Lãi suất đầu vào xuống thấp
Trước tình hình dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, Thống đốc NHNN mới đây đã có văn bản gửi các đơn vị thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi tắt là TCTD) về triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2020. Thống đốc yêu cầu các TCTD thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN về tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lương thưởng, lợi nhuận để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thực chất đối với các khoản vay hiện hữu và các khoản cho vay mới, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch. Chấp hành đúng quy định của NHNN về lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ.
TCTD tiết giảm chi phí để tạo thêm cơ hội giảm lãi suất cho vay
Ngay sau đó, nhiều ngân hàng đã tiếp tục có động thái giảm thêm lãi suất huy động. Với khối NHTM Nhà nước, Vietcombank đã điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng xuống chỉ còn 3,5%/năm từ mức 3,7%/năm hồi đầu tháng 8. 3,5%/năm cũng là mức lãi suất thấp nhất kỳ hạn 1-2 tháng được BIDV, VietinBank, Agribank áp dụng sau khi điều chỉnh giảm. Với kỳ hạn 3 tháng, 4 NHTMNN cũng giảm từ 4%/năm xuống 3,8%/năm; kỳ hạn 9 tháng giảm từ 4,6%/năm xuống 4,5%/năm; ở các kỳ hạn từ 12-24 tháng, lãi suất của cả 4 ngân hàng trên đều giảm từ 6,5%/năm xuống 6%/năm.
Khối các NHTMCP cũng ghi nhận tiếp tục giảm lãi suất huy động như Techcombank giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2-0,3% với các kỳ hạn dưới 6 tháng và 12 tháng. MSB giảm lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng xuống còn 5,45%/năm; kỳ hạn trên 12 tháng giảm mạnh nhất (0,55 điểm phần trăm) về mức 5,75%/năm. SCB đồng loạt giảm 0,3 điểm phần trăm ở hầu hết kỳ hạn gửi, ngoại trừ kỳ hạn 12-13 tháng… Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng giảm hiện ở mức 0,26%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,35%/năm với kỳ hạn 1 tuần.
Việc các ngân hàng có xu hướng giảm lãi suất huy động thời gian qua theo chuyên gia là điều dễ hiểu trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng thấp do tác động từ dịch Covid-19 khiến khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế giảm, thanh khoản hệ thống vẫn đang dồi dào. Quả vậy, theo NHNN Việt Nam, tính đến ngày 28/7/2020 tín dụng tăng 3,45% so với cuối năm 2019, huy động vốn tăng 5,31%.
Các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán SSI dự báo, từ nay đến cuối năm lãi suất có thể giảm tiếp khoảng 0,5-0,7 điểm % ở kỳ hạn dưới 12 tháng và 0,2-0,3 điểm % ở các kỳ hạn 12 tháng trở lên.
Tăng cơ hội giảm lãi vay
Từ đầu năm đến nay, NHNN đã hai lần giảm lãi suất điều hành (tháng 3 và 5/2020). Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của TCTD có xu hướng giảm so với đầu năm sau khi trần lãi suất huy động và cho vay ngắn hạn cũng được NHNN điều chỉnh giảm. Tính từ tháng 9/2019, trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm 1,5%/năm, hiện đang ở mức 5%/năm, sát với lãi suất huy động ngắn hạn của TCTD thể hiện thông điệp mạnh mẽ của ngành Ngân hàng trong việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn.
Hiện mặt bằng lãi suất cho vay của Việt Nam cũng ở mức trung bình so với các nước có trình độ phát triển tương đồng trong khu vực. Tuy nhiên làn sóng giảm lãi suất huy động vừa diễn ra mới đây sẽ tạo thêm điều kiện để các ngân hàng tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay.
Nói thêm về điểm này, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, dư địa để NHNN có thể can thiệp vào lãi suất, tỷ giá vẫn còn. Theo ông Thịnh, dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng mạnh so với thời gian trước đây, thêm nữa dù lãi suất đã giảm tương đối sâu nhưng vẫn còn dư địa để giảm nếu cần thiết, dù không nhiều. Lạm phát đang duy trì ở mức thấp, cộng thêm tỷ giá ổn định từ đầu năm tới nay cũng là điều kiện để lãi suất có cơ hội giảm thêm.
Một điểm nữa cũng được chuyên gia nhắc tới đó là khi Thống đốc NHNN vừa ban hành Thông tư số 08/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, thời hạn áp dụng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn đã được lùi thêm 1 năm. Cụ thể, từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2021 là 40%; từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022 là 37%; từ ngày 1/10/2022 đến hết 30/9/2023 là 34%; từ ngày 1/10/2023 là 30%.
TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, động thái từ phía cơ quan quản lý đã thêm một nấc nữa gỡ khó cho các NHTM, giúp ổn định mặt bằng lãi suất, các nhà băng theo đó cũng giảm bớt áp lực huy động vốn ở thời điểm khi dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp tác động tới toàn bộ nền kinh tế, ngành nghề, lĩnh vực. Không bị áp lực huy động, các ngân hàng sẽ có thêm cơ hội để giảm lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay, kích thích nhu cầu vay vốn trong nền kinh tế.
Hiện NHNN cũng đang nghiên cứu, tổng hợp ý kiến để tiến tới ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020/TT-NHNN nhằm tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng.
TS. Cấn Văn Lực chia sẻ, chính sách tiền tệ đã phát huy rất hiệu quả thời gian qua đối với DN và nền kinh tế, khi trên thực tế việc giãn, cơ cấu lại nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 của Việt Nam nếu xét theo quy mô GDP đã lớn thứ hai so với nhiều quốc gia trong khu vực. Lấy đơn cử như trường hợp VietinBank, Chủ tịch HĐQT Lê Đức Thọ cho hay, thực hiện Thông tư 01 của NHNN, đến nay VietinBank đã hỗ trợ hạ lãi suất lên tới 2%, trung bình ở mức 0,6%/năm cho gần 9.000 khách hàng với dư nợ lên tới hơn 242 nghìn tỷ đồng; cơ cấu gốc và lãi cho hơn 8,4 nghìn tỷ đồng dư nợ gốc, lãi của gần 1,7 nghìn khách hàng. Vietcombank cũng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 của NHNN với dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ là 11,761 nghìn tỷ đồng; tổng dư nợ được giảm lãi suất cho vay khoảng 200,8 nghìn tỷ đồng…
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường nhằm ổn định thị trường tiền tệ, tạo điều kiện cho các TCTD ổn định, giảm lãi suất. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD giảm lãi suất, góp phần hỗ trợ người dân và DN dần vượt qua khó khăn, nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh.