Sau hơn 2 tháng cầm cự, nhiều DN và hộ kinh doanh đang có nguy cơ “hụt hơi”, ngấp nghé bờ vực phá sản bởi tình hình kinh doanh ảm đạm do dịch Covid-19.
Tại Việt Nam, dịch Covid -19 được xác định là nguyên nhân chính gây nên tình trạng sụt giảm doanh thu trầm trọng, thậm chí đe dọa đóng cửa hoạt động của hàng loạt đơn vị lữ hành, DN kinh doanh dịch vụ ăn uống, khách sạn, nhà hàng...
Theo Khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đối với hơn 1.200 DN về ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới hoạt động kinh doanh, nhiều DN cho biết buộc phải cho lao động nghỉ việc hoặc cho người lao động nghỉ không lương, thậm chí tạm dừng kinh doanh.
Các giải pháp trước mắt này, theo Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế khi hàng trăm nghìn người mất việc làm.
Cũng theo khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, nếu dịch Covid-19 kéo dài 6 tháng, 74% DN cho biết sẽ phá sản, chủ yếu do doanh thu không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng... Ngoài ra, gần 30% mất 20-50% doanh thu, 60% DN thậm chí giảm hơn một nửa doanh thu.
Trước tình trạng trên, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Đây được coi là một động thái mạnh mẽ của Chính phủ đáp ứng nhu cầu của DN hiện nay.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng; cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh mà trước hết là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương đề xuất chính sách tín dụng phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà nước, trước hết là gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, chỉ đạo cơ quan thuế, cơ quan hải quan xem xét không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với các DN không có dấu hiệu vi phạm để tạo điều kiện cho DN tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn ngay các đơn vị kinh doanh cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics hàng hải, hàng không, đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt...Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc miễn giảm thuế, không tăng thuế là phương án đáp ứng mong muốn của nhiều DN. Các đề án tăng thuế theo lộ trình cũng cần xem xét kỹ lưỡng.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID19; khẩn trương trình Chính phủ về việc miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID19.