư, khai thác và phát huy tối đa các nguồn lực văn hóa đi đôi với đổi mới nội dung, phương thức quản lí, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm hiệu quả đầu tư cao trong lĩnh vực văn hóa. Đổi mới, hoàn thiện các thiết chế văn hóa từ Trung ương đến cơ sở, bảo đảm hiệu quả. Đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lí, tham mưu trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, nhất là cán bộ chủ chốt thực sự am hiểu về văn hóa, có phẩm chất, bản lĩnh, năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Rà soát toàn bộ hệ thống các trường đào tạo văn hóa, văn nghệ, đổi mới và hiện đại hóa quy trình, nội dung, phương thức đào tạo để trong 5 - 10 năm tới khắc phục về cơ bản sự thiếu hụt đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa.

Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, xây dựng Việt Nam thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế. Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đồng thời chủ động nâng cao sức đề kháng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên đối với các văn hóa phẩm ngoại lai độc hại.

Trong thực tiễn, việc phát huy nguồn lực văn hóa cho phát triển là quá trình đưa yêu cầu, nội dung, ý nghĩa, mục tiêu và phương tiện văn hóa địa phương và quốc gia vào trong từng nội dung, nhiệm vụ, mục tiêu hoạt động và quản lí hoạt động kinh tế nói riêng và phát triển hiệu quả cao, toàn diện hơn, bền vững hơn, vì con người hơn tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị - kinh tế - xã hội nói chung… Đặc biệt, phát huy nguồn lực văn hóa cho phát triển là phải thông qua phát triển và khai thác sức mạnh tiềm tàng của đội ngũ nhân lực trình độ cao, chất lượng cao, biết hội tụ và kế thừa các giá trị văn hóa dân tộc và đương đại để thích nghi và đủ năng lực giải quyết tốt các yêu cầu và nhiệm vụ mới đặt ra trong quá trình phát triển đất nước. Để triển khai cụ thể hóa quá trình này cần chú ý những vấn đề và nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, xác định và tích hợp các giá trị văn hóa truyền thống vào xây dựng chuẩn văn hóa phù hợp trong quá trình phát triển và quản lí phát triển

Mỗi quốc gia và địa phương ít nhiều đều có những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống lâu đời làm nên bản sắc cộng đồng, được bồi đắp, hoàn thiện và tồn tại xuyên suốt chiều dài lịch sử phát triển của mình.

Nền văn hóa mà Việt Nam cần xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với những đặc trưng tiêu biểu là dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học… nhằm mục tiêu tất cả vì con người, vì tự do, hạnh phúc và sự phát triển phong phú, toàn diện cho mỗi con người trong mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, giữa con người và tự nhiên. Bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa được vun đắp nên qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn; lòng tự tôn, tự cường dân tộc; tinh thần cộng đồng gắn kết hài hòa giữa cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, bao dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; là đức hi sinh cao thượng tất cả vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân; là sự ứng xử văn minh, lịch sự, tính giản dị và trong sạch trong lối sống. Con người Việt Nam là sự kết tinh của nền văn hóa Việt Nam, phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, ý thức công dân, tuân thủ pháp luật.

Do đó, cần chủ động nhận diện và tiếp tục lưu giữ và phát triển hệ thống các giá trị chuẩn văn hóa mới chung của quốc gia, địa phương trong quá trình hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; đặc biệt đề cao việc xây dựng thế giới quan khoa học, nâng cao trí lực, tri thức, bồi dưỡng kĩ năng sống và năng lực cảm thụ thẩm mĩ, hưởng thụ và sáng tạo văn hóa hướng tới các giá trị chân - thiện - mĩ; đề cao tinh thần đoàn kết cộng đồng, tương thân tương ái, tự hào và tự tôn dân tộc, trách nhiệm và tính tích cực cá nhân gắn kết hài hòa với trách nhiệm cộng đồng và tính tích cực xã hội; chủ động tự giác, tự trọng, tự chủ, tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chuẩn đạo đức, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế thị trường. Đồng thời, gạt bỏ những khía cạnh hạn chế, sai trái, tiêu cực, cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu làm tha hóa con người và ô nhiễm đời sống tinh thần cộng đồng và suy thoái đạo đức xã hội…

Coi trọng chuyển hóa và lồng ghép các nội dung, yêu cầu văn hóa cụ thể vào trong các chương trình đào tạo và bồi dưỡng nhân lực tham gia hoạt động và quản lí hoạt động kinh tế, nhất là bộ phận lao động trực tiếp, lao động quản lí và doanh nhân, đội ngũ lao động kĩ thuật và những cán bộ khoa học công nghệ trình độ cao. Đẩy mạnh vai trò của gia đình, cộng đồng trong việc tu dưỡng, rèn luyện con người trở thành một nhân cách văn hóa… Mỗi trường học phải thực sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người về lí tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống; giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ. Xây dựng đời sống văn hóa ở địa bàn dân cư, trường học, cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng nếp sống văn minh, nhất là việc cưới hỏi, tang lễ, lễ hội.

Có chính sách phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng, tôn vinh nhân tài và cán bộ lãnh đạo, quản lí văn hóa, cán bộ làm công tác khoa học, chuyên gia đầu ngành, giảng viên và cán bộ ở cơ sở trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật; phát triển hệ thống các trường và cơ sở văn hóa, nghệ thuật.

Thứ hai, nâng cao hàm lượng văn hóa trong nội dung và chất lượng sản phẩm kinh tế, gắn kết hoạt động marketing kinh tế với quảng bá văn hóa; thực hiện đánh giá tác động môi trường - văn hóa đối với các dự án, quy hoạch phát triển kinh tế vùng, ngành và các dự án đầu tư quan trọng

Trong thực tiễn hoạt động đầu tư phát triển và quản lí nhà nước, cần gắn các hoạt động văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, với chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Khuyến khích khai thác hợp lí các hoạt động kinh tế từ các di sản được UNESCO công nhận, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể dân tộc, vùng miền, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.

Xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lí, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch. Phục hồi và bảo tồn một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một.

Cần đánh giá tác động văn hóa trong xây dựng dự án và quy hoạch phát triển như đánh giá tác động môi trường. Trong xây dựng các khu dân cư, khu công nghiệp, các công trình công cộng cần hết sức chú trọng đến tính thẩm mĩ, bản sắc dân tộc và tính hiện đại của kiến trúc, bảo vệ cảnh quan môi trường, các di tích lịch sử cách mạng và danh lam thắng cảnh.

Tăng cường đầu tư để đẩy mạnh nghiên cứu lí luận, tổng kết thực tiễn để nâng cao khả năng dự báo và định hướng phát triển văn hóa, xây dựng con người.  Mức đầu tư của Nhà nước cho văn hóa phải tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế. Sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch nguồn đầu tư của Nhà nước, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và một số loại hình nghệ thuật truyền thống cần bảo tồn, phát huy. Đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động các nguồn đầu tư, tài trợ, hiến tặng cho phát triển văn hóa, xây dựng con người. Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi về đất, tín dụng, thuế và phí đối với các cơ sở đào tạo và thiết chế văn hóa (thư viện, nhà văn hóa, công trình thể thao...) do khu vực tư nhân đầu tư, đặc biệt là ở vùng còn khó khăn. Khuyến khích hình thành các quỹ đào tạo, khuyến học, phát triển nhân tài, quảng bá văn học nghệ thuật, phát triển điện ảnh, hỗ trợ xuất bản...

Giữ gìn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, nhất là tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống; các giá trị văn hóa tích cực trong tôn giáo, tín ngưỡng. Tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ảnh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước.

Đặc biệt, cần khai thác nhân tố con người trong quá trình phát triển cả vĩ mô và vi mô; coi trọng đào tạo đội ngũ lao động có tinh thần sáng tạo cao và biết khai thác các giá trị văn hóa truyền thống, kết hợp với các giá trị thời đại và thị trường để thiết kế, chế tạo và hoàn thiện các sản phẩm và chuỗi sản phẩm có hàm lượng văn hóa, khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường và đáp ứng ngày càng hiệu quả nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.

Thứ ba, phát triển văn hóa doanh nghiệp, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa

Tạo lập môi trường văn hóa pháp lí, thị trường sản phẩm văn hóa minh bạch, tiến bộ, hiện đại để các doanh nghiệp tham gia xây dựng, phát triển văn hóa. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy ý thức và tinh thần dân tộc, động viên toàn dân, trước hết là các doanh nghiệp, doanh nhân xây dựng và phát triển các thương hiệu Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế. Quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế, tuyên truyền về văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa ngành nghề luôn; tổ chức các giải thưởng vinh danh doanh nhân, doanh nghiệp văn hóa. Đồng thời, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp xây dựng văn hóa doanh nghiệp, trong đó lấy cảm hứng sáng tạo và phát triển sản phẩm từ các giá trị văn hóa địa phương, dân tộc; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu văn hóa dân tộc. Quy định việc sử dụng ngôn ngữ Việt trong đặt tên công ty và sản phẩm Việt, khắc phục tình trạng lạm dụng tiếng nước ngoài.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng vừa bảo đảm để văn hóa, văn học - nghệ thuật, báo chí phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm quyền tự do, dân chủ cá nhân trong sáng tạo; coi trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về văn hóa, về quyền tác giả và các quyền liên quan, phù hợp với chuẩn mực quốc tế và thực tiễn Việt Nam.

Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi cơ chế quản lí, tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp văn hóa, các hội nghề nghiệp trong lĩnh vực văn hóa theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Thúc đẩy cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Đổi mới phương thức hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật nhằm tập hợp, tạo điều kiện để văn nghệ sĩ hoạt động tích cực, hiệu quả. Khuyến khích nhân dân sáng tạo, trao truyền và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; khuyến khích văn nghệ sĩ, nghệ nhân phát huy tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá văn học, nghệ thuật. Các cơ quan truyền thông phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ chủ yếu; nâng cao tính tư tưởng, nhân văn và khoa học, góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam.

Phát triển công nghiệp văn hóa nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới; khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kĩ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa. Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển.

Nâng cao ý thức thực thi các quy định pháp luật về quyền tác giả và các quyền liên quan trong toàn xã hội. Củng cố và tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lí và cơ quan thực thi quyền tác giả từ Trung ương đến địa phương. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về văn hóa, về quyền tác giả và các quyền liên quan, phù hợp với chuẩn mực quốc tế và thực tiễn Việt Nam.

Tăng cường công tác thanh tra văn hóa, gắn với trách nhiệm cá nhân và tổ chức khi để xảy ra sai phạm. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư và công dân đối với việc tổ chức và quản lí hoạt động văn hóa.

Thứ tư, tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về văn hóa

Chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc. Chủ động đón nhận cơ hội phát triển, vượt qua các thách thức để giữ gìn, hoàn thiện bản sắc văn hóa dân tộc; hạn chế, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hóa về văn hóa. Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển văn hóa đối ngoại; hỗ trợ quảng bá nghệ thuật quốc gia và xuất khẩu các sản phẩm văn hóa ra nước ngoài.

Phát huy tài năng, tâm huyết của trí thức, văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài trong việc tham gia phát triển văn hóa của đất nước, trở thành cầu nối quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam. Chú trọng truyền bá văn hóa Việt Nam, dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam. Xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài và trung tâm dịch thuật, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài.

Chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trên lĩnh vực văn hóa. Ngăn chặn có hiệu quả tình trạng một bộ phận báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, sản phẩm lệch lạc, thị hiếu tầm thường. Quản lí tốt hơn việc sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet. Tích cực đấu tranh với những biểu hiện lai căng, những sản phẩm độc hại, những hành vi phi văn hóa, phản văn hóa góp phần bảo vệ, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc và tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam. Khuyến khích các hoạt động tôn giáo hướng thiện, nhân đạo, nhân văn, tiến bộ, "tốt đời, đẹp đạo"; ngăn ngừa và phê phán các biểu hiện mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh cùng những hành vi lợi dụng, đội lốt tôn giáo để hoạt động phi pháp, chống phá chế độ.

Việc phát huy các nguồn lực văn hóa cho phát triển đòi hỏi cần đặt các hoạt động kinh tế và quản lí nhà nước về kinh tế trên nền tảng văn hóa, khoa học thực sự cả về cơ sở (căn cứ quy hoạch và trình độ công nghệ), mục tiêu, động lực và các ứng xử trong quá trình đó; đặc biệt, cần coi trọng các giá trị nhân văn và các yêu cầu phát triển bền vững, chứ không thuần túy chạy theo chỉ tiêu lợi nhuận và lợi ích thương mại, nhất là trong học đường, bệnh viện và công tác cán bộ, cũng như trong các hoạt động quản lí nhà nước khác; tập trung nâng cao văn hóa lãnh đạo, quản lí với các chuẩn mực được thể chế hóa cả về luật và quy định nội bộ; phát huy nhân tài và có chính sách đối xử với các danh nhân văn hóa địa phuơng, dân tộc.
  
Hạnh Nguyên (Hà Nội)
Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII - Tổng giá trị giải thưởng lên tới gần 2 tỉ đồng
Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII - Tổng giá trị giải thưởng lên tới gần 2 tỉ đồng
22/11/2024 22:18 40 lượt xem
Qua 6 lần tổ chức, kể từ năm 2018 đến nay, Giải thưởng Sách Quốc gia đã trở thành một sự kiện văn hóa nổi bật, thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận xã hội, có sức lan tỏa mạnh mẽ, được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao
Phổ biến kết quả Đánh giá rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2018 - 2022
Phổ biến kết quả Đánh giá rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2018 - 2022
22/11/2024 21:16 41 lượt xem
Từ ngày 20 - 22/11/2024, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức 03 Hội nghị phổ biến kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2018 - 2022.
MB trợ lực khách hàng, tăng tốc kinh doanh cuối năm với Gói vay chỉ từ 5,5%/năm
MB trợ lực khách hàng, tăng tốc kinh doanh cuối năm với Gói vay chỉ từ 5,5%/năm
22/11/2024 20:17 33 lượt xem
Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) hỗ trợ vốn cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh sửa chữa, mở rộng quy mô và tăng tốc kinh doanh cuối năm với gói "Vay nhanh siêu tốc - Bứt tốc kinh doanh" với lãi suất chỉ từ 5,5%/năm và mức vay lên tới 90% nhu cầu vốn.
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng làm việc với Đoàn Cán bộ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng làm việc với Đoàn Cán bộ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế
22/11/2024 08:41 75 lượt xem
Sáng ngày 21/11/2024, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng đã họp tổng kết với Đoàn Cán bộ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Bộ trưởng, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Cuba thăm và làm việc tại Ngân hàng Chính sách xã hội
Bộ trưởng, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Cuba thăm và làm việc tại Ngân hàng Chính sách xã hội
21/11/2024 11:10 146 lượt xem
Ngày 20/11/2024, Đoàn Lãnh đạo cấp cao Ngân hàng Trung ương Cuba do bà Juana Lilia Delgado Portal - Bộ trưởng, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Cuba làm Trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).
Ban hành Tiêu chuẩn cơ sở đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị từ phía khách hàng tại Việt Nam
Ban hành Tiêu chuẩn cơ sở đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị từ phía khách hàng tại Việt Nam
21/11/2024 09:55 132 lượt xem
Ngày 15/11/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ký ban hành Quyết định số 2525/QĐ-NHNN ban hành Tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) Đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị từ phía khách hàng tại Việt Nam, ký hiệu TCCS 04:2024/NHNN.
BIDV và VRG hợp tác toàn diện giai đoạn 2024 - 2029
BIDV và VRG hợp tác toàn diện giai đoạn 2024 - 2029
21/11/2024 09:32 126 lượt xem
Ngày 18/11/2024, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện giai đoạn 2024 - 2029, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong mối quan hệ giữa hai đơn vị.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tiếp Bộ trưởng, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Cuba
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tiếp Bộ trưởng, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Cuba
20/11/2024 17:06 157 lượt xem
Ngày 19/11/2024, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã có buổi tiếp và làm việc với Bà Juana Lilia Delgado Portal - Bộ trưởng, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Cuba.
Triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia
Triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia
19/11/2024 20:56 217 lượt xem
Ngày 19/11/2024, tại Hà Nội, Tổ Thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện (Tổ Thường trực) đã có phiên họp thứ hai…
Giá vàngXem chi tiết

Giá vàng - Xem theo ngày

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

83,700

86,200

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

83,700

86,200

Vàng SJC 5c

83,700

86,220

Vàng nhẫn 9999

83,700

85,600

Vàng nữ trang 9999

83,600

85,200


Ngoại tệXem chi tiết
Tỷ giá - Xem theo ngày 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 25,150 25,502 26,092 27,523 31,263 32,592 158.81 168.04
BIDV 25,190 25,502 26,295 27,448 31,648 32,522 160.63 167.55
VietinBank 25,198 25,502 26,307 27,507 31,676 32,686 160.27 168.02
Agribank 25,200 25,502 26,225 27,408 31,448 32,511 160.54 168.04
Eximbank 25,160 25,502 26,287 27,168 31,543 32,559 161.12 166.54
ACB 25,170 25,502 26,309 27,212 31,642 32,598 160.68 167.03
Sacombank 25,180 25,502 26,294 27,267 31,555 32,708 160.81 167.32
Techcombank 25,184 25,502 26,134 27,486 31,274 32,605 157.32 169.76
LPBank 25,190 25,502 26,591 27,484 31,928 32,590 162.28 169.38
DongA Bank 25,230 25,500 26,300 27,150 31,600 32,550 159.20 166.40
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,60
1,60
1,90
2,90
2,90
4,60
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,50
2,70
3,50
3,70
4,40
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,80
2,90
3,20
4,20
4,30
4,90
5,00
Techcombank
0,05
-
-
-
3,10
3,10
3,30
4,40
4,40
4,80
4,80
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
3,00
3,00
3,20
4,20
4,20
5,30
5,60
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,90
3,90
4,10
5,55
5,70
5,80
6,10
Agribank
0,20
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
Eximbank
0,10
0,50
0,50
0,50
3,10
3,30
3,40
4,70
4,30
5,00
5,80

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?